Thứ Ba, 8 tháng 4, 2014

VẼ LẠI CHÂN DUNG CỤ TỔ

 
  *  Ghi chép - MINH TÂM
             Tiết thanh minh năm ngoái, sau khi đi tảo mộ, cả họ tập trung về nhà từ đường tế lễ rồi ăn cỗ. Mới hai ba tuần rượu, thì từ mâm dưới, một thanh niên đứng lên nói dõng dạc:
           - Thưa các cụ,các ông, các bà !  Cháu xin có một đề nghị  ạ!
Mọi người đang ăn uống bỗng dừng cả lại. Tiếng chống đũa, đặt bát xuống mâm rào rào. Bao nhiêu  cặp mắt  đổ dồn về phía  người  thanh niên cao lớn khoảng  ngoài   ba  chục tuổi,  mặc  quần Jean ,  áo thun  , mặt đầy đặn  , đôi mắt sáng, nhìn có vẻ thông minh .
            Bác cả  Quyền hỏi người ngồi bên cạnh:
            - Con cháu nhà ai thế?
             Người ngồi bên cạnh khum hai  bàn tay làm loa , kề sát  vào tai bác  cả Quyền nói nhỏ:
            - Dạ, nó là thằng  Tuất, con  ông  Khán  Nhãn, cháu cụ  Nhỡn xóm Dè!
            - Nó làm công tác gì?
            - Dạ, đi  xuất khẩu lao động  về ,  vào Namlàm ăn, lấy vợ con trong đó.
            Bác cả Quyền nhìn người thanh niên từ đầu đến chân , rổi dõng dạc hỏi :
            - Cháu Tuất có kiến nghị gì , cứ nói!
            Tuất quay lên mâm trên , chắp hai  tay  vái  một vái, rồi từ tốn  nói:
            - Dạ, cháu đề nghị  họ  ta vẽ lại bức chân dung cụ Tổ ạ!
            Khuôn mặt  bác  cả Quyền bỗng dài ra  như trái mướp  và  hưng hửng đỏ. Bác  dằn giọng:
           - Anh  nói gì ?
           Tuất  tưởng bác  cả Quyền  không nghe rõ,   bước lên  vài bước, nói rành mạch từng lời:
           - Dạ thưa ông cả! Cháu -đề- nghi- họ-ta-vẽ -lại -bức- chân- dung- cụ -Tổ ạ!
           - Láo!
           Bác cả Quyền  giẫy nảy như đĩa phải vôi, khuôn mặt  mướp tái mét như  mào gà bị cắt tiết. Tuất không  để ý, vẫn nói tiếp:
           - Và sửa lại tiểu sử cụ trong gia phả ạ!
           - Câm miệng lại!
           Bác cả Quyền  ném  đôi đũa xuống mâm , chỉ tay vào mặt Tuất :
           - Thằng ranh kia , tại sao mày dám  xúc phạm tổ tiên như vậy hả ? Ai cho phép mày vẽ lại chân dung cụ Tổ? Ai cho phép mày viết lại tiểu sử cụ?
            Như có cục nam châm  hút tất cả các cặp mắt  vào bức chân dung cụ Tổ trong khung gỗ sơn son thiếp vàng trên bàn thờ.  Cụ mặc áo the , ngực đeo thẻ  ngà, huân chương, đầu đội khăn xếp ,chân đi hài . Một tay cụ đặt lên   thành ghế  chạm đầu rồng , một tay đặt trên mặt bàn khảm trai  cạnh   chồng sách  và  ống bút nghiên mực.  Khuôn mặt cụ vuông vức,  vừng trán cao , đôi mắt sáng,  hai đường pháp quyền  mở  rộng .  Nhìn cụ như một trí giả, một quan trường  đĩnh độ oai  nghiêm.
               Một người đứng lên hỏi Tuất:
               - Bức chân dung cụ Tổ đẹp thế kia tại  sao phải vẽ lại?
               Tuất  phô hàm răng  hô  vàng khói thuốc lá :
               - Ông tổ họ ta  mồ côi cha mẹ, lúc nhỏ phải ra chợ xách điếu  xin ăn,  lớn lên làm  nghề đóng cối xay lúa , vác dùi đục đi kiếm cơm thiên hạ, có được học hành đâu mà ngồi trước  sách vở nghiên bút như một nhà trí thức thế kia?  Cụ suốt đời là dân đen  có được làm quan ngày nào mà đeo thẻ bài ngà? Có tham gia kháng chiến ngày nào mà đeo huân chương?
              - Câm miệng lại! Bác cả Quyền quát.
              Tuất vẫn nói:
              - Cụ đông con, rất nghèo , bốn  chục tuổi  còn  phải đi đóng cối thuê ,  làm gì có áo the, khăn nhiễu  ngồi trên ngai vàng như vua chúa ?
              Mấy vị chức sắc trong họ nhao nhao phản đối Tuất, người bảo hắn say, người bảo thằng khùng phá đám. Nhưng trong đám đông cũng có  người bảo Tuất nói đúng.
              Bác cả Quyền nghe tức lắm. Bác vung tay ném ly rượu thẳng  vào mặt Tuất.  Tuất   né  được , chiếc ly  đập vào tường  đánh choang .   Tuấn  tỉnh bơ,  nói tiếp:
            - Cụ tổ cũng phạm nhiều lỗi lầm , không đạo đức như ghi trong gia phả...
            Bác cả Quyền đập bàn ra lệnh:
            - Tống cổ thằng bố láo khỏi  từ đường cho tao!
             Đám con cháu bác cả  ào ào đứng lên lao về phía Tuất. Mâm bát đổ vỡ loảng xoảng. Tuất bị  túm gáy đẩy ra khỏi nhà từ đường.
            Tiệc rượu  lại tiếp tục . Người ngồi bên cạnh bác  cả Quyền  gắp miếng giò nạc bỏ vào bát  và  rót đầy ly rượu  mời  bác. Rồi nói lấy lòng :
             - Thằng con Khán  Nhãn đúng  là  bố láo !
             Mấy ngưởi ngồi cạnh vào hùa chửi  Tuất.  Tiếng bàn tán  nhao nhao  các mâm rượu.  Người bảo “thằng  Tuất  uống mật gấu mó dái nghựa” ,người bảo “ Chuyến này  cả  Quyền đeo mo vào mặt”.
              Bác cả  Quyền uống hết ly này đến ly khác. Càng uống khuôn mặt trái mướp càng nhão ra xám ngoét, hai con mắt lờ đờ như mắt cá mè chết.
             Qủa thật chưa bao giờ  bác  bị sốc nặng như hôm nay.  Từng làm cán bộ lãnh đạo , nói một nhời thiên hạ nghe răm rắp, thế mà  lại  bị một thằng cháu trong  họ ngang bướng cãi lại.   Lần đầu tiên trong đời, bác  cảm thấy quyền lực thiêng liêng của mình bị xúc phạm.  Hơn bảy chục tuổi , là người kế thừa chức trưởng họ , bác  thừa biết bức  chân dung truyền thần cụ Tổ và  những lời ca ngợi cụ ghi trong gia phả  không trung  thực , mà do bố  mình và các bậc đàn anh  trong họ  ngụy tạo.   Chính bác   cũng  vẽ  thêm  tấm huân chương  kháng chiến vào cạnh  chiếc thẻ  bài, và  ghi  vào gia phả công lao chống Pháp của cụ Tổ  để làm làm “ đẹp” thêm trang lý lịch của bản thân mình khi ứng cử vào tỉnh ủy viên ba chục năm trước.  Thời gian , thời thế , quyền lực bôi xóa lịch sử , đã nghiễm nhiên  biến sự  ngụy tạo  đó  thành  hiện thực  và  đúc nên  khuôn mẫu vô hình để  ép   cháu  con trong dòng họ vào khuôn phép.  Để  luồng gió trung thực thổi  vào , sẽ  lung lay cái xác tín  ngụy tạo và phá vỡ cái khuôn mẫu bảo thủ  đó ,  thì  sụp đổ tất cả .
              Bác  cả  Quyền và những  chức sắc trong họ đã  che chắn , bao bọc rất kỹ lưỡng.  Bác  đinh ninh   ít nhất khi mình còn sống chuyện ấy không  sảy ra.   Nào  ngờ thằng Tuất đã  xé toang cái vỏ bọc giả dối  giữa ngày  giỗ tổ.
              Bác cả Quyền nói với các vị đứng đầu các chi trong họ:
              - Phải bịt lại bằng mọi giá!
              Những cái đầu hói nhẵn bóng chụm lại gật gù.  Ngay hôm sau một cuộc họp  được tổ chức tại nhà từ đường và Tuất được gọi tới.
               Bác  cả Quyền  xuống giọng  xoa dịu :
              - Nhìn mặt anh  âm chất nhục mãn, phúc trọng tâm linh, chính diện cốt khai,  bộ vị đầy đặn, sáng sủa , là người được hưởng phúc dày của tổ tiên .
               Tuất nói:
               - Vâng, cháu không quên điều đó!
               - Thế  tại sao  anh xúc phạm  cụ Tổ?
              Tuất cãi:
               - Ông nói sai. Cháu đâu dám xúc phạm cụ Tổ?
               - Mày đòi vẽ lại chân dung cụ mà bảo không xúc phạm à?
              Cũng như hôm qua , cách xưng hô của bác cả Quyền thay đổi như lật bàn tay, câu trước   gọi Tuất bằng cháu,bằng anh ngọt xớt  câu sau gọi thằng . Những cái  lưỡi của bề trên  thường cho mình cái quyền lắt léo!
             Tuất  không muốn  tranh luận với  bác cả Quyền và những  vị vai vế trong họ. Trước những cặp mắt bề trên ấy , anh chỉ là một thằng ranh, nói gì cũng vô ích.  Tuất  mở  chiếc  cặp  mang theo ,  lấy  ra một  cuốn gia phả  đã ố vàng  để lên bàn  trước mặt bác cả Quyền và mọi người.  Tuất lật mở cuốn gia phả, nói :
             - Đây mới là chân dung cụ Tổ!
              Mọi người trố mắt nhìn . Ngay trên trang nhất  vẽ  một người nông dân mặt xương , mắt sâu,  miệng vẩu , mặc áo nâu, đầu đội khăn mỏ rìu , tay cầm dùi đục ngồi bên  cối xay lúa. Bức chân dung vẽ bằng bút lông, mực tàu trên giấy bản , rất đơn sơ mộc mạc nhưng nhìn rất có hồn.
             Bác cả Quyền há hốc miệng ra , người run bắn lên, hai mắt trợn ngược như bị trúng gió. Bác  nhận  ngay ra cuốn gia phả  hơn 60 năm trước bố mình  đưa cho người thợ vẽ truyền thần trên phố huyện tham khảo để vẽ lại chân dung cụ Tổ.  Tại  sao bây giờ nó lại nằm trong tay thằng Tuất?  Bác  cả  Quyền ấp úng hỏi:
              - Anh lấy cuốn gia phả này ở đâu?
              Tuất  nói:
              - Ngày ấy  cụ  ông  và  mấy  vị  chức quyền  trong họ  không muốn  thừa nhận cụ Tổ làm nghề đóng cối xay nghèo hèn, vô học,  nên  bắt người  thợ truyền thần vẽ  lại chân dung  và viết lại tiểu sử cụ Tổ theo ý mình.  Họ bảo người thợ truyền thần đốt cuốn gia phả này đi. Ông nội  cháu  biết, đã  xin người thợ vẽ mang về cất dấu...
              Những trang gia phả được mở ra , sự thật phơi bày trước những cặp mắt  vui buồn  lẫn lộn. 
              Sau một lúc  suy nghĩ, bác cả Quyền nói với Tuất:
             - Mấy chục năm nay hình ảnh cụ Tổ trên bàn thờ kia đã ăn sâu vào tâm trí con cháu trong họ rồi, dù thế nảo cũng không thay đổi được. 
              Bác cả Quyền và các vị đứng đầu dòng họ thuyết phục Tuất đốt cuốn gia phả cũ. Nói mãi  Tuất không nghe. Họ đe  đuổi Tuất ra khỏi dòng họ. Tuất nói:
-Các ông đã biết bức chân dung trên bàn thờ kia không phải chân dung cụ Tổ, những trang tiểu  sử trong  gia phả không phải là tiểu sử của cụ Tổ  mà vẫn  bắt con cháu thờ cúng là có tội . Bắt con cháu tin sự dối trá là tội không thể tha thứ. Bây giờ các ông không vẽ lại chân dung cụ Tổ , viết lại tiểu sừ cụ , thì  mai kia  con cháu sẽ vẽ lại, viết lại.  Sự giả dối dứt khoát không thể được tôn vinh.
M T
(Tác giả gửi BVB)
--------------- 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét