Thứ Hai, 10 tháng 2, 2014

Cần 8.000 tỷ đồng để giảm 100.000 biên chế

Chơi Game giết thời gian ở công sở
Theo dự thảo nghị định về chính sách tinh giản biên chế, cứ 6 tháng một lần, các đơn vị lập danh sách tinh giản biên chế. Từ nay đến 2020, cần 8.000 tỷ đồng để tinh giản 100.000 biên chế nhà nước.
Dự kiến, một người thôi việc nhận khoảng 90 triệu đồng, người nghỉ hưu trước tuổi lĩnh khoảng 75 triệu đồng.
Thừa và thiếu
Theo tờ trình của Bộ Nội vụ, việc tinh giản biên chế theo Nghị định 132/2007 (hết hiệu lực từ năm 2012) và các quy định pháp luật thời gian qua đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. 
Tuy nhiên, chính sách tinh giản biên chế trước đây còn nhiều hạn chế, trong đó có việc chưa thật sự giảm được những người cần giảm; tình trạng người chưa đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa được khắc phục. Cơ cấu tinh giản không cân đối, không đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực. Tình trạng vừa thừa lại vừa thiếu biên chế trong một cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn chưa được khắc phục. 
Trong số các nguyên nhân của tình trạng trên có việc không cương quyết, nể nang, né tránh, ngại va chạm, muốn giữ ổn định tổ chức, bộ máy và biên chế hiện tại. Cùng với đó là cơ quan chức năng không thực hiện tốt việc rà soát, phân loại để có căn cứ đưa vào diện tinh giản biên chế. Chế độ thống kê, tổng hợp, báo cáo về số lượng thực hiện tinh giản biên chế không kịp thời, thiếu chính xác. 
Theo Bộ Nội vụ, khi triển khai các quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tiêu chuẩn, chức danh từng vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, từng ngành, từng lĩnh vực, sẽ có một số lượng lớn cán bộ, công chức, viên chức không đáp ứng được tiêu chuẩn của vị trí việc làm đang đảm nhiệm, cũng không bố trí được việc làm khác cần giải quyết tinh giản.
Cùng với việc kế thừa những quy định tại Nghị định 132 trước đây, dự thảo nghị định lần này bổ sung một số quy định về trường hợp tinh giản. Các trường hợp tinh giản biên chế gồm người có chuyên ngành đào tạo không phù hợp vị trí việc làm đang đảm nhiệm nhưng không thể bố trí việc làm khác. 
Những người có 2 năm liên tiếp được phân loại, đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực, hoặc có hai năm liên tiếp, trong đó có một năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và một năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp. 
Quy định này nhằm tạo điều kiện cho việc đưa ra khỏi bộ máy những trường hợp có năng lực yếu qua việc đánh giá, phân loại hằng năm để góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…
Dự thảo nghị định quy định thời gian áp dụng chính sách tinh giản biên chế là từ năm nay đến 31/12/2020.
Người thôi việc sẽ nhận khoảng 90 triệu đồng
Theo Bộ Nội vụ, căn cứ số liệu báo cáo kết quả thực hiện tinh giản biên chế trong bốn năm theo Nghị định 132, dự kiến sau sáu năm (từ 2014 đến 2020) thực hiện tinh giản biên chế khoảng 100.000 người. Trong đó, khoảng 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và 20% giải quyết thôi việc.
Những người thôi việc ngay sẽ được hưởng 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm và được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm. Tiền lương tháng quy định tại nghị định này bao gồm tiền lương theo ngạch, bậc; các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có) và mức chênh lệch bảo lưu (nếu có). 
Những người đã nhận trợ cấp tinh giản biên chế, nếu được tuyển dụng lại vào các cơ quan nhà nước và hưởng lương từ ngân sách thì phải hoàn trả lại số tiền trợ cấp đã nhận. 
Nguồn kinh phí thực hiện tinh giản biên chế được lấy từ ngân sách nhà nước, kinh phí thường xuyên của đơn vị sự nghiệp, Quỹ hỗ trợ lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty nhà nước theo quy định của pháp luật. Dự kiến, phí bình quân cho một người nghỉ hưu trước tuổi khoảng 75 triệu đồng, một người thôi việc khoảng 90 triệu đồng. Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế số cán bộ, công chức, viên chức nói trên trong sáu năm khoảng 8.000 tỷ đồng
Khó tinh giản nếu đánh giá cán bộ không thay đổi
Theo TS Hà Quang Ngọc, Phó chánh Văn phòng (Bộ Nội vụ), mặc dù thời gian qua, việc đánh giá cán bộ, công chức hành chính có nhiều đổi mới, nhưng công tác đánh giá cán bộ, công chức hiện còn nhiều hạn chế, mang dáng dấp của cách đánh giá công chức cũ. TS Hà Quang Ngọc cho rằng, việc đánh giá cán bộ, công chức chưa bám vào kết quả cụ thể thực hiện công việc. Các tiêu chí đánh giá còn mang nặng sự định tính nên đánh giá dễ chung chung, bình quân, ai cũng tốt như nhau. 
Mọi người thường cho rằng, có đánh giá hằng năm hay không cũng như thế; một số người tỏ thái độ bất cần với vấn đề này, dẫn đến không chú trọng kết quả công tác mà quan tâm việc lôi kéo, tạo mối quan hệ thân quen với cấp trên. 
         Ngoài ra, trong đánh giá còn coi nhẹ sát hạch thường ngày, trong phương pháp đánh giá không đưa ra các tiêu chí và yêu cầu đánh giá thường ngày. Không thấy được vai trò của đánh giá thường ngày là cơ sở của đánh giá hằng năm. Hiện cũng thiếu sự đánh giá từ bên ngoài. 
Công chức là phải phục vụ xã hội, công tác tốt – xấu, chất lượng cao – thấp, người đánh giá có quyền cao nhất phải là người dân, những “khách hàng”. Nhưng trong cách thức đánh giá công chức không có nội dung và quy trình này. Đánh giá công chức mà thiếu người dân, đối tượng được phục vụ, thì ý nghĩa của sự đánh giá sẽ rất hạn chế. 
Cách thức đánh giá hiện nay chủ yếu tập trung vào đánh giá cá nhân mà không xem xét mối quan hệ giữa cá nhân và đơn vị, tổ chức công chức đang làm việc. Do không xem xét mối quan hệ cá nhân, tập thể nên có những đơn vị cuối năm được đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng trong đơn vị vẫn có nhiều cá nhân được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thậm chí có cả những công chức lãnh đạo cũng được đánh giá là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tạo ra sự khập khiễng. 
Một bất cập nữa là thiếu sự đánh giá độc lập, dẫn đến sự dĩ hòa vi quý trong đánh giá đồng nghiệp với nhau. Đặc biệt đối với người thủ trưởng đơn vị, do cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ khi bổ nhiệm, nên cũng không dám thẳng thắn để đánh giá cán bộ, công chức dưới quyền. Nhiều ý kiến cho rằng, trong các cơ quan nhà nước có tới 1/3 cán bộ công chức không đáp ứng được yêu cầu công việc, nhưng họ vẫn được các cơ quan đánh giá tốt, hoàn thành nhiệm vụ. 
Các chuyên gia cho rằng, muốn tinh giản biên chế thực chất thì cần nhanh chóng xây dựng hệ thống phương pháp đánh giá mới về công chức. 
Theo Bộ Nội vụ, cá nhân, tổ chức phát hiện việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế không đúng đối tượng quy định của nghị định về chính sách tinh giản biên chế có quyền và trách nhiệm khiếu nại, tố cáo với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp giải quyết sai các chính sách tinh giản biên chế thì ngoài việc bị xử lý kỷ luật còn phải bồi hoàn kinh phí đã chi trả theo quy định của pháp luật. 
(Theo xaluan)
-----------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét