Đây là kiến nghị của TS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển.Đánh giá về hành vi hạ đặt giàn khoan HD 981 của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, TS Hoàng Ngọc Giao, cho rằng cùng với một loạt các hành động trước đó, hành động lần này của Trung Quốc đã lên đến đỉnh điểm và vô cùng nghiêm trọng. TS Giao cũng cho rằng đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế.
TS Hoàng NGọc Giao tại buổi họp của Liên đoàn Luật sư chiều 11/5
TS Giao cho rằng, cùng với một loạt những hành động trước đó như xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa, áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá tại vùng biển Hoàng Sa năm 2009, sử dụng tàu hải giám cắt cáp thăm dò địa chấn các tàu của Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam, công bố mời thầu thăm dò dầu khí tại thềm lục địa của Việt Nam..., hành động lần này của Trung Quốc rất nghiêm trọng ở chỗ khi họ đặt chân án ngữ toàn bộ đường ra Biển Đông của ta, ảnh hưởng đến bà con ngư dân Lý Sơn.
"Cuộc đấu tranh này phải tổng hợp ngoại giao, pháp lý, trên thực địa, qua kênh chính thức của nhà nước và qua kênh của nhân dân. Chúng ta không thể nhún nhường, không lẫn lộn giữa ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân, giữa ngoại giao và pháp lý. Pháp lý là việc sòng phẳng, không có chuyện nương nhẹ, anh đúng tôi công nhận anh đúng, anh sai tôi phải phản đối đến cùng", ông Giao nói. Ông cũng cho biết hành vi đưa giàn khoan vào biển VN của TQ đã vi phạm cả hai nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế là dùng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực.
- "Việt Nam hoàn toàn có thể kiện và thắng”
- Giàn khoan HD-981: Âm mưu của Trung Quốc thâm độc hơn nhiều
- Vụ giàn khoan Trung Quốc: Kêu gọi đàm phán
Ông Hoàng Ngọc Giao kiến nghị Chính phủ đứng đơn kiện, thực hiện các thủ tục pháp lý để kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về các hành vi thôn tính lãnh thổ là các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, đồng thời đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ nhóm hịp và giải quyết vấn đề này. "Chính phủ cứ chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, nếu TQ trước công luận quốc tế không công nhận tòa án luật Biển hoặc không chấp nhận vụ kiện thì sẽ là thách thức quốc tế đối với Trung Quốc về ngoại giao và pháp lý", ông Giao nói.
Về ý kiến cho rằng Việt Nam có thể giải quyết vấn đề theo hướng khai thác lợi ích kinh tế từ giàn khoan của Trung Quốc theo hướng đôi bên cùng có lợi, TS Giao cho rằng lý lẽ này, cũng như yêu cầu Việt Nam rút hết các tàu rồi mới đàm phán, thực chất là mánh lới chính trị của Trung Quốc, chúng ta phải luôn luôn cảnh giác. "Đây không phải là câu chuyện tranh chấp, chính Trung Quốc đang kéo chúng ta vào mưu đồ của họ, biến không có tranh chấp thành có tranh chấp để họ xâm lấn nhà của chúng ta. Hoạt động hợp tác đầu tư kinh tế không phải như vậy. Tôi cho rằng những tiếng nói như vậy có thể do thiếu thông tin, nhận thức còn yếu và rất nguy hiểm bởi như vậy chúng ta đã sa vào âm mưu của TQ".
Ông Giao cũng cho rằng TQ không muốn quốc tế hóa vấn đề biển Đông mà muốn giải quyết với từng nước riêng lẻ trong khối ASEAN là bởi muốn sử dụng chính sách bá quyền nước lớn. Ông Giao đã ví von TQ như một tay " nhà giàu mới nổi", muốn sử dụng đồng tiền mà họ kiếm được để tranh thủ sự đồng thuận của các nước. Vì vậy TQ muốn chia rẽ các nước để họ kiếm lợi. "Bản thân chúng ta cũng cần tỉnh táo bởi dù có thỏa thuận gì giữa các lãnh đạo cấp cao, từ trước đến nay TQ luôn luôn chà đạp lên những cam kết mà họ đã ký", ông Giao nói.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam ra tuyên bố phản đối Trung Quốc Chiều 11/5, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã ra Tuyên bố phản đối hành vi của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông. Theo đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cực lực phản đối Chính phủ Trung Quốc về hành vi hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 tại tọa độ 15029’58’’ vĩ Bắc – 111012’06’’ kinh Đông, ở vị trí nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là 80 hải lý, trên thềm lục địa của Việt Nam, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý và cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý, để tiến hành khoan thăm dò thềm lục địa của Việt Nam. Tính đến ngày hôm nay, phía Trung Quốc đã huy động 83 tàu hộ tống (trong đó có nhiều tàu quân sự và máy bay yểm trợ). Một số tàu Trung Quốc đã cố tình đâm thẳng vào các tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư của Việt Nam đang hoạt động chấp pháp tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gây thiệt hại về tài sản và thương tích đối với nhân viên công vụ của Việt Nam. Liên đoàn luật sư Việt Nam yêu cầu Chính phủ Trung Quốc chấm dứt ngay các hành vi xâm phạm chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và rút ngay giàn khoan Hải Dương 981, rút hết các tàu công vụ và quân sự đang hộ tống giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và không lặp lại hành động tương tự trong tương lai. Liên đoàn Luật sư cũng cho biết sẵn sàng đóng góp với Chính phủ về những cơ sở pháp lý và trong các hành động pháp lý để bảo vệ chủ quyền ở biển Đông. |
Lan Hương/(VietQ.vn) -
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét