Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

Ông Trần Xuân Giá khẳng định “không làm gì sai trái“

Trao đổi với Một Thế Giới, nguyên Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Xuân Giá nói ông không có lý do gì để trốn tránh vụ án này. Ông Giá khẳng định ngay khi đủ sức khỏe, ông sẽ có mặt tại tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình để phản bác lại những cáo buộc của VKS mà ông cho là “phi lý” và “không có cơ sở”.
Ngày 16.4, sau khi xác minh tình hình sức khỏe củ bị cáo Trần Xuân Giá, chủ tọa đã chấp nhận yêu cầu hoãn phiên xử Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm theo yêu cầu của đại diện VKS và của bị cáo này.
Phiên tòa phải tạm hoãn vì lý do khách quan nhưng nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) nói ông sẵn sàng ra tòa ngay khi khỏe lại để tự bảo vệ mình.
"Ký xong mới ra luật, sao nói tôi cố ý phạm luật?"
Theo ông Giá, cáo trạng kết tội cho ông rằng: “Nghị quyết của Thường trực HĐQT ACB về việc ủy thác cho nhân viên gửi tiết kiệm được ban hành từ 22.3.2010 và được thực hiện đến 5.9.2011. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa có quy định hướng dẫn nghiệp vụ ủy thác nên Nghị quyết và thực hiện Nghị quyết của Thường trục HĐQT ACB trên đã vi phạm Điều 106 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010”. 
Và cáo trạng kết luận: “…biết rõ các quy định của Nhà nước nhưng Trần Xuân Giá vẫn đồng ý để chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng sai quy định, gây thiệt hại số tiền là hơn 718 tỉ đồng nên phải chịu trách nhiệm về hành vi này”.
“Cần khẳng định ngay rằng tập thể Thường trực HĐQT ACB trong đó có tôi ký biên bản họp ngày 22.3.2010 về việc ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng không có bất kỳ một yếu tố nào cấu thành tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. 
Vì khi ký biên bản này, tôi không thể biết Luật các tổ chức tín dụng trong đó có Điều 106. Luật này được Quốc hội thông qua ngày 16.6.2010, tức là 3 tháng sau khi tôi ký vào biên bản này và luật này có hiệu lực thi hành ngày 1.1.2011, tức là sau 9 tháng. 
Tôi cũng không thể biết được ngày 8.3.2012, NHNN ban hành Thông tư 04 quy định hạn chế ít nhiều nghiệp vụ ủy thác để hướng dẫn thi hành Điều 106. Như vậy, việc cáo trạng kết luận “biết rõ các quy định của NHNN nhưng Trần Xuân Giá vẫn đồng ý để chủ trương ủy thác” là hoàn toàn không đúng sự thật, là hết sức phi lý”, ông Giá phân tích.
Ông Giá khẳng định đã kiểm tra rất kỹ về mặt pháp lý trước khi ký vào biên bản họp ngày 22.3.2010.
 “Chính cơ quan điều tra bộ công an cũng khẳng định việc ủy thác trước ngày 1.1.2011 Luật tổ chức tín dụng không cấm. Tóm lại, tập thể Thường trực HĐQT ACB trong đó có tôi ký vào biên bản ra nghị quyết và việc thực hiện nghị quyết trong năm 2010 hoàn toàn không vi phạm Điều 106 Luật các tổ chức tín dụng”, ông Giá nhấn mạnh.
"Chưa xử xong Huyền Như, lấy đâu ra thiệt hại?"
Ông Giá cho rằng, hành vi Ban điều hành tiếp tục ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng trong năm 2011 cũng không có gì sai trái và không đủ cơ sở để kết luận hành vi này “gây thiệt hại cho ACB hơn 718 tỉ đồng”.
 

Ông Trần Xuân Giá cho rằng, "siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 718 tỉ của Vietinbank chứ không phải của ACB. Vietinbank đã lấy tiền của ACB để bù đắp vào khoản bị chiếm đoạt này. 
Theo đó, việc triển khai Nghị quyết của Thường trực HĐQT là trách nhiệm của Ban điều hành ngân hàng ACB. Tuy Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành, trong đó Điều 106 quy định: “Ngân hàng thương mại được quyền ủy thác, nhận ủy thác… theo quy định của NHNN” nhưng NHNN lại chậm ban hành văn bản hướng dẫn.
Mãi đến ngày 8.3.2012, NHNN mới ban hành thông tư 04 quy định “Đối với các hợp đồng ủy thác… ký kết trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành… tiếp tục nội dung hợp đồng ủy thác… đã ký kết phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng…”. 
Như vậy Thông tư 04 thừa nhận các hợp đồng ủy thác ký trước ngày 2.5.2012 là hợp pháp. Trong khi việc ủy thác gửi tiền vào các tổ chức tín dụng của ACB đã được chấm dứt từ tháng 9.2011.
Ông Giá cũng cho rằng không căn cứ để kết luận việc Ban điều hành ACB tiếp tục việc ủy thác gửi tiền vào các tổ chức tín dụng gây thiệt hại cho ACB hơn 718 tỉ đồng vì vụ án Huỳnh Thị Huyền Như chưa có kết luận cuối cùng nên chưa có cơ sở để nói rằng số tiền mà các nhân viên ACB gửi hợp pháp vào Vietinbank đã bị mất. 
            Vụ kiện dân sự của ACB yêu cầu Vietinbank hoàn trả lại tiền cũng chưa được xử nên chưa có cơ sở để kết luận về thiệt hại.
Thêm vào đó, ông Giá cho rằng giữa ban điều hành ACB ủy thác cho nhân viên của mình gửi tiền tại Vietinbank và bị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt hoàn toàn không có mối quan hệ nhân quả nào. Đây là hai hành vi hoàn toàn độc lập với nhau.
Đặc biệt, ông Giá tiết lộ có đầy đủ bằng chứng khẳng định Vietinbank lấy tiền gửi của khách hàng, trong đó có tiền gửi của ACB để bù đắp vào khoản tiền do Huyền Như chiếm đoạt của ngân hàng này.
“Giả thiết xấu nhất xảy ra là việc gửi tiền của các nhân viên ACB tại Vietinbank có làm mất hơn 718 tỉ đồng thì việc mất mát đó cần được xem như là rủi ro trong kinh doanh. Bởi lẽ, cáo trạng đã xác nhận ACB đã thu lãi từ nghiệp vụ ủy thác gửi tiền từ ngày 22.1.2011 đến 22.9.2011 là trên 1.162 tỉ đồng, lớn hơn nhiều so với số tiền giả sử bị mất”, ông Giá tính toán.
        *  *  “Thử hỏi, có văn bản pháp luật nào quy định khi chưa có văn bản hướng dẫn thì ngân hàng thương mại không được làm không? Chúng tôi có quyền làm những gì mà pháp luật không cấm. Nếu cáo trạng kết tội tôi như vậy thì toàn bộ hệ thống ngân hàng đã, đang và sẽ vi phạm pháp luật và đáng ra phải đóng cửa từ 1.1.2011. Họ buộc tôi tội cố ý làm trái là phi lý và hoàn toàn không có cơ sở”, ông Trần Xuân Giá nói với Một Thế Giới.

T.L 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét