Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

PHẢI CHĂNG ĐÂY LÀ SỰ HIỂU BIẾT “SÂU SẮC” VỀ CHỦ NGHĨA MÁC - LÊ-NIN ?

           * TRUNG HÀ   
               - (Bài 2)                                             
           Sau khi viết xong bài trước (17/5/2014), tôi không có ý định viết gì thêm nữa, song qua ý kiến nhận xét, khích lệ của nhiều bạn đọc và gợi ý của bạn bè gần xa, đặc biệt là trước sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan vào thềm lục địa của ta ở Biển đông...đã  thôi  thúc  tôi viết thêm bài này. Mong được mọi người góp ý, cùng trao đổi tiếp.
1- Không hiểu ai đã cho rằng “chủ nghĩa Mác – Lê-nin bắt nguồn từ phương Tây nên không còn phù hợp với Việt Nam” mà đến nỗi  PGS, TS Vũ Văn Phúc, TBT Tạp chí cộng sản phải đặt thành câu hỏi lớn cho tựa đề của bài viết để phản bác ? Có lẽ đó là người ngồi trên sao hỏa, vì quá xa với thực tiễn đã và đang diễn ra trên bề mặt quả địa cầu này.  Thực tế là cho đến nay ở các nước phương Tây (kể cả Âu, Mỹ) đã có nước nào thực hiện đúng theo lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin mà thành công và tồn tại được đâu ? Hoặc là cách mạng vô sản không nổ ra như dự đoán ban đầu của Mác hoặc đã nổ ra và giành được chính quyền, nhưng rồi lại sụp đổ (Nga, Đông Âu). Như vậy là ngay cả ở phương Tây, chủ nghĩa Mác - Lê-nin cũng chưa được thực tế chứng minh là phù hợp.
                              >> Bài 1 – Trung Hà – Phải chăng  ? 
Sau khi Mác mất (1883), Ăng-ghen đã chỉ đạo phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân theo con đường xã hội dân chủ, thay thế cho chủ nghĩa cộng sản. Một số nước Bắc Âu (Na Uy,Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan) thực hiện theo tư tưởng đổi mới của Ăng-ghen thông qua thực tế đã đạt được những thành quả đáng khâm phục ! GDP bình quân đầu người năm 2010 của mỗi nước đạt từ 30.000 đến 86.000 USD, tương đương với Mỹ và đứng trên nhiều nước tư bản phát triển khác, đời sống của nhân dân được ổn định ở mức khá cao. (Theo trù tính của các nhà kinh tế, với cung cách làm ăn như hiện nay, nếu không có gì đột biến xẩy ra thì đến hết thế kỷ XXI này GDP bình quân đầu người của Việt Nam giỏi lắm cũng chỉ đạt trên 10.000 USD).  Năm 2011, LHQ công nhận 4 nước Bắc Âu (kể trên) nằm trong 20 nước có chất lượng cuộc sống tốt nhất thế giới hiện nay.Tổ chức Minh bạch quốc tế xếp các nước này nằm trong 10 nước ít tham nhũng nhất thế giới.
           2- Tác giả đã dẫn ra những thông tin về kết quả bình chọn ở một số nước, trong đó Mác vẫn được coi là nhà tư tưởng số một của thế giới để chứng minh rằng “C.Mác đã đội mồ đứng dậy”...
          Cần hiểu cho đúng : Mác là một triết gia lớn, có nhiều công trình nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực, nhưng trong hệ thống lý luận của Mác không phải tất cả đều đúng hoặc ngược lại. Do vậy trên thế giới vẫn có không ít người ngưỡng mộ, đó là ngưỡng mộ phần đúng chứ không phải là ca ngợi toàn bộ lý luận của Mác. Còn phần sai thì trước khi qua đời, chính bản thân Mác đã tự nói ra : “Tôi chỉ biết một điều rằng tôi không phải là người Mác-xít” (C.Mác & Ph. Ăng-ghen Toàn tập, Tập 37. Nxb CTQG. HN, trang 603).
3- Còn đối với Việt Nam, tác giả viết : “Ở Việt Nam, kể từ “Đường kách mệnh” do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Luận cương chính trị do Hội nghị Trung ương tháng 10-1930 đến nay Đảng ta đều khảng định chủ nghĩa Mác – Lê-nin là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng của Đảng”.
a) Trước hết, có lẽ tác giả nên đọc lại toàn bộ Điều lệ đảng qua các kỳ đại hội từ khi thành lập đến nay để xem có phải ngay từ 1930 đảng ta đã quyết định lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng hay không ?  
         b) Với cách trình bầy như  trên, phải chăng tác giả không hề hay biết gì về sự khác nhau rất căn bản giữa “Chính cương vắn tắt” của Hồ Chí Minh và “Luận cương chính trị” của Trần Phú ? hay cố tình gộp 2 quan điểm trái ngược hẳn nhau làm một ? Sự thật lịch sử là :
                   >> Cuộc đối thoại về NIỀM TIN …  
Ngày 3/2/1930 trong cuộc Hội nghị hợp nhất 3 nhóm cộng sản để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã đề ra Chính cương (vắn tắt) trong đó có nội dung chủ yếu là :
“…Đảng phải tập họp đại bộ phận giai cấp công nhân và nông dân…Đảng phải vận động tiểu tư sản, trí thức, trung nông đi với giai cấp công nhân đồng thời phải tranh thủ hoặc trung lập hóa tầng lớp trung, tiểu địa chủ, phú nông và tư sản Việt Nam…Đảng phải nêu cao khẩu hiệu Việt Nam độc lập, đồng thời phải liên lạc với các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản thế giới”.
Bản chính cương này đã bị Trần Phú bác bỏ (theo chỉ đạo của Quốc tế cộng sản) với nhận xét rằng: “Chính cương sách lược vắn tắt đã phạm sai lầm chính trị nguy hiểm vì chỉ lo đến việc phản đế mà quên mất lợi ích giai cấp đấu tranh”.(Văn kiện Đảng,Nxb CTQG 1998 t2, trang 110)
Thay vào đó là Luận cương chính trị do Trần Phú soạn thảo được hội nghị Trung ương thông qua ngày 31/10/1930, đặt đấu tranh giai cấp lên hàng đầu. Đường lối tả khuynh sai lầm đó đã dẫn đến cuộc khởi nghĩa Xô Viết Nghệ Tĩnh với khẩu hiệu : “Trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”, kết quả là thất bại, lực lượng bị tổn thất nghiêm trọng và cách mạng rơi vào một thời kỳ thoái trào tệ hại !
Cũng thông qua việc đề ra “Chính cương vắn tắt” kể trên mà Stalin cho rằng Nguyễn Ái Quốc không phải là cộng sản, không có lập trường giai cấp mà chỉ là người theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi...và  đã bị “treo giò” nhiều năm không giao công tác, coi như bị “giam lỏng” ở Mát-scơ-va. Nguyễn Ái Quốc đành phải ngồi học và tranh thủ làm luận án tiến sĩ về “Vấn đề ruộng đất ở châu Á” ở “Viện các vấn đề dân tộc ”, sau khi bảo vệ thành công, được phong hàm giáo sư nhưng Nguyễn Ái Quốc từ chối, không nhận.
Ngay từ khi mới tiếp xúc với lý luận của Mác, năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra một nhận xét khác thường so với nhiều học giả uyên bác đương thời :
 “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết học nhất định của lịch sử. Nhưng lịch sử nào ? – Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì ? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”.( Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, tr 456).
“Cần xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng  dân tộc học phương Đông” (Trích báo cáo của NAQ gửi QTCS năm 1924).
Còn đối với Lê-nin, là người ủng hộ phong trào giải phóng các dân tộc thuộc địa nhưng lại cho rằng kết quả của cuộc đấu tranh giải phóng ở các nước thuộc địa phụ thuộc vào thắng lợi của giai cấp vô sản chính quốc, cách mạng giải phóng dân tộc chỉ có thể thắng lợi khi cách mạng vô sản chính quốc thắng lợi, vì vậy cách mạng giải phóng ở các nước thuộc địa chỉ là lực lượng hậu bị (hỗ trợ) của cách mạng vô sản chính quốc...
Nhưng Hồ Chí Minh lại nghĩ khác hẳn :
“Cách mạng giải phóng dân tộc không hoàn toàn phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở chính quốc, mà có tính chủ động. Trong những điều kiện nhất định, cách mạng ở thuộc địa có thể nổ ra và thành công trước cách mạng vô sản ở chính quốc. Và trong trường hợp ấy, họ có thể giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn”. (HCM toàn tập,CTQG, 1995, tr 364). Điều này đã được thực tế chứng minh là đúng. Nếu cứ trung thành với quan điểm của Lê-nin mà chờ cách mạng vô sản Pháp thắng lợi thì không biết bao giờ Việt Nam mới giành được độc lập ?
Chính là nhờ phong cách tư duy độc lập, tiếp thu có chọn lọc, trân trọng nhưng không giáo điều, và với bản lĩnh tự thân dám vượt qua mọi rào cản...mà Hồ Chí Minh đã đề ra khẩu hiệu : đại đoàn kết toàn dân (khác với Mác chỉ kêu gọi giai cấp vô sản liên hiệp lại hoặc Lê-nin chỉ chủ trương liên minh công nông). Thực chất là từ năm 1941, đường lối lãnh đạo của Đảng đã trở lại với Chính cương, sách lược vắn tắt đã được phát triển lên một trình độ cao hơn, hoàn chỉnh hơn. Kết quả là Mặt trận Việt Minh ra đời mở ra một trang mới trong lịch sử cách mạng Việt Nam : cả dân tộc đã tập hợp lại thành một khối thống nhất dưới ngọn cờ Đại đoàn kết toàn dân đứng lên giành được thắng lợi vĩ đại trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, đập tan chế độ thuộc địa, phong kiến, lập nên Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa... 
 4- Tình hình thực tiễn diễn ra trên đất nước ta từ sau khi kết thúc chiến tranh đến nay, trải qua gần 40 năm xây dựng đất nước theo lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin để thực hiện chủ nghĩa xã hội tiến lên chủ nghĩa cộng sản...kết quả thế nào ?
 -10 năm đầu tiên (1976-1985) đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội theo đúng những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin và mô hình cộng hòa XHCN của Liên xô. Kết quả là đi vào ngõ cụt, bế tắc,  khủng hoảng trầm trọng !
- Đứng trước nguy cơ sụp đổ, Đại hội đảng lần thứ VI ( 1986) buộc phải tìm lối thoát bằng con đường ĐỔI MỚI, thực chất là “phá rào”, rẽ sang một lối khác, từ bỏ (một phần) lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Do đó mới giải phóng được sức sản xuất, thoát khỏi đói nghèo và từng bước phát triển đi lên.
Tuy nhiên sự đổi mới đó còn nửa vời nên chỉ phát huy được tác dụng ở mức độ nhất định. GDP bình quân hàng năm tính theo đầu người từ dưới 500 USD (1988) sau 20 năm đã lên được 1.145 USD (2008), nhưng sau đó bắt đầu hết động lực và tụt dốc dần : tốc độ tăng trưởng GDP từ đỉnh cao năm 2007 : 8,46% đến nay chỉ còn 5,4% (2013).

Vì vậy trải qua gần 30 năm đổi mới, tuy có đạt được một số thành tựu nhất định, nhưng đã bộc lộ nhiều mâu thuẫn, nhiều vướng mắc, lung túng trong quá trình lãnh đạo và quản lý đối với nền kinh tế… nên tốc độ phát triển rất chậm và không vững chắc, đời sống của nhân dân, nhất là công nhân, nông dân và các dân tộc miền núi còn vô vàn khó khăn…
 5- Trong phần kết, đánh giá thành tích của công tác lý luận trong những năm qua, tác giả cho rằng “...công tác lý luận đã trực tiếp góp phần làm cho con đường đi lên CNXH nước ta ngày càng được xác định rõ hơn, đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng kéo dài hai thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, bước vào thời kỳ phát triển mới ở thế kỷ XXI với thế và lực mới, với một gia tốc mới, như bất cứ ai đều thấy”.
Không thể phủ nhận sự đóng góp tích cực của các nhà lý luận trong thời gian qua đối với sự nghiệp xây dựng đất nước, nhất là từ khi ĐỔI MỚI. Nhưng có lẽ đánh giá như vậy hơi cao, có phần chủ quan, xa rời thực tiễn...mà thực tiễn bao giờ cũng là thước đo chân lý. Nếu như công tác lý luận đã góp phần đưa nước ta bước vào thời kỳ phát triển mới ở thế kỷ XXI với thế và lực mới, với gia tốc mới... thì cần hiểu thế nào vể lời phát biểu của vị đứng đầu một Bộ (có thể coi là bộ tham mưu của nền kinh tế đất nước) :  Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh : “Chúng ta phải đổi mới căn bản và triệt để thể chế kinh tế của chúng ta. Phải tiếp tục thị trường hóa một cách mạnh mẽ...chúng ta sẽ tụt hậu rất nhanh so với các nước bên cạnh...bây giờ không dám so với Thái Lan, Indonexia, Malaysiađâu, tôi đang lo rằng là cả với Campuchia và Lào – những nước trước đây quá lạc hậu so với chúng ta.” (Phát biểu tại Quốc hội ngày 24/10/2013). Đó là thực trạng kinh tế-xã hội của chúng ta hiện nay, không ai có thể nắm rõ thực trạng đó hơn Bộ trưởng kế hoạch đầu tư của chính phủ.
Cho đến nay các nhà lý luận của ta cũng còn mù mờ, chưa làm rõ được thế nào là “nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” ? Đã là thị trường thì phải cạnh tranh bình đẳng nhưng lại lấy kinh tế quốc doanh là chủ đạo và được ưu ái đủ thứ thì còn gì là cạnh tranh? Phát triển kinh tế nhiều thành phần nhưng lại không thừa nhận quyền sở hữu tư nhân về tư kiệu sản xuất thì làm sao giải phóng được sức sản xuất ? v.v... Đó là những lực cản, kìm hãm đất nước trong trạng thái trì trệ, nên đã gần 30 năm đổi mới mà chúng ta vẫn còn là một nước nghèo ! trong đó không biết các nhà lý luận có thấy được phần nào trách nhiệm của mình không ?
Một thực trạng nữa cũng đáng chú ý : Nhiều năm nay ta vẫn coi  Trung Quốc là cùng chung ý thức hệ, cùng là chế độ XHCN với “16 chữ vàng và 4 tốt”. Vậy các nhà lý luận của ta đã đi sâu nghiên cứu để chứng minh điều đó trên thực tế chưa ? Với việc thực hiện lý luận “mèo trắng, mèo đen” của Đặng Tiểu Bình thì thực chất là họ đã quẳng chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào sọt rác từ lâu rồi ! Cái gọi là “ CNXH mang đặc sắc Trung Quốc” chỉ là để  lừa bịp nhân dân trong nước và che mắt thiên hạ mà thôi. Với thế giới không biết có nhiều người bị lừa không ? còn đối với Việt Nam thì... không lẽ các nhà lý luận “chính thống” của ta cũng bị trúng quả lừa đó sao ?Và làm sao lý giải được việc Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa (1974), đưa 60 vạn quân gây chiến tranh biên giới (1979) tàn phá mọi cơ sở vật chất và giết hại vô cùng dã man nhân dân một nước “ ý thức hệ tương đồng”, đánh chiếm đảo Gạc Ma nằm sâu trong quần đảo Trường Sa (1988), rồi liên tục gây rối bằng nhiều biện pháp bỉ ổi ở Biển Đông và giờ đây lại trâng tráo đưa hẳn giàn khoan khổng lồ HD981 vào đặt ngay tận sân nhà chúng ta để hiện thực hóa âm mưu bành trướng, trắng trợn xâm phạm chủ quyền độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc ta...
Vậy xin mạo muội đặt ra câu hỏi : lâu nay công tác lý luận của ta đã làm gì để tham mưu cho lãnh đạo sớm nhận rõ bộ mặt thật của nhà cầm quyền Trung Quốc “XHCN” từ đó có đối sách thích hợp ? Hay coi đó chỉ là chuyện vặt, không có gì mới... nên không đáng quan tâm ?
Ngày 30 tháng 5 năm 2014       
T.H
(Tác giả gủi BVB)
=======

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét