Thứ Ba, 4 tháng 2, 2014

KHỔ NHẤT LÀ KHI TA…ĐỊNH HƯỚNG SAI


                     * TS. TÔ VĂN TRƯỜNG
Đó là câu trả lời của Thánh Anthony khi Ngài trả lời câu hỏi của một người mù: “Trí tuệ mẫn tiệp như ngài có phải chịu khổ điều gì không?”. Ngài chỉ thọ được 36 tuổi, nhưng xem ra, câu trả lời của vị thánh nổi tiếng của Thiên chúa giáo vẫn còn linh nghiệm đến muôn đời.
Đất nước ta có vị trí địa chính trị rất đặc biệt, chịu tác động rất sớm ảnh hưởng của  Ấn Độ và Trung Quốc cũng như tiếp xúc sớm với các nước phương Tây như Hà Lan, Pháp, Mỹ. Tuy nhiên, dân tộc Việt Nam có đặc thù đậm nét mang bản sắc dân tộc đó là “tam vị nhất thể”  gồm có: Nhà (từng gia đình);  Làng  (đơn vị cơ sở) và Nước (cả dân tộc). Tất cả tam vị này hòa quyện làm một, tạo thành hồn nước. Người yêu nước, nhất là ở cương vị lãnh đạo càng cần phải biết làm cho  cuộc sống bản thân trong… tam vị nhất thể. 
Nhìn chung, trên thế giới, một trong các yếu tố thành công nhất để đất nước phát triển là nhờ có người đứng đầu là bậc hiền tài, giầu tài năng và đức độ, có tổ chức và cơ chế thuận lợi để phát huy hết tài năng và đức độ làm giầu, làm đẹp, giữ vững và mở mang đất nước, có định hướng đúng đắn phát triển bền vững của đất nước.
Lịch sử nước VN cũng không thiếu những bậc minh quân đã được ghi danh hiển hách với non sông đất nước. Tuy nhiên, nếu đặt câu hỏi,  nước ta vì sao đến giờ này vẫn còn định hướng đi lên CNXH và vài thập niên gần đây có không, những bậc “anh tài” trong thiên hạ, khiến dân chúng “tâm phục, khẩu phục”, liệu có những câu trả lời?. Chí ít, có không những quan chức, lãnh đạo được dân nể, dân trọng, dân tin?.
Chỉ riêng trong lĩnh vực chính sách thôi, người ta đã thống kê vài năm trở lại đây, hàng loạt văn bản luật của các cơ quan quản lý nhà nước, thường gặp phải phản ứng mạnh của dư luận do tính thiếu khả thi trong thực tiễn. Hoặc không ít những phát ngôn của các quan chức, bộc lộ tính ngô nghê, hời hợt, thậm chí xa lạ với đời sống dân chúng. Nguyên nhân chủ yếu của vấn nạn này là do bất cập của cơ chế tuyển chọn nhân sự và nguyên tắc " tập trung dân chủ" bao trùm lên xã hội ta đã gây nên.
Chúng ta đang sống trong cái xã hội mà quốc nạn tham nhũng, nhóm lợi ích, sự vô cảm, thói quan liêu, xa rời cuộc sống của nhân dân nó quá “quen thuộc”, nên gần như trở thành phải chấp nhận mà sống. Những người tâm huyết luôn trăn trở với vận nước thường hay bị sốc, và đau đớn, vì những gì mình chứng kiến, theo thời gian cũng bình thản hơn rất nhiều. Vì hiểu đó là quy luật tất yếu của một đời sống "chính trị hóa" nặng nề toàn bộ đời sống xã hội theo kiểu áp đặt.  Giờ là lúc nó bộc lộ hết những hệ lụy của một chủ ý, một học thuyết ấu trĩ, một ý thức hệ tư tưởng ngộ nhận mà cứ tưởng ta là thầy thiên hạ.
Với sự phát triển của công nghệ thông tin, dân trí xã hội ngày càng được nâng cao, càng đòi hỏi tầng lớp lãnh đạo nâng cao trình độ, có tư duy sáng suốt và có trách nhiệm trước công chúng, khi phát ngôn trước báo chí, khi huấn thị, hoặc phát biểu trước các phương tiện thông tin đại chúng. Họ cần rất thận trọng, chuẩn bị chu đáo khi gửi đi thông điệp.
Người dân cứ tưởng câu chuyện lãnh đạo đi các địa phương thường chỉ đọc bài soạn sẵn và điệp khúc chán phèo “nuôi con gì, trồng cây gì” đã trở thành dĩ vãng. Thì cách đây ít lâu, cả một bộ sậu rất bề thế đi làm việc ở Sơn La, phát biểu trước truyền hình ý kiến “chỉ đạo”, đã cho những câu vàng ngọc, đại ý: “Tôi đi thăm Điện Biên thấy họ làm thế này, cho dân đóng góp vào việc xây dựng công trình này, thế là nhà nước và nhân dân cùng làm, làm như thế là tốt đấy, Sơn La nên học tập cũng làm như thế là tốt đấy!” vv…  Nghe xong,  mà buồn miên man. Mình đã ngồi đáy giếng đến mức ấy rồi, lại còn bảo đứa kia cũng ngồi đáy giếng phải làm giống con ếch ở… cái giếng bên cạnh!
Chúng ta có biết bao nhiêu chuyên gia tâm huyết, những điều họ chỉ ra đã không được ai nghe, thậm chí còn bị trù dập. Nhiều người, biết nhiều về hiện tình đất nước, họ cũng biết nhiều về thế giới, nhưng họ khác những vị quan chức đang lãnh đạo ở chỗ, họ biết phải trau dồi bản thân, họ biết phải học hỏi, phải tích lũy vốn sống và nhận thức, họ biết tiếp cận với kiến thức chung của nhân loại, họ thiết tha với dân và họ biết lắng nghe và họ biết là họ đang nói gì.
Ngược lại, có những quan chức đang ở vị trí dạy bảo thiên hạ lại không biết nghe, nói về định hướng cho cả dân tộc mà không nghĩ đến hậu quả nhãn tiền, nói mà không biết điều mình nói có ý nghĩa gì cho ai hay không, toàn nói “dông dài” như là để câu giờ khi phải đứng trên cái bục phát biểu.  Điều này, có một hệ lụy nữa là có những vị đang ấn con cái và bồ bịch vào những vị trí như thế. Vì họ thấy làm “cha thiên hạ” không phải là khó, nói nhăng nói cuội thế nào cũng xong. Con cái nhà nào đang làm gì, bồ những ai đang ở đâu, thiên hạ biết cả, được vạch mặt chỉ tên hết cả, nhưng họ vẫn thản nhiên “làm duyên”  trước xã hội, và vẫn cứ tiếp tục “dấn thân”  và thăng tiến.
Nhân nói về tư duy làm chính sách và định hướng của lãnh đạo, người dân có thiện cảm, ấn tượng nhất với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh vì dám công khai nói thẳng, nói thật những suy nghĩ tâm huyết của mình trong bài báo nói về “lấy đá ghè vào chân mình” kể cả lúc phát biểu thảo luận ở Quốc hội. Ông Vinh tự tin kỳ họp của Quốc hội lần sau sẽ thông qua luật đầu tư công, được nhiều người chia sẻ, tán thưởng.
Chia sẻ với Bộ trưởng Bùi Quang Vinh về đầu tư công chính là mảnh đất màu mỡ của lãng phí, tham nhũng ở nước ta, tuy nhiên, ông Vinh phải thuyết trình với Quốc hội nó khác gì luật ngân sách mà đầu tư công lại là một bộ phận quan trọng? Luật ngân sách đã có mà không thực hiện nghiêm chỉnh thì bầy ra luật đầu tư  công để làm gì?
Thí dụ ở Mỹ, tiền công quĩ (public funds) của liên bang, tiểu bang, thành phố vv…là tài chính công thì chỉ được đầu tư dưới dạng bỏ tiền vào ngân hàng,  được quĩ bảo hiểm Liên bang bảo hiểm, mua trái phiếu công chứ không được đầu tư vào trái phiếu, cổ phiếu tư nhân.  Còn đầu tư vào hạ tầng cơ sở hay công sở  thì phải do bên hành pháp thực hiện với sự đồng ý của Hội đồng nhân dân quyết định. 
Lập luận của ông Bộ trưởng Bùi Quang Vinh về luật đầu tư công dễ tạo ra ảo tưởng bởi vì vấn đề cơ bản ở Việt Nam là:
Thứ nhất: Không phân biệt rõ ràng ngân sách giữa địa phương và trung ương, do vậy mới có chuyện địa phương quyết định đầu tư vào làm đường xá mà không có tiền, rồi lại cầu xin trung ương cho tiền trả. Cần nhớ rằng về nguyên tắc, anh chỉ được thu theo luật cho phép, và chi theo qui định của cơ quan chính quyền liên quan quyết định, không thể chi cái mình không có.
Thứ hai: Đầu tư mà không thật sự cần sự đồng ý của các cơ quan đại diện nhân dân như Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Điển hình là sự tự tung, tự tác của Chính phủ, hàng  năm  chi tiêu vượt quá ngân sách Quốc hội cho phép từ  30-60%. Quyết định của Quốc hội như thế khác gì tờ giấy lộn.  
Thứ ba: Các doanh nghiệp nhà nước là độc lập với ngân sách, không thể được quyền giữ lại thuế phải đóng về tự đầu tư và cũng không thể hàng năm nhận tiền từ ngân sách để đầu tư. Anh tăng vốn đầu tư thì anh phải bán trái phiếu công ty  trên thị trường và phải chịu sự đánh giá trước khi được phép bán. Một doanh nghiệp nhà nước cũng không thể tự tung,  tự tác lập các công ty con như hiện nay vv... 
Thật ra, luật đầu tư công là thừa vì nước ta không thiếu luật chứ không phải vì một luật như thế là sai. Song vì cái cơ chế hiện hành, nên luật thừa mà vẫn thiếu luật. Cái sai của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh không phải ở chỗ ông đề xuất luật đầu tư công, mà ở chỗ trong cơ chế của hệ thống chính trị hiện tại, có đề ra bao nhiêu luật mới nữa cũng không đủ, vì nó thiếu hẳn một cơ chế cưỡng bách thi hành luật. Hiến pháp còn phải đặt dưới cương lĩnh của đảng cầm quyền (thực ra là đảng nắm quyền) thì còn luật nào được thực thi theo đúng nghĩa của nó?  
Chúng ta đang sống trong “thời loạn”. Xã hội chúng ta đang mất kiểm soát. Thế hệ đang lớn lên không có chỗ dựa về mặt niềm tin và mất phương hướng. Chúng ta làm băng hoại vị thế của “văn hóa chân- thiện mỹ” trong xã hội, làm người lương thiện luôn sống cảm thấy bất an, bất ổn, nhưng cũng không ít kẻ không biết sợ “lẽ phải”, không biết sợ đạo lý, không cần những giá trị chuẩn mực, và không sợ bị trừng phạt, bởi họ coi thường mọi thang bậc giá trị. Gia đình thì lỏng lẻo, giáo dục kém, xã hội không có chỗ dựa nên sự tử tế bị xói mòn và hiếm hoi, cái ác ngự trị, cái thiện bị coi là ngu, là dại.
Đạo đức xã hội phải dựa trên rất nhiều nền tảng của xã hội văn minh đó là truyền thống về mọi mặt cả về tư duy triết học, nghệ thuật, văn hóa, lịch sử, tôn giáo và rất nhiều phương diện khác nữa. Trong khi đó, chúng ta gói hết lại dồn vào mớ lý thuyết suông về đạo đức XHCN, nên chúng ta mới phải chứng kiến cái mớ hổ lốn gọi là xã hội thời nay.
Để kết luận bài viết này, xin mượn lời của bà Merkel Thủ tướng Đức người từng sống dưới chế độ Xã hội chủ nghĩa đã có nhận định chua chát về tính trung thực và dối trá trong cái xã hội này đại ý: " Nếu không có thần kinh vững thì sẽ phát điên vì đi đâu cũng gặp sự giả dối".
Việt Namcũng không khác lắm khi vẫn đi theo lối mòn mà  ngay cả người dẫn dắt đã phải công khai thừa nhận con đường chúng ta đang đi " đến cuối thế kỷ này không biết đã hoàn thiện chưa”? Thật cay đắng. Chợt nhớ tới đối thoại giữa một người mù hỏi thánh Anthony: "Có thể còn điều nào khổ hơn là bị mù không?” . Ông thánh trả lời: "Có, đó chính là lúc ngươi mất phương hướng!"
Người mù suy ngẫm một lúc rồi hỏi lại thánh Anthony: “Trí tuệ mẫn tiệp như ngài có phải chịu khổ điều gì không?”.
Đáp: “Nhiều chứ. Đó là những lúc ta định hướng sai!”.
T.V.T
(Tác giả gửi bài đầu năm mới đến BVB)
------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét