* CHUNG HOÀNG
Công chức 'cắp ô' và câu hỏi vắt từ năm cũ
Trong phiên chất vấn tại kỳ họp QH cuối năm 2013, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) hỏi Thủ tướng "có mong muốn trưng cầu hiền tài từ nguồn nhân lực chất lượng cao quốc tế, trong đó có đội ngũ các nhà khoa học, nhà quản lý là người Việt Nam ở nước ngoài về giúp Chính phủ quản trị đất nước không".
Do không đủ thời gian, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xin khất. Câu trả lời của Thủ tướng đăng trên Cổng TTĐT Chính phủ mới đây như sau: Đảng và Nhà nước luôn có chủ trương trọng dụng người tài năng để tham gia công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bao gồm cả người nước ngoài và người Việt "Hiện có khoảng 4,5 triệu người Việt Nam sinh sống ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều trí thức, chuyên gia được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn cao trong nhiều lĩnh vực", Thủ tướng nêu.
Nghị quyết của Bộ Chính trị và TƯ Đảng đã khẳng định Người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam; có chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, phát huy sự đóng góp của trí thức kiều bào vào công cuộc phát triển đất nước; xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ, nhất là chuyên gia giỏi, đầu ngành, cán bộ trẻ, tài năng; tạo đột phá trong thu hút các chuyên gia, nhà quản lý là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài làm việc và tham gia giảng dạy, nghiên cứu tại Việt Nam.
Nhưng Thủ tướng cũng cho biết, việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao là người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài còn hạn chế. "Chính phủ đang chỉ đạo các bộ ngành chức năng nghiên cứu xây dựng các đề án, đề xuất các cơ chế chính sách phù hợp để thu hút, trọng dụng người tài là người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước", là thông tin Thủ tướng đưa ra.
Thực tế, Thủ tướng cũng phải chờ một câu trả lời khác.
Đó chính là câu trả lời cho một trong những câu hỏi lớn nhất năm 2013:30% công chức cắp ô hay chỉ 1% không hoàn thành nhiệm vụ?
"Trong bộ máy có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phản ánh nhận định của công luận về đội ngũ cán bộ nhà nước trong một cuộc họp cách đây đúng 1 năm. Đồng tình nhận định này, từ giới nghiên cứu chuyên môn đến người dân bình thường đều nhiệt tình hiến kế loại bỏ phần "gánh nặng" này.
Áp lực của hiện tượng 30% cũng khiến các cơ quan nhà nước không thể ngồi yên. Bộ Nội vụ, cơ quan tham mưu số một về công vụ, công chức liên tiếp đề ra các sáng kiến tinh giản biên chế, đổi mới tuyển dụng và bổ nhiệm...
Chất lượng thật của đội ngũ công chức một lần nữa gia tăng áp lực khiến cơ quan tham mưu phải đưa ra giải pháp mới về đánh giá cán bộ. Trong khi đó, một con số chính xác về tỉ lệ công chức “có cũng được không có cũng không sao” đến tận thời điểm này vẫn chưa thể ngã ngũ.
Còn nhớ khoảng giữa năm, Hà Nội đưa ra một chính sách thu hút nhân tài "đột phá" với mức lương gấp 20 lần mức tối thiểu cho những tiến sĩ, trí thức cam kết cống hiến cho bộ máy hành chính thành phố ít nhất 7 năm.
Tràn đầy kỳ vọng nhân tài sẽ vì tình cảm với Thủ đô mà bước lên tấm thảm đã trải, chính sách của Hà Nội vấp phải nhiều nghi ngại từ công chúng lẫn chính các đại biểu dân cử. Trong hơn 10 năm mà Thủ đô chỉ tuyển về khu vực nhà nước được 103 thủ khoa, nhưng nhiều người chỉ pha trà rót nước rồi ra đi, các đại biểu HĐND Hà Nội phản ánh. Câu chuyện cắp ô một lần nữa được đặt ra.
Như vậy, nếu Bộ Nội vụ và các cơ quan chức năng không thể trả lời câu hỏi làm sao để đảm bảo bộ máy công chức chỉ toàn người làm được việc, thì các chính sách thu hút nhân tài của Hà Nội và các tỉnh thành khác sẽ chỉ dừng lại ở những văn bản nghe thì hay nhưng không thể làm được.
Mà nếu thu hút nhân tài ngay trong nước còn nhiều rào cản, vướng mắc như thế thì với ý định tốt đẹp là thu hút nhân tài kiều bào và nước ngoài, cũng khó có thể cung cấp một câu trả lời lạc quan hơn.
* * *
'Chỉ tăng một bộ, tinh giản biên chế thành vô nghĩa'
Nguyên Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn lo lắng khi góp ý cho dự thảo nghị định về tinh giản biên chế, "chỉ cần tăng một bộ là tinh giản biên chế thành vô nghĩa".
Một nghị định mới về tinh giản biên chế sắp được ban hành nhưng các câu hỏi cần trả lời vẫn là cũ.
Ra 100.000, vào bao nhiêu?
Chính sách tinh giản biên chế trước đây [nghị định 132 năm 2007, đã hết hiệu lực năm 2012], chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, thậm chí càng nói giảm thì biên chế càng tăng như nhận định của những người trong ngành nội vụ ngay từ khi tham gia ý kiến bước đầu cho nghị định mới.
Giảm được bao nhiêu người do nghỉ hưu, chuyển công tác, thôi việc, đi học
thì lại tuyển vào bấy nhiêu, thậm chí nhiều hơn, cũng vì năng lực công chức chưa đủ đáp ứng nhu cầu nên phải lấy lượng bù chất như ông Vũ Văn Thái, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế, Bộ Nội vụ, nói, tại một cuộc hội thảo tháng 6/2013.
Dự thảo nghị định mới đưa ra con số cụ thể cho nỗ lực giảm số lượng công chức trong 6 năm tới, nhưng vẫn để ngỏ chuyện tuyển vào, liệu có đi vào lối cũ khi mà các nguy cơ tăng biên chế vẫn còn.
Đó là việc điều chỉnh cơ cấu tổ chức các cơ quan nhà nước, chỉ cần tăng một bộ là tinh giản biên chế thành vô nghĩa, như nguyên Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn phát biểu. Chính phủ đã cam kết từ nay đến hết nhiệm kỳ giữ ổn định bộ máy, nhưng vẫn mở việc bổ sung biên chế cho nhiệm vụ mới hoặc cơ quan mới lập vì cần thiết.
Tính ổn định của bộ máy các địa phương cũng là câu hỏi, vì tốc độ đi thị hóa nhanh thì không tránh đươc nhu cầu chia tách, mà chia tách thì không tránh được gia tăng biên chế.
Đó còn là việc sau khi xác định vị trí việc làm sẽ nảy sinh biên chế do chẻ nhỏ nhiệm vụ, như lo ngại của chính các địa phương khi được phổ biến phương pháp xác định vị trí việc làm. Đó có thể là thực tế ở các cấp cơ sở, nơi đang giải quyết hầu hết các thủ tục hành chính thông thường cho người dân.
Nghị định mới tiếp tục chỉ lo việc ra, để việc vào cho một nghị định, đề án khác?
Giảm người nhà nước, vẫn làm được việc?
Trong khi năng lực của đội ngũ công chức vẫn là vấn đề đau đầu thì việc dự thảo nghị định mới tăng thêm đối tượng tinh giản dựa trên đánh giá chất lượng là một điểm đáng chú ý.
Từ lúc các luật Công chức, Viên chức có quy định hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ sẽ phải ra khỏi đội ngũ, chưa có công chức nào bị rơi vào hoàn cảnh này. Liệu sau khi nghị định mới được ban hành với các tiêu chí mạnh mẽ hơn, sẽ tìm ra được những công chức như vậy?
Vấn đề này cũng được nguyên Bộ trưởng Trần Văn Tuấn nêu. Có thêm nhiều ý kiến khác, Bộ Nội vụ mới đây đã thúc đẩy phương pháp đánh giá cán bộ theo hướng cấp trên đánh giá cấp dưới, không để tập thể đánh giá cá nhân như trước nữa. Nhưng việc này cũng mới khởi động, liệu có kịp đáp ứng mục tiêu đưa ra khỏi bộ máy 100.000 cán bộ đúng thật là cắp ô?
Hơn nữa, sau khi giảm được từng ấy người, là không nhỏ so với 2,8 triệu công chức, viên chức cả nước hiện có, hiệu quả hành chính công vẫn được đảm bảo? Trong khi chính Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn đã cho biết nhiều cơ quan vẫn thiếu người làm được việc, phải làm cả thứ bảy, chủ nhật, đến 7-8 giờ tối.
Tuy nhiên, dự thảo nghị định mới chưa đề cập đến các giải pháp đảm bảo hiệu quả hoạt động sau tinh giản, ví dụ phương án tăng cường xã hội hóa các dịch vụ công, nhà nước bớt ôm đồm, như kiến nghị của ông Vũ Văn Thái.
Một nghị định mới khó bao quát mọi vấn đề đặt ra, nhưng sẽ chỉ có hiệu quả khi trả lời được những câu hỏi cũ này.
* * *
'Không cúi không quỳ' dễ bị tinh giản?
Là một trong nhiều câu chuyện nói mãi mà làm không được bao nhiêu nên dự thảo nghị định mới về tinh giản biên chế của Bộ Nội vụ không tránh khỏi sự nghi ngại của công chúng.
Tuyển vào ồ ạt, giờ tìm cách cho ra
Chia sẻ quyết tâm của Chính phủ trong việc giải quyết tình trạng cồng kềnh của bộ máy, song độc giả VietNamNet thẳng thắn chỉ ra đây là hậu quả của việc kiểm soát thiếu hiệu quả đầu vào.
"Tuyển vào ồ ạt, giờ lại tìm cách cho ra", độc giả Huynh cảm thán. Độc giả này kiến nghị đầu tiên là giải quyết những đối tượng tuyển dụng sai.
Nhiều độc giả khác đưa ví dụ việc chỉ cần một hai người làm, nhưng cứ viện cớ thiếu để nhận thêm gấp đôi gấp ba, từ đó đẻ ra các khâu trung gian, cấp phó, không rõ chức năng, nhiệm vụ, chẳng rõ trách nhiệm, đầu mối... "Giảm được các khâu trung gian này mới gọi là tinh giản", độc giả Thanh Đắc Bình viết.
Để làm được vậy, độc giả Hương Đỗ kiến nghị rà soát tất cả cán bộ từ thời điểm được tuyển vào xem đã đóng góp được gì, có sáng kiến, kinh nghiệm nào hữu ích, để tinh giản đúng chỗ, đúng người.
Chính vì thế độc giả Nguyen Tuan nhận định: Không nhận thêm người mới nữa là được, ai đến tuổi hưu thì nghỉ, không tốn kém kinh phí và cũng không gây mất đoàn kết nội bộ, tiết kiệm thời gian họp hành, tuyển dụng..., đến 2020 có khi giảm được nhiều hơn con số 100.000.
Độc giả Ly Quoc Viet cũng thấy số tiền 8.000 tỷ đồng không hề nhỏ khi được dùng vào việc cho ra vì trước đó đã nhận vào quá tràn lan. Trong khi đó, giảm được số lượng người ăn lương ngân sách thì lương của những người còn lại cũng sẽ được cải thiện.
Bên cạnh đó là thận trọng với việc lập thêm cơ quan mới, chia tách đơn vị hành chính, cùng lúc đẩy mạnh tự hạch toán, xã hội hóa, thì nguy cơ tăng biên chế cũng sẽ được kiểm soát, độc giả góp ý.
Cho nên việc tinh giản biên chế khả thi hay không phụ thuộc nhiều vào cái tâm, cái tầm của những người đứng đầu, lãnh đạo: Nếu thực sự muốn thì sẽ tìm hiểu, tham khảo các nước phát triển, rút kinh nghiệm trong quá khứ, không vụ lợi để kiên quyết thực thi, không để các nhóm lợi ích và cái tôi vị kỷ chi phối, theo độc giả Thien Doan.
"Có vậy mới tinh giản được đúng nghĩa là lược giảm những người không làm được việc, thiếu ý thức và vô tổ chức; giữ lại và nâng niu những người làm được việc, nghiêm túc và tử tế", độc giả này viết.
Lo phát sinh chạy chọt
Nhắc đến chuyện tâm - tầm, không ít độc giả lo sức ép tinh giản biên chế có thể dẫn đến những biểu hiện tiêu cực trong quá trình thực hiện.
"Do hiện tượng bè phái, nhóm lợi ích, nhóm gia đình trong cơ quan hành chính mà không ít cán bộ có trình độ bị bố trí ít việc, việc vớ vẩn hoặc sai chuyên môn... Liệu họ có vì thế mà trở thành đối tượng cho về hưu non?", độc giả TNT băn khoăn.
Độc giả Cố Nhân bi quan hơn khi dự liệu một trận "chạy", trong đó những người có quyền quyết định sẽ "giàu lên".
Độc giả Nguyen Anh lại nghĩ: Nhiều cán bộ, có cả cán bộ lãnh đạo, làm việc không hiệu quả, nhưng đến cuối năm vì nhân viên, tập thể sợ bị trù dập nên họ vẫn là lao động xuất sắc, chiến sĩ thi đua - những người như thế có bao giờ bị tinh giản được.
Nhìn vào thực tế bộ máy, độc giả Laptt lo cho những cán bộ "không có quan hệ tốt", còn độc giả Hoàng Văn lo những người có trình độ, tài giỏi, thẳng thắn, không luồn lách, "không cúi không quỳ" sẽ bị sa thải.
Độc giả Cố Nhân bi quan hơn khi dự liệu một trận "chạy", trong đó những người có quyền quyết định sẽ "giàu lên".
Nếu để tình trạng đó xảy ra, sau tinh giản biên chế số lượng còn lại vẫn không đáp ứng về năng lực, không hoàn thành được nhiệm vụ để rồi lại phải tuyển mới vào nhiều hơn, độc giả Thien Doan cảnh báo về cái vòng luẩn quẩn của bộ máy hành chính.
C.H / VnN
-----------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét