Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

LẠM BÀN VỀ THƯ NGỎ

                   * TÔ VĂN TRƯỜNG 
Từ khi có báo mạng, người ta đã có thể bầy tỏ ý nghĩ của mình một cách công khai dưới nhiều hình thức. Và cũng từ đó, danh từ "Lề phải" -  "Lề trái", mới được nhiều người biết đến.
Trưng cầu dân ý là thu thập ý dân về những vấn đế lớn của đất nước có tính chất pháp lý cao, được luật qui định. Việt Nam chưa có luật trưng cầu dân ý, cho nên việc xuất hiện thư ngỏ thực chất chỉ là ý nghĩ xuất phát của một người, một nhóm người và có thể của một tổ chức dân sự nào đó về một hoặc một nhóm vấn đề của cộng đồng, cần có sự quan tâm của nhà cầm quyền và xã hội.
Những chữ ký của thư ngỏ rất ít giá trị pháp lý, và gần đây, trong những trường hợp cụ thể, người ta đã dùng cả kỹ thuật "điểm chỉ", hoặc bằng mực, hoặc bằng ánh sáng trong các giấy tờ, văn kiện, để được pháp lý công nhận, vết vân tay đi kèm chữ ký của mỗi đương sự. Tuy chữ ký của thư ngỏ có ít giá trị pháp lý, nhưng nếu số chữ ký lên tới hàng chục nghìn người thì thư ngỏ đó có ý nghĩa, buộc đương sự phải có ý kiến hoặc hành động phản hồi.
Các nước có chế độ dân chủ đại nghị đã cho hệ thống báo mạng, blog cá nhân, nhóm, phát triển đối với một việc có liên quan tới xã hội. Hệ thống này quan trọng, những ý kiến không từ những cá nhân được chính quyền mời họp, góp ý kiến chính thức, cũng rất đáng được nghiên cứu, người ta coi đây là "nhận xét độc lập", có khi góp phần quyết định cho một chủ trương mà cá nhân hoặc nhóm được chỉ định chính thức không làm được.
Nước mất thì nhà tan, khi thuyền bị lật chết đuối cả người lái lẫn người được chở.
Tuyên bố dõng dạc, đanh thép của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về bảo vệ chủ quyền biển đảo và độc lập của tổ quốc thể hiện ý chí của hàng triệu người dân yêu nước. Thực ra, thái độ của các vị lãnh đạo cấp cao trong quan hệ với Trung Quốc ra sao, chẳng cần chờ lịch sử phán xét mà người dân hiện nay nói chung đều rõ. Vấn đề bây giờ là các vị lãnh đạo phải đoàn kết, thống nhất hành động, vì nước "đìa đã cạn" mà không biết xử lý tình hình để tạo được niềm tin trong dân chúng thì ai cứu ta? Cứu cánh không biện minh cho phương tiện, u mê, cố bám víu vào 4 tốt, 16 chữ vàng chỉ là giả tạo, mất lòng dân, không còn đánh lừa được ai.
Mất lòng dân thì dù tấc đất khó gìn
Được lòng dân, sợ chi quân thù trở giáo”
                                                                   (Kha Tiệm Ly) 
Thư ngỏ là hình thức bày tỏ thái độ, không phải văn bản chế tài, và pháp luật cũng không ngăn cấm. Thư ngỏ ngày 30/5 vừa qua về tình hình khẩn cấp của đất nước với 115 chữ ký đầu tiên (ngày nay chữ ký điện tử được chấp nhận trong thanh toán thì thư ngỏ cũng có thêm giá trị pháp lý đôi khi ngang với ký tươi) coi như những tiếng chuông cảnh tỉnh, hoặc "tiếng chim báo bão" là môt dạng vận động dư luận, động viên phong trào, tập hợp ý kiến. Đấy là một hình thức hoạt động quan trọng của xã hội dân sự, qua đó những điều tốt, điều hay được trao đổi và phổ cập trong nhân dân. Đảng và Nhà nước nếu thấy nội dung thư ngỏ có ý nghĩa, sẽ  xem xét tự điều chỉnh chủ trương, chính sách theo ước nguyện của người dân.
Hiểu biết là sức mạnh, một khi nhân dân tự trang bị được cho mình nhiều hiểu biết, dẫn tới đồng lòng nhất trí, đó là sức mạnh bất khả kháng của dân.
TVT
---------------------
* Trao đổi:
On Friday, 30 May 2014, 11:32, Nguyen An Khang <ankhang10@gmail.com> wrote:
Bác Trường kính mến!
Đầu thư, Em kính chúc Bác sức khỏe luôn dồi dào để luôn mang đến cho Cả Nhà những thông tin ở cấp thượng tầng mà như em rất khó tiếp cận được. Em kính cảm ơn Bác đã cung cấp thông tin về thư ngõ.
Trong thư đã nêu lên tình trạng khẩn cấp của đất nước và giải pháp để khắc phục và vượt qua nhằm phát triển phồn vinh đất nước. Là một người con nước Việt, kính cảm ơn những Người Bác, Người Anh đã vì đất nước này mà lao tâm suy nghĩ, hiến kế.
Sau khi đọc Thư, em nhận thấy rằng cách tiếp cận qua thư ngõ thấy vừa quen vừa lạ: giống như trưng cầu dân ý, hoặc cũng giống như trường hợp lấy chữ ký để "kiến nghị Mỹ trừng phạt Trung Quốc". Tuy nhiên, chữ "Thư ngõ" em đã nghe từ lâu nhưng đến bây giờ đối với Em chữ này vẫn là một từ tối nghĩa; văn bản "Thư ngõ" nói đến chuyện quốc gia đại sự nhưng yếu về mặt pháp lý. 
Em có ba thắc mắc về Thư ngõ kính chia sẽ cùng Bác và Cả Nhà rằng, :
- Làm thế nào để khẳng định rằng, những chữ ký ở trong thư là chính danh, không bị coi là copy và past. Lý do thắc mắc vì: Trước đây, trên VTV1 đã có nêu rằng, đã có "mạo danh chữ ký kiến nghị sửa đổi hiến pháp". Và kết quả là bản kiến nghị xem như vô nghĩa mặc dù đã có nhiều Vị Trưởng Thượng kiến nghị tâm huyết.
- Cơ sở pháp lý của Thư ngõ. Thư ngõ này chưa có cơ sở pháp lý là hợp pháp để bảo đảm cho người ký không bị cơ quan nơi anh ta công tác khiển trách, hoặc bị cơ quan công an xét hỏi là đã tham gia vào một việc làm chống lại Nhà nước trong khi anh ta đang ăn lương Nhà nước.
- Các bước xử lý thư ngõ tiếp theo chưa thấy nói đến. 
Vì biết rằng, người ký là đồng ý các giải pháp. Sau khi có đủ số chữ ký (chưa biết bao nhiêu) thì sẽ trình cho ai, khi nào...
Nếu có thể, kính mong nhận được sự chỉ dẫn của Bác và Cả Nhà. Em xin cảm ơn!
Kính mến,
Nguyễn An Khang (ETM 2004)
-------------------
Bạn Khang thân mến
Thắc mắc của bạn cũng là sự quan tâm của nhiều người liên quan đến Thư ngỏ. Mời các Anh/Chị và bạn Khang đọc bài "Lạm bàn về thư ngỏ" (File kèm theo) để có thêm thông tin tham khảo
Kính
Tô Văn Trường
------------------- 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét