Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Luật gia Thụy Sĩ phân tích hành vi của Trung Quốc

Hành vi ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông thể hiện qua việc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương- 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam đã thôi thúc nhiều luật gia trên thế giới xem xét lại khía cạnh pháp lý của Luật biển quốc tế, cũng như cách hành xử của một cường quốc trong xã hội hiện đại.
Phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ đã có cuộc phỏng vấn luật sư Pierre Schifferli tại Geneva:
- PV: Với tư cách là luật sư tại "Barreau de Geneve", ông có cho rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông đáp ứng các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế?
- Ông Pierre Schifferli: Cho đến nay, tranh chấp lãnh thổ vẫn luôn là đề tài rất phức tạp. Trong nhiều trường hợp, sức mạnh của luật pháp mang lại thành công, nhưng không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Một số trường hợp lại dùng "luật" của sức mạnh mà Trung Quốc cũng đang sử dụng phương thức này để giành lại những gì họ muốn. 
Đối với Việt Nam, cách tốt nhất hiện nay là sử dụng cách thứ nhất nghĩa là sức mạnh của luật pháp. Theo tôi, đây là một câu hỏi hay vì trước tiên cần phải biết các tiêu chuẩn cũng như khía cạnh pháp lý của luật quốc tế công cộng trong tranh chấp lãnh thổ trên biển. 
Luât sư Pierre Schifferli (bên phải).
Sau khi tìm hiểu về luật pháp liên quan đến các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, các công ước quốc tế tương thích cũng như các sự kiện lịch sử, tôi có thể khẳng định tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là không dựa trên tính pháp lý. Những lập luận Trung Quốc đưa ra để bảo vệ chủ quyền lãnh hải chỉ là những yêu sách chứ không có các tài liệu minh chứng. Trong khi đó, tuyên bố chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam được dựa trên những giấy tờ có đủ bằng chứng pháp lý và lịch sử. Công ước quốc tế về luật biển đã xác định quốc gia ven biển có chủ quyền, quyền chủ quyền đối với các vùng biển là nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình.
- PV: Trước hành vi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương- 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, cộng đồng quốc tế, bao gồm cả những người Việt Nam và những người yêu chuộng hòa bình khác, cần phải làm gì để bảo vệ sự ổn định ở Biển Đông cũng như tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982?
Ông Pierre Schifferli: Đã từ lâu những vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, nhất là đối quần đảo Hoàng Sa giữa một bên là Trung Quốc và một bên là Việt Nam, được biết đến trên thế giới, qua các cuộc Hội thảo, qua báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng. Thế rồi một bên đơn phương đưa giàn khoan vào vùng tranh chấp, hơn thế nữa còn kéo theo cả trăm tàu hộ tống, bao gồm cả tàu chiến, máy bay tuần tiễu... khi mà chưa hề có sự giải thích rõ ràng. Điều đó không khác gì một kẻ mạnh đến tuyên bố cái đó là của tôi, tôi đến, tôi chiếm đóng và lấy đi; mặt khác cũng thể hiện rằng khi không có đủ tự tin giành được chiến thắng về mặt pháp lý vì không có được bằng chứng có tính thuyết phục nên buộc phải viện đến sức mạnh quân sự.
             Trong quan hệ quốc tế, các nước luôn vì lợi ích quốc gia của mình. Còn đối với cộng đồng quốc tế, các quan hệ cần phải dựa trên cách hành xử đúng đắn và hợp pháp. Xét trên tình hình thực tế hiện nay, Trung Quốc đang hành động một cách thù địch, khiêu khích, đe dọa quân sự ở vùng biển có tranh chấp. Mặc dù không ai mong muốn vấn đề giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể dẫn đến xung đột quân sự, tuy nhiên, hành động khơi mào của Trung Quốc là đe dọa đến hòa bình cũng như tính pháp lý của luật pháp quốc tế.
Ở khía cạnh an ninh, các nhà chính trị cần phải cân nhắc đưa lên Hội đồng bảo an LHQ. Tôi chỉ là luật sư nhưng nếu tôi là chính trị gia tôi sẽ đưa lên Hội đồng Bảo an cho dù Hội đồng hiện đang bận rộn về vấn đề Ukraine. Trung Quốc cũng đã tận dụng cơ hội từ cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam vẫn có thể nêu vấn đề này vì Hội đồng bảo an là nơi giải quyết, xem xét đưa ra nghị quyết áp dụng các biện pháp cần thiết đối với hành động đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế. 
Về khía cạnh pháp lý, công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) quy định rõ trong trường hợp có tranh chấp thì các bên phải kiềm chế không tiến hành các hành động khiêu khích và đơn phương. Trên thực tế, cũng đã có một số phán quyết quốc tế về tranh chấp lãnh thổ liên quan đến vùng biển, chẳng hạn như trong vụ CameroonNigeria. Vì vậy cách tốt nhất cho cả Trung Quốc và Việt Nam là đưa vấn đề này ra tòa án công lý quốc tế.
- PV: Philippines đã đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc lên Tòa án quốc tế theo UNCLOS, liệu có những thuận lợi và khó khăn gì nếu Việt Namkiện Trung Quốc về giàn khoan Hải Dương - 981?
- Ông Pierre Schifferli: Việc đưa vấn đề giàn khoan lên Hội đồng bảo an LHQ chắc chắn sẽ làm Mỹ và Nga cảm thấy phiền phức, nhất là đối với Nga hiện đang có quan hệ tốt với cả Việt Nam và Trung Quốc. Hơn nữa còn một điểm khó khăn là Trung Quốc cũng là một trong năm nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an nên có thể sử dụng phiếu chống. Thực tế, việc thông qua nghị quyết của Hội đồng bảo an đều dựa trên nguyên tắc nhất trí giữa năm nước lớn ủy viên thường trực. 
Nhưng nếu đưa vấn đề tranh chấp lên Tòa án quốc tế suy đến cùng sẽ là thuận lợi cho tất cả các nước, kể cả Việt Nam và Trung Quốc. Nhìn chung, những hành động của Trung Quốc trong thời gian gần đây như đưa ra tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không biển Hoa Đông, tranh chấp lãnh thổ với một loạt quốc gia láng giềng Nhật Bản, Philippines... thể hiện một chính sách hiếu chiến và một dạng biến thái của "đế quốc". Nếu các vấn đề tranh chấp được đưa lên tòa án quốc tế, chính phủ Trung Quốc sẽ phải hiểu rằng cần phải tuân theo chuẩn mực chung, cũng như cần phải có cách hành xử văn minh trong một xã hội hiện đại cho dù có sức mạnh về quân sự. Còn những nước nhỏ như Việt Namhay Thụy Sĩ cần phải tận dụng sức mạnh của luật pháp, đưa các vấn đề lên tòa án quốc tế để ngăn chặn các tranh chấp vượt tầm kiểm soát.
Tôi cho rằng nếu Trung Quốc thực tâm muốn đàm phán chắc chắn phía Việt Namcũng sẵn sàng, nhưng cho đến nay tôi cảm thấy chính phủ Trung Quốc không quan tâm đến các quốc gia láng giềng mà chỉ làm những điều họ muốn. Tôi đánh giá cao những biện pháp ứng phó cũng như sự kiềm chế của chính phủ Việt Nam không đổ thêm "dầu vào lửa". Nhưng tôi lo ngại rằng nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục theo hướng này, không muốn giải quyết vấn đề thông qua ngoại giao hoặc không chấp nhận đưa lên tòa án quốc tế, tình hình có thể ngày một nghiêm trọng, không chỉ với Việt Nam, Nhật Bản, Philippines..., mà đối với cả khu vực. 
Tôi hoàn toàn hiểu rằng tình hình ở Biển Đông sẽ trở nên nguy hiểm đối với các quốc gia trong khu vực, bao gồm cả Trung Quốc, cho dù nước này giỏi tính toán trong các nước cờ chiến lược. Tôi hy vọng rằng cuối cùng Trung Quốc sẽ hiểu và chấp nhận đưa lên Tòa án công lý quốc tế vì đó là cách hành xử văn minh trong các tranh chấp và đây cũng là điều mà cộng đồng quốc tế cũng như những người dân Trung Quốc mong muốn.
- Xin cảm ơn ông!
 Tố Uyên (P/v TTXVN tại Thụy Sỹ)

 ---------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét