Các sai phạm của cựu lãnh đạo Tổng công ty Công nghệ năng lượng dầu khí Việt Nam – CTCP (PV EIC) mang tính hệ thống, có dấu hiệu “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi” và vi phạm pháp luật về tham nhũng, lãng phí.Là một tổng công ty có vốn Nhà nước chiếm tỷ lệ lớn nhất, PV EIC giai đoạn do bà Vũ Thúy Huệ làm Chủ tịch HĐQT “mắc sai lầm” trong chiến lược kinh doanh, khiến thương hiệu mạnh PV EIC trong ngành dầu khí Việt Nam trở thành doanh nghiệp thua lỗ trong nhiều năm. Không những thế, các sai phạm của cựu lãnh đạo PV EIC mang tính hệ thống, có dấu hiệu “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi” và vi phạm pháp luật về tham nhũng, lãng phí.
Sai phạm và lãng phí
Đầu năm 2010, dù PV EIC đang thuê 3.445,81m2 văn phòng “thênh thang” tại Tòa nhà Dầu khí số 5 Lê Duẩn, Q.1, TP. HCM với thời hạn lên đến 50 năm, thế nhưng, Tổng giám đốc Nguyễn Văn Quế vẫn thực hiện tờ trình số 12/EIC-BC ngày 3/1/2010 trình HĐQT mua 5 căn hộ chung cư cũ nát tại 219 Hai Bà Trưng để cải tạo làm văn phòng làm việc.
Ngày 11/1/2010, PV EIC có biên bản Đại hội đồng cổ đông số 001/ĐHĐCĐ-BB thông qua việc mua 5 căn chung cư (trong tổng số 8 căn) tại 219 Hai Bà Trưng để cải tạo làm văn phòng công ty mặc dù biên bản không có đủ chữ ký tham dự của các cổ đông. Ngay sau đó, PV EIC chuyển cho ông Hoàng Đình Sơn số tiền 2 tỷ đồng.
Dù thời điểm này, người đứng tên 5 căn hộ trên không phải là ông Sơn, mà chủ 5 căn hộ này là ông Vũ Đình Tiến và bà Nguyễn Thị Tý – bố mẹ ruột của bà Vũ Thúy Huệ (Chủ tịch HĐQT PV EIC).
Đến ngày 5/5/2010, sau gần 5 tháng PV EIC chuyển tiền mua nhà cho người “không chính chủ” Hoàng Đình Sơn thì ông Tiến và bà Tý mới ký hợp đồng mua bán 5 căn hộ trên cho ông Hoàng Đình Sơn (sinh năm 1976, ngụ tại phường Tân Phú, Q.7, TP. HCM).
Đến ngày 8/5/2010 và 10/5/2010, PV EIC mới chính thức ký hợp đồng đặt cọc và hứa mua bán 5 căn hộ với ông Hoàng Đình Sơn cùng bà Nguyễn Thị Hải Yến. Ngày 26/6/2010, PV EIC ký tiếp 2 hợp đồng chính thức số 005706 và 005707 để mua các căn hộ trên từ ông Sơn và bà Yến với giá “trên trời” là 27,9 tỷ đồng.
Như vậy, phi vụ này đã thể hiện quá rõ ràng quy trình mua bán “lòng lòng”, một tổng công ty có vốn Nhà nước lại “bừa bãi” chuyển tiền mua tài sản cho người “không chính chủ”, và người “chính chủ” lại là bố mẹ ruột của Chủ tịch HĐQT.
Trước đó, bố mẹ ruột Chủ tịch HĐQT PV EIC chỉ mua 5 căn hộ cũ nát này với giá 250 triệu đồng và bán ra được 27,9 tỷ đồng, tính ra “siêu lợi nhuận” mà gia đình bà Huệ thu lợi về đạt trên 27 tỷ đồng.
Các hành vi trái luật
Các hành vi trái luật
Thêm sai phạm nghiêm trọng đó là quá trình mua căn hộ lại được PV EIC thực hiện nhiều lần bằng cách chi tiền mặt cho ông Hoàng Đình Sơn vào ngày 14/5/2010 (chi 15 tỷ đồng), ngày 21/6/2010 (chi 1,5 tỷ đồng), và ngày 28/6/2010 (chi tiền mặt 9,4 tỷ đồng).
Như vậy, trong số 27,9 tỷ đồng để thực hiện thương vụ mua nhà trên, có đến 25,9 tỷ đồng được chi trả bằng tiền mặt, không thanh toán qua tài khoản ngân hàng theo quy định pháp luật.
Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng – Luật sư điều hành Hãng luật Giải Phóng và Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP. HCM cùng phân tích: PV EIC thực hiện thanh toán 25,9 tỷ đồng bằng tiền mặt là vi phạm quy định của pháp luật
Cụ thể, Điều 3 Nghị định 161/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ quy định về thanh toán bằng tiền mặt (tại thời điểm xảy ra vi phạm năm 2010, Nghị định này vẫn có hiệu lực) và mục 3 Thông tư 01/2007/TT-NHNN ngày 7/03/2007 của Ngân hàng Nhà nước quy định: “Các tổ chức sử dụng vốn nhà nước khi chi trả cho người thụ hưng có tài khoản tiền gửi thanh toán tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, Kho bạc Nhà nước với mức tiền trên 30 triệu đồng cho cùng một mục đích thanh toán phải sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để chi trả; với mức chi trả từ 30 triệu đồng trở xuống thì được sử dụng tiền mặt để chi trả”.
Ngoài ra, theo tìm hiểu của PV Motthegioi.vn, vào ngày 16/1/2012, EIC (Công ty con của PV EIC) theo chỉ đạo của bà Vũ Thúy Huệ lại tiếp tục ký hợp đồng đặt cọc hứa mua căn hộ B-S-3-6, lô P5 khu Riverside Residence, Phú Mỹ Hưng, Quận 7, TPHCM với số tiền trên 8,54 tỷ đồng, với mục đích làm kho lưu trữ tài liệu và trạm nghỉ cho nhân viên (?!).
Điều đáng nói căn hộ này là của bà Vũ Thị Hoan – Chị gái ruột của bà Huệ, đồng thời là Phó Giám đốc Chi nhánh Hà Nội của PV EIC. Và ngày 6/1/2012, EIC đã chuyển 5 tỷ đồng cho bà Hoan – trước khi đôi bên ký hứa mua bán nhà. Trước đó, bà Hoan mua căn nhà này từ Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng với giá gần 7,7 tỷ đồng. Thương vụ bán nhà này cũng giúp Chị ruột Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty PV EIC thu “lợi nhuận” gần 900 triệu đồng.
Các chứng từ thu chi tiền mặt trong việc mua nhà của PVEIC
Có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự các tội về tham nhũng
Theo phân tích của Luật sư Phạm Thị Thanh Huyền – Giám đốc Công ty Luật An Thanh (Đoàn Luật sư TP. HCM), Tổng công ty PV EIC vào giai đoạn bà Vũ Thúy Huệ làm Chủ tịch HĐQT có vốn Nhà nước chiếm tỷ lệ lớn nhất, các hoạt động của bà Huệ là hành vi của “Người có chức vụ quyền hạn lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp của Nhà nước; cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp” (điểm c, Khoản 3, Điều 1, Luật Phòng, Chống tham nhũng).
Căn cứ theo Điều 227 Bộ Luật hình sự năm 1999 qui định: “Người có chức vụ… là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ”
Tại Điều 3, Luật Phòng, Chống tham nhũng năm 2005 cũng quy định rõ các hành vi tham nhũng như: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi.
Như vậy, ngoài yếu tố quyền lực, yếu tố lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm pháp luật thì hành vi tham nhũng phải có động cơ vụ lợi, nhằm “thu lợi bất chính”. Người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn mà pháp luật trao cho mình để mang lại những lợi ích có tính chất cá nhân – đây là một dấu hiệu đặc trưng nữa của hành vi tham nhũng.
“Trong trường hợp này, nếu phát hiện có dấu hiệu tham nhũng của cựu lãnh đạo PV EIC, cán bộ, công nhân viên hoặc các cổ đông PV EIC có quyền báo cáo lên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN).
Chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo về dấu hiệu tham nhũng, người được báo cáo phải xử lý vụ việc theo thẩm quyền hoặc chuyển cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét xử lý và thông báo cho người báo cáo; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn trên có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày; trường hợp cần thiết thì quyết định hoặc đề nghị người có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng và bảo vệ người báo cáo (trích Điều 38, Luật Phòng, Chống tham nhũng). Về phía Lãnh đạo PVN nếu nhận được báo cáo về dấu hiệu tham nhũng mà không xử lý thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật (Điều 39, Luật Phòng, Chống tham nhũng)” – Luật sư Phạm Thị Thanh Huyền phân tích.
(Theo Một Thế Giới)
------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét