Thứ Tư, 9 tháng 4, 2014

Người Mỹ “xoay trục” hay “lệch trục”?

                       * TS. ĐỖ SƠN HẢI
Đúng vào lúc mà sự hoài nghi về khả năng thực hiện "chính sách xoay trục về châu Á" của Mỹ xuống tới mức thấp nhất, bởi cho rằng người Mỹ còn đang bấn bíu với lệnh trừng phạt Nga sau vụ sáp nhập Crưm, thì chính quyền Obama lại bắt đầu một màn "tái xuất" châu Á không thể ồn ào hơn.
Bắt đầu là cuộc gặp giữa ba nhà lãnh đạo Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản ngày 24-3, bên lề của Hội nghị an ninh hạt nhân (La Hay, Hà Lan). Với tư cách là những đồng minh truyền thống nên Nhật Bản và Hàn Quốc có vị trí rất quan trọng trong chính sách “xoay trục” của Mỹ. Nhưng trớ trêu ở chỗ, do những lý do lịch sử, đặc biệt là tranh chấp lãnh thổ tại quần đảo Takeshima/Dokdo, quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc luôn tiềm ẩn những bất đồng, và căng thẳng bùng phát từ thời Tổng thống Lee Myung-bak. Trong suốt thời gian qua, Tổng thống Obama gần như bất lực trong việc hòa giải hai đồng minh này, thậm chí kể cả khi bán đảo Triều Tiên rơi vào cảnh “bên miệng hố chiến tranh” hồi đầu năm 2013. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho quá trình triển khai chính sách xoay trục gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, cuộc gặp này có thể coi là một thành công của Tổng thống B. Obama, bởi đã thuyết phục được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye lần đầu tiên ngồi lại với nhau kể từ khi họ nhậm chức hồi đầu năm 2013. Chưa biết cụ thể những lý lẽ gì được ông Obama đưa ra để có thể thuyết phục được đôi bên, nhưng những quả tên lửa vừa được CHDCND Triều Tiên phóng thử cùng với cam kết bảo đảm an ninh từ phía Mỹ chắc chắn đã được ông Obama đưa ra trong đối thoại ba bên.
Tiếp theo là Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ – ASEAN tại Honolulu(Hawaii, từ ngày 1 đến ngày 3-4-2014).
Tại các hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN, APEC hay Diễn đàn đối thoại Shangri – La, v.v., các nhà lãnh đạo Mỹ luôn khẳng định vai trò quan trọng của ASEAN trong chính sách xoay trục châu Á. Tuy nhiên, những hoạt động trên thực tế của chính quyền Obama khiến ngay cả một đồng minh thân cận của Mỹ là Philippines cũng đang đặt dấu hỏi về mức độ thực chất của sự quan tâm này. Thậm chí, nhiều người Thái Lan còn bày tỏ sự chán nản đối với thái độ “thờ ơ” của Mỹ trước những hình biến động căng thẳng tại Bangkok. Trong bối cảnh đó, nhất là sau vụ mất tích của chiếc máy bay MH 370 của Hãng hàng không Malaysia, hội nghị tại Honolulu được coi là một bước đi nhằm tái khẳng định quyết tâm “xoay trục” thật sự của chính quyền Obama. Tại cuộc gặp lịch sử đầu tiên giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ với những người đồng cấp 10 nước ASEAN trên đất Mỹ, ông Chuck Hagel đã đề cập tới nhiều biện pháp tăng cường hợp tác an ninh đa phương trong khu vực và xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn giữa các cơ quan quân sự và dân sự để cải thiện công cuộc trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thiên tai. Nhưng có lẽ điều được ông Chuck Hagel nhắc đến nhiều nhất vẫn là chủ trương tăng cường và mở rộng sự hiện diện cũng như hoạt động của quân đội Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, điển hình như việc ông Hagel nhấn mạnh vào việc triển khai các lực lượng tác chiến đặc biệt, như một phần của các hoạt động chống khủng bố, ở Philippines, Thái Lan và Indonesia, v.v.
Ngay sau đó, ông Chuck Hagel có chuyến công du 10 ngày tới Nhật Bản, Trung Quốc và Mông Cổ. Đây là chuyến công du thứ 4 của ông Hagel tới châu Á.
Trong điểm dừng chân tại Nhật Bản kéo dài hai ngày (5 và 6-4), chủ đề thảo luận của Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel với người đồng cấp Nhật Bản Itsunori Onodera vẫn lại tiếp tục là cách đối phó với những thách thức an ninh. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với sự tái căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cũng như những hệ lụy nguy hiểm có thể xảy ra sau vụ sát nhập Crưm của Nga. Như để xua tan những quan ngại của người Nhật về những phản ứng yếu ớt của Mỹ đối với vụ Crưm, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đã cam kết mạnh mẽ việc bảo vệ an ninh của đồng minh thân cận tại châu Á, bằng kế hoạch triển khai thêm hai tàu khu trục được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis tại Nhật vào năm 2017 để đối phó với “các hành động khiêu khích và gây bất ổn của CHDCND Triều Tiên”.
Tại Tokyo, bất chấp sau đó một ngày sẽ có mặt tại Thanh Đảo (Trung Quốc), và cho dù là người được cho là khá điềm tĩnh và có thói quen đối thoại thận trọng, ông Chuck Hagel đã không quên cảnh báo Trung Quốc phải tôn trọng các nước láng giềng và không dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Rời Tokyo, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel tiếp tục chuyến viếng thăm ba ngày (từ 7 đến 10-4) Trung Quốc, đối tác không thể thiếu trong chính sách “xoay trục” về châu Á. Tại các cuộc hội đàm với những nhà lãnh đạo quân sự Trung Quốc, dù đã "thảo luận thẳng thắn" về những vấn đề bất đồng giữa hai cường quốc hàng đầu trong khu vực như vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Hoa Đông và Biển Đông, thậm chí còn là người nước ngoài đầu tiên được viếng thăm tàu sân bay Liêu Ninh, nhưng cuối cùng ông Hagel cũng chỉ có thể nhắc lại quan điểm “không đứng về phía nào trong các tranh chấp lãnh thổ tại châu Á”. Phát biểu được cho là cứng rắn của ông Hagel cũng chỉ là đề nghị Trung Quốc cần cân nhắc trong việc sử dụng sức mạnh : “Các cường quốc đều có những trách nhiệm lớn. Trung Quốc cũng là một cường quốc, phải cân nhắc sử dụng sức mạnh quân sự của mình theo cách nào. Chúng ta nhận thức rõ ràng rằng, tất cả các nước trong thế kỷ 21 không thể đi một vòng để xác định lại đường ranh giới và vi phạm toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền của các quốc gia bằng vũ lực, ép buộc và đe dọa, cho dù đó là những hòn đảo nhỏ ở Thái Bình Dương hay những nước lớn ở châu Âu”. Điều này cũng hoàn toàn có thể hiểu được bởi chính quyền Obama luôn xác định đối thoại và hợp tác với Trung Quốc là một trong những mục tiêu quan trọng trong chính sách “xoay trục” châu Á.
Mông Cổ sẽ là điểm đến cuối cùng của ông Chuck Hagel trong chuyến thăm châu Á. Tuy chưa biết ông Hagel sẽ thảo luận những gì với các nhà lãnh đạo Mông Cổ, nhưng chỉ riêng việc lần đầu tiên một ông chủ Lầu năm góc tới Mông Cổ trong vòng 10 năm qua cũng cho thấy một thông điệp mới của chính quyền Obama: chính sách “xoay trục” vẫn tiếp tục được triển khai tới tận những vùng bị coi là xa xôi như Mông Cổ.
Thông điệp này chắc chắn sẽ còn được Tổng thống Obama nhắc lại trong chuyến công du từ ngày 22-4 tới đây đến 4 nước châu Á. Nhưng cũng chính màn “tái khởi động” này của chính quyền Obama đang đem đến ít nhất hai hiệu ứng liên quan tới cách thức thực hiện chính sách “xoay trục” về châu Á trong nhiệm kỳ hai.
Thứ nhất, chính quyền Obama vẫn chỉ tập trung “xoay trục” theo hướng quân sự là chủ yếu. Điều này cũng không có gì là bất cập bởi nó vừa hợp “mốt” tăng chi tiêu quốc phòng tại châu Á, đồng thời lại cũng đáp ứng nhu cầu đối phó với những nguy cơ an ninh như tranh chấp lãnh thổ hay cứu trợ, phòng chống thiên tai. Tất nhiên, ông Hagel chỉ có thể thảo luận về quốc phòng, bởi đó là lĩnh vực thuộc chuyên môn của ông, nhưng giá mà người lĩnh ấn tiên phong tái “xoay trục” là Ngoại trưởng John Kerry thì có thể không có hiệu ứng này.
Thứ hai,chính quyền Obama đang thực hiện một cách “dàn đều” với mọi loại đối tượng. Ở một mức độ nào đó, cách thức này có vẻ hoàn toàn phù hợp tuyên bố “nước Mỹ là một quốc gia châu Á – Thái Bình Dương”.
Nếu vậy, hai hiệu ứng này rất có thể khiến chính sách xoay trục rơi vào tình trạng “lệch trục”. Tại hội nghị APEC 19 năm 2011, thông điệp về chính sách xoay trục của Tổng thống Obama (còn được gọi là “Tuyên bố Honolulu”) không chỉ chú trọng đến lĩnh vực quân sự mà còn bày tỏ quyết tâm mạnh mẽ “hỗ trợ tăng trưởng bền vững và cân bằng của nền kinh tế thế giới và khu vực”. Cũng có thể do những khó khăn khó lường của nền kinh tế Mỹ (như việc chính phủ Mỹ phải đóng cửa) hoặc do những biến động của đời sống quốc tế (như vụ vũ khí hóa học của Syria) mà chính quyền Obama có thiên hướng tập trung vào nhân tố quân sự. Hậu quả của việc sao nhãng hợp tác kinh tế chưa biết sẽ tới mức độ nào nhưng kết quả ban đầu thì đã thấy qua thất bại trong mục tiêu kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) năm 2013. Hơn thế, việc nhấn mạnh tới yếu tố quân sự bao giờ cũng là con dao hai lưỡi đối với nền hòa bình, ổn định của khu vực.
Có lẽ chúng ta sẽ phải chờ chuyến viếng thăm châu Á tới đây của Tổng thống B. Obama mới có thể khẳng định rằng chính sách “xoay trục” của Mỹ đúng là bị “lệch trục” hay không.
Đ,S,H /ND
---------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét