Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014

Đừng coi thường luật nhân quả


Chuyện nhân – quả là có thật. Thực tế cuộc sống đã rất nhiều lần chứng minh điều này.
Trả nghiệp sát sinh
Sư thầy Giác Liên, trụ trì chùa Phước Hải, Vĩnh Long từng kể chuyện nhân – quả được chứng kiến trong nghiệp tu hành của mình. Những câu chuyện ấy đến nay đối với người dân Vĩnh Long vẫn “nằm lòng” như những bài học đạo lý để “định hướng” cách sống, sao cho không theo vết xe đổ của những nhân vật trong câu chuyện của sư thầy. Một trong những câu chuyện đó phải nhắc đến là cậu bé tên Hiếu, sống lê lết ở chợ Trà Vinh, sống bằng cách xin ăn với thân hình của một… con bò, được sư thầy Giác Liên kể trên một website của Phật giáo.
Theo sư thầy Giác Liên, Hiếu sinh ra trong một gia đình có nghề: mổ bò lâu đời để bán thịt ở Trà Vinh. Ông nội của Hiếu làm giàu bằng nghề này nên rủng rỉnh tiền bạc. Một lần, trước khi làm thịt một con bò cái bỗng dưng ông nằm mơ thấy một người đàn bà đến bên ông khóc lóc: “Xin ông đừng giết tôi, để tôi sinh con rồi ông hãy giết”. Và không những mơ thấy một lần mà ông còn mơ tới 3 lần chỉ trong một đêm. Ông mang chuyện này kể cho vợ thì được khuyên can không nên làm thịt con bò mà hãy nuôi để cho nó đẻ. Nhưng suy đi tính lại, cuối cùng ông vẫn quyết định thịt nó để bán. Mới sáng tinh mơ không hiểu sao so với những lần mổ bò khác, nó kêu la khủng khiếp hơn nhiều, rồi giãy giụa, lồng lộn đến nỗi đứt cả sợi dây trói khi mổ. Khi chết rồi cái ấn tượng mà ông nội Hiếu mãi đến sau này không thể quên được là cái đầu nó lắc lư mãi như thể còn sống.
Tuy nhiên, điều trùng hợp là đúng lúc giết con bò chửa đó, con dâu ông trở dạ sinh đứa cháu nội, đồng thời là “đích tôn” của ông với những dị tật rất giống… con bò ấy là mắt lồi, sứt môi, đầu cứ lắc lư, chân tay cong queo đến nỗi không đi lại được, phải bò. Đứa trẻ ấy chính là Hiếu. Nhìn hình ảnh của Hiếu, ông nội Hiếu không thể nào không liên tưởng đến cái chết của con bò, nhất là động tác lắc lư cái đầu. Như hiểu nguồn cơn sâu xa vì sao cháu mình lại bị như vậy và muốn “chuộc” lại lỗi lầm, ông bỏ nghề sát sinh và có bao nhiêu tiền của ông dốc hết ra để chữa chạy cho cháu. Nhưng cậu bé vẫn vậy. Khổ hơn, khi được 10 tuổi, Hiếu đã phải lê la ra chợ xin ăn do người thân của em lần lượt ra đi hết vì trọng bệnh. Mỗi lần xin ăn, chẳng hiểu ai xui khiến, vừa lết Hiếu vừa la khóc thảm thiết: “Xin các bác, các dì đừng “sát sanh” con! Con là con bò nè…”.
Không chỉ sư thầy Giác Liên mà ngay người viết bài này cũng chứng kiến một gia đình có hai thế hệ bán thịt bò ở chợ Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội gặp chuyện tương tự. Chẳng hiểu gia đình này có mổ bò hay không nhưng chỉ biết trong thập niên 90 của thế kỷ trước, trên sạp bán thịt lúc nào cũng có bê “bao tử” bày bán. Tuy nhiên, đặc biệt ở chỗ con gái họ rất giống… bò, nhất là mắt và mũi đến nỗi ai đi qua cũng phải dừng lại nhìn và lờ mờ nhận ra đây chính là “nghiệp chướng” của gia đình bán bê “bao tử”. Và dường như nhận ra sự quả báo này, gia đình hàng thịt đó đã chuyển nghề không bán thịt bò, bê “bao tử” nữa mà mở hàng cơm ở phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, một hàng cơm nức tiếng Hà Nội. Tất nhiên cô con gái ấy cùng bán cơm với cha mẹ cho đến tận bây giờ.
Oán báo oán?
Như câu chuyện trên đây, có rất nhiều câu chuyện nhân – quả khác được kể trong cuộc sống với muôn hình vạn trạng từ nhân vật đến hoàn cảnh… trên cơ sở những gì người ta nhìn, nghe thấy được. Ngay như gần đây nhất, câu chuyện của người tù oan sai Nguyễn Thanh Chấn, ở Bắc Giang cũng gây “chấn động” dư luận bởi có ý kiến cho rằng, có “luật” nhân – quả trong vụ án oan này.
Ông Chấn kể, ngày mới bị tạm giam để phục vụ công tác điều tra, ông nhiều lần bị điều tra viên ép phải nhận đã ra tay sát hại chị Nguyễn Thị Hoan. Nếu không nhận sẽ bị đánh cho “lên bờ xuống ruộng”. Vì không thể chịu đựng nổi, ông Chấn đã buộc phải khai nhận mình chính là người đã ra tay sát hại chị Hoan vào ngày 15-8-2003. Khi đó, một cán bộ điều tra đã hướng dẫn ông viết một lá đơn tự thú khai nhận là hung thủ giết người.
Ông Chấn nhớ lại: “Một điều tra viên khác đã đánh và bắt tôi tập đi tập lại các động tác để thực nghiệm tại hiện trường vụ án mạng. Mỗi lần thực hiện sai các động tác, tôi lại bị họ lao vào đánh đập”. Có một điểm đáng lưu ý ở đây: Sau khi vụ án có hiệu lực, ông Chấn bị đưa đi cải tạo tại Trạm giam Vĩnh Quang (Vĩnh Phúc) thì chỉ một thời gian ngắn sau đó, đã có 2 điều tra viên chết do tai nạn giao thông và trọng bệnh. Chưa kể đến Thẩm phán Nguyễn Minh N, chủ tọa phiên tòa xét xử sơ thẩm cũng bị tai nạn giao thông vào năm 2010 dẫn đến phải điều trị lâu dài.
Cùng thời điểm này, sau khi sát hại chị Hoan, thủ phạm giết chị Hoan bỏ lên Lạng Sơn gặp một người thân là chị Lý Thị N và cho biết hắn chính là hung thủ gây ra vụ án mạng tại Bắc Giang. Khi ấy, Chung đưa hai chiếc nhẫn kim loại màu vàng nhờ chị N mang bán hộ nhưng biết đây là tài sản của vụ “giết người, cướp tài sản” nên chị N đã từ chối.
Sau đó, Chung đã nhờ anh trai của mình đang sinh sống tại Lạng Sơn mang nhẫn đi bán. Không biết có phải nhân quả không mà cuối năm 2005 (2 năm sau khi vụ án xảy ra), anh trai của Chung đã bị một số đối tượng ở Lạng Sơn đâm chết trong một vụ xô xát nhỏ.
Mang tính giáo dục sâu sắc
Trước những hiện tượng trên đây, GS Ngô Đức Thịnh, một chuyên gia nghiên cứu tâm linh cho rằng, thật khó để giải thích trên cơ sở khoa học thực tiễn. Bởi từ trước tới nay, duy tâm – duy vật là hai phạm trù vẫn chưa tìm được tiếng nói chung do một phạm trù thì phải nghe, nhìn, sờ thấy được. Còn phạm trù kia thì trừu tượng, bí ẩn. Thế nhưng, với tư cách là một người nghiên cứu tâm linh, GS Ngô Đức Thịnh khẳng định, những gì chưa chứng minh được thì không có nghĩa không tồn tại, đặc biệt với hàng loạt hiện tượng “gieo gì gặt nấy”, “nhân nào quả ấy” như các chuyện trên cùng với thực tiễn xảy ra rất nhiều trong đời sống. Cho nên chuyện nhân – quả là có thật. Và theo ông, nhân – quả là một quy luật rất hay của đời sống và nhà Phật lấy đó là mục đích thượng tôn để giáo dục con người về đạo đức, nhân cách và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc khi khuyến khích con người làm nhiều việc thiện để kết quả của quá trình ấy là nhận lại cho mình từ những gì mình làm.
 Không có chuyện mê tín dị đoan ở đây vì ngay cả trên quan điểm khoa học thì rõ ràng những gì bạn nhận hôm nay là quá trình sống của ngày hôm qua. Bởi vậy hãy sống theo chân lý “gieo gì gặt nấy”.
(Theo Tientri )
-------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét