Giờ thì các ông bà ân đen khỏi phải thắc mắc, khỏi phải thấy phận mình bé tí ti như con sâu cái kiến mỗi khi đến các cơ quan công quyền
Trong một bản tin thời sự trên VTV1 gần đây, có một cụm từ khá lạ tai, đó là “4 xin” mà cán bộ phải học khi tiếp xúc với dân bao gồm: xin chào, xin lắng nghe, xin lỗi, xin cảm ơn. Cô bé tiểu học của nhà tôi thắc mắc ngay: “Mẹ ơi, tại sao cán bộ lại phải học những điều...mẹ dạy con từ bé?”.
Trong một bản tin thời sự trên VTV1 gần đây, có một cụm từ khá lạ tai, đó là “4 xin” mà cán bộ phải học khi tiếp xúc với dân bao gồm: xin chào, xin lắng nghe, xin lỗi, xin cảm ơn. Cô bé tiểu học của nhà tôi thắc mắc ngay: “Mẹ ơi, tại sao cán bộ lại phải học những điều...mẹ dạy con từ bé?”.
Bản tin trên một trang tin điện tử chính thống ngày 15/4/2014 đã phát đưa rõ nội dung chỉ đạo: “Tỉnh phải rà soát lại chương trình tổng thể cải cách hành chính, cải cách công chức, công vụ, thể chế, đào tạo nâng cao năng lực, phẩm chất cán bộ, công chức để đáp ứng đòi hỏi của nhân dân, mà điều đầu tiên mỗi cán bộ phải học khi tiếp xúc với dân là học “4 xin” (xin chào, xin lắng nghe, xin lỗi, xin cảm ơn).Nghe con hỏi, thoạt đầu tôi cũng không dám tin vào tai mình, chẳng biết là mình có nghe nhầm không nên không dám khẳng định ngay với con trẻ. Tò mò lên mạng tìm kiếm thì hóa ra có một chương trình như thế thật, tại tỉnh Bình Dương.
Càng nghĩ càng thấy cô con gái 8 tuổi của tôi thắc mắc vậy mà có lý, bởi cái công thức “4 xin” này chả có gì cao siêu kỳ bí cả, chỉ là những phép tắc lễ giáo sơ đẳng và cơ bản của con người mà bà mẹ nào cũng từng dạy con.
Đó là khi gặp người khác thì phải chào, khi họ nói thì phải lắng nghe, khi mình có lỗi thì phải biết xin lỗi, khi được người khác giúp đỡ thì phải cảm ơn. Thiết tưởng đó là điều mà một em bé bình thường nào ở tuổi lên 3 cũng có thể làm được, vậy tại sao giờ đây mỗi cán bộ lại phải học điều này. Hơn thế nữa, lại còn tổng kết thành công thức “4 xin” nghe thật là trọng đại.
Vậy chẳng hóa ra các cán bộ công chức của chúng ta không được cha mẹ thầy cô dạy những điều này từ bé? Hay là họ có được học nhưng rồi theo năm tháng, theo bậc thang của tuổi tác, chức vụ nên những phép tắc giao tiếp cơ bản bình thường này đã bị xóa sạch trắng trong bộ nhớ?
Đấy nhé, giờ thì các ông bà dân đen khỏi phải thắc mắc, khỏi phải thấy phận mình hèn hạ bé tí ti như con sâu cái kiến mỗi khi đến các cơ quan công quyền. Là bởi vì các cán bộ công chức đã quên tiệt hết cả những phép giao tiếp căn bản được cha mẹ thầy cô dạy từ thuở nhỏ rồi. Không biết chào, không biết lắng nghe, không biết xin lỗi, không cả cảm ơn.
Sợ thật, những con người được đào tạo qua bao nhiêu trường lớp, tôi luyện qua bao nhiêu thử thách mới được xếp vào hàng “cán bộ, công chức”, vậy mà giờ đây lại phải học lại bài học đầu tiên với công thức “4 xin” như trẻ lên 3. Vậy thì với tư cách một bà mẹ, tôi hỏi khí không phải rằng nhà nước có nên trả họ về cho mẹ dạy lại hay không? Tại sao lại phải có đề án tốn tiền của chỉ để công chức nhà ta phải học lại những điều sơ đẳng như thế?
Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi nghĩ toàn dân chúng ta vẫn phải đồng tình biểu dương công chức tỉnh Bình Dương vì họ đã dám nhìn nhận ra cái lỗi quên trong bộ nhớ của mình mà nâng cấp nó, sửa chữa nó nhằm xứng đáng với những người dân đã đóng tiền thuế mồ hôi nước mắt để họ ngồi ở vị trí đó.
Trên khắp đất nước này, có ai biết những tỉnh thành địa phương nào cảm thấy công chức cán bộ của mình cũng cần phải học lại công thức “4 xin” thần bí này không nhỉ? Cái công thức có vẻ giản đơn nhưng nó lại có phép màu ghê gớm, bởi nhờ nó mà các ông bà dân đen mới được trở về đúng vị trí bình đẳng của họ trước các nhân viên công quyền.
Các ông bà dân ơi, mong là cái công thức này sẽ được biết đến nhiều hơn, rộng rãi hơn để dân được tham gia vào giám sát quá trình cải cách hành chính, cải cách công chức, công vụ.
Chúng ta hoàn toàn có quyền thẳng thắn nói với một công chức cán bộ nào coi thường dân, xem mình như cha mẹ dân, thái độ xấc láo, không biết đến phép tắc giao tiếp của con người bình thường, rằng ông/bà đã thuộc công thức “4 xin” chưa? Nếu thuộc thì phải biết cách giao tiếp ứng xử cho ra một con người, còn bằng không thì chúng tôi xin gửi trả ông/bà về cho mẹ dạy.
Nói thế đi cho nhanh.
- Mi An/NguoiViet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét