Cuộc phỏng vấn độc quyền giữa Nguyễn Hà Đông với tạp chí Forbes tại Hà Nội đã bị trì hoãn vài giờ khi người thiết kế trò chơi khiến cả thế giới xôn xao đã gặp Phó Thủ tướng Việt Nam , ông Vũ Đức Đam.
Theo tường thuật của Forbes, cuộc gặp gỡ đã diễn ra trong bí mật, song sự kiện này là một diễn biến đáng chú ý đối với một thanh niên 29 tuổi mà một tuần trước còn không ai biết đến tên. Thậm chí cha mẹ Đông cũng không hề hay biết đến sự tồn tại của chú chim đã khiến hơn 50 triệu người chơi toàn cầu phát sốt. Liên quan đến game Flappy Bird, Đông tiếp tục phủ nhận thông tin cho rằng Nintendo đã gửi cho cậu lời đe dọa pháp lý và cho biết thiết kế chiếc ống cống màu xanh là sự trùng hợp ngẫu nhiên với trò Super Mario. Về lý do gỡ bỏ trò chơi khỏi các gian hàng, Đông tâm sự: “Tôi gỡ Flappy Bird vì nó là sản phẩm gây nghiện”. Anh thậm chí còn thấy bớt tội lỗi và dễ ngủ hơn sau khi gỡ bỏ trò chơi.
Đây được coi là sự xuất hiện hiếm hoi của Nguyễn Hà Đông trước truyền thông quốc tế, và các tình tiết còn gay cấn hơn khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - người hiện đang rất quan tâm đến công nghệ thông tin và giáo dục thanh niên - đã có mặt tại địa điểm phỏng vấn bí mật. Trước đó, trả lời phỏng vấn tờ VnEconomy, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, còn bày tỏ thiện ý muốn chia sẻ động viên chàng trai đang chịu nhiều áp lực dư luận trong suốt thời gian qua.
Cũng trong ngày 11/2, Kotaku, một trang web có uy tín về game, đã đăng tải một bài dài của Stephen Totilo mổ xẻ chi tiết toàn bộ tiến trình Flappy Bird nổi tiếng cùng những diễn biến trên trang Twitter của Hà Đông. Stephen đã bày tỏ sự trân trọng trước thái độ retweet (trả lời) trước bất kỳ lời chúc mừng lẫn than phiền về Flappy Bird. Đồng thời Kotaku cũng bày tỏ sự hối lỗi chân thành khi đã từng đăng những bài đánh giá cẩu thả về Nguyễn Hà Đông. Một bài phân tích kỳ công không kém của nhà văn Will Oremus cũng vừa được đăng tải trên tờ Slate. Ông ví von Flappy Bird là một cuộc “đảo chính tiếp thị” rực rỡ khi thu hút hàng chục triệu người chơi với nguyên lý thuần khiết của tổ chức thiết kế trò chơi mà Atari Nolan Bushnell đề cập từ năm 1971: tìm hiểu dễ dàng, làm chủ khó khăn. Tác giả so sánh: nếu như trò Candy Crush Saga là một loại thuốc được chế biến kỹ càng thì Flappy Bird là sản phẩm nguyên chất chưa được nêm tẩm phụ gia. Thành công bí hiểm của nó là một cột mốc đáng chú ý. Những đánh giá trên có lẽ sẽ là liều thuốc tăng lực cho Hà Đông. Trả lời trên Forbes, Đông chia sẻ: thành công của trò chơi này đã khiến cậu tự tin hơn và cảm thấy có quyền được tự do làm những gì mình muốn.
** Sau Flappy Bird, cho đến nay đã có những game ăn theo như Flappy Plane, Flappy Whale, Flappy Penguin, Flappy Angry Bird. Nguyễn Hà Đông cho biết, cậu sẽ không có hành động pháp lý nào trước những game này
Nguyễn Minh/SM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét