Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2014

Người Việt hạnh phúc do... biết thân, biết phận?


            * TS. TÔ VĂN TRƯỜNG
Một trong những lý do khiến đôi khi Việt Nam  được xếp hạng cao ở một vài bảng xếp hạng “cảm nhận hạnh phúc”, có lẽ do người Việt cũng “biết thân, biết phận” nên không đòi hỏi, kỳ vọng nhiều.
Tết đến, xuân về làm đất trời và lòng người đều xao xuyến. Đây là lúc người ta có thể bình tâm suy ngẫm về những sự việc đã diễn ra trong cả năm, thậm chí trong cả đời người. Một trong những điều được nghĩ đến nhiều nhất, đó là hai chữ “hạnh phúc”.
Hạnh phúc là niềm vui?
Trong bộ Tam đa “Phúc, Lộc, Thọ” thì ông Phúc tay bế đứa trẻ, bởi theo quan niệm xưa thì “đông con là nhà có phúc”. Nhưng đẻ nhiều mà không nuôi được, hoặc có con cái mà chúng hư đốn, gây họa thì bố mẹ bị người ta chê là “vô phúc”!
Ông Các Mác thì cho rằng "Hạnh phúc là đấu tranh" vì ông tìm thấy niềm vui và đam mê trong đấu tranh. Gần đây, trên tivi, một nhà khoa học nổi tiếng, đã nói một cách thẳng thắn và vui vẻ rằng người hạnh phúc nhất theo ông là “sống khỏe, chết nhanh, không của để dành, nhiều người thương nhớ”! (nhiều người tất nhiên là có “các nàng” rồi đấy)!  
Như vậy, hạnh phúc được nhìn nhận theo quan điểm sống và góc nhìn của mỗi người. Ngay cả khi gặp bất hạnh, người ta vẫn tìm cách an ủi: “Trong cái rủi có cái may”.
Tôi có người bạn làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học, thời gian và tâm trí dành cho công việc chuyên môn còn ít hơn là lo đối phó ‘vật lộn” với các quy định bất cập về tài chính, khi kiểm toán sắp sờ đến đề tài của mình, nên hạnh phúc đối với anh ấy đơn giản là biện luận sao cho thuyết phục để không bị “xuất toán’!  
Tết Giáp Ngọ năm nay hàng trăm ngàn lao động không có thưởng Tết, hơn 10 nghìn lao động vẫn còn bị nợ lương. Nhà nước vẫn còn phải hỗ trợ 12.322 tấn gạo cứu đói cho 16 tỉnh trong cả nước. Phải chăng hạnh phúc đối với phần lớn người dân nghèo đơn giản chỉ là câu chuyện muôn thuở “cơm áo, gạo tiền”!?
Hạnh phúc là một khái niệm rất tương đối. Đơn giản hạnh phúc là niềm vui. Đôi khi chỉ là khi ta nhận nhận một nụ cười, một ánh mắt thông cảm tin yêu, một sự chia sẻ của bạn bè, người thân và đồng nghiệp.
Có nhiều quan niệm khác nhau về hạnh phúc trong cuộc đời. Cách chung, người ta coi hạnh phúc như một cái gì bên ngoài mà mình phải có được: Tiền tài, danh lợi, sức khỏe, sắc đẹp, địa vị, uy thế, quyền lực…
            Hạnh phúc không có mẫu số chung
Nhưng hạnh phúc còn là khái niệm trừu tượng. Nó tùy thuộc vào thời đại văn minh, trình độ sản xuất của cộng đồng dân tộc, lợi ích vật chất và tinh thần mà xã hội đương thời mang lại cho đa số (hơn 70%), mối quan hệ xã hội. Đó là nói về hạnh phúc dân tộc. Từ hạnh phúc dân tộc, có thể “ngộ” được hạnh phúc cá nhân.
Hạnh phúc không có mẫu số chung, nhưng có thể có những yếu tố trùng nhau. Anh có thể nói AQ của Lỗ Tấn là “thằng ngu”, "tự sướng", nhưng anh không thể nói AQ không có hạnh phúc.
Chữ HẠNH PHÚC liền theo tiêu đề ĐỘC LẬP - TỰ DO có nghĩa là nước không bị ngoại bang thôn tính, người dân được hưởng tự do (quyền được nói và quyền mưu cầu hạnh phúc) và các quyền dân chủ khác, trong đó quyền con người là tiêu chuẩn sơ đẳng và căn bản. Có như thế, công dân sống dưới chế độ ấy mới thật sự hạnh phúc.
Độc lập và tự do là 02 khái niệm có giá trị thời đại. Giá trị của hạnh phúc một quốc gia là do dân tộc cảm nhận, nhưng nó phải được quốc tế thừa nhận thì mới có giá trị phổ biến. Tức là phải được cộng hưởng cảm xúc. Có thể ví dụ như AQ ở Trung Quốc hạnh phúc thì chỉ có… Chí Phèo ở Việt Namchia sẻ.
Người Việt chúng ta hiền lành, chất phác, sống nhường nhịn và cam chịu nên hạnh phúc thường là cảm xúc đơn giản, chịu nhiều ảnh hưởng  luân lý gia đình và Phật giáo. Đối với đời sống nông sản lúa nước thì rất phù hợp, nhưng khi đời sống xã hội công nghiệp tăng mạnh, các giá trị cống hiến, dấy thân hay phân thân sẽ vô cùng khác biệt. Quan niệm về hạnh phúc cũng sẽ được con người cảm nhận khác do môi trường và hoàn cảnh sống thay đổi.
Vậy bài toán là làm thế nào để hướng đạo cho tất cả mọi người tìm được vị trí đứng của họ, cảm thấy yên tâm với lời giải của mình và cảm giác tin cậy là hạnh phúc, là bài toán không hề đơn giản cho các nhà lãnh đạo và điều hành.  Công việc làm cân bằng nhau các giá trị văn hóa và kinh tế là một công việc vĩ đại.
Hạnh phúc là một nan đề, nhưng làm gì có hạnh phúc cho toàn thể loài người? Cho dù các nước Bắc Âu có phúc lợi xã hội cao nhất hiện nay, và nếu nói hạnh phúc thì có lẽ chỉ có các dân tộc ở các nước ấy đang có hạnh phúc. Ngay như ở Liên Xô trước đây, tuy có cuộc sống cào bằng, nhưng người dân họ có hạnh phúc không? Khi họ phải nai lưng ra làm để nuôi cả "thế giới cách mạng" mà có ra thành quả? Ngoại trừ tác động để giải phóng họ khỏi chế độ thực dân, nhưng vẫn chưa tìm ra hạnh phúc, mà kéo cả hệ thống XHCN sụp đổ thì là cái giá… quá đắt.
Ba tiêu chí hạnh phúc
Nếu lấy mức độ nhu cầu được đáp ứng làm một thước đo, có thể lấy “tháp nhu cầu của Maslow” thì cơ bản người Việt Nam ta vẫn mưu cầu cái cơ bản nhất mà ta hay gọi là “cơm, áo, gạo, tiền”. Và vẫn đang bị ám ảnh mạnh nhất bởi những cái này, một nỗi ám ảnh rất là Jack Lodon.
Có thể ta đang vẫn đang đặt nặng việc có “cơm ăn, áo mặc” mà chưa đề cao được những tiêu chuẩn sống cao hơn, văn minh hơn, đại loại như là “sống một cách có nhân phẩm”. Một trong những lý do khiến đôi khi Việt Nam  được xếp hạng cao ở một vài bảng xếp hạng “cảm nhận hạnh phúc”, có lẽ do người Việt cũng “biết thân, biết phận” nên không đòi hỏi, kỳ vọng nhiều.
Khái niệm hạnh phúc vốn rất rộng, nói không bao giờ hết, bàn không bao giờ đủ.  Cá nhân con người tự hài lòng với cái mình có, đấy chính là niềm hạnh phúc đơn giản và dễ có nhất.
Còn nhìn rộng ra, hạnh phúc của dân tộc, là một dân tộc được nghĩ điều mình nghĩ, được biết điều muốn biết và được nói điều muốn nói. Hồ Chí Minh đã giải thích "Nước có độc lập mà dân không được tự do thì độc lập ấy phỏng có lợi ích gì?" .
Cho nên tự do cho con người, theo quan điểm của Hồ Chí Minh, là hạnh phúc cao nhất.
Những người lương thiện thường nghĩ rất đơn giản về hạnh phúc, bởi họ chẳng có mong muốn gì nhiều ngoài sự ấm no, xum vầy cho gia đình và sự bình an thịnh vượng cho đất nước. Người Việt vốn cần cù, tốt bụng và hiếu khách nên coi hạnh phúc của người khác, dân tộc khác cũng là hạnh phúc của mình, dân tộc mình.
Nếu có gì người dân làm chưa đúng, chưa tốt  thì cũng đừng vội trách là “dân trí kém” mà trước hết đáng trách là “quan trí”. Còn nhiều nhóm lợi ích đục khoét tài nguyên, ngân quỹ quốc gia, tức là còn nhiều quan tham sâu mọt chưa bị lộ, thì người dân Việt, vốn hiền lành, và quá tốt (như lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng) sẽ còn phải vất vả lắm mới có được niềm hạnh phúc đơn giản, mộc mạc vốn có của nó.
TVT
 
-----------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét