Trung Quốc vừa lên tiếng “đe nẹt” các nước nhỏ trong khu vực, thì ngay tại châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ đang âm thầm thiết lập một “cấu trúc an ninh” bao gồm các đối tác chiến lược và đồng minh của mình.
Theo tờ The Star (Philippines), “thỏa thuận an ninh” mà Mỹ đang kêu gọi các đối tác chiến lược của mình tham gia là nhằm hình thành một liên minh quân sự để đề phòng và chống lại những bước đi hung hăng và hiếu chiến của Trung Quốc trong việc tuyên bố chủ quyền đối với các vùng nước thuộc Biển Đông nhằm tiến tới độc chiếm gần như toàn bộ vùng biển này.Nhưng tại sao Mỹ lại kêu gọi các nước trong khu vực tham gia hình thành liên minh quân sự? Theo lập luận của Lầu Năm Góc, việc xây dựng thêm các căn cứ quân sự hiện đã trở nên quá tốn kém trong bối cảnh ngân sách quốc phòng của nước này liên tục bị cắt giảm. Thay vào đó, việc hình thành một “cấu trúc an ninh hình rẻ quạt” trong đó mỗi đối tác chiến lược hay đồng minh là một “nan quạt” phù hợp hơn cả với chính sách “trục châu Á” hay chương trình “tái cân bằng” lực lượng Mỹ ở khu vực này.
Tờ The Star của Philippines còn cho biết thêm, hiện tại các “nan quạt” của cấu trúc an ninh này ngoài Philippines còn có Australia, Nhật Bản, Singapore và Thái Lan. Trong tương lai, rất có thể Malaysia cũng sẽ tham gia vào đội hình này, nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết.
Theo một thỏa thuận đã được ký từ năm 1992, Singapore đã cho phép các đơn vị hải quân và không quân Mỹ được phép sử dụng căn cứ quân sự Sembawang. Trong thời gian qua, các lực lượng Mỹ cũng thường xuyên tổ chức tập trận chung với quân đội Thái Lan mặc dù mọi chương trình hợp tác đã bị tạm ngừng do cuộc đảo chính vừa qua ở đất nước này.
Hôm thứ Sáu tuần trước, phát biểu tại một phiên thảo luận về an ninh trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế thế giới khu vực Đông Á, đô đốc William Locklear III, Chỉ huy trưởng lực lượng quân đội Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương đã nhấn mạnh rằng “sự tăng trưởng nhanh chóng của số lượng các thiết bị quân sự tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương” đã dẫn đến một vấn đề là “nếu không được sử dụng hợp lý” sẽ dẫn đến “một vấn đề nghiêm trọng”.
Cũng theo vị đô đốc này, cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, theo quan sát của ông ta, khu vực này hiện đã trở thành nơi có “tốc độ quân sự hóa” cao nhất thế giới.
“Để công việc kinh doanh được tiếp tục trôi chảy, khu vực châu Á – Thái Bình Dương cần có một cấu trúc an ninh bền vững”, ông Locklear nói.
Trong một cuộc thảo luận kín với các quan chức và chuyên gia Philippines về vấn đề an ninh trong khu vực ASEAN, đô đốc Locklear đã đề cập đến việc xây dựng “cấu trúc an ninh” này.
Trong phần đầu của phiên thảo luận, ông Locklear đã nhấn mạnh rằng việc Mỹ duy trì một sự hiện diện mạnh mẽ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong suốt hơn 70 năm qua và vị thế của Mỹ là “sẵn sàng chào đón Trung Quốc như một đối tác”.
“Vị trí của Mỹ không phải là để kiềm chế Trung Quốc”, ông Locklear nói và khẳng định rằng hai nước có đến 80% lợi ích chung.
“Nhưng có rất nhiều chuyện nằm ở bên ngoài cái 80% ấy vẫn có thể xảy ra ở đây”, tướng Locklear nói.
Hồi thứ Tư tuần trước, trong một sự kiện ở Thượng Hải, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra một lời “cảnh báo” rằng các lực lượng quân sự mới nổi ở khu vực đang tìm cách liên minh với nhau để nhắm đến việc chống Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc còn không ngại ngần chỉ ra rằng các nước như Nhật Bản, Philippines và Việt Nam đã “xích lại gần nhau” để chống lại những hành động hung hăng của Trung Quốc trong quá trình hiện thực hóa tuyên bố chủ quyền của họ ở Biển Đông bằng cái gọi là “bản đồ đường 9 đoạn” (đường lưỡi bò).
Tại Diễn đàn kinh tế thế giới khu vực Đông Á, tướng Locklear đã gọi “đường lưỡi bò” là một thứ rất mơ hồ và lên tiếng kêu gọi các bên cần tuân thủ nguyên tắc và duy trì ổn định trong khu vực.
Vị chỉ huy của lực lượng quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương cũng tuyên bố “thái độ lẽ phải thuộc về kẻ mạnh” sẽ không bao giờ được phép xảy ra trong khu vực này.
Khi được hỏi về quan điểm của Mỹ trong “chính sách hướng Đông” của Nga, ông Locklear cho rằng “Việc liệu Nga có thực sự có đủ năng lực để trở thành một thế lực đáng kể ở châu Á – Thái Bình Dương hay không vẫn chưa thể xác định nhưng rõ ràng đây là một điều Mỹ cần phải chú ý”.
Tờ The Star của Philippines tiếp tục trích dẫn “một nguồn tinh chính thức” cho rằng việc Nga đạt được những thành công ở Ukraine đã khiến cho Washington lo ngại rằng Trung Quốc cũng sẽ “bắt chước” để mở rộng vùng lãnh thổ của mình bằng chiêu bài “bảo vệ công dân Trung Quốc ở nước ngoài”.
Hồi tháng trước, trong chuyến thăm đến Nhật Bản, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cam kết với Tokyo rằng Washington sẽ bảo vệ Nhật Bản nếu kẻ thù tấn công vào bất kỳ khu vực nào thuộc lãnh thổ của nước này kể cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang có tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Tuy vậy, đến nay chính quyền Obama vẫn chưa hề có một cam kết hay hứa hẹn nào đối với những vùng biển thuộc chủ quyền của Philippines nằm trong Biển Đông, kể cả khu vực nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines mà Trung Quốc cũng tuyên bố là của họ.
Mới đây, Bắc Kinh đã tuyên bố thiết lập một Vùng nhận diện phòng không mà Manila lo ngại rằng rồi một ngày không xa nó sẽ được mở rộng ra toàn bộ khu vực Biển Đông.
Philippines đã đưa các tranh chấp này lên Hội đồng Trọng tài của Liên Hợp Quốc và tòa án Luật Biển – hành động đã khiến Bắc Kinh vô cùng cáu giận. Việt Nam cũng đang xem xét và tập hợp hồ sơ để có hành động tương tự.
Hiện nay, Manila và Washington vẫn đang trong quá trình điều chỉnh và hoàn thiện một Thỏa ước nâng cao hợp tác quốc phòng đã được ký trong chuyến thăm của ông Obama đến Manila hồi tháng trước. Bản thỏa ước này sẽ tạo khung pháp lý cho việc quân đội Mỹ gia tăng sự hiện diện luân phiên tại Philippines .
Lương Minh/Infonet
----------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét