Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

Thuê TQ giúp nông dân Việt:'Trâu, bò chê không chỉ...dưa hấu!'

Thực phẩm Trung Quốc đang bị tẩy chay trên khắp thế giới nếu phát triển thị trường kiểu Trung Quốc thì tương lai sẽ rất khó cho nông dân Việt Nam.
TS Alan Phan - chuyên gia kinh tế nêu quan điểm trước thực trạng sản xuất nông nghiệp của Việt Nam và biện pháp mà Bộ Công thương đã tính đến là dành kinh phí xúc tiến thương mại quốc gia để thuê các nhà tư vấn nằm tại Trung Quốc hoặc của Trung Quốc nghiên cứu để đưa ra cho Việt Nam những tư vấn phương hướng thâm nhập thị trường.
PV: - Liên quan đến vấn đề tiêu thụ nông sản gặp khó khăn thời gian vừa qua, Bộ Công thương thừa nhận việc nghiên cứu thị trường còn hạn chế. Ngoài ra, Bộ cũng cho biết, một trong những biện pháp Bộ đang tính đến là sẽ dành kinh phí xúc tiến thương mại quốc gia để thuê các nhà tư vấn nằm tại Trung Quốc hoặc của Trung Quốc nghiên cứu để đưa ra cho Việt Nam những tư vấn phương hướng thâm nhập thị trường. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? Biện pháp này theo ông có khả thi hay không, điểm hạn chế, tích cực là gì?
TS Alan Phan: - Hai điều quan trọng nhất cần ở nhà tư vấn là kiến thức và kinh nghiệm của họ có phù hợp với dự án mình định làm. Nói chung, Trung Quốc có sức mạnh về xuất khẩu sản phẩm công nghiệp nhưng phần lớn họ vẫn phải nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ Úc. Kinh nghiệm xuất khẩu nông nghiệp của họ thường nhắm vào hàng giá rẻ và những thị trường yếu kém như Việt Namvà các nước đang mở mang.
Tệ nhất là hàng thực phẩm Trung Quốc đang bị tẩy chay trên khắp thế giới vì các phụ phẩm độc hại. Nếu mình muốn phát triển thị trường nông nghiệp kiểu Trung Quốc thì tương lai sẽ rất đen tối cho nông dân Việt Nam.
PV: - Từ trước đến nay, thương lái Trung Quốc vào Việt Nam thu mua nhiều loại nông sản lạ, với mục đích không rõ ràng, với các loại nông, thủy sản cũng có những dấu hiệu cho thấy, Trung Quốc đang khống chế thị trường Việt Nam. Nếu việc thuê chuyên gia Trung Quốc được thực hiện thì quan ngại Trung Quốc cầm đằng chuôi việc sản xuất, tiêu thụ nông sản của Việt Namcó cơ sở hay không, thưa ông?
TS Alan Phan: - Mục tiêu của Trung Quốc hay bất cứ quốc gia nào đều là khống chế và tăng thị phần cho hàng hóa xứ mình. Tuy nhiên, Trung Quốc nổi danh về các thủ thuật kinh doanh ma giáo. Nếu Việt Namtheo học các trò này thì mọi mục tiêu dài hạn về sự chất lượng và bền vững cho nông nghiệp Việt Namsẽ “cuốn theo chiều gió”.
PV: - Mới đây, câu chuyện giá xoài, dưa của Nhật Bản được bán với giá cao, thậm chí lên đến hàng chục nghìn USD/kg khi so sánh với mức giá dưa hấu 1.000-1.500 đồng/kg của Việt Nam. Liệu có thể lý giải sự thành công của Nhật Bản như thế nào: từ khâu giống, chăm sóc cho tới công nghệ sau thu hoạch và vấn đề truyền thông cho nông sản? Soi chiếu lại trường hợp của Việt Nam, có thể lý giải chuyện “trâu bò chê dưa hấu”, “càng được mùa càng mất giá” ra sao?
TS Alan Phan: - Chính sách phát triển nông nghiệp của Nhật Bản là 100% ngược lại với cách làm của Trung Quốc. Họ chú tâm vaò “chất lượng” và “an toàn” để tạo thương hiệu bền vững. Thịt bò Kobe đắt nhất thế giới nhưng là 1 tài sản đáng giá; ngay cả Mỹ Úc cũng không cạnh tranh nổi về thị phần cao cấp này. Rau sạch của Nhật cũng được ưa chuộng khắp Đông Á. Tôi nghĩ tư vấn Nhật hay Israel, Mỹ Úc…sẽ giúp nhiều hơn cho nông dân Việt về việc phát triển nông nghiệp theo chiều hướng này.
PV : - Đứng ở góc độ một chuyên gia, ông đánh giá như thế nào về những giải pháp của các cơ quan chức năng như tạm trữ lúa gạo, thuê tư vấn Trung Quốc…? Đưa ra những biện pháp thiếu hiệu quả như vậy là do cơ quan quản lý không nhìn nhận đúng vấn đề hay vì lý do nào khác nữa, thưa ông?
TS Alan Phan:- Trong mọi cuộc đấu thầu từ tư vấn đến thực hiện, Trung Quốc nổi danh khắp thế giới về 2 chuyện: giá rất thấp và biết lại quả cho các quan chức. Họ thành công rực rỡ với xảo thuật này ở Việt Nam. Còn khi làm thì bê bối không sao vì đã “đấm mồm” các vị thanh tra với tiền.
PV: - Có thể thấy, trong mọi rủi ro của sản xuất nông nghiệp, người nông dân luôn là người chịu thiệt hại đầu tiên và gần như là duy nhất. Ông bình luận như thế nào về thực tế này? Nếu vậy thì trách nhiệm của từng Bộ (Công thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Khoa học công nghệ) phải được nhìn nhận cụ thể như thế nào? Và để người nông dân thoát khỏi tình trạng thiệt trăm đường như hiện nay, phải có những biện pháp thế nào, thưa ông?
TS Alan Phan: - Nếu tiền đấu thầu chi ra từ các công ty tư nhân thì thiệt hại chỉ giới hạn vào một vài doanh nghiệp; dù danh tiếng sản phẩm VN sẽ bị bôi nhọ nói chung. Nhưng lấy tiền của người dân, dù từ thuế hay đi vay là một việc làm không có lương tâm của giới hữu trách.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Tâm An (Thực hiện) /ĐV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét