Thứ Tư, 21 tháng 5, 2014

Châu Á tăng cường quân bị trước sự uy hiếp của TQ

Sự phát triển của hải quân TQ là mối đe dọa cực kỳ nguy hiểm, biến các nước châu Á- TBD thành một trường cạnh tranh quân bị khổng lồ.
Sự tăng tốc kinh hoàng của hải quân Trung Quốc
Nhìn lại năm 2013, cùng với việc thải loại một số lượng nhỏ tàu hộ vệ Type 053 (lớp Giang Hồ) và tàu khu trục Type 051 (Lớp Lữ Đại I) đã quá đát, Hải quân Trung Quốc đã ồ ạt đóng mới và đưa vào trong biên chế 17 tàu chiến mới các loại, vượt qua Mỹ, đứng thứ nhất thế giới về số lượng biên chế trong 1 năm.
Trong đó, Trung Quốc tập trung số lượng lớn tàu chiến cho 2 hạm đội Nam Hải và Đông Hải. Các Hạm đội này hiện đang đảm nhiệm tác chiến trên các vùng biển có tranh chấp chủ quyền với các quốc gia láng giềng là biển Đông (Nam Hải) và biển Hoa Đông (Đông Hải), còn Hạm đội Bắc Hải phụ trách vùng biển giáp Nga được đầu tư lực lượng, trang bị ít hơn.
7 tàu được biên chế cho Hạm đội Nam Hải gồm: 2 tàu hộ vệ tên lửa Type 054A, lượng giãn nước 4053 tấn là “Nhạc Dương” 575 và “Tam Á” 565; 1tàu hộ vệ tên lửa Type 081 “Thường Thục” 843, trọng tải 1200 tấn; 4 tàu hộ vệ tên lửa Type 056 trọng tải 1300 tấn là “Huệ Châu” 596, “Khâm Châu” 597, “Mai Châu” 584 và “Bách Sắc” 585.
Hạm đội Đông Hải được biên chế 6 tàu gồm: 2 tàu khu trục tên lửa Type 052C, lượng giãn nước 6000 tấn là “Trường Xuân” 150 và tàu “Trịnh Châu” 151; 3 tàu hộ vệ tên lửa Type 056, trọng tải 1300 tấn là tàu hộ vệ tên lửa “Bạng Phụ” 582, “Thượng Nhiêu” 583 và “Cát An” 586; cùng tàu tiếp tế tổng hợp viễn dương “Sào Hồ” 890, lượng giãn nước 20.000 tấn.
Hạm đội Bắc Hải được biên chế 4 tàu gồm: 2 tàu hộ vệ tên lửa Type 056, trọng tải 1300 tấn là “Đại Đồng” 575 và “Doanh Khẩu” 581, tàu tiếp tế tổng hợp “Thái Hồ” 889, lượng giãn nước hơn 20.000 tấn và tàu hộ vệ tên lửa Type 054A “Duy Phường” 550, lượng giãn nước 4053 tấn.
Sang năm 2014, hải quân Trung Quốc tiếp tục nhận thêm nhiều tàu chiến hiện đại, trong đó nổi bật là tàu khu trục tên lửa Type 052D, có khả năng phòng không hạm đội rất mạnh với hệ thống tên lửa Hải Hồng Kỳ - 9 (HHQ-9, phiên bản trên hạm của HQ-9) và khả năng tấn công mặt đất tầm xa với tên lửa hành trình Đông Hải - 10 (DH-10), có tầm phóng 1500-2000 km.
Ngoài ra, Bắc Kinh tiếp tục đóng mới hàng loạt tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056, tàu khu trục phòng không Type 052C, tàu hộ vệ tên lửa Type 054A (có 1 tàu loại này hiện đang bảo về Giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam),
Song song với đó, Trung Quốc cũng phát triển mạnh các tàu đổ bộ, tàu cung cấp hậu cần viễn dương, tàu rà quét lôi thế hệ mới. Đồng thời, Bắc Kinh cũng đẩy mạnh nghiên cứu chế tạo các tàu hộ vệ và tàu khu trục thế hệ mới Type 054B, Type 055, Type 057...
Tàu sân bay “Liêu Ninh” đã gia nhập lực lượng hải quân nước này năm 2012, hai chiếc khác do Trung Quốc tự đóng dự kiến sẽ được đưa vào biên chế trước năm 2025. Dự kiến 10 năm tới, Trung Quốc sẽ có trong tay 3 hàng không mẫu hạm, giúp lực lượng Hải quân nước này thống trị mặt nước trên các đại dương.
Đến năm 2020, Trung Quốc cũng sẽ có tới 78 tàu ngầm hạt nhân và thông thường, gia tăng rất mạnh sự răn đe chết chóc trong lòng đại dương. Đặc biệt là các tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang tên lửa đạn đạo thuộc lớp Tấn (Type 094). Với tên lửa đạn đạo liên lục địa Cự Lang-2 (JL-2) có tầm phóng trên 8000km, tàu ngầm này có khả năng uy hiếp toàn bộ nước Mỹ nếu nó di chuyển đến bờ tây lục địa Hoa Kỳ.
Tờ AP đưa ra bình luận rằng, hải quân Trung Quốc đang cấp tốc phát triển lực lượng và phương tiện nhằm nhanh chóng đè bẹp lực lượng hải quân Nhật Bản - đối thủ lớn nhất của Bắc Kinh ở khu vực này, đồng thời tạo lập đối trọng với lực lượng của hải quân Mỹ thường trực ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Có thể nhận thấy, thực lực Hải quân Trung Quốc đang mạnh lên rõ rệt về cả lượng và chất, tốc độ phát triển của hải quân Trung Quốc đã vượt qua Mỹ và Nga, bình quân mỗi năm Bộ quốc phòng Mỹ biên chế cho hải quân khoảng 10 tàu chiến chủ lực, Nga thì còn ít hơn số này, trong khi Trung Quốc đều đều khoảng từ 14-17 tàu/năm.
Châu Á-Thái Bình Dương tăng cường quân bị vì Trung Quốc
Trước sự phát triển mạnh mẽ của hải quân Trung Quốc, một số nước và vùng lãnh thổ trong khu vực dù mạnh hay yếu như Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines, Đài Loan… phải nỗ lực tăng cường quân bị trước ngân sách quốc phòng khổng lồ và sự đầu tư khủng khiếp cho lực lượng hải quân của Trung Quốc. Chính phủ các nước này đang đẩy mạnh nghiên cứu cơ chế tăng chi quốc phòng cho mua sắm trang bị, xây dựng cơ sở hạ tầng quốc phòng.
Trong số các nước lo lắng nhất phải kể đến Tokyovà New Dehli, 2 đối thủ được coi là lớn nhất đối với Bắc Kinh. Cả 2 nước này, mặc dù có tiềm lực quốc phòng rất mạnh, có sự hậu thuẫn của Mỹ (như Nhật Bản) hoặc chiếm địa lợi (như Ấn Độ trên Ấn Độ Dương), cũng đang phải chạy đua với thời gian để xây dựng lực lượng hải quân mạnh mẽ nhằm đáp trả sự hung hăng của Bắc Kinh.
Nhật Bản đang khiến Trung Quốc sôi máu với kế hoạch đóng 2 tàu đổ bộ tấn công lớp Izzumo/Type 22DDH (chiếc DDH-183 Izumo đã hạ thủy), có khả năng mang theo tới 20 chiếc F-35B, trá hình dưới tên gọi tàu khu trục đổ bộ trực thăng (hiện Nhật không được phép sở hữu các phương tiện chiến đấu mang tính chất tiến công).
Đồng thời, Tokyo đã quyết định sẽ mang về tàu đổ bộ tấn công USS Essex (LHD-2) lớp Wasp của Hải quân Mỹ, được mệnh danh là "cá sấu thép" (Steel Alligator), được cải tạo thành phương tiện chiến đấu có thể mang được 20 chiếc tiêm kích tàng hình thế hệ 5, có khả năng cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng F-35B.
Ngoài ra, Nhật còn quyết định nâng số lượng tàu khu trục Aegis lên con số 8, để đáp ứng yêu cầu phòng không hạm trước sự đe dọa ngày càng lớn của lực lượng không quân-hải quân Trung Quốc, bao gồm các máy bay chiến đấu cất cánh từ đất liền hoặc từ tàu sân bay, đập tan cái gọi là “Vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ) của Trung Quốc trên biển Hoa Đông.
Ấn Độ còn chịu chơi hơn Trung Quốc với kế hoạch sở hữu 4 tàu sân bay, bao gồm 2 chiếc hiện đang hoạt động là INS Viraat (mua lại của Anh) và INS Vikramaditya  (mua lại của Nga), cùng với 2 tàu sân bay quốc nội INS Vikrant (đã hạ thủy) và INS Vishal (đang đóng). 3 tàu sân bay sau đều sử dụng tiêm kích Nga MiG-29K, được coi là hiện đại hơn tiêm kích hạm J-15 (nhái Su-33) của Trung Quốc.
New Dehli cũng đầu tư không ít cho lực lượng tàu ngầm hạt nhân nhằm đối trọng với lực lượng tàu ngầm hùng hậu của Trung Quốc. Trước mắt, Ấn Độ đang phải thuê tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Akula của Nga, nhưng hiện tàu ngầm hạt nhân tấn công quốc nội lớp INS Arihant của Ấn đã sắp hoàn thiện, cùng với 2 loại tên lửa đạn đạo K-5 và K-15 tự chế.
Cũng phải kể đến Hàn Quốc với kế hoạch tăng cường tiềm lực tàu đổ bộ tấn công và tàu khu trục Aegis giống như Nhật Bản. Hàn Quốc đã quyết định đóng thêm 3 tàu khu trục Aegis nữa, nâng tổng số tàu loại này lên con số 6 để đối phó với sự “lộng hành” trên biển của hải quân và ADIZ vô lý của Trung Quốc.
Hàn Quốc cũng có kế hoạch xây dựng 2 tàu sân bay hạng nhẹ 30.000 tấn như lớp Dokdo có thể mang 30 chiến đấu cơ, triển khai trong giai đoạn 2028 - 2036. Trước mắt, nước này sẽ trang bị cho tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Dokdo một hệ thống hỗ trợ chiến đấu cơ cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh theo phương thẳng đứng để có thể mang theo F-35B.
Ngoài ra một số nước nhỏ yếu trong khu vực, đặc biệt là những nước có tranh chấp chủ quyền trên biển như Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Philippines… cũng phải nghiến răng đầu tư lớn cho quốc phòng trong bối cảnh thu nhập kinh tế quốc dân rất thấp, nếu không sẽ bị đè bẹp trước sự uy hiếp của hải quân Trung Quốc.
Sự đầu tư quá lớn cho hải quân của Bắc Kinh là mối đe dọa hiện hữu trực tiếp đối với các quốc gia khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Theo nguồn tin từ cơ quan phân tích hải quân Mỹ cho biết, khu vực này hiện đã vượt châu Âu trở thành thị trường đóng tàu lớn thứ hai thế giới. Trong vòng 20 năm tới, châu Á-Thái Bình Dương sẽ biến thành một trường cạnh tranh quân bị khổng lồ.
Dự kiến đến năm 2032, khu vực này sẽ đầu tư khoảng 200 tỷ USD vào lĩnh vực đóng mới tàu ngầm và tàu chiến, chiếm 25% thị trường tàu mới trên toàn cầu. Khi đó, hải quân khu vực châu Á- Thái Bình Dương sẽ đóng mới ít nhất 1000 chiến hạm có chiều dài 30m trở lên và 100 tàu ngầm, chiếm 40% số lượng tàu ngầm đóng mới trên phạm vi toàn cầu.
 Đón đọc tiếp kỳ 2: Mỹ không xoay trục còn đợi đến bao giờ?
Thiên Nam/ĐV


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét