Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

Hãy tự cứu mình !

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) vừa lên tiếng hối thúc các nước phải mạnh tay hơn trong việc áp đặt thuế khí thải carbon.
Giữa năm ngoái, cơ quan giám sát khí quyển của Mỹ đã công bố một dữ liệu khiến người ta phải giật mình: Lần đầu tiên trong vòng 3 - 5 triệu năm trở lại đây, mật độ CO2 trong khí quyển đã vượt mức 400 phần triệu (ppm) trong thang đo mật độ khí trong khí quyển. Hiện tượng này được cho là từng tồn tại trước khi con người xuất hiện, vào thời điểm nhiệt độ Trái đất rất cao và mực nước biển cao hơn hiện nay khoảng 20 - 40m.
Ai cũng biết khí CO2 chính là tác nhân gây ra “hiệu ứng nhà kính” làm Trái đất nóng lên, dẫn tới băng tan và nước biển dâng. LHQ cho biết kể từ khi cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra vào thế kỷ 18 đến nay, nhiệt độ Trái đất đã tăng 0,8 độ C và kết quả nước biển đã dâng cao 17 cm. Cứ theo đà này, nước biển sẽ dâng cao trung bình 2,3 m đối với mỗi độ C gia tăng do Trái đất nóng lên, trong đó 1,6 m là do băng tan từ Nam cực, 40 cm từ nước biển giãn nở, 20 cm từ băng trên núi cao và 10 cm từ băng ở Greenland.
Tác động từ biến đổi khí hậu có thể mang tới thảm họa. Trong 50 năm qua, 80% diện tích băng trên đỉnh Kilimanjaro tại Tanzania đã biến mất. Ông B. Buran, Bộ trưởng Môi trường Tanzania, đã phải thốt lên: “Tác động của biến đổi khí hậu đối với Tanzania đang diễn ra với tốc độ khủng khiếp chưa từng có”. Còn trong tương lai, nhiều quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương sẽ không còn tồn tại do nước biển dâng cao.

Khí CO2 đang gây ra hiểm họa với loài người
Theo ước tính của LHQ, từ nay đến năm 2050, sẽ có khoảng 150 triệu người phải rời bỏ nơi sinh sống, tình trạng di cư cao sẽ ảnh hưởng đến an ninh của nhiều nước. Khả năng tranh chấp, chiến tranh và sự chênh lệch giàu nghèo sẽ khiến cho chúng ta gặp nhiều khó khăn. Nhưng trên hết chính là tình trạng sức khỏe của con người và các loại dịch bệnh cũng theo nhiệt độ của Trái đất tăng lên rồi biến đổi và trở nên nguy hiểm hơn nhiều.
Loài người chỉ có thể cứu mình bằng cách giảm bớt lượng khí thải gây “hiệu ứng nhà kính”. Nghị định thư Kyoto ra đời năm 2005 chính là nhằm mục tiêu này. Với 175 nước thành viên, Nghị định này quy định các quốc gia tham gia ký kết phải chấp nhận việc cắt giảm khí CO2 và 5 loại khí gây “hiệu ứng nhà kính” khác, hoặc có thể tiến hành biện pháp thay thế như mua lại hạn ngạch khí thải của nước khác.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy mục tiêu mà Nghị định thư Kyoto đặt ra còn lâu mới trở thành hiện thực. Các nghiên cứu mới nhất cho thấy lượng khí thải nhà kính vẫn tiếp tục tăng lên. Trong khi đó, 2 quốc gia thải ra nhiều khí CO2 nhất trên thế giới là Mỹ và Trung Quốc vẫn không tham gia thoả thuận Kyoto. Chính vì thế mà IMF và WB lại phải lên tiếng kêu gọi các nước tập trung đánh thuế đối với khí thải carbon để buộc các cơ sở sản xuất áp dụng các công nghệ ít thải khí CO2 hơn, đồng thời ngừng chính sách trợ giá với chất đốt để giảm thiểu khí thải gây “hiệu ứng nhà kính”.
Đây là nỗ lực mới nhất trong các sáng kiến chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về biến đổi khí hậu sẽ diễn ra và/o tháng chín tới trong khuôn khổ khóa họp thường niên của Đại Hội đồng LHQ. Tương lai của loài người phụ thuộc vào chính hành động của thế giới hôm nay.

PV/IFN
----------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét