* Ghi chép - MINH TÂM
Chuyến bay từ Tân Sơn Nhất đi Cát Bi trễ mấy tiếng đồng hồ, nên mãi năm giờ chiều tôi mới về đến Hải Phòng. Trời xám xịt, mưa phùn, gió bấc rét như cắt. Tôi nhảy vội lên một chiếc Taxi mong về quê kịp đám giỗ chiều. Lái Taxi bảo :
Tay lái Taxi nói như hát. Tôi thường đi Taxi và nghiệm ra một điều, cánh Taxi trong Nam, đặc biệt là Sài Gòn kiệm lời hơn cánh Taxi ngoài Bắc, đặc biệt là Hà Nội, Hải Phòng. Khách vừa lên xe là các bác tài gợi chuyện ,rồi thao thao bất tuyệt khoe mối quan hệ với ông nó bà kia , phán như thánh tướng , nhưng ít khi tự xách giúp khách chiếc va li.
- Chú gặp tay lái lụa rồi ! Chỉ cần 40 phút là tới nhà .
Hắn nhấn ga, chiếc xe lao vun vút giữa những dãy phố đỏ rực băng rôn, khẩu hiệu, cờ sao và đèn lồng . Tôi hỏi :
- Hôm nay lễ hội gì mà nhiều băng cờ thế?
- Ngày nào mà chả thế! Đó là món ăn tinh thần không thể thiếu của chế độ xã hội chủ nghĩa tươi đẹp. Ta đi trong ánh sao vàng tung bay,rạo rực hôm nay ,từ bốn phương trời về đây...
Từ sân bay Cát Bi về nhà tôi năm mươi cây số . Vừa tới đầu làng, anh chàng tài xế đang say xưa kể chuyện Đoàn Văn Vươn chơi súng hoa cải thì từ bụi cây một người đi xe đạp lao ra ngã vật trước mũi Taxi. Anh tài kêu ối lên một tiếng và phanh gấp. Tôi nhảy xuống , thấy một ông già khoác chiếc áo mưa nằm cách mũi xe khoảng hơn một mét. Tôi đỡ ông già dậy, nhưng ông lăn ra ,miệng rên la tỏ vẻ đau đớn lắm. Tôi nói:
- Bác đau chỗ nào, lên xe tôi chở lên bệnh viện .
Ông già he hé một con mắt nhìn tôi, rồi nói :
- Đếch viện vung gì hết, đưa tiền đây!
Tôi dúi vào tay ông 300 ngàn đồng . Ông lồm cồm đứng dậy dắt xe lủi vào bụi cây.
Về nhà tôi kể lại chuyện đó,mọi người phá lên cười, và bảo:
- Thế là chú mắc mưu ông Thật rồi! Ông ấy có nghề ăn vạ cừ lắm. Vừa đi nhặt ve chai vừa để ý thấy xe lạ vào làng là giả vờ dụng xe lăn ra ăn vạ...
Chuyện đó mới xảy ra cuối năm ngoái thì đầu năm nay về quê,tôi nghe tin ông Thật chết rồi. Chết vì cái nghề ăn vạ.
Cũng vào lúc chạng vạng tối , ông Thật dắt xe đạp chở bao ve chai nấp ở bụi cây ven đường. Vừa thấy chiếc Hon Đa từ ngã ba rẽ vào, ông đẩy xe đạp ra, cố tình để bao ve chai máng vào Hon Đa. Người lái Hon Đa không phanh kịp, kéo đổ xe đạp làm ông Thật ngã theo, không may đập đầu xuống đường, bị chấn thương sọ não chết.
Ba đứa con ông Thật vác dao vác búa ra ,bất chấp phải trái, luật lệ bắt người đi Hon Đa bồi thường. Đó là cô gái làng bên , sinh viên mới ra trường chưa xin được việc làm, lại mắc bệnh suy thận . Hôm ấy vừa ở bệnh viện chạy thận về thì cô gái bị ông Thập gài bẫy. Nhà nghèo , bố mẹ cô phải bán chiếc xe Hon Đa là phương tiện duy nhất dành cho con đi bệnh viện , đi xin việc làm , và phải cầm căn nhà mới được 15 triệu đồng để bồi thường cho ông Thật.
- Chết mà vẫn làm hại người khác !
Trong đám ma ông Thật người ta bàn tán như vậy.
Nghe nói lúc còn trẻ ông Thật hiền lành , thật thà như đếm, đúng như cái tên cha mẹ đặt cho . Vì ông ấy thật thà nên xã viên mới bầu vào Ban chủ nhiệm hợp tác xã ,làm thủ quỹ. Ai ngờ từ đấy bắt đầu lem nhem ,rồi càng ngày càng tham lam lươn lẹo. Nhưng bao nhiêu tiền bạc bòn rút được đều bị ba thằng con phá sạch. Khi về già ông Thật bị chúng nó đẩy ra ăn riêng. Ông sống một mình trong ngôi nhà ba gian cũ kỹ tối tăm , quanh năm suốt tháng làm nghề lượm ve chai và ...ăn vạ. Ngay sau khi ông chết,ba người con lục tung nhà cửa tìm tiền bạc ông cất dấu. Chúng nó tìm được mấy chỉ vàng và quyển sổ tiết kiệm hơn trăm triệu ngấu nghiến chia nhau rồi mới làm đám ma cho bố.
Nghe hàng xóm kể chuyện ông Thật suốt đêm tôi trằn trọc không ngủ được. Trước kia quê tôi mọi người sống hiền lành tử tế , trong họ ngoài làng bao bọc lấy nhau . Mấy chục năm nay không hiểu thờ nhầm đền nhầm miếu , hay theo nhầm tà đạo mà đạo đức suy đồi, văn hóa xào xáo .
Làng tôi có một dòng họ có vài chục gia đình , mấy trăm con cháu nội ngoại. Nhờ phúc tổ tiên, nhiều người thành đạt, có người đậu kỹ sư, tiến sỹ, làm cán bộ . Giữa năm ngoái cả họ họp bàn , thống nhất xây ngôi từ đường thờ cụ tổ và các anh linh trong họ. Cây có cội,nước có nguồn ,con cháu phải tưởng nhớ và tri ân tổ tiên, đó là đạo lý uống nước nhớ nguồn . Nói với nhau chí tình,chí lý như thế. Lại lập văn bản ký tên từng người. Sau đó góp của, góp công xây dựng ngôi từ đường. Thằng cháu đích tôn tình nguyện hiến đất xây từ đường.
Bốn , năm tháng trời ngày nào cũng có người tới làm công đức. Từ đường xây xong , làm lễ khánh thành , con cháu nội ngoại các nơi về ăn uống no say. Nhưng đến khi chọn được ngày lành tháng tốt rước bài vị tổ tiên về từ đường thì thằng cháu đích tôn hiến giở quẻ. Nó đòi giành toàn bộ gian giữa ngôi từ đường thờ cha mẹ nó. Ô hay, thế thì cụ tổ ngồi đâu? Cô di tỷ muội thúc bá đệ huynh chỗ nào? Chả nhẽ cả họ bỏ của góp công xây ngôi từ đường cho các cụ, mà các cụ lại phải ngồi ké bố mẹ mày hay sao? Nói tình không nghe,đem văn bản ký kết ra đấu lý. Thằng cháu đích tôn rút con dao chọc tiết lợn sáng loáng cắm phập vào cánh cửa từ đường,nhổ toẹt một bãi nước bọt và dằn giọng:
- Đếch tình lý gì hết! Không chấp nhận điều kiện thì biến. Thằng nào lớ xớ vào đây ông chém !
Nó mới ngoài ba mươi tuổi, ăn học đàng hoàng, vợ con hẳn hoi . Lúc phát ngôn như vậy nó say rượu. Nhưng sau đó nó vẫn giữ nguyên sự đòi hỏi vô lý như vậy và cho rằng cả họ sai chỉ một mình nó đúng.
Một người lớn tuổi trong họ ấy nói chuyện với tôi , nước mắt chảy dài trên hai gò má nhăn nheo.Ông bảo:
- Toàn bộ giấy mời bà con nội ngoại và đại diện các dòng họ trong làng đã phát rổi đành phải thu lại anh ạ. Bẽ mặt lắm! Ba mươi tết Giáp Ngọ vừa qua tôi phải bưng mân cơm ra ngoài nghĩa địa cúng cụ tổ, xin cụ xá tội vì đã hứa mời cụ về từ đường mà không thực hiện được.
Không hiểu vì sao đạo đức xuống cấp đến thế. Từ già đến trẻ coi tiền bạc trên hết,lừa lọc nhau,phản bội nhau,coi chữ tín như bãi nước bọt. Tôi có cảm giác làng quê như bị xé nát ra, tan đàn xẻ nghé, những mảnh đời trắng đen lẫn lộn.
Một đêm tôi ngồi nói chuyện với anh Thân,một đại tá cựu chiến binh đến khuya , cố lý giải những chuyện đã xảy ra ở quê nhà . Anh Thân về tôi vừa đặt lưng xuống giường thì nghe tiếng gà gáy te te , rồi tiếng lợn bị chọc tiết kêu eng éc. Hết con này đến con khác. Tôi đếm được đến mười con . Tôi hỏi ông anh họ dậy sớm chuẩn bị đi làm đồng:
- Hội hè gì mà giết nhiều lợn thế?
Ông anh họ thửng thẳng đáp:
- Hội hè đếch gì! Đám cưới con lão Thìn đấy.
- Thìn nào?
- Thìn nguyên bí thư đảng ủy chứ Thìn nào?
Năm ngoái về quê tôi nghe tin Hoàng bị cách chức bí thư đảng ủy xã vì tham nhũng.
Xã nghèo nhất huyện. Mười chín chỉ tiêu nông thôn mới ,chỉ thực hiện được 7. Con đường liên thôn ổ gà ổ chó, nhà nước cho xi măng mà không có tiền mua cát, đá đổ bê tong. Ngôi trường cấp 2 xây được phần thô phải bỏ dở dang . Có tí đất công nào bán hết sạch vẫn nợ ngân hàng hàng chục tỷ. Bởi vì nam tham nhũng. Cán bộ hết lớp này bị kỷ luật, lớp khác lên còng ăn bãm hơn, đục khoét tiền của dân của nước như sâu đục thân
Ông anh họ tôi ấm ức nói:
- Xã có con kinh Đông dẫn nước tưới tiêu cho cánh đồng Rộc. Lâu ngày đất bổi , kinh hẹp lại, nông choèn , bèo tây phủ kín. Xin xỏ mãi trên mới cho gần một tỷ đồng nạo vét kinh . Cũng bày đặt thành lập Ban quản lý dự án dự iếc do chủ tịch xã làm chủ dự án và các ban bệ từ xã xuống xóm gần chục người . Lễ khởi công trống dong cờ mở rầm rầm rô rộ vui như hội. Nhưng đến khi thi công thì ì ạch, lem nhem như “đéo vợ cả váy”. Rốt cục con kinh vẫn nông choèn như vũng nhái rửa đít. Mấy ông cựu chiến binh làm đơn tố cáo đảng ủy, đảng ủy lờ đi,cố ý bao che. Tức khí họ liền nhảy vào tự điều tra , lôi tuột ra hết. Kinh phí nhà nước rót xuống được 600 triệu, chúng nó chi vào dự án 200 triệu, còn chia nhau. Chúng nó ăn cả mấy đồng tiền còm bồi thường hoa màu của dân. Có người trên sổ sách được nhận một triệu, bị ăn chặn mất năm trăm ngàn. Có mỗi đoạn kinh thối mà từ Sở nông nghiệp,Sở tài nguyên môi trường , Sở tài chính tỉnh đến các phòng ban huyện đều chấm mút. Chủ tịch xã được chia 60 triệu, các cán bộ lau nhau bên dưới từ 30 đến 40 triệu. Bí thư đảng ủy xơi hẳn 80 triệu . Thảo náo cứ lờ tịt đơn tố cáo của dân. Chứng cớ hai năm rõ mười, không bao che được , công an huyện mới khởi tố vụ án và Tòa án mới đưa ra xét xử. Nhưng giơ cao đánh khẽ, chủ tịch xã,trưởng ban địa chính, trưởng thôn lãnh án treo còn, bí thư chỉ bị cách chức .
Ông anh họ tôi nói:
- Nó vẫn nhơn nhơn làm cán bộ xã. Hôm nay nó tổ chức đám cưới con trai to lắm. Nghe nói hơn hai trăm mâm. Mời hết lãnh đạo huyện và các xã trong huyện về dự. Tý nữa chú ra bờ kinh mà xem nó mổ trâu.
Ông anh họ hút điếu thuốc lào rồi vác cuốc ra đổng. Tiếng loa truyền thanh của xã cất lên bản nhạc “ Bài ca năm tấn” . Nghe lời ông anh họ, tôi dậy ra bờ kinh Đông xem mổ trâu giết bò ở quê mình ra sao.
Hai thanh niên dắt con trâu ra cột vảo gốc cây . Thấy tôi thằng Ất nhanh nhảu cất tiếng chào:
-Ông mới về ạ!
Tôi hỏi:
- Mổ trâu bán chợ à ?
Ất đáp:
- Không ạ! Chúng cháu làm cỗ giúp nhà Thìn.
Nói rồi Ất bảo Dậu kẹp chiếc kìm sắt nối với một đoạn dây điện vào tai con trâu. Con trâu hình như cũng có linh tính, nó lắc mạnh đầu cố văng chiếc kìm ra. Nhưng bàn tay thằng Dậu nắm chặt hai sừng , nó đành bất lực, hai mắt chớp chớp như van xin , nước mắt chảy ròng ròng như khóc.
Thằng Ất dí điện.
- Ó... ò...o...! Huỵch!
Con trâu kêu rống lên rồi ngã vật xuống bờ kinh. Nhanh như chớp thằng Ất cầm con dao bầu thọc mạnh vào iết hầu nó . Dòng máu đỏ tươi chảy vọt cầu vồng vào chiếc xoong thằng Dậu hứng .
Một đám trẻ con đứng xem tỏ vẻ khoái chí vỗ tay reo. Tôi cảm thấy ớn lạnh vì những tâm hồn thơ ngây kia đang làm quen với việc sát sinh .
Tôi hỏi Ất:
- Bao nhiêu mâm mà giết nhiều trâu bò gà lợn thế?
Ất chùi những giọt máu vừa bắn lên mặt , nói :
- Hơn hai trăm ông ạ!
Quê tôi thường làm cỗ năm người một mâm. Hai trăm mâm nghĩa là một ngàn thực khách. Đừng tưởng chỉ các đại gia ở thành phố mới tổ chức đám cưới linh đình. Một anh bí thư đảng ủy một xã nghèo như xã tôi cũng chơi ngông không kém.
Từ bờ kinh tôi đi ngang qua nhà Thìn. Từ cổng đến sân rực rỡ một màu đèn lồng đỏ. Ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Hải Phòng tôi đã nhìn thấy những dãy phố treo đèn lồng Trung quốc , giờ thấy thứ đèn lồng đỏ rực ấy trong một đám cưới quê nhà. Văn hóa Tàu đã từ trên màn hình TV tỏa ra cuộc sống đời thường, lấn át văn hóa Việt mất rồi.
Thìn đang chỉ huy treo đèn lồng, nhìn thấy tôi giơ tay vẫy . Rồi nó khệnh khạng đi ra bắt tay tôi, cười phấn khởi:
- Biết chú về chiều qua, định chốc nữa sang mời chú dự đám cưới cháu Tự.
Tôi nói:
- Đám cưới to quá nhỉ?
Khuôn mặt Thìn nở căng, bóng nhẫy không dấu niềm kiêu hãnh:
- Chả dấu gì chú. Năm ngoái cháu bị kỷ luật , có đứa khinh,tưởng phen này cháu gục. Chúng nó nhầm. Cháu vừa nhận chức phó phòng trên huyện, tương lai trưởng phòng, nay nhân dịp đám cưới thằng Tự, cháu rửa mặt!
Tôi bỗng nhớ mấy năm trước, một phó chủ tịch bị kỷ luật vỉ tham ô gần chục triệu. Anh này suốt ngày đóng cửa ở trong nhà ,bất đắc dĩ phải ra đường thì đội nón, trùm khăn kín mít. Ngày ấy người cán bộ, đảng viên còn biết xấu hổ,bây giờ thì không. Bí thư đảng ủy Thìn tham nhũng,bị kỷ luật, chẳng những không xấu hổ mà còn bày tiệc cưới linh đình để rửa mặt.
Khoảng mười giờ đường thôn đông nghịt. Người trong xã, trong huyện cả trên tỉnh về dự đám cưới nườm nượp. Những chiếc xe hơi biển trắng, biển xanh đỗ một dãy dài.
Thìn mặc Compe đen, thắt cà vạt đỏ chót , khuôn mặt nở căng tươi như hoa khoe với tôi:
- Đồng chí bí thư và chủ tịch huyện cũng về dự đám cưới cháu Tự.
Cỗ bày từ nhà ra sân ra vườn . Những mâm cỗ đầy tú hụ , mỡ màng như mặt chủ nhân và các vị chức sắc. Tiếng cười, tiếng chúc tụng lẫn trong tiếng loa thùng váng động một vùng quê. Lão người Tàu,chủ nhà máy thép phế thải thị trấn, một khu công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nhất tỉnh, nhảy lên sân khấu hát bài “ Hảo hán ca” trong phim Thủy Hử. Hắn đội chiếc mũ đỏ chót như chiếc đèn lồng, vung tay,đạp chân , phùng mang trợn mắt hát:
“ Dà hé xiang dông líu wã.
Tiãn shàng de xing căn bẽi dôu wã
Hẽi hẽi hẽi hẽi căn bèi dôu wã
Shẽng si zhĩ jião yĩ wãn jiũ wã...”
(Nước lớn cuồn cuộn chày về Đông
Đỉnh đầu sao sáng rạng Bắc đẩu
Hò dô rạng Bắc đẩu
Chén rượu thề xin nguyện giao...”
Tôi nhìn thấy đại tá cựu chiến binh Vũ Thân. Anh nháy mắt vẫy tay tôi đến góc vườn , nói nhỏ: “ Toàn bộ đèn lồng là của tay giám đốc ba Tàu kia mang từ Trung quốc sang tặng . Chỉ còn thiếu cô dâu chú rể “nhất bái thiên địa tam bái phu thê” nữa là ra đám cưới Tàu!”
Thân hỏi tôi:
- Ông có muốn đi xem lăng mộ tướng Phạm Qúy Ngọ không? Hôm nay 49 ngày , nghe nói cúng linh đình lắm .
- Thì đi! Tôi dáp và bỏ dở bữa tiệc cưới lên xe đi Đông Hưng.
Trên đường sang quê tướng Ngọ,chúng tôi ghé vào đền Đồng Bằng. Đây là nơi thờ Đức vua cha Bát Hải Động Đình , người có công xây dựng giang sơn xã tắc buổi sơ khai. Đền có sắc phong “ Tam kỳ linh ứng vĩnh công đại vương thượng đẳng thần” vào đời Hùng Vương thứ 18. Đền cũng là nơi thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cùng các danh tướng Hoàng thân quốc thích nhà Trần 3 lần đại thắng quân Nguyên Mông...
Ngày xưa hàng năm đền Đồng Bằng khai hội vào 20-8 âm lịch. Lễ hội tổ chức 8 ngày. Phần lễ rất trang nghiêm, mọi người thành kính dâng hương tế bái các vị công thần hiển Thánh, xem diễn lại tích cha ông đánh giặc. Phần hội có những trò chơi như bơi trải,vật,kéo có ,hát văn mang đậm tính dân gian.
Nay đình Đồng Bằng là nơi kinh doanh hái ra tiền. Ngoài sân một dãy bàn viết sớ thuê , trong nhà một dãy bàn xem bói, và bốn, năm cửa lên đồng. Tháng 30 ngày không vắng bóng đồng cô ,đồng cậu ngày nào . Các đồng cô,đồng cậu từ Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng đổ về lên đồng . Mỗi giá đồng chi phí ít nhất cũng 10 triệu,vậy mà có cô, có cậu thăng liên tục 36 giá . Ban quản lý đình thẳng tay chặt chém, bán chỗ ngồi viết sớ,coi bói, bán chỗ lên đồng và bãi giữ xe mỗi năm hàng chục tỷ đồng.
Cách đền Đồng Bằng không xa là làng Hoành Tự , xã Đông Cường, huyện Đông Quan, Thái Bình, quê của thượng tướng Phạm Qúy Ngọ. Ông từng làm trưởng công an huyện Quỳnh Phụ, Giám đốc công an tỉnh Thái Bình , và Thứ trưởng Bộ công an. Tại phiên tòa xét xử vụ án tổ chức cho người trốn ra nước ngoài do Dương Tự Trọng cầm đầu, Dương Chí Dũng với tư cách nhân chứng đã khai trước tòa rằng “ông anh” Phạm Qúy Ngọ chính là người đã mật báo cho Dương Chí Dũng biết quyết định của Thủ tướng chính phủ bắt giam Dương Chí Dũng và khuyên “chú hãy tạm lánh đi”. Dương Chí Dũng khai đã hối lộ Phạm Qúy Ngọ 510.000 đô la,và đưa giúp đại gia Trương Mỹ Lan 1.000.000 đô la.
Ngay tại phiên tòa đó ,chủ tọa đã quyết định khởi tố vụ án “ Làm lộ bí mật nhà nước”. Ngày 17-2-2014 , phó ban nội chính trung ương cho báo chí biết có ý kiến đề nghị đình chỉ công tác thượng tướng Phạm Qúy Ngọ để điều tra , nhưng ngày 18-2-2014, ông đã đột ngột từ trần vì ung thư gan , mặc dù mấy năm trước đã được thay một lá gan khỏe mạnh. Theo tiêu chuẩn ông Phạm Qúy Ngọ được an táng tại Nghĩa trang Mai dịch ,Hà Nội nhưng không hiểu sao lại đưa về quê an táng.
Khu lăng mộ tướng Phạm Qúy Ngọ ở cạnh con đường làng Đông Tự, cách đình làng 200 mét, diện tích khoảng một mẫu Bắc bộ , mới xây xong ba mặt tường cao, một cái hồ bán nguyệt và hai quả đồi. Mộ Phạm Qúy Ngọ vẫn che tôn, chưa xây lăng.
Đến lúc xế chiều, trời rả rích mưa, chúng tôi thấy 8 chiếc xe ô tô biển xanh trước lăng. Dân làng bảo : “ Xe chở người từ Hà Nội về cúng 49 ngày tướng Ngọ đấy”!
Không lâu nữa nơi đây sẽ hoàn tất lăng mộ cho có vẻ bề thế, tráng lệ!.
Một bí thư đảng ủy tham nhũng bị kỷ luật tổ chức đám cưới linh đình cho con để rửa mặt.
Một ngôi đình thờ các vị anh hùng dân tộc biến thành điểm kinh doanh.
Một viên tướng chết đột ngột mang theo nghi án làm lộ bí mật nhà nước và nhận hối lộ hàng triệu đô la, được tổ chức lễ tang trọng và đưa về quê xây lăng mộ trên diện tích hàng ngàn mét vuông đất.
Ôi những mảnh đời trắng đen cứ phơ bày ra một cách trắng trơn, phũ phàng. Phải chăng đó là câu trả lời vì sao đạo đức quê tôi xuống cấp đến mức như bây giờ.
M T
* (Tác giả gửi đến BVB)
--------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét