Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

TS.Nguyễn Minh Đường"Mong như Thủ tướng nói: Từ nay hết Viễn vông, hết Lệ thuộc..."

                                             
        
                                                                            Hà Nội, ngày 22 tháng 5 năm 2014.
                               
                          Kính gửi:  - Thủ tướng Chính phủ.
                                             - Các vị Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên TW Đảng.
                                                  -  Các vị Đại biểu Quốc hội.
          Kính thưa Thủ tướng và Quý vị!
Ngày 21/5/2014 Thủ tướng Chính phủ đã làm cho mỗi người dân Việt Nam trong nước, ngoài nước ấm lòng và tự hào khi tuyên bố "Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó".
Phải chăng “lửa thử vàng” và thực tiễn đã chứng tỏ Thủ tướng chính là người lãnh đạo mà dân tộc Việt Nam đang cần lúc này, bởi trước hết với đầy đủ chí khí và trí tuệ, Thủ tướng Chính phủ là người lãnh đạo cao nhất trong những người lãnh đạo đã đàng hoàng, minh bạch, công khai chỉ rõ, kẻ thù bên ngoài nguy hiểm nhất với dân tộc Việt Nam và hòa bình thế giới là “chủ nghĩa bành trướng, bá quyền” của nhà cầm quyền Trung Quốc, kẻ thù bên trong nguy hiểm nhất với tiến bộ xã hội là tư tưởng “Viển vông, Lệ thuộc”?                
Trước đó, sáng 18/5/2014, Thủ tướng cũng đã làm cho mỗi cán bộ khoa học phấn khởi khi thay mặt Chính phủ trân trọng công bố “18/5 là Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam”, đồng thời xác định KH&CN là đòn bẩy trong quá trình đưa Việt Nam sớm trở thành nước công nghiệp. Từ tinh thần này, sẽ thấy để KH&CN thực sự có vai trò “đòn bẩy”, trước hết những ai làm công tác khoa học cần đấu tranhthoát khỏi “tư tưởng viển vông, lệ thuộc”. Tiếp theo, như trên các mặt trận chính trị, an ninh quốc phòng, … ở mặt trận “đòn bẩy” là KH&CN càng cần có Thủ tướng đứng trên tuyến đầu, bởi thực tế chúng ta đang bị và tự ràng buộc bằng một tư tưởng phi khoa học, phi tiến bộ và đây là nguyên nhân cốt lõi của trì trệ và lạc hậu. Xin giải trình quan niệm này:   
Viển vông nhất phải kể đến là việc bắt toàn Dân, toàn Đảng thực thi giấc mơ chủ nghĩa cộng sản “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” bởi các biện pháp Chia rẽ, Áp đặt, Bạo lực của chủ nghĩa Mác – Lênin như đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản, kinh tế Nhà nước là chủ đạo, Cương lĩnh trên Hiến pháp, chống tam quyền phân lập, … Lệ thuộc nhất là nhắm mắt coi trọng và kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin mà xem nhẹ Độc lập đất nước, Tự do Dân tộc, xem nhẹ “Việt Nam Hòa bình, Thống nhất, Độc lập, Dân chủ và Giầu mạnh”. Thực tế cho thấy việc chúng ta để tư tưởng “Hai nhất” (Viển vông nhất, Lệ thuộc nhất) ở ngôi vị cao là nguyên do sâu xa và trực tiếp đưa đất nước đến bờ khủng hoảng và thách thức hôm nay.
Mục tiêu nguy hiểm của tư tưởng này là tận dụng lợi thế độc quyền chân lý để loại bỏ tư tưởng Đoàn kết Dân tộc, Đoàn kết Quốc tế của Hồ Chủ tịch, nhất là Đoàn kết Quốc tế. Với mục tiêu này các phong trào rộng rãi được tổ chức nhằm hướng xã hội chú ý “Đạo đức” mà quên “Tư tưởng và Học thuyết Hồ Chí Minh”. Đồng thời vin vào “Ý thức hệ” để bằng mọi cách trì hoãn, làm tổn hại các mối quan hệ quốc tế mà Việt Nam đã, đang dày công xây dựng như quan hệ với Mỹ, Nhật, …, bất kể người “Bạn” “cùng ý thức hệ” luôn lợi dụng ta để thủ lợi cho quan hệ quốc tế của họ, nhất là với Mỹ.       
Đó là chưa kể các tư tưởng này còn lợi dụng việc chống tham nhũng, chống quyền lợi nhóm để phá hoại Đoàn kết trong lãnh đạo từ trung ương đến cơ sở, đồng thời định hướng sai dư luận xã hội. Cặp đôi “Hai nhất” này sinh ra vô vàn “Viển vông, Lệ thuộc” ở các lĩnh vực từ kinh tế đến giáo dục, văn hóa, KH&CN, … Đương nhiên, “Viển vông, Lệ thuộc” là kẻ thù không đội trời chung của “Kiến tạo Phát triển”, “Hiệu quả” và tiến bộ xã hội. Hậu quả dễ thấy nhất là làm Việt Nam tự đánh mất lợi thế của nước đi sau, khi chỉ quen sao chép các mô hình thành công đã có sẵn, trong khi đáng ra phải  Nghĩ cùng thế giới, Làm cùng thế giới để tạo ra những mô hình mới.
Tình hình này phổ biến ở mọi lúc, mọi nơi ví như giáo dục vẫn tạo ra nguồn nhân lực theo tiêu chí thế kỷ 20 nhằm phục vụ một nền kinh tế “công nghiệp ống khói”, còn KH&CN thì vẫn chú trọng giải quyết những khó khăn về công nghệ sản xuất theo cách thức thời kỳ chiến tranh lạnh, khi cả hai phe đều sử dụng thể chế Nhà nước mệnh lệnh và chưa xuất hiện kinh tế tri thức và mạng toàn cầu. Trong khi đó nếu quan niệm “Thời đại đã thay đổi”, “Hơn kém, thành bại trước hết là do chiến lược” và “Khâu quan trọng nhất trong hệ thống chính là khâu yếu nhất của nósẽ thấy công nghệ thiết yếu nhất với Việt Nam hiện nay không là Công nghệ sản xuất mà chính là Công nghệ chiến lược hay Công nghệ lãnh đạo. Tiếc là công nghệ này hiện vẫn ít được biết và dĩ nhiên  không được coi  là các công nghệ nguồn mà Việt Nam có điều kiện tạo lập và sở hữu, cũng như đây là yếu tố quyết định  thu hút công nghệ quản lý và công nghệ sản xuất.
Đó là chưa kể, Nhật Bản, Hàn Quốc thu hút nhân tài thành công chủ yếu từ Mỹ, nước có nền KH&CN tiên tiến nhất và là đồng minh của họ. Song với chúng ta bài toán thu hút nhân tài không đơn giản như vậy vì Việt Nam là nước duy nhất vừa có quốc hiệu Cộng hòa XHCN, lại vừa được “Bạn” hậu thuẫn để luôn tự biệt lập khi khẳng định trung thành với Chủ nghĩa Mác-Lênin. Rõ ràng, tư tưởng “Viển vông, Lệ thuộc” đã làm ảnh hưởng lớn khả năng “Kiến tạo phát triển”. Vì thế, mặc dù thế giới đã bước sang một thời đại mới, song chúng ta vẫn giữ tư duy cũ, cho dù thực tiễn đã chỉ ra thất bại khi áp dụng các mô hình thành công trong thế kỷ 20 như “Đặc khu kinh tế”, “Khu công nghệ cao”, …  không phải do chúng ta quản lý kém hay đạo đức kém mà chủ yếu do các mô hình này đều thành công từ 30 đến 50 năm trước, và nay trong thế kỷ 21 đã trở nên có “lỗi hệ thống” nên khó hy vọng qua đó thúc đẩy đất nước phát triển    
Kính thưa Thủ tướng và Quý vị!       
Năm 2002 với quan niệm Đoàn kết Dân tộc, Đoàn kết Quốc tế, qua tác phẩm “Việt Nam nhất định phát triển”, Viện N/C SENA đã báo cáo với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan tham mưu và giới nghiên cứu về việc cần tập trung xây dựng chiến lược kinh tế biển, quốc tế hóa Biển Đông, v.v..  Viện cũng dành nhiều công sức nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh và năm 2007 đã xuất bản công trình “Học thuyết Hồ Chí Minh – Hành trang để định vị và đi tới tương lai”. Đây là lần đầu tiên, hệ tư duy thống nhất của Hồ Chủ tịch  được chính thức công bố với tên gọi là Học thuyết. Bây giờ thì hầu như tất cả đều đồng thuận với tên gọi này, song nhớ lại lúc đó ngay những ý kiến ủng hộ cũng chưa hẳn yên tâm với quan niệm như vậy.  
Nói thế là để thấy tư tưởng “Hai nhất” đã ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội trong một thời gian dài như thế nào, đồng thời qua đó càng thấy ý nghĩa lớn lao của việc với chí khí, trí tuệ và xuất phát từ tư tưởng Đoàn kết Dân tộc, Đoàn kết Quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ không những đã tìm ra vũ khí bách thắng trong thời đại mới, đó là Niềm tin chiến lược, “Đổi mới Thể chế” và “Kiến tạo Phát triển”, mà còn luôn tiên phong trên mọi mặt trận, từ chính trị, an ninh quốc phòng, đến kinh tế, văn hóa, giáo dục, KH&CN, … trong lúc nhiều loại địch cùng hợp sức tấn công, từ giặc trong (giặc dốt), đến thù ngoài (bành trướng xâm lược). Nói cách khác, Thủ tướng đã góp phần mở đường mới trong các lĩnh vực đối ngoại và đối nội, tiếp nối con đường Đoàn kết, con đường Dân chủ, Cộng hòa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đưa đất nước và dân tộc Việt Nam đi cùng nhân loại hướng tới đích Độc lập – Tự do – Hạnh phúc.
Hiện nay ngày càng đông đảo mọi tầng lớp trí thức và nhân dân, kể cả những người trước đây có ý kiến khác biệt, tập hợp dưới lá cờ “Đoàn kết” và “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Thủ tướng đang giương cao với quyết tâm vừa bảo vệ, vừa xây dựng đất nước Việt Nam theo một Hiến pháp mới, một Cương lĩnh mới, một Chiến lược mới (trong đó trước hết là Chiến lược bảo vệ chủ quyền biển đảo, Chiến lược quan hệ quốc tế), được xây dựng không bị trói buộc vào Ý thức hệ hay “một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc”, mà trên cơ sở Niềm tin Chiến lược, Đổi mới Thể chế và Kiến tạo Phát triển.
Có niềm tin và hy vọng mỗi người trong chúng ta với trách nhiệm của mình, sẽ cùng góp sức mở rộng hơn và làm mạnh mẽ hơn khối Đoàn kết này để Tổ quốc Việt Nam, Dân tộc Việt Nam trường tồn và phát triển.                                                                                                    
Chúc Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII thành công rực rỡ. Kính chúc Thủ tướng, Quý vị và Gia đình Sức khỏe, Thành công, Hạnh phúc.
Trân trọng       
TS. Nguyễn Minh Đường
(Viện trưởng Viện SENA)
/Tác giả gửi BVB)
------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét