Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Trung Quốc định thâu tóm Ngân hàng Châu Á


Tính tới cuối tháng 3/2014 dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tới gần 4.000 tỉ USD, đứng hàng đầu và chiếm tới 1/3 tổng dự trữ ngoại tệ thế giới. Với dự trữ ngoại tệ hùng hậu này, Trung Quốc đang tìm cách thâu tóm Ngân hàng Châu Á. 
Ngày 2/10/2013 trong buổi hội đàm với Tổng thống Indonexia tại Giacacta, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất thành lập “Ngân hàng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Châu Á” (Asian InfrastructureInvestment Bank- AIIB) nhằm giúp đỡ lẫn nhau và thúc đẩy tiến trình nhất thể hóa ASEAN. Ngân hàng này sẽ cấp vốn cho công cuộc xây dựng cơ sở hạ tầng của các nước trong khu vực Châu Á kể cả ASEA.
Đây là ngân hàng thứ ba do Trung Quốc đề xướng và giữ vai trò chủ đạo. Trước đó là Ngân hàng phát triển BRICS (Nhóm 5 nước đang trỗi dậy) và Ngân hàng phát triển tổ chức Thượng Hải (SCO). Hai ngân hàng trên do Trung Quốc chủ trì và là nước xuất vốn nhiều nhất, giờ đây Trung Quốc đề xướng thành lập “Ngân hàng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Châu Á” (AIIB) do Trung Quốc chủ trì và là nước xuất vốn chủ yếu. Như vậy, Trung Quốc muốn thâu tóm cả ba Ngân hàng và có ý đồ thay thế và đẩy “Ngân hàng phát triển Châu Á” (ADB) ra rìa. 
Tờ “Asahi Shimbun” của Nhật Bản ngày 19/5/2014 cho rằng kể từ sau Đại  chiến  thế giới thứ hai tới nay, Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) trong suốt thời gian thành lập từ năm 1966 tới nay đã phát huy rất tốt vai trò của mình trong việc giúp đỡ tài chính và vốn đầu tư cho các nước trong khu vực, nhất là các nước nghèo. Những khoản tiền ODA (vốn vay chính phủ) cấp cho các nước, nhất là các nước nghèo, kém phát triển và đang phát triển đã phát huy tác dụng to lớn trong công cuộc tái thiết và xây dựng cơsở hạ tầng ở các nước, như xây dựng cầu đường, đường cao tốc, bến cảng, nhà ga, sân bay…
Ngày 2/5/2014 khi ADB tiến hành Hội nghị thường niên ở Thủ đô Astana, Cadacxtan, thì cùng ngày đó Trung Quốc triệu tập Hội nghị của “Ngân hàng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Châu Á” (AIIB) ngay gầnđó với 16 thành viên. Bộ trưởng tài chính Trung Quốc Lầu Kế Vĩ nói AIIB tồn tai song song và bổ sung cho ADB. Tuy nhiên dư luận cho rằng đây chỉ là cái cớ để Trung Quốc chia rẽ, khoét chân tường và làm suy yếu ADB. Dư luận nhiều nước Châu Á cho rằng AIIB chỉ là “chiếc áo khoác” của Ngân hàng và Quỹ dự trữ ngoại tệ khổng lồ hiện nay của Trung Quốc nhằm bành trướng ra ngoài,  tranh giành thị trường đầu tư và ảnh hưởng với ADB, tiếp đó từng bước thay thế vai trò của ADB hiện nay.
Một quan chức của ADB cho rằng đây là “con bài chính trị” của Trung Quốc, định dùng tiền để thâu tóm cả Châu Á. Trung Quốc cho rằng Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) là sản phẩm củatrật tự tiền tệ quốc tế sau Chiến tranh thế giới thứ hai, mang màu sắc của hệ thống “Bretton Wood” do Mỹ và Phương Tây thâu tóm và chi phối.
Tiếp đó ADB ra đời năm 1966 tại Philippin do Nhật Bản làm Chủ tịch hiện nay cũng bị Mỹ, Nhật Bản chi phối. Trung Quốc là nước có tiềm lực kinh tế tài chính thứ hai và thứ nhất thế giới, nhưng tiếng nói và quyền phát ngôn lại không có trọng lượng trong cơ quan tài chính ngân hàng này. Bởi vậy, Trung Quốc phải xây dựng một hệ thống riêng do mình chi phối.
Trước đây do tiềm lực kinh tế tài chính có hạn  nên Trung Quốc không có kiến nghị nào xung quanh vấn đề này. Kể từ khi cải cách tới nay, với tiềm lực kinh tế và tài chính hùng hậu., như thực lực kinh tế đứng thứ hai thế giới, dự trữ ngoại tệ đứng thứ nhất thế giới, nhưng Trung Quốc chưa bao giờ có chân trong chức Chủ tịch ADB, bởi vậy Trung Quốc muốn “phế truất” hệ thống cũ để thành lập một hệ thống và trật tự tiền tệ thế giới mới do Trung Quốc chủ trì. 
Ngoài ra, với dự trữ ngoại tệ gần 4.000 tỉ USD, trong đó đa số là các trái phiếu của Mỹ, nên Trung Quốc muốn số vốn này đầu tư ra các nước Châu Á, vừa kiếm lời, vừa cạnh tranh với ADB, gạt ADB ra rìa, từ đó thâu tóm luôn địa vị kinh tế, chính trị của khu vực. 
Nhận rõ mưu toan này của Trung Quốc, nên trong chuyến thăm Nhật Bản tháng 4/2014 vừa qua, Tổng thống Mỹ Obama nói: “Chúng tôi ủng hộ ADB là Ngân hàng hiện đang ra sức đáp ứng được  công cuộc tái thiết cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng của các nước Châu Á.”
Tờ “Asahi Shimbun” của Nhật dẫn phát biểu của Chủ tịch ADB Takehiko Nakao nói: “ADB chúng tôi sẵn sàng hợp tác nghiệp vụ tài chính tiền tệ với AIIB, nhưng không góp vốn đầu tư vào ngân hàng này.”
Tờ báo cho rằng kể từ khi thành lập 10/2013, AIIB phớt lờ, không bao giờ thông báo hoặc có ý mời Nhật Bản và Ấn Độ, hai nước có tiềm lực kinh tế tài chính hùng hậu ở Châu Á tham gia. Theo tờ bào, bởi vì Trung Quốc muốn thâu tóm và chi phối AIIB, tức là chi phối hệ thống tiền tệ tài chính ngân hàng Châu Á. Một quan chức tài chính ngân hàng Nhật Bản cho biết vận hành và kinh doanh ngân hàng không phải là việc dễ dàng, hiện nay Trung Quốc muốn lập “một bếp riêng” của mình thì Trung Quốc cứ làm. ADB chúng tôi có thiện chí nếu họ mời chúng tôi làm tư vấn, nhưng đầu tư góp vốn thì không bao giờ làm. Cho dù phía Trung Quốc có mời Nhật Bản tham gia AIIB thì trong bối cảnh quan hệ Nhật – Trung hiện nay, phía Nhật Bản cũng không thể tham dự.
Hiện nay Trung Quốc đang muốn mở rộng ảnh hưởng của mình ra các nước xung quanh, như Mianma, Bangladesh, Pakixtan, các nước Cộng hòa Trung Á, nên đã bỏ tiền ra tranh thủ sự ủng hộ của các nước này. Ngoài ra, Trung Quốc còn ôm ấp hoài bão lớn là thâu tóm và chi phối hệ thống tài chính ngân hàng Châu Á để trở thành bá chủ khu vực. Bởi vậy, dư luận đều cho rằng AIIB là con bài chính trị của TrungQuốc.
Kiều Tỉnh / Tầm nhìn
---------------


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét