Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

Chủ quyền không thể cưỡng chiếm bằng vũ lực

 
"Nói đến chủ quyền ở đây là phải nói đến chủ quyền quốc gia, tức là chủ quyền được xác lập và thực thi bằng Nhà nước, bởi Nhà nước trong điều kiện hòa bình, không có tranh chấp, chứ tuyệt nhiên không phải chủ quyền được cưỡng chiếm bằng vũ lực" - Chủ tịch Hội đồng thẩm định các hiện vật, chứng tích lịch sử, pháp lý về chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa - GS.TS Nguyễn Quang Ngọc cho biết.
Còn rất nhiều bằng chứng 
Chủ tịch Hội đồng thẩm định các hiện vật, chứng tích lịch sử, pháp lý về chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Giáo sư, Tiến sỹ Sử học Nguyễn Quang Ngọc là một trong những người gắn bó từ đầu trong hội đồng thẩm định, trực tiếp tham gia hệ thống hóa, "giải mã" các hiện vật, chứng cứ lịch sử, pháp lý; sắp xếp, hệ thống các cứ liệu, hiện vật đó để làm cơ sở cho các cuộc triển lãm Hoàng Sa - Trường Sa sau này đã được Bộ Thông tin Truyền thông tổ chức.
Ông cho biết, còn rất nhiều chứng cứ khẳng định tính pháp lý của Việt Nam về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa; có rất nhiều chứng cứ quan trọng và sống động, rất đời thường, gần gũi do chính người dân cung cấp, trao tặng.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc kể: Triển lãm đầu tiên do T.P Đà Nẵng tổ chức có tên "Tài liệu Hoàng Sa - Trường Sa", chủ yếu là Hoàng Sa. Đây là đề tài nghiên cứu của Tiến sỹ Trần Đức Anh Sơn cùng một số anh em Việt Kiều nước ngoài, bao gồm một số bộ bản đồ phương Tây, các Atlat phương Tây về Trung Quốc... kết hợp với những tư liệu từ trước đến nay, chủ yếu tư liệu là về Hoàng Sa. Tôi thấy những tư liệu đó khá phong phú.
Khi Cục Thông tin Đối ngoại (Bộ Thông tin Truyền thông) đứng ra tổ chức triển lãm Quốc gia về tư liệu Hoàng Sa - Trường Sa, ông Ngọc được mời tham gia với tư cách Chủ tịch Hội đồng thẩm định. Hội đồng thẩm định đã họp nhiều lần, gồm các chuyên gia ở Ban Biên giới, Bộ KHCN; Trung tâm nghiên cứu biển và Hàng hải (ĐHQG); Cục Bản đồ; Cục Thông tin Đối ngoại...
Cuộc triển lãm đầu tiên của Đà Nẵng chủ yếu trưng bày các tư liệu về Hoàng Sa hoặc có liên quan đến Hoàng Sa; huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa nên ít được giới thiệu ở đây.
Hội đồng đã thảo luận về đề cương, dự kiến các bản đồ để trưng bày, bổ sung thêm tư liệu về Trường Sa. Tài liệu của Tiến sỹ Trần Đức Anh Sơn tập trung nhiều hơn vào các bộ bản đồ cổ phương Tây và các bộ Atlas mới sưu tầm được ở Mỹ, tuy đã khá phong phú, nhưng vẫn còn một số bản đồ và thư tịch cổ Việt Nam có giá trị minh chứng chủ quyền cao, nhưng chưa được đề cập đến, trong đó đặc biệt là tư liệu Châu Bản. Châu Bản là tài liệu đặc biệt quý giá có giá trị minh chứng cao nhất cho chủ quyền biển đảo của ta. Rất may, lúc đó Ban Biên giới đã xuất bản cuốn sách giới thiệu về Châu Bản - đó là tư liệu tốt được khai thác để giới thiệu trong cuộc triển lãm tại Hà Tĩnh.
Điều quan trọng khác, là hội đồng thẩm định đặt những tư liệu đó trong một không gian trưng bày cụ thể để những tư liệu này kiểm chứng lẫn nhau, làm tăng thêm giá trị của chính nó đồng thời cũng như tăng thêm giá trị của cuộc trưng bày. Cuộc trưng bày tại Hà Tĩnh là một trong những cuộc trưng bày rất thành công.
Sau mỗi một cuộc triển lãm, Ban tổ chức nhận được ý kiến của người dân, vừa góp ý, vừa cung cấp thêm các tài liệu, chứng cứ, trong đó có những tài liệu cực kỳ quý giá... làm dầy dặn thêm bộ tư liệu triển lãm.
"Chúng tôi cũng nhận được đóng góp của những người đến thăm, họ đóng góp ý kiến cụ thể từ việc tổ chức, thuyết minh cho đến cách trưng bày chú thích từng tấm bản đồ, từng bức ảnh, bức tranh... Càng ngày hệ thống tư liệu, dữ liệu của chúng ta càng phong phú và được bổ sung rất nhiều.
Khi đưa những tài liệu đó ra trước công chúng, nhận được những ý kiến đóng góp của người dân, chúng tôi chắt lọc được những thông tin quý để củng cố, hoàn thiện cho những lần giới thiệu trưng bày về sau, chúng tôi không trưng bày nhiều hơn những bản đồ hàng hải hay những bản đồ được vẽ ước lệ và bổ sung thêm những bản đồ được vẽ khách quan và chuẩn xác, nên trên thực tế số lượng bản đồ được trưng bày có bị rút bớt mà chất lượng trưng bày lại được tăng lên".
Tại cuộc trưng bày ở Thái Nguyên, chúng ta bổ sung thêm được một số bản đồ mới chụp ảnh được từ các tấm bản đồ gốc ở phương Tây, mà các đoàn đi nghiên cứu mới tập hợp được. VD: Bản đồ của anh em nhà Van Langren (bản đồ từ năm 1595) đó là bản đồ rất quý. Trước đây chúng tôi chỉ dùng bản chụp lại từ các cuốn sách nên trông mờ mờ ảo ảo.
Lần này Tiến sỹ Trần Đức Anh Sơn chụp ảnh bản đồ này trong một chuyến đi khảo sát ở Pháp. Đấy là một bản tốt để người xem hiểu được một tài liệu gần với nguyên gốc của nó hơn; Bản đồ Taberd vẽ  năm 1838, trước đây Tiến sỹ Nguyễn Nhã đã giới thiệu, nhưng thực ra bản này được in lại và hình như đã có gia công nên mực in màu xanh, trông có vẻ hiện đai... Bây giờ Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn cung cấp ảnh chụp màu từ bản gốc... đó là những bổ sung có giá trị. Nhiều tài liệu khác được bổ sung thêm, nhiều tài liệu được lược bớt đi...
Trưng  bày có chọn lọc
Chúng ta không cần trưng bày nhiều tranh ảnh, bản đồ, mà chọn lọc những chứng liệu xác thực có giá trị cao, đặc biệt cần có thuyết minh đầy đủ rõ ràng để người xem hiểu được một cách hệ thống. Chú thích cụ thể hơn, thuyết minh và nhấn mạnh những cứ liệu có giá trị cụ thể; thậm chí chúng tôi còn tập huấn cho những người sẽ có trách nhiệm thuyết minh... Đó là những chuẩn bị giúp nâng cao hiệu quả của cuộc triển lãm.
Theo GS, T.S Nguyễn Quang Ngọc: Số lượng các chứng tích, chứng cứ lịch sử, pháp lý để khẳng định chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Namlà rất lớn. Chỉ riêng bản đồ của phương Tây đã có vài ba trăm tấm. Nhưng, theo ông, cùng một lúc trưng bày ngần đó là chưa cần thiết, và cũng không có chỗ... nên phải lược bớt. Ví dụ, có những bản đồ chỉ đánh dấu Paracel (Hoàng Sa), hoặc Costa de Paracel (bờ biển Hoàng Sa)... Ban đầu, chúng tôi cũng trưng bày hết nhưng sau đó chúng tôi đã chắt lọc lại, chỉ giới thiệu những tấm thật điển hình.
Có nhà nghiên cứu còn cho những tấm bản đồ này là minh chứng hùng hồn và tuyệt đối về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, thậm chí từ đầu thế kỷ XVI, nhưng theo nghiên cứu của chúng tôi thì những tấm bản đồ này chỉ nói lên mối quan hệ nào đó về chủ quyền giữa Paracel và khu vực ven biển miền Trung nước ta.
Vì thế, chúng tôi đã tập trung vào những bản đồ thể hiện chủ quyền của Việt Namrõ ràng và chính xác hơn. Ví dụ bản đồ của Taberd (An Nam đại quốc họa đồ - bản đồ của nước An Nam), trong đó có vẽ quần đảo Hoàng Sa với dòng chữ Paracel seu Cát Vàng (Paracel hay là Cát Vàng) ở vị trí tương đối chính xác.... Taberd từng xác nhận đây là chủ quyền đích thực và ông cũng không nghĩ rằng sau này lại có ai tranh dành với vua Gia Long về quần đảo này. Ngay cả những điều khẳng định đó của tác giả, hội đồng thẩm định chúng tôi cũng phải dày công nghiên cứu thêm, trước khi đưa nó vào hệ thống các tài liệu, chứng cứ pháp lý để trưng bày.
Tư liệu Châu Bản, các tài liệu khác phải được đặt trong mối tương quan với các nguồn tài liệu (tài liệu trong nước, tài liệu phương Tây và cả tài liệu của Trung Quốc), từ đó, chất lượng và giá trị minh chứng chủ quyền  đầy đủ và xác thực hơn".
Ông Ngọc nhấn mạnh: Nói đến chủ quyền ở đây là phải nói đến chủ quyền quốc gia, tức là chủ quyền được xác lập và thực thi bằng Nhà nước, bởi Nhà nước trong điều kiện hòa bình, không có tranh chấp, chứ tuyệt nhiên không phải chủ quyền được cưỡng chiếm bằng vũ lực, chủ quyền của phe nhóm hay của cá nhân nào. Vì thế, chúng tôi tập trung vào các tư liệu của nhà nước, đó là những tài liệu được đánh giá cao nhất về tính pháp lý.
Như tài liệu Châu bản (các báo cáo của các Bộ công báo cáo lên Vua - người trực tiếp phê duyệt, điều hành  những việc như có cho thuyền bè ra ngoài Hoàng Sa để đo đạc, vẽ bản đồ; để khai thác các hóa vật, hải vật ngoài đảo... dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Vua... Tài liệu Châu bản là tài liệu độc nhất vô nhị, chỉ có ở nước ta, đó là tài liệu vô giá. Những tài liệu đó cần được trưng ra để đông đảo người dân được biết. Người dân xem hết sức xúc động. Cuộc triển lãm tại T.P Hồ Chí Minh, theo tôi được biết, một ngày có hàng vạn người đến xem. Người dân đánh giá rất cao tính pháp lý của hệ thống tài liệu Châu bản….
Di Linh/VnN

 --------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét