|
* NGUYỄN NGỌC CHÂU
Có thể nói, hiện nay các nhà quản lý khoa học có phẩm chất như GS Phạm Đức Dương (trong bài:Tôi chỉ là người giúp việc cho các nhà nghiên cứu - Tạp chí Tia Sáng số 06 ngày 20/3/2014) ngày càng hiếm. Vì sao vậy?
Trước hết là một thời gian dài trước đây, chính sách, mô hình và cơ chế quản lý khoa học có những bất cập đã tạo “cơ hội” cho những người đứng đầu tổ chức khoa học - công nghệ vốn đã yếu cái tâm, không phải là người giúp việc cho các nhà nghiên cứu, mà thường là các ông “quan” có đặc quyền ban phát kinh phí, đề tài, dự án nghiên cứu, v.v, biến mối quan hệ giữa nhà quản lý và nhà khoa học thành quan hệ cấp trên - cấp dưới... Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến những tiêu cực trong hoạt động khoa học, và làm tha hóa không ít cán bộ quản lý. Mặt khác, những người có trách nhiệm trong bổ nhiệm cán bộ quản lý khoa học, thường đánh đồng giữa kỹ năng chuyên môn (của nhà khoa học) với kỹ năng quản lý – lãnh đạo. Bởi vậy, không ít người rất giỏi về chuyên môn khoa học, được thừa nhận quốc tế, nhưng thiếu các phẩm chất, kỹ năng quản lý, khi được ưu ái đặt lên ghế lãnh đạo, một mặt họ không còn thời gian làm chuyên môn, bị mai một dần khả năng, động lực sáng tạo, mặt khác không thể tổ chức được bộ máy hoạt động tốt, thậm chí làm “hỏng” cả một tổ chức nghiên cứu.
Để thay đổi thực trạng trên, chúng ta phải chấm dứt sự nhầm lẫn trong việc trọng dụng và sử dụng nguồn nhân lực KHCN, phân định rõ vai trò chức năng của nhà khoa học và nhà quản lý, đồng thời đánh giá đúng năng lực chuyên môn của từng người bằng cách dựa vào các tiêu chí chuẩn mực theo thông lệ quốc tế.
Đối với các nhà khoa học, cần đánh giá năng lực chuyên môn qua các tiêu chí: Công bố khoa học (tạp chí uy tín có hệ số ảnh hưởng IF cao, kèm theo đó là hệ số H cao); Khả năng “xin” tài trợ trong nước và quốc tế (đương nhiên các tài trợ quốc tế được đánh giá cao); Uy tín và khả năng phục vụ cộng đồng (tham gia, được mời chủ trì hoặc báo cáo tại hội nghị hội thảo trong nước và quốc tế); Tham gia hoặc được mời biên tập cho các tạp chí khoa học trong và ngoài nước. Đây là những tiêu chí làm căn cứ để các nhà khoa học được bố trí, sắp xếp vào các vị trí chuyên môn phù hợp và được cấp nguồn kinh phí cần thiết cho công việc nghiên cứu của mình. Cơ sở minh bạch này sẽ giúp hạn chế bớt tình trạng ban phát bổng lộc theo cơ chế xin-cho và khiến các nhà quản lý không thể lạm quyền, đưa ra những quyết định thiên vị theo chủ kiến riêng.
Về phía nhà quản lý, việc đánh giá năng lực cần dựa trên các tiêu chí: i) Ngoài bằng cấp về KHCN (bằng tiến sỹ hay thạc sỹ, nhưng không nhất thiết phải có học vị GS hay PGS) phải được đào tạo bài bản về quản lý KHCN; ii) Có kinh nghiệm năng lực quản lý KHCN thông qua các vị trí đã giữ (được chuyên gia có uy tín xác nhận và tiến cử, được cộng động KHCN ủng hộ); iii) Có phẩm chất tốt được thể hiện trong quan hệ với cộng đồng KHCN. Đây là những tiêu chí cần thiết khiến các lãnh đạo biết lắng nghe các ý kiến đóng góp của giới khoa học, tạo dựng một môi trường dân chủ, cởi mở hơn trong môi trường quản lý khoa học và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà khoa học trong công việc chuyên môn của họ.
Cuối cùng, bất kể sự bổ nhiệm nào cũng cần được thực hiện thông qua một hợp đồng, trong đó quy định rõ bổn phận, trách nhiệm và quyền lợi của người được bổ nhiệm (vào vị trí làm chuyên môn hoặc làm quản lý). Qua thời gian định kỳ đánh giá theo tiêu chí trên đây, nếu không đáp ứng được các yêu cầu mà hợp đồng đặt ra thì người đó phải rút lui để người khác xứng đáng hơn đảm nhận cương vị của mình.
(Tia sáng)
------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét