Thứ Ba, 8 tháng 4, 2014

Mạng xã hội - công cụ hữu hiệu của nhà khoa học


Các trang mạng xã hội ngày nay chính là công cụ hữu hiệu giúp các nhà khoa học cập nhật thông tin về tình hình hoạt động trong ngành của mình, dõi theo công việc của đồng nghiệp, xây dựng cộng đồng tư vấn, hợp tác, thậm chí có thể tham gia những cuộc hội thảo trực tuyến một cách tức thời mà không hề phải tốn kém về thời gian, tiền bạc.
Một xu thế tất yếu 
“Đơn giản là bạn không thể không hiện hữu trên mạng được”, Karen Peterson, giám đốc Ban Phát triển Sự nghiệp Khoa học, Trung tâm Nghiên cứu Fred Hutchinson, khẳng định. Thực ra, theo bà, dù bạn là ai thì những thông tin về bạn ít nhiều đã xuất hiện trên mạng (bạn cứ thử tìm tên mình trên internet mà xem), vậy nên tốt nhất bạn nên lưu tâm kiểm soát vấn đề này. Đây là lời khuyên đặc biệt hữu ích đối với những nhà nghiên cứu đang trong quá trình chuyển tiếp, chẳng hạn từ cử nhân sang thạc sĩ, từ thạc sĩ sang làm việc, hay trước một ngã rẽ mới trong sự nghiệp.
Peterson khuyên các nhà nghiên cứu nên bắt đầu với Linkedln. Trang mạng này sẽ giúp bạn tạo dựng một hồ sơ cơ bản cho mình trên mạng, từ hoàn cảnh, kinh nghiệm, thành tựu, các công việc thích hợp tiềm năng, những cá nhân khác cùng chung một số sở thích. Thông qua mạng lưới khổng lồ của Linkedln hay những trang dịch vụ tương tự, bạn sẽ dễ dàng tìm được thông tin để liên hệ để làm quen với các chuyên gia mà bạn quan tâm, giới thiệu về công việc nghiên cứu của mình, và đặt ra cho họ những câu hỏi. 
Hiện nay, con người ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ kinh nghiệm, và mọi nẻo đường sự nghiệp đều đang hào hứng sử dụng mạng xã hội, cùng nhau xây dựng lên những cộng đồng thực sự, gắn kết với nhau, và có sức lan tỏa cao. Tỉ lệ tham gia vào các cộng đồng trực tuyến cũng đang ngày một gia tăng. Paul Groth, giáo sư Khoa Khoa học Máy tính, Trường Đại học VU Amsterdam, khẳng định: “Hoạt động trao đổi khoa học đang dịch chuyển dần lên không gian mạng, và nó sẽ tiếp tục di chuyển theo xu hướng đó.”
Trăm hoa đua nở và sự lựa chọn của nhà khoa học
Phần lớn các trang mạng xã hội đều kết nối toàn cầu, do đó chúng là các công cụ tuyệt vời để thiết lập và duy trì các mối quan hệ quốc tế. Với nhà khoa học trẻ muốn tạo tiếng vang cho công trình của mình, thì không có sân khấu nào có tầm lan tỏa lớn hơn ba trang mạng đình đám hiện nay: LinkedIn, Facebook, và Twitter, trong đó Facebook và Twitter được coi là nơi trao đổi thông tin, còn LinkedIn giúp quảng bá năng lực bản thân. Hãy làm phép so sánh: một cuộc hội thảo truyền thống với 1000 người tham dự được coi là nhiều, trong khi ở môi trường internet, LinkedIn có gần 260 triệu thành viên, Facebook và Twitter có hàng trăm triệu người sử dụng mỗi tháng.
Ngoài ra, Google+ cũng đang được cộng đồng khoa học tích cực sử dụng ngày càng nhiều làm nơi truyền tải và lưu trữ các cuộc trao đổi giữa các nhà nghiên cứu. Storify cũng là một địa điểm giúp nhà khoa học theo dõi các cuộc trao đổi và các hội thảo, tại đây, người tham gia hoặc người chủ trì hội thảo có thể tìm kiếm các tài liệu thuyết trình, các bình luận và lưu ý về hội thảo. Những bài thuyết trình đăng tải trên trang Slideshare cũng góp phần đưa nhà khoa học tiếp cận với cả những người không có điều kiện tham dự hội thảo trực tiếp. Những trang như Slideshare còn ghi lại số lượt xem, lượt tải về, và số lượng người giới thiệu công trình được đăng tải, giúp nhà khoa học hiểu rõ mức độ ảnh hưởng của mình.
Theo nhận xét của một số nhà khoa học, lượng thông tin họ thu thập qua một hội thảo trên Twitter cũng tương đương lượng thông tin họ thu được khi trực tiếp tham gia.
Bên cạnh những mạng xã hội phổ thông, nhiều mạng dành riêng cho giới khoa học cũng ra đời, chẳng hạn như Mendeley và Research Gate. Ngoài việc đăng tải danh sách các ấn phẩm nghiên cứu, các trang này bổ sung thêm các tính năng giao lưu, qua đó nhà nghiên cứu có thể chia sẻ hay bình luận về các công trình, đồng thời tham gia hỏi đáp thắc mắc; nhà khoa học có thể dễ dàng đưa ra yêu cầu xem bản in trước mà không cần phải đăng ký tham gia theo dõi. Đi sâu hơn nữa là những trang mạng chuyên ngành phục vụ cho các nhu cầu của từng cộng đồng khoa học cụ thể, như GitHub dành cho các nhà khoa học máy tính hay BioMedExperts cho các nhà khoa học đời sống.
Theo tư vấn của những người nhiều kinh nghiệm giao lưu trực tuyến, chỉ cần bỏ chút thời gian tìm kiếm, nhà khoa học sẽ thấy rất nhiều mạng lưới khác nhau, giúp họ tiếp cận các cộng đồng cũng như các tính năng có thể hỗ trợ cho công việc của họ.
Bên cạnh các cộng đồng trực tuyến còn có blog, một hoạt động chia sẻ chính trên mạng. Người viết blog phải dành thời gian đều đặn cho blog và phải có niềm đam mê thực sự về một chủ đề nào đó. Kiran Dhillon, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Trung tâm Nghiên cứu Ung bướu Fred Hutchinson, bắt đầu viết blog về công trình nghiên cứu ung thư vú của mình khi nữ diễn viên Angelina Jolie tiết lộ thông tin cô bị thừa kế gene BRCA đột biến và phải thực hiện phẫu thuật phòng ngừa. Dhillon coi blog của cô là một sự tiến bộ trong nghề nghiệp: “Viết blog là một hành vi tốt giúp tôi tìm kiếm được niềm đam mê của mình và học cách phổ biến khoa học tới cộng đồng”.
Nếu không dùng blog, nhà khoa học có thể tạo một website nghề nghiệp riêng, qua đó giới thiệu những thành tựu của bản thân và giới thiệu những kỹ năng mềm của mình như kỹ năng lãnh đạo và quản lý. Theo Dhillon, website riêng sẽ giúp mọi người hình dung về chân dung nhà khoa học rõ hơn, bổ sung cho mặt khuyết của những hồ sơ cá nhân vắn tắt trên các trang mạng xã hội như LinkedIn. 
Tham gia mạng xã hội như thế nào
Theo các chuyên gia tư vấn nghề nghiệp, trước tiên, nhà khoa học có thể bắt đầu với LinkedIn, điểm hẹn giao lưu nghề nghiệp hàng đầu trên mạng hiện nay. Một hồ sơ hoàn chỉnh, cập nhật trên LinkedIn giúp truyền tải tới những nhà tuyển dụng tiềm năng và những người cùng chung sở thích với bạn thông tin về học vấn, kinh nghiệm, và những thành tích của bạn. LinkedIn đặc biệt đắc lực trong việc thu xếp các cuộc phỏng vấn khai thác, tức những buổi nói chuyện thân mật cùng các chuyên gia trong các lĩnh vực nghề nghiệp hoặc lĩnh vực nghiên cứu mà bạn quan tâm.
Trước tiên, bạn sử dụng LinkedIn (hoặc SciVal Experts) để liên hệ với các cá nhân hay tổ chức mà bạn muốn tiếp cận, rồi qua đó nhờ họ giới thiệu bạn. Sau đó, thu xếp một cuộc gặp mặt trực tiếp hay qua điện thoại, nhớ chuẩn bị sẵn những thông tin vắn tắt nhưng hấp dẫn về hoạt động nghiên cứu của bản thân và một số câu hỏi gợi mở cụ thể. Hãy thăm dò xem bạn có thể tiếp xúc thêm với những ai nữa, rồi viết thư cảm ơn họ. Thực ra, đây là cách mở rộng quan hệ truyền thống; LinkedIn và các dịch vụ tương tự chỉ giúp làm cho việc liên hệ ban đầu trở nên dễ dàng hơn bởi vì các mạng xã hội lớn đều có một lượng thành viên khổng lồ, đến từ nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau, và là nơi hội tụ của cả những nhà nghiên cứu trẻ và những nhà nghiên cứu đã thành danh.
Ngược lại, Facebook lại là nơi được các nhà nghiên cứu sử dụng cho các mối liên hệ cá nhân. Những nhà khoa học trẻ, vốn thường xuyên thay đổi nơi làm việc, có thể sử dụng Facebook để duy trì quan hệ bạn bè với các thành viên trong phòng thí nghiệm cũ. Facebook có thể hé mở những thông tin thú vị, đời thường về một đồng nghiệp – biết đâu, bạn lại có thể tìm thấy cho mình một đối tác ăn ý vì cả hai cùng có chung sở thích câu cá, đan lát, hay đọc truyện tranh. 
Tuy vậy, Facebook vẫn là một không gian tĩnh nếu so với phương thức tương tác thời gian thực trên Twitter, hiện ngày càng phổ biến trong giới học thuật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, và được sử dụng cho cả mục đích khoa học và các mục đích khác. “Tôi dùng mạng xã hội để lấy cảm hứng nghiên cứu khoa học”, một nhà khoa học chia sẻ. Anh đăng ký theo dõi cộng đồng điện tử trên Twitter để nghe ngóng thông tin về các sản phẩm mới hay các diễn biến mới trong lĩnh vực của mình. Một số nhà khoa học khác lại theo dõi các nhóm nghiên cứu để tránh trùng lặp dự án hay để tìm kiếm cơ hội hợp tác. Twitter cũng đang bổ sung hoặc thay thế cho các dịch vụ tìm kiếm và thông báo tự động, chẳng hạn tìm kiếm các công trình nghiên cứu. “Twitter đưa tin về các công trình nghiên cứu lớn ngay sau, hoặc thậm chí là cả trước khi chúng được công bố”, Jonathan Jacobs, nhà khoa học trưởng phụ trách mảng giám sát thông tin sinh học tại MRI Global, một tổ chức dịch vụ nghiên cứu phi lợi nhuận, cho biết.
Một điều khá bất ngờ ở đây là những người nhút nhát lại được khuyên nên dùng Twitter. Karyn Traphagen, nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành ScienceOnline, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên phổ biến, kết nối và xây dựng cộng đồng khoa học, chia sẻ: “Internet cho phép bạn theo dõi một cuộc tranh luận mà không cần trực tiếp xuất đầu lộ diện. Bạn có thể ngồi một chỗ lắng nghe, và khi nào sẵn sàng tâm lý, bạn có thể tham gia bằng cách gửi tin nhắn bình luận rồi chờ xem phản ứng của mọi người.” Những người mới sử dụng Twitter thường cảm thấy “choáng” trước hàng tỉ tin nhắn, nhưng theo Traphagen, nếu muốn tìm thông tin cụ thể, bạn hãy sử dụng chức năng tìm kiếm theo chủ đề hashtag (VD: #cá mập). Chức năng này đặc biệt phát huy tác dụng trong việc giúp nhà khoa học theo dõi từ xa các hội thảo, theo đó Twitter có thể cho bạn biết nội dung trao đổi nào ở hội thảo thu hút được sự quan tâm của mọi người, và đâu là nơi chia sẻ tài liệu, chẳng hạn như website hay slide. Theo nhận xét của một số nhà khoa học, lượng thông tin họ thu thập qua một hội thảo trên Twitter cũng tương đương lượng thông tin họ thu được khi trực tiếp tham gia.
Vai trò của giao tiếp ngoài đời thực có bị suy giảm? 
Mặc dù các trang mạng xã hội giúp chúng ta kết nối, chia sẻ, và giao lưu, nhưng để xây dựng được một mối quan hệ thực sự, chúng ta vẫn cần những cuộc gặp gỡ trực tiếp. Thực ra, LinkedIn và các trang mạng khác chỉ làm nhẹ hơn những gì mà các nhà khoa học trẻ dù sớm hay muộn đều phải làm, đó là gặp gỡ giao lưu với những người có cùng chung sở thích trong nghề nghiệp hoặc các lĩnh vực khác. Ngay cả việc liên hệ với những người không nằm trong giới khoa học cũng là một phần trong quá trình phát triển sự nghiệp, bởi vì biết đâu họ lại nắm trong tay những mối quan hệ giá trị đối với công việc của bạn. Nhiều người đã qua LinkedIn mà tìm được việc làm, chủ yếu thông qua việc tìm các sự kiện để tham dự và tìm người để liên hệ trực tiếp.
Tuy nhiên, trong quá trình tham gia giao lưu trên mạng xã hội, nhà khoa học cũng nên thận trọng. Hãy cân nhắc xem điều gì nên chia sẻ, điều gì phải giữ riêng tư. Theo những người có kinh nghiệm giao lưu trực tuyến, bạn hãy mặc định rằng mọi thứ mình đăng tải lên mạng cuối cùng đều có lúc phát tán công khai. Đồng thời hãy tuân thủ những quy tắc giao tiếp trực tuyến, vốn cũng giống hệt bất kỳ hình thức giao lưu xã hội nào khác: thân thiện, bình đẳng, và tôn trọng người khác. Hãy coi việc giao lưu trên mạng như một cuộc trò chuyện, nhưng nếu bạn bị lờ đi hoặc bị từ chối, đừng lấy đó làm phiền. Hãy tìm đến những trang mạng có ích cho bạn. Đừng làm phiền người khác, nhưng hãy nhớ rằng hầu như ai cũng muốn giúp đỡ và đa phần các nhà nghiên cứu đều thích nói về công việc của mình, “bởi công việc nghiên cứu là niềm đam mê, cũng là động lực chung của mọi nhà khoa học”, Dhillon nói. 
Trong trường hợp bạn cảm thấy mình không có đủ thời gian để tham gia giao lưu trên mạng, hoặc bị quá tải bởi dòng chảy thông tin khổng lồ liên tục, hãy nhớ: bạn không phải để tâm tới mọi thứ, có những chuyện bạn có thể bỏ qua. 
                               Bùi Thu Trang (lược dịch từ bài viết của Chris Tachibana)


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét