Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2014

Bộ ra 'tối hậu thư' với nhà thầu đường Hồ Chí Minh

ĐVO - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường vừa ra tối hậu thư với các nhà thầu chậm tiến độ, bán thầu dự án đường Hồ Chí Minh.
Cụ thể ông nói thẳng: Ngày 20/4 tới, nếu không đạt tiến độ sẽ thay thế nhà thầu. Hiện tượng bán thầu, nhà đầu tư BOT “tay không bắt giặc” cũng bị xử lý.
Thông tin này vừa được đưa ra trong cuộc giao ban tiến độ ngày 10/4 vừa qua. Theo đó tiến độ tổng thể bị đánh giá là chưa đạt. Tây Nguyên sắp bước vào mùa mưa sẽ đe dọa tiến độ.
Tờ Tiền phong nêu cụ thể hai dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ qua Đắk Lắk và Đắk Nông (dài 120 km trị giá 4.079 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2015) chỉ mới đạt trên 10% tiến độ.
Các nhà thầu nằm trong “danh sách đen” chậm tiến độ gồm Cty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (gói 2 Đắk Lắk); Liên hợp xây dựng Vạn Cường (gói 3 Đắk Lắk); Cty cổ phẩn đầu tư xây lắp dầu khí IMICO (gói 2 Đắk Nông).
Với 4 dự án BOT, duy chỉ có Liên danh Toàn Mỹ - Băng Dương vượt tiến độ, còn lại nằm trong tình trạng báo động đỏ.
“Hai dự án BOT tại tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk triển khai thi công chậm, thời gian gần đây có chuyển biến, nhưng về chất lượng thi công vẫn chưa đảm bảo", Ban Quản lý dự án (QLDA) đường Hồ Chí Minh đánh giá.
Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường (phụ trách khu vực Tây Nguyên) yêu cầu tranh thủ thời gian còn lại của mùa khô để đẩy nhanh tiến độ. Đối với các nhà thầu chậm tiến độ, giao Ban QLDA đường Hồ Chí Minh và cục chuyên ngành kiểm tra. Đến ngày 20/4, nếu không đạt tiến độ sẽ cắt giảm 50% khối lượng hoặc thay thế.
Dự án đường Hồ Chí Minh từng có nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội trước đó cho rằng lãng phí.
Theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh ví von đường Hồ Chí Minh vắng bóng xe đi giống như câu hát "Trường Sơn không một dấu chân người". Bà dẫn chứng lần đi công tác trước đây, thi thoảng đường mới có xe chạy qua, nhất là đoạn Quảng Bình khiến bà có cảm giác nguy hiểm, rợn người.
"Đường Hồ Chí Minh chất lượng tốt song đang lãng phí", đại biểu Khánh nhận xét.
Bà Khánh cũng cho rằng, phải có liên kết giữa các khu công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm với đường Hồ Chí Minh. Các địa phương cần quy hoạch và thu hút doanh nghiệp đầu tư trạm xăng chứ không chỉ riêng là vấn đề của Bộ Giao thông.
Đại biểu Nguyễn Văn Phúc cũng cho biết, mới đây, ông đi tặng quà cho bà con bị bão lụt, lúc về bằng đường Hồ Chí Minh thấy xe chạy trên đường rất ít, hầu như không có xe tải trọng lớn.
"Hàng năm chúng ta phải duy tu bảo dưỡng con đường này tối thiểu khoảng 300 tỷ. Đầu tư như thế mà không sử dụng thì mới đạt một nửa mục đích là phát triển kinh tế cho bà con và vẫn lãng phí", ông Phúc nhận xét.
"Cần tránh rơi rụng vốn đầu tư đường Hồ Chí Minh, đây là nguyện vọng của cử tri cả nước. Đầu tư đường cần vốn lớn nên khả năng rơi rụng lớn", đại biểu Bùi Thị An nêu ý kiến.
Gần đây nhất khi chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 13, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thảo luận về dự thảo điều chỉnh Nghị quyết số 38 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, câu chuyện tăng vốn đầu tư tiếp tục được xoáy sâu.
Việc điều chỉnh Nghị quyết số 38 của Quốc hội nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh phù hợp với tình hình thực tế. So với phê duyệt ban đầu, tổng chiều dài toàn tuyến là 3.183 km tăng 16km; điểu chỉnh từ 2-8 làn xe xuống còn 2-6 làn xe.
Dự án dự kiến thông tuyến vào năm 2020 với tổng vốn đầu tư là hơn 91.000 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với dự toán trong quy hoạch tổng thể năm 2007.
Phương Nguyên / ĐâtViệt
--------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét