Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2014

Kỳ vọng Năm Ngọ


Đến hẹn lại lên. Mùng 6 tháng Giêng người người lại nô nức đổ về lễ hội đền Sóc - nơi thờ Thánh Gióng, người đã có công đánh đuổi giặc Ân, đem lại thái bình cho đất nước, để tỏ sự thành kính, tri ân. Năm nay là "năm Ngựa”, con vật đã gắn liền với truyền thuyết Phù Đổng Thiên Vương, có lẽ do vậy mà lượng người về dự lễ hội đền Sóc đông hơn.


Ảnh: Q.Minh - D.Thảo

Huyền thoại Thánh Gióng với ngựa thần
Thánh Gióng hay Phù Đổng Thiên Vương là một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Ông là người có công dẹp giặc Ân đem lại thái bình cho đất nước. Truyền thuyết kể rằng: Ông sinh ra tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, thời vua Hùng thứ 6. Mẹ Thánh Gióng sau khi ướm thử vết chân lạ rất to đã mang thai và sinh ra ông. Thánh Gióng là người "trời” đầu thai làm đứa trẻ tuy lên ba mà không biết nói, cười, đi đứng. Khi giặc Ân xâm lược nước ta Thánh Gióng bỗng cất tiếng gọi mẹ nhờ ra mời sứ giả của nhà vua vào bàn chuyện dẹp giặc. Sứ giả vào chú bé nói: "Ông về tâu vua sắm cho ta một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một tấm áo giáp sắt, ta sẽ phá tan lũ giặc này”.
Sau hôm gặp sứ giả, chú bé lớn nhanh như thổi. Cơm ăn mấy cũng không no, áo vừa mặc xong đã căng đứt chỉ. Hai vợ chồng làm ra bao nhiêu cũng không đủ nuôi con. Bà con hàng xóm thấy vậy đều vui lòng gom góp gạo thóc nuôi chú bé, vì ai cũng mong chú giết giặc, cứu nước. Khi sứ giả đem ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt đến, chú bé vùng dậy, vươn vai một cái bỗng biến thành một tráng sĩ mình cao hơn trượng, oai phong lẫm liệt. Tráng sĩ mặc áo giáp, cầm roi nhảy lên mình ngựa. Ngựa phun lửa, phi thẳng đến nơi có giặc, đánh giết hết lớp này đến lớp khác khiến chúng chết như ngả rạ. Bỗng roi sắt gẫy. Tráng sĩ bèn nhổ những cụm tre cạnh đường quật vào giặc. Giặc tan vỡ, đám tàn quân giẫm đạp nhau chạy trốn.
Đuổi đến chân núi Sóc (thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội), một người một ngựa, Thánh Gióng lên đỉnh núi cởi giáp sắt bỏ lại, rồi cả người lẫn ngựa từ từ bay lên trời. Tưởng nhớ công ơn của người anh hùng dân tộc, nhân dân đã lập đền thờ ông trên đỉnh núi Sóc. Nhà vua ghi nhớ công ơn của ông cũng đã cho lập đền thờ ở làng Phù Ðổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Mỗi năm đến tháng tư làng mở hội rất to. 
Người ta kể rằng, những bụi tre đằng ngà ở huyện Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) vì ngựa phun lửa bị cháy mới ngả mầu vàng óng như thế. Còn những vết chân ngựa (trong khắp vùng giáp ranh giữa Hà Nội và Bắc Ninh) nay thành những hồ ao liên tiếp. Người ta còn nói khi ngựa thét lửa, lửa đã thiêu cháy một làng, cho nên làng đó về sau gọi là làng Cháy. Hình tượng Thánh Gióng đã gắn liền với ngựa thần, mang một ý nghĩa cao đẹp cho lòng dũng cảm, kiên trung, bất khuất của dân tộc.


Thành kính, tri ân
Đúng 7h sáng ngày mùng 6 Tết, lễ hội đền Sóc chính thức khai hội. Hàng vạn người đã đổ về đây để mong "năm Ngựa” đến lễ Thánh Gióng sẽ gặp nhiều may mắn. Nhiều người còn hy vọng trong năm mới Giáp Ngọ, đất nước sẽ thực sự bay lên như Thánh Gióng với ngựa thần.
Sau màn múa trống khai hội hết sức đẹp mắt của các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Trung ương, Ban Tổ chức lễ hội đền Sóc đã dâng hương tỏ lòng thành kính đối với vị anh hùng dân tộc Thánh Gióng. Năm nay có một nét khác với mọi năm là BTC lễ hội đã chuẩn bị 500 suất cơm nắm với cà để phát cho bách gia về dự lễ hội. "Chúng tôi chuẩn bị 500 phần cơm nắm với cà tượng trưng cho sự cưu mang đùm bọc của bà con đối với Thánh Gióng trước khi xuất trận...” - ông Nguyễn Nam Nho, Giám đốc Trung tâm Quản lý du lịch di tích đền Sóc cho hay.
Nhận được một suất cơm nắm với cà, chị Lưu Thị Dương (người xứ Kinh Bắc) về dự lễ hội đền Sóc hồ hởi: "Tôi thật may mắn vì đã nhận được suất cơm lễ Thánh Gióng. Dù chỉ là nắm cơm nhỏ với quả cà, nhưng một miếng lộc thánh bằng một gánh lộc trần. Tôi hy vọng trong năm nay sẽ sinh được quý tử cho nhà chồng. Lấy chồng đã 10 năm rồi, mong mỏi mãi nhưng tôi vẫn chưa có được mụn con nào dù đã đi cầu khấn khắp nơi. Năm nay nhận được lộc thánh chắc là sẽ được toại nguyện...”.
Khác với chị Dương, anh Nguyễn Văn Minh đã lặn lội hàng trăm cây số từ Yên Bái về dự lễ hội đền Sóc để cầu may mắn, hanh thông cho công việc làm ăn của mình. Anh cho biết: Vài năm trở lại đây xưởng mộc do anh làm chủ làm ăn không được suôn sẻ, khách đến đặt hàng vắng hẳn so với những năm trước. "Một, hai năm qua công việc làm ăn của tôi không được hanh thông lắm, một phần do kinh tế suy thoái, nhưng có lẽ cũng một phần chưa được lộc thánh. Có những thời điểm tôi tưởng đã phải đóng cửa xưởng do không đủ kinh phí để trả lương cho công nhân. Năm nay là năm Giáp Ngọ, xuống lễ Thánh Gióng lại nhận được lộc của ngài thì năm nay chắc chắn công việc làm ăn của tôi sẽ phát đạt...” - anh Minh tâm sự.

Nhộn nhịp nhưng không "bát nháo”
Trái ngược hẳn với hình dung lúc đầu về cảnh chen lấn xô đẩy, ùn tắc tại các lễ hội, nhất là các lễ hội nổi tiếng, chúng tôi hết sức bất ngờ khi có thể chạy thẳng xe vào đến trụ sở của Ban Quản lý di tích đền Sóc, dù có hàng vạn người đổ về trảy hội ngày mùng 6 Tết. Trên đường dẫn vào đền Sóc, hai bên đường từng dãy hàng quán được quy hoạch một cách ngăn nắp, trật tự. Người mua, kẻ bán tíu tít nhưng tuyệt nhiên không xảy ra hiện tượng ùn tắc, bon chen như những lễ hội khác.
Điều đáng mừng là những gian hàng dịch vụ có sử dụng âm thanh bằng loa đã được Ban Quản lý di tích đền Sóc "mời” ra xa hẳn khu nội tự để tránh gây ô nhiễm tiếng ồn. "Tôi rất hay đi lễ chùa và tham quan những danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử, văn hóa. Năm nay lần đầu tiên về dự lễ hội đền Sóc, tôi thấy không khí nhộn nhịp nhưng lại hết sức trật tự, văn minh, hơn hẳn những nơi tôi từng đến. Đơn cử như khi vào đền đã không bị những tạp âm hỗn loạn bên ngoài làm phân tâm, có thể toàn tâm toàn ý bái Phật...” - bà An Thị Nhiễu (người Hưng Yên) tâm sự.
Mặc dù mùng 6 Tết mới chính thức khai hội, nhưng do là "năm đẹp” nên từ ngày mùng 2 người dân đã đổ về lễ Thánh Gióng khá đông. Tuy nhiên việc giắt tiền lẻ vào tay tượng, mồm tượng, gốc cây... không xảy ra như một số lễ hội khác. Tình hình an ninh trật tự vẫn được đảm bảo. Thông tin từ Công an huyện Sóc Sơn cho biết: Tính từ ngày người dân về lễ Thánh Gióng đông là mùng 2 Tết cho đến nay chưa xảy ra bất cứ vụ cướp, cướp giật hay trộm cắp lớn nào đối với những người về dự lễ hội đền Sóc. "Sở dĩ có được sự an toàn trên là do chúng tôi đã lường trước và có kế hoạch tổ chức lễ hội hết sức chi tiết, cụ thể khi tổ chức lễ hội. Chỉ riêng lực lượng công an đã có 220 cán bộ, chiến sĩ tham gia túc trực, đảm bảo an toàn cho lễ hội...” - Giám đốc Công an huyện Sóc Sơn Nguyễn Nam Nho cho hay.
Năm Giáp Ngọ - năm con ngựa được một số chuyên gia thần học, chiêm tinh học... dự báo là một năm vận khí tốt, hưng vượng cho đất nước. Gắn liền với truyền thuyết Thánh Gióng và ngựa thần, chúng ta tin tưởng rằng, trong năm 2014 này, mọi người, mọi nhà, toàn xã hội và đất nước ta sẽ có một năm đầy may mắn và thịnh vượng.
Lê Anh Đức ( ĐĐK)
-----------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét