Vinalines xin xóa 5 tàu:Lỗi doanh nghiệp
đừng đổ lên Nhà nước!
GS Ngô Thế Chi - Giám đốc Học viện Tài chính phân tích đề xuất xin xóa một số tàu khỏi danh mục xác định giá trị DN.
Đừng đổ trách nhiệm cho nhà nướcPV: -Trong cuộc họp mới đây về cổ phần hóa, Vinalines kiến nghị loại 5 con tàu (gồm Vinalines Global, Vinalines Ocean , Vinalines Sky, Vinalines Trader và Vinalines Ruby) khỏi danh mục tài sản xác định giá trị doanh nghiệp. Ngoài ra, Vinalines cũng xin loại chi phí xây dựng cơ bản dở dang của 4 tàu đang đóng gồm một tàu 1.800 TEU và các tàu Liberty, Victory và Mercy. Liệu ông có thể phân tích rõ, mục đích của đề xuất loại tài sản khỏi danh mục xác định giá trị doanh nghiệp này của Vinalines? Vinalines sẽ được hưởng lợi gì nếu đề xuất này được chấp thuận?
GS Ngô Thế Chi: - Không biết mục tiêu đưa ra đề xuất này của Vinalines là gì, nhưng hiện tại nó là tài sản của DN từ trước đến giờ, không thể vì khâu quản lý không hiệu quả mà đẩy trách nhiệm cho người khác. Dĩ nhiên, đầu tư không có kết quả đó là lỗi của DN, không thể đổ cho nhà nước.
Còn bây giờ khi xác định tài sản thì vẫn phải đưa vào giá trị của DN để tiến hành CP hóa, không thể bỏ sót những tài sản của nhà nước ra ngoài được. Vì nó vẫn là tài sản DN, nên không thể bỏ ra ngoài.
PV: - Thưa ông, giả định trường hợp đề xuất của Vinalines được chấp thuận, tài sản gồm 5 con tàu, và chi phí xây dựng cơ bản của 4 tàu đang đóng dở sẽ nằm ở đâu và thuộc về ai? Điều đó có đồng nghĩa với việc tiền ngân sách của Nhà nước đã chi ra cho nó vì thế mà “mất tích” không và tại sao?
GS Ngô Thế Chi: - Trước tiên, phải xem mục tiêu của họ là gì, đề xuất xử lý theo hướng nào?
Đây là tài sản của nhà nước thì phải chịu sự quyết định của nhà nước, ví dụ nhà nước cho phép giảm vốn hoặc cho phương án xử lý cụ thể thì trong quyết định của nhà nước phải có.
Còn bây giờ phải đợi nhà nước có chấp thuận phương án đề xuất hay không. Nếu bỏ ra thì nguồn đó xử lý thế nào, ngân sách nhà nước có bị thiệt hại hay không? Bởi vì trong khi xử lý, chưa có phương án cụ thể thì làm sao biết có thất thoát hay không, giảm vốn hay là chuyển giao .
Thực ra ai cũng muốn có lợi cho mình, cho nên họ mới đề xuất nhà nước xử lý theo mục tiêu họ. Nếu nhà nước chấp nhận thì khối tài sản đó không nằm trong vốn của DN, như vậy sẽ giảm vốn. Tuy nhiên cần phải xem cơ sở thế nào, chứ không phải cứ đề xuất là được.
Theo quan điểm của tôi, nếu bỏ ra thì nó sẽ lợi cho Vinalines nhưng sẽ thiệt hại về phía ngân sách nhà nước. Song, phải xem xét thực tế cụ thể để có một quyết định chính thức.
Có thể nó đảm bảo cho sự phát triển chung của đất nước thì vẫn có thể làm, cho nên phải tùy tình huống cụ thể, bởi vì có trường hợp nhà nước chấp nhận thiệt thòi để cứu sống hàng loạt DN phục vụ cho mục tiêu vĩ mô quan trọng hơn như cổ phần hóa hay tài cấu trúc DN.
Việc xử lý mà đem lại lợi ích chung thì nhà nước vẫn có thể đứng ra can thiệp, ví dụ như bây giờ việc thoái vốn ngoài ngành, mặc dù không thể bằng mức vốn bỏ ra ban đầu nữa những cần thiết phải thực hiện để đáp ứng được nhu cầu tái cấu trúc
Trong tình huống này, nếu mà việc xử lý như Vinalines đề xuất có lợi cho cái chung thì vẫn phải thực hiện, chứ không nhất thiết phải buộc DN chịu. Bởi vì tất cả những tình huống đó ta cũng xử lý theo trách nhiệm rồi.
Việc cần làm bây giờ là phải có một bộ phận tham mưu cho những người ra quyết định rất chuẩn, nếu đồng ý cho họ thì nhà nước thiệt cái gì, nhà nước mất bao nhiêu vốn, mang lại lợi ích gì, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cổ phần hóa phát triển như thế nào. Giống như kiểu bỏ con săn sắt bắt con cá rô, bỏ cái nhỏ thu lại những cái lớn về sau, nhà nước cũng có thể làm, nhà nước cũng có thể thực hiện.
Không ai tính ra một lộ trình xấu
PV: - Trong bối cảnh còn nhiều nghi ngại về việc bán tài sản dưới giá vốn, đồng tình với đề xuất trên của Vinalines liệu có tạo một tiền lệ xấu trong việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước hay không? Nếu được tư vấn cho Chính phủ về đề xuất này, ông sẽ tư vấn Chính phủ đưa ra quyết định thế nào?
GS Ngô Thế Chi: - Tất nhiên, DN đề xuất là việc của họ, một là, bây giờ những cơ quan chức năng thực hiện việc đó thì phải phân tích cho kỹ để có quyết định đúng đắn.
Hai là, bất kể thời đại nào thì ai cũng muốn lợi ích cho họ, nhưng người có thẩm quyền, có trách nhiệm cao hơn thì phải có trách nhiệm phân tích, đưa ra được cơ sở khoa học và tính toán lợi ích một cách cụ thể.
DN này đề xuất hợp lý thì cho, DN khác không hợp lý thì không cho, chứ không phải tạo ra tiền lệ. Vì khi xét duyệt, phải phân tích trên cơ sở khoa học, chứ không phải có tiền lệ hay không tiền lệ. Mình không giải quyết theo tiền lệ được, cái gì cũng phải trên cơ sở khoa học và tình huống cụ thể cho nên phải có quan điểm phát triển, quan điểm cụ thể và toàn diện
Nếu được tư vấn, đưa ra ý kiến, tôi thiết nghĩ bây giờ phải có một Hội đồng hoặc Ban nào đó có trách nhiệm thẩm định và tính toán thiệt hơn về những việc đề xuất như vậy. Đề xuất phải nghiên cứu, xem xét, phân tích, nó có lợi, có hại cái gì, tùy vào lợi ích chung toàn nền kinh tế. Nói chung hiện nay tăng cường CP hóa nhưng không thể CP hóa bằng mọi giá, gây thất thoát nghiêm trọng vốn của Nhà nước
PV: - Trong khi Vinalines xin cho 4 con tàu thuộc quyền quản lý của mình được nằm ngoài vốn khi định giá tài sản thì Vinasin lại xin xẻ các con tàu ma như New Energy, New Phoenix, Hoa Sen, ra để bán sắt vụn giá rẻ vì không thể làm gì với các con tàu này được nữa. Theo ông, từ xin để ngoài vốn đến chỗ xin phá ra bán sắt vụn có phải là một lộ trình đã được biết trước? Xét về quản lý vốn, tài sản, ông có nhận xét gì về cách làm như vậy? Cần phải có quy định nào để hạn chế thất thoát vốn, tài sản của nhà nước, thưa ông?
GS Ngô Thế Chi: - Cái này nói là lộ trình thì không phải, không ai lại tính ra một lộ trình xấu như thế, nhưng bởi vì cái gì tất yếu xảy ra thì nó sẽ xảy ra, khi mà đầu tư ban đầu không tính toán, sai lầm từ đó, và đây chính là hậu quả.
Không được loại bỏ khỏi danh mục xác định giá trị tài sản doanh nghiệp
Ban đầu đầu tư quá nóng vội, quá ồ ạt, quá dễ dãi, đầu tư rồi nhưng nó không hiệu quả, nên bây giờ mới diễn ra như thế này.
Cái này người ta đã phê phán nhiều từ trước, làm cái gì mà nó ồ ạt, chưa tính toán hiệu quả, chỉ vì lợi ích của một nhóm nào đó thì phải trả giá, cái đấy là tất yếu, vì nó phải trả giá cho cái chung và cả cái riêng.
Hiện nay, đã có rất nhiều quy định, chứ chưa phải không có quy định về Luật, các văn bản quản lý có, nhưng những người thực thi cái đó phải sáng suốt, phải có cái tâm trong quản lý, chứ mình không phải thiếu tất cả cái đó, chúng ta có đủ hết rồi.
Cụ thể, chúng ta đang gặp khó khăn ở khâu chính sách đi vào cuộc sống, vì còn mối quan hệ phức tạp, ràng buộc, khâu sử dụng cán bộ như thế nào, khâu bổ nhiệm cán bộ ra sao, những người có tâm, có tầm, quản lý, chứ không phải cứ chính sách đúng là thực hiện được.
PV: - Thưa ông, nhiều người nhận định, đang có một xu hướng xin ưu đãi để… tái cơ cấu. Điều này có chứng tỏ thêm nghi ngờ của dư luận về nhóm lợi ích trong các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước không thưa ông? Để xóa bỏ điều này, việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước cần phải thực hiện thế nào?
GS Ngô Thế Chi: - Tôi đã nói mục tiêu hay mục đích của nhiều người đều như vậy, ai cũng muốn lợi ích thuộc về mình, bao giờ cũng có tư tưởng đó xảy ra.
Chính vì vậy, phải có Luật và thực hiện theo Luật, thực hiện công khai, minh bạch, cái đó sở dĩ các nước họ làm được là họ có công khai, minh bạch, cơ chế rõ ràng và nghiêm minh trong quản lý.
Ở đây không chỉ về kinh tế, quản lý mà còn công khai minh bạch về tất cả mọi mặt kể cả khâu cán bộ thì mới hiệu quả. Giờ DN nào chả muốn có lợi cho mình nên đề xuất có lợi, bao nhiêu sai lầm, khuyết điểm đều vướng vào cơ chế xin – cho cả, cần phải thay đổi được thì nó mới công khai, minh bạch, xóa bỏ cơ chế xin - cho mới quản lý tốt được.
Thậm chí việc tái cấu trúc không khéo cũng xảy ra việc đó, lợi dụng tái cấu trúc nhà nước để làm không chuẩn đi thì càng gây thất thoát. Cái cần làm ngay là bây giờ tăng cường kiểm tra, giám sát, tăng cường công khai minh bạch trong tất cả các cơ chế, tất cả các vấn đề, chúng ta cũng đang dần dần làm việc đó, tìm ra người có tài thực.
Trước đây còn lạc hậu trong khâu tuyển dụng, khâu đào tạo, nên mới sinh ra các khâu đều lộ yếu kém, phải khắc phục đồng bộ, chứ được khâu này, mất khâu kia cũng không thể làm tốt được.
CP hóa là cần thiết, kiểu gì cũng phải CP hóa để phát huy cao độ tính tự chủ, sáng tạo của người lao động và cách thức quản lý hợp lý, Nhà nước chỉ giữ những DN mang tính mũi nhọn của nền kinh tế mà thôi.
- Xin cảm ơn GS đã chia sẻ!
Thanh Huyền (Thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét