Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã rất tích cực, có vài sai sót trong hạch toán, nhưng chấp nhận được.
Hạch toán nhầm, hạch toán sai dăm ba chục tỷ...Tại phiên trả lời chất vấn của UBTV Quốc hội sáng 1/4 đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương liên quan đến công tác quản lý, điều hành giá xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết: Nguyên tắc cơ bản, nhất quán trong điều hành giá xăng dầu là theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước, bám sát giá trên thị trường thế giới nhưng không thụ động. Nhịp độ điều hành giá không quá dày, không quá sốc.Muốn vậy, phải sử dụng các công cụ đòn bẩy kinh tế, trong đó có 3 công cụ chính: tăng giảm giá nhập khẩu; điều chỉnh mức lợi nhuận; sử dụng quỹ bình ổn giá.
Đặc biệt, ông Hiếu cho biết: “Hằng quý, chúng tôi đều công khai mức thu, chi quỹ bình ổn xăng dầu tại các doanh nghiệp đầu mối. Chúng tôi công khai toàn bộ mức giá trên thị trường thế giới, công thức tính toán… Giá do liên Bộ Tài chính - Công Thương đưa ra là mức giá trần, doanh nghiệp không được bán cao hơn nhưng có quyền bán thấp hơn. Thực tế thời gian qua, đã có một số DN bán ra giá thấp hơn giá trần.
Chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng quỹ bình ổn giá này. Từ nay đến 10/4, sẽ công khai tiếp số dư của quỹ trong quý I/2014. Trong năm 2013, điều chỉnh giá xăng dầu 21 lần, trong đó chỉ có 5 lần tăng, 6 lần hạ giá... cho thấy đã sử dụng tốt quỹ này.
Trong kết luận kiểm toán cũng ghi nhận rất rõ tác dụng của Quỹ bình giá là rất tích cực, góp phần tích cực vào bình ổn giá xăng dầu thị trường trong nước. Và “việc quản lý hạch toán, về cơ bản đảm bảo tuân thủ theo quy định, có một số sai sót trong hạch toán nhưng không lớn. Liên bộ đã tiếp thu kiến nghị của kiểm toán và chỉ đạo các doanh nghiệp điều chỉnh. Ví dụ, hạch toán nhầm, hạch toán sai dăm ba chục tỷ hoặc 2 -3 tỷ đồng. Chuyện sai sót này trong hạch toán có thể chấp nhận được”.
Vẫn còn ý kiến phân vân, Nghị định thay thế Nghị định 84 chưa ra đời?
Cũng tại phiên chất vấn sáng 1/4, Đại biểu Quốc hội Trương Văn Vở (Đồng Nai), nêu vấn đề về việc: Theo nội dung trả lời chất vất tại Quốc hội của Bộ trưởng Bộ Công Thương từ tháng 11/2013 đã xác định sẽ khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, thống nhất nội dung bổ sung, hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 84/2009 của Chính phủ nhằm khắc phục những bất cập trong điều hành giá xăng dầu, nhất là những vấn đề có liên quan như: bảo đảm tính công khai, minh bạch về phương thức điều chỉnh giá, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá. Nhưng đến nay, vẫn chưa có kết quả cụ thể.
Đại biểu Trương Văn Vở đặt câu hỏi với Bộ trưởng Công Thương cho biết, vì sao lại chậm? Trách nhiệm thuộc về ai? Giải pháp khắc phục và trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào trong tổ chức thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong thời gian tới?
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Nghị định 84 ra đời, trong một thời gian thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước là vừa tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đáp ứng các nhu cầu cho sản xuất, đời sống của nhân dân đối với mặt hàng thiết yếu. Xăng dầu là 1 trong 11 nhóm mặt hàng thiết yếu được nhà nước rất quan tâm và luôn chỉ đạo các cấp, ngành tìm mọi biện pháp để thực hiện bằng được mục tiêu này.
Qua thời gian thực hiện Nghị định 84, bên cạnh những mặt đạt được, bước đầu đưa mặt hàng xăng dầu dần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, cũng phát sinh không ít vấn đề bất cập, thậm chí yếu kém như dư luận xã hội đã nêu.
Lý do đến nay nghị định thay thế Nghị định 84 vẫn chưa được ban hành, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Theo chỉ đạo của Chính phủ, lúc đầu dự kiến chỉ sửa một số điểm trong Nghị định 84 tỏ ra không còn phù hợp, nhất là thời gian điều chỉnh, tần suất điều chỉnh nếu cần thiết; xung quanh việc hình thành và sử dụng quỹ bình ổn giá, xung quanh cơ chế công khai minh bạch đối với giá xăng dầu. Nhưng qua quá trình xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định 84, các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu... thì thấy, những vấn đề dự kiến nêu trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 84 vẫn không đáp ứng được quy mô chỉ sửa một số điều, mà nó đặt ra vấn đề cần phải thay thế Nghị định 84 bằng một nghị định mới hoàn toàn.
Chính vì vậy, theo tiến độ, tháng 6/2013, chúng tôi đã trình Chính phủ dự thảo nghị định ban đầu. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về việc thay nghị định mới, chúng tôi đã tổ chức xây dựng lại và lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan.
Đến tháng 11/2013, đã hoàn thành và trình Chính phủ Dự thảo Nghị định mới. Chính phủ cũng đã yêu cầu các bộ, ngành tham gia ý kiến chính thức. Đến nay, 26 thành viên Chính phủ cũng đã có ý kiến về dự thảo cuối cùng của nghị định thay thế Nghị định 84. Trong đó, còn có 2 ý kiến phân vân xung quanh quỹ bình ổn giá và thời gian điều chỉnh giá. Chúng tôi đang trả lời hai ý kiến này.
“Chúng tôi nhận thức rằng, đây là vấn đề hết sức bức xúc, cần sớm ban hành”. Bộ Công Thương cũng đã cố gắng nỗ lực hoàn thành đúng tiến độ xây dựng dự thảo, nhưng việc quyết định còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Sau khi chúng tôi giải trình 2 vấn đề còn lại trong tuần này, tin rằng, Nghị định mới sẽ có thể sớm được ban hành./.
Xuân Thân/VOV online
-------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét