Chủ Nhật, 4 tháng 5, 2014

CHỊ GÁI TÔI

Văn nghệ Chủ nhật 
* Truyện ngắn - PHAN NGỌC HẢI
 Trân trối nhìn người phụ nữ đối diện, không còn gì để lầm lẫn nữa. Tôi  vụt bước tới cầm lấy tay chị, nói như hét:
-   Kìa, chị Gái. Chị Gái của em đây mà!
Người phụ nữ cứ nhìn tôi đăm đăm từ đầu đến chân, rồi bất ngờ rút nhẹ bàn tay, miết lên vết sẹo dài nơi trán tôi. Giọng chị run run đầy kinh ngạc:
-   Trời ơi! Vĩnh, Vĩnh đây sao? Vĩnh của chị…
            Hai giọt nước vỡ òa từ khóe mắt, lăn dài trên đôi gò má lấm tấm tàn nhang, chị tiếp:
-  Đã hơn ba mươi năm còn gì hở Vĩnh?
Tôi cắn chặt môi, cố dằn cơn xúc động.
Phải, hơn ba mươi năm trôi qua trong xa cách, mặc dù đôi lúc nhớ thương chị đến cháy lòng, nhưng tôi chưa một lần hình dung được rằng sẽ có một ngày chị em tôi hạnh ngộ trong hoàn cảnh như thế này. Chị tôi - một nhân vật "thời sự” mà địa phương đang phát huy. Còn tôi, một người viết tự do, đang đi tìm tư liệu.
Chị em tôi cứ tay trong tay bổi hổi, mặc cho bao cặp mắt của những người giới thiệu chị, tò mò dò xét. Mặc cho bao công nhân đang thao tác, phải dừng tay nhìn nhau ngỡ ngàng…
                                                 *   *   *
     Gái – cái tên mà bà ngoại tôi và cả gia đình đã thân ái đặt cho chị từ hồi còn bé. Thật ra, chị có cái tên rất dễ thương: Phan Ngọc Duyên. Cũng như cái tên, chị tôi không đẹp, nhưng có duyên hết biết. Đôi mắt to, đen thăm thẳm nép dưới rèm mi dài và rậm, trông lúc nào cũng ướt át, thu hút hồn người. Có lần bà ngoại bảo với mẹ tôi: "Đôi mắt con Gái đẹp mà buồn quá, tao sợ sau này nó khổ về đường duyên phận…”. Tuy làn da chị tôi rám nắng nâu dòn, nhưng bù lại chị sỡ hữu khuôn mặt trái soan, sống mũi thẳng, trông rất thanh tú. Nét duyên nhất ở chị là đôi lúm đồng tiền lún sâu bên khóe miệng, làm nụ cười tươi tắn hẳn.                  
    Năm sáu mươi lăm, trong một vụ tai nạn xe cộ, không may cậu mợ tôi và đứa con trai lớn qua đời, để lại chị - cô con gái mới tròn bảy tuổi, sớm chịu cảnh cút côi. Dạo ấy cậu Út đã vào cứ, nên chị về sống và lớn lên bên bà. Nội của chị, tức là Ngọai của tôi.
                                        *  *  *
 Ngày trước, tuy là gái thôn quê, nhưng mẹ tôi được ông bà ngoại cho ăn học đàng hoàng. Sau khi ông Ngoại chết, mẹ lên Sài gòn học tiếp ban tú tài. Ở đấy ba mẹ tôi gặp, yêu và cưới nhau.  Hai người cùng nghề giáo, tôi ra đời, nghiễm nhiên là đứa trẻ thành phố.
Mỗi dịp hè, để thay đổi không khí, ba mẹ thường gởi tôi về quê Ngoại, đó là một cù lao nhỏ bên giòng Cửa Tiểu. Chính vùng quê nghèo này, tôi đã cơi giữ được những tháng ngày ấu thơ tràn đầy kĩ niệm bên cạnh chị Gái.
Dù là vai em nhưng tôi lớn hơn chị Gái một tuổi, thế mà chị tỏ ra khôn ngoan, giỏi giắn hơn tôi nhiều. Mới lên mười, chị biết giúp bà sàng gạo, nấu cơm, phơi củi rồi giặt giũ cho tôi. Chị làm việc như một người lớn.
Tuy vất vã nhưng chị tôi chưa đánh mất tuổi hồn nhiên. Đồ chơi của chị em tôi là những bông mướp vàng, những chùm mồng tơi tim tím, những chú chuồn chuồn kim màu đỏ rực…
    Khi những trận mưa rào tháng sáu ập xuống mát trời mát đất, thằng bé thành phố trắng trẻo là tôi, cũng biết xách thùng lon ton chạy theo chị Gái ra rẫy bắt còng bắt ốc, chiều về ghé bờ sông hái đọt gừa đọt choại để bà nấu canh rau. Rồi những trưa nắng gắt, chị rủ tôi trốn ngủ, lấy dây cước nhỏ thắt vòng , ra mé sông  giật cá thòi lòi, cá bống.
Và cũng chính trên quê hương nghèo này, tâm hồn tôi được tắm đẫm trong những câu hát ru, những bài ca dao dịu ấm…Những lúc bên cánh võng, tôi và chị Gái ngồi tỉ mẩn tìm nhổ từng sợi tóc sâu cho bà, bà thường khắc họa vào tâm trí chị em tôi những hình ảnh của cô Tấm, cô Cám, An Tiêm, Thạch Sanh – Lý Thông…Bà dạy cho chúng tôi biết phân biệt những điều thiện ác; những chuyện đúng, sai … để sống ở đời. Ơi, không hiểu sao giây phút ấy, tôi bắt gặp trong đáy  mắt thẳm sâu của chị Gái – những sợi khói buồn lan tỏa.
Mỗi năm, khi học kì "hai” sắp kết thúc, ngồi trong lớp học nhìn ra cửa sổ, nhác thấy những búp Phượng trổ sớm như đốm lửa trong sân trường, tôi lại nôn nao chờ đợi một mùa hè mới.
Tôi về quê, thường mang tặng chị Gái lắm truyện sách Tuổi Thơ. Có khi chị em tôi ngồi với nhau cả buổi, tôi kể lại từng nhân vật trong những tác hay mà mình đã đọc, hoặc bình những đoạn Văn  của mấy tác giả nổi tiếng… Chị vẫn vui vẻ tiếp thu, nhưng tâm hồn tôi ấp ủ mộng văn chương bao nhiêu, thì chị Gái tỏ ra có năng khiếu về Toán bấy nhiêu.
 "Sau này là nhà văn, Vĩnh có viết về quê Bà, Vĩnh có viết về chị không?  Còn chị thích làm cô giáo dạy học trò…”. Tôi rưng rưng xúc động trước mơ ước hiền hòa, bình dị như bãi lúa, như dòng sông quê Ngoại… của chị Gái tôi.                
       Mùa hè năm bảy hai, tôi về thì lưng ngoại đã còng nhiều hơn năm trước, bà đi lại chậm chạp. Chị Gái bây giờ không những gánh vác việc gia đình, mà còn chăm sóc cho bà tôi nữa.
       Một buổi trưa, tôi ngồi vắt vẻo trên nhánh sung thấp de ra mương, nhìn những chú chuồn chuồn kim chao lượn bên bè rau ngỗ trôi dập dềnh, nghe tiếng gió chạy đuổi nhau trên khóm dừa nước lao xao. Chị Gái mải miết giặt đồ trên cây cầu gỗ dưới tán sung. Đôi mắt vốn buồn của chị càng buồn hơn, khi chị ngước nhìn tôi:
-    Vĩnh ơi! Tựu trường này chị vào lớp chín, nhưng năm nay bà già yếu rồi… chắc chị thôi học.
      Chị thôi học ư? Tôi nghĩ đến ngày chị tôi thôi học, sẽ thiếu vắng bạn bè, thầy cô. Rồi chị tôi cứ phải quẩn quanh trong khu vườn nhỏ bé với bếp núc, heo gà… Trái tim non nớt của tôi như có bàn tay ai bóp mạnh. Tôi hốt hoảng, ngơ ngác:
-   Đừng nghỉ học chị ơi! Nghỉ học buồn lắm. Rồi còn giấc mơ làm cô giáo dạy học trò nữa. Nhất định giấc mơ ấy phải trở thành hiện thực , chị nha.
Giọng chị rưng rưng:
-   Nhưng ba má chị chết cả rồi.
Ơi, giọng nói của chị nghe hiền làm sao?! lúc ấy tôi thương chị Gái biết chừng nào. Thương đến phát khóc.
Tôi vẫn tiếp tục những ngày hè hiếm hoi bên bà, bên chị Gái. Tôi luôn được bà và chị cưng chiều, chăm sóc thật chu đáo. Nhưng tâm hồn tôi, tự lúc nào len lõi nỗi buồn mênh mang… Có lẽ từ buổi trưa, nghe chị Gái báo tin sẽ thôi học?..
        Lại một buổi trưa.
Sau giấc ngủ ngon lành, tôi choàng dậy dụi mắt nhìn quanh chẳng thấy chị Gái đâu.  Định chạy đi hỏi bà, tôi chợt nghe tiếng dầm khua nước ngoài mương. Thì ra trong lúc tôi ngủ, chị Gái bơi xuồng ra sông, len lách tìm dừa nước, đốn về đãi tôi.
Nhìn những giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt đỏ hồng, lúc chị khệ nệ bê quày dừa nước từ dưới xuồng lên, tôi thấy chị giống như cô Tấm dịu hiền mà bà tôi thường kể.
Hai chị em vừa lúi húi bổ những trái dừa màu nâu, vừa nói chuyện rơm rã. Trong lúc chị thẳng tay giơ dao định bổ một phát xuống trái dừa đang kê sẵn, rủi ro lưỡi dao rời khỏi cán, bay vút sướt qua trán tôi, tạo vết dài. Tuy vết thương không sâu nhưng máu ra nhiều lắm, máu thấm ướt cả vạt áo trắng học trò của tôi đang mặc. Bà tôi cuốn quít, còn chị Gái sợ hãi, mặt mày tím tái, không khóc được. May nhờ có anh hàng xóm chạy sang rửa ráy và băng bó vết thương cho tôi. Bấy giờ chị Gái tôi mới khóc, khóc nức nở. Anh hàng xóm nhìn chị thiết tha, an ủi. Tôi ngước lên, bắt gặp trong đôi mắt sáng, đẹp của anh ấy: Hình ảnh chị Gái tôi ngự trị thật tròn đầy.
    Lần trở về thành phố năm đó, chị Gái bơi xuồng đưa tôi qua sông và xách va-li tiễn tôi ra tận thị trấn. Trên đương đi, hai chị em không vui đùa, cười giỡn như những bận trước.
Khi chiếc xe bắt đầu chuyển bánh, chị Gái chồm lên cầm chặt bàn tay tôi, vẫn đôi mắt u buồn và giọng nói đứt quãng:
-   Hè năm sau…. nhớ về nữa nghe… Vĩnh. Chị ch..ờ..
Tôi im lặng giấu niềm thổn thức, xiết chặt bàn tay chị và gật đầu lia lịa.
     Nhưng rồi chiến tranh càng lan rộng và ác liệt. Tân Thới ngày đêm phải gồng lưng gánh chịu bao nhiêu bom đạn… Ba mẹ tôi quyết định không cho đứa con trai duy nhất của mình về nghỉ hè quê ngoại nữa.
Cánh cửa tuổi thơ của tôi cũng khép lại từ mùa hè năm ấy.
Hai năm sau được tin Ngoại qua đời, chỉ một mình mẹ tôi về thọ tang. Những mùa hè kế tiếp, sống quẩn quanh nơi thành phố, tôi nhớ chị Gái vô cùng.
                                                 *   *   *
     Tôi học dỡ dang năm thứ nhất Văn khoa thì Hòa Bình. Mấy tháng sau tôi bận lao vào công tác Học đường, mẹ tôi về thăm quê Ngoại. khi quay lên, mẹ mang theo tin:
Cậu Út đã về. Cậu lấy vợ, hai người làm việc tại huyện nhà. Cậu mợ Út giới thiệu và gã chị Gái cho một người bạn quen hồi trong cứ. Lễ cưới "thời đại” chỉ tổ chức đơn sơ…
Tôi bâng khuâng: Chị tôi phải bỏ vùng cù lao yêu dấu, sang sông về quê chồng ở miệt đồng xa lắc. Chị tôi ra đi, còn gửi lại mối tình đầu ở miền quê sông nước.
    Cuối năm bảy mươi sáu, trước khi tình nguyện đi TNXP, tôi có về Tân Thới giỗ Bà. Lần ấy, tôi không ngờ gặp lại một chị Gái tàn tạ đến xót xa. Tôi hoang mang tự hỏi: đâu rồi chị Gái của tôi ngày nào hồn nhiên, sáng trong như giọt nước? Đứng trước tôi bây giờ là một phụ nữ tuổi chưa tròn mười chín, mà hốc hác, tiều tụy, tay bồng con thơ khóc ặc ẹo… ngỡ ngoài ba mươi. Đâu rồi đôi giếng mắt ẩm ướt dưới hàng mi rậm, luôn nhìn xa xôi như thu hồn thiên hạ? Lúc này chỉ còn lại ở chị Gái, đôi hốc mắt khô khốc đến lạc thần. Có lẽ ngày tháng qua chị tôi đã khóc, khóc trong âm thầm, khóc đến nguồn nước mắt đã cạn?  Càng nhìn chị, tim tôi càng đau thắt.                 
    Chị Gái bơ phờ cho biết: anh rễ tôi đang phụ trách xã Đoàn, anh đã bỏ nhà, quan hệ với một nữ thanh niên. Mỗi lần về, anh khảo tra tiền bạc và hành hạ mẹ con chị rất tàn tệ…
Bất giác tôi nghĩ thầm – Không hiểu trong lúc đau khổ thế này, chị tôi có nuối tiếc lại mối tình đầu tươi đẹp ngày nào và có oán trách cậu Út không? Rồi nếu biết hoàn cảnh truân chuyên của chị Gái hiện tại, không hiểu anh láng giềng ngày trước từng yêu chị tôi, có hát giùm:
"Bướm vàng đậu nhánh mù u,
Lấy chồng sớm quá… lời ru thêm buồn..”
                                  *   *   *
     Trải qua mấy năm TNXP, chàng thanh niên thành phố ốm yếu đã mất hẳn trong tôi. Những ngày nắng lửa, cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam đầy khốc liệt, đã để lại đôi vai tôi những vết chai sần vì cáng thương tải đạn. Bàn chân tôi đã tứa máu sưng vù trong rừng Le, rừng Khộp của miền Đông. Giọt mồ hôi tôi đã hòa cùng những cơn mưa ào ạt trên nông trường Lê Minh Xuân, An Phú…
    Cùng đồng đội bước qua những gian khổ, nhưng vẫn có những đêm một mình ngắm sao bên bờ suối vắng, hoặc những chiều bấm đàn bên dòng kênh mới đào trên cánh đồng bao la… tôi bỗng bâng khuâng nhớ về quê ngoại lạ lùng. Tôi nhớ cù lao Tân Thới, nơi gắn liền hình ảnh chị Gái và một thời tuổi thơ của tôi thật êm đềm. Nhưng hình ảnh chị Gái cộm lên trong trí tôi lúc ấy không còn ngây thơ tươi tắn nữa, nó rúm ró đau thương như nét mặt chị Gái mà tôi đã gặp hôm giỗ Bà.
Tôi đâm lo: "Không hiểu bây giờ ông anh rễ đa tình kia có hồi tâm, trở về với mái ấm gia đình cùng vợ con chưa?”.  Tôi sợ thời gian và nỗi buồn gậm nhấm, sẽ giết chết đời chị tôi khi tuổi còn xuân sắc.
Tôi lại mơ một chuyến về quê thăm chị. Vậy mà vừa rời áo TNXP, tôi chuyển hẳn sang Bộ đội. Mãi đến năm tám mươi chín, tôi trở về thành phố khi Bộ đội Việt nam đã hoàn thành nghĩa vụ Quốc tế trên đất bạn Kampuchia.
    Tôi nhất định năm đó sẽ về Tân thới giỗ bà, dịp ấy chắc chắn sẽ gặp lại chị Gái; nhưng mẹ tôi cho biết: cách nay hai năm cậu Út đã qua đời sau một cơn bạo bệnh, không bao lâu mợ Út đi thêm bước nữa, nên mẹ mới rước bà về Thành phố giỗ. Tôi nghĩ và thương chị Gái vô cùng. Chưa kịp làm một chuyến viễn du thăm chị, thì tôi có giấy báo gọi vào trường Đại Học.              
Ra trường tôi cưới vợ, một cô giáo ngoại thành. Rồi ba tôi mất. Bấy giờ tôi là thằng đàn ông trụ cột của gia đình, phải đương đầu với bao lo toan: cơm, áo, gạo, tiền…Lo cho mẹ già, cho vợ và cho cả hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học…Đôi lúc tôi cảm thấy chóng mặt trước cơ chế thị trường… dần dần, hình ảnh quê Ngoại và chị Gái đã lu mờ trong tôi.
                                        *   *   *
     Tháp tùng phái đoàn của một doanh nghiệp về khánh thành khu du lịch tại Gò Công, trong lúc trà dư tửu hậu, tôi "đánh hơi” vùng bên có mô hình "Xóa đói giảm nghèo” làm ăn rất khá, địa phương rất quan tâm, muốn lấy đó làm điển hình để nhân rộng.
 Đáp ứng yêu cầu của tôi, anh Hào –cán bộ Ủy ban huyện gọi điện liên hệ với Xí nghiệp may thêu ‘Nắng Sớm’. Trước khi tôi tìm đến Xí nghiệp, anh Hào, bỏ nhỏ:
-   Đây là mô hình xóa đói giảm nghèo làm ăn rất ổn định và tương đối nổi bật nhất trong huyện. Bằng nghiệp vụ của mình, anh khéo mà khai thác. Tuy rất vui vẻ cởi mở với đối tác cũng như với công nhân trong xí ngiệp, nhưng khi tiếp xúc nhà báo lại không thích  nói về mình, đó là đặc điểm của vị nữ Giám đốc này.
      Tôi vốn sợ những cá nhân nói về mình hay đơn vị bằng những bảng báo cáo thành tích, bởi nó tròn trĩnh và khô khan làm sao. Tôi thích tiếp xúc và tìm hiểu họ qua những câu chuyện gần như tâm tình, ở đó mới bật lên những ngỏ ngách, những suy nghĩ riêng tư… Thế nên thoạt nghe anh Hào nói, tôi bỗng có cảm tình ngay với vị nữ Giám Đốc mà tôi sắp gặp. Tôi tin vào khả năng mình, sẽ hoàn thành được bài Phóng sự như ý sau chuyến đi…  nhưng điều tôi không thể ngờ được – người tôi cần gặp – lại chính là chị Gái của tôi.
      Tất cả … vừa xảy ra, đối với tôi như một chuyện cổ tích.  
Đưa tôi sang phòng làm việc của mình, chị Gái vồn vả:
-    Vĩnh cứ ngồi nghỉ một lát, chị sẽ dẫn Vĩnh về nhà nấu cơm, chưng mắm đồng đãi Vĩnh ăn như ngày nào Bà và chị đã đãi Vĩnh vậy.
Tôi quên sao được, những bữa cơm ăn rau đắng luộc với khúc mắm đồng chưng tớp mỡ, tiêu, hành, ngọt lịm…. Nhớ hình ảnh bà và chị Gái luôn gắp để vào chén tôi những miếng mắm thơm và ngon nhất, khiến nước bọt tôi ứa ra đầu lưỡi….
     Tôi ngồi quan sát nơi chị Gái làm việc. Căn phòng tuy nhỏ, đơn sơ mà sạch sẽ, thoáng mát. Tôi ngắm chị không chớp mắt và nỗi ngạc nhiên đong đầy trong tôi.
Chị Gái hôm nay tuổi ngoài năm mươi, thân hình đầy đặn của người phụ nữ viên mãn. Đôi mắt tuy mệt mõi nhưng vẫn còn đen dưới hàng mi rậm. Hai má lấm tấm tàn nhang, song đôi lúm đồng tiền mãi là duyên của chị.
Phép màu nào đã biến một chị Gái hom hem tiều tụy, đôi mắt lạc thần của hơn ba mươi năm trước, trở thành chị Gái hôm nay đường bệ trên chiếc ghế Giám đốc của một Xí nghiệp?
Dòng suy nghĩ đang miên man trong tôi, bất giác chị Gái thở dài, hỏi:
-   Dượng bệnh thế nào và lâu mau mà qua đời vậy Vĩnh?
-   Dạ, Ba em bị xơ gan trong thời gian em học ở Hà Nội. Hơn một năm thì Ba em mất.
-   Vĩnh với cô có thường về quê Ngoại không?
-   Sau ngày cậu Út qua đời, mẹ em rước bà về trên ấy giỗ. Mà nghĩ lại, mợ Út cũng tệ thật.  Cậu mới mất chưa đầy năm, mợ đã đưa chồng mới về ở nhà, nên mẹ em buồn…
     Đôi mắt vốn buồn của chị Gái bỗng long lên tia giận dữ:
-   Chị phải đi lấy chồng tức tửi và cuộc đời hơn mười năm khổ hận… cũng vì thiếm Út đó.
Tôi ngạc nhiên đến sững sờ. Bàn tay chị Gái cầm tách nước run run. Tôi hỏi chị Gái bằng mắt, bằng cả sự im lặng. Chị cười nhạt:
-    Hôn nhân là việc hệ trọng cả đời. Chị làm sao lấy được một người xa lạ không yêu thương, trong khi……
Đang nói, chợt chị Gái thở dài như nén cơn xúc động, rồi tiếp:
-    Thiếm Út sợ chị còn ở lại cái nhà ấy lúc nào, là chị hưởng cái gia tài của Bà để lại lúc ấy, nên ngày đêm thiếm đốc xúi chú Út gã chị. Nhưng thôi…
Chị Gái mím môi như muốn xóa đi một phút lỡ lời vì nỗi buồn dĩ vãng, bởi chị tôi chưa quên thời con gái của mình bị chôn vùi trong đau khổ. Chị vội trở lại ngay bản tính cố hữu của người đàn bà Việt Nam hiền thục, chịu đựng và sẵn sàng tha thứ. Chị nói tiếp:
-    Nhưng thôi, mỗi người đều có số phận Vĩnh à!
Số phận ư? Số phận gì mà cay nghiệt vậy? đã đày đọa chị - nghười phụ nữ hiền lành trong ngần ấy năm chịu đau khổ… Tôi hơi bực dọc:
-    Rồi hai người bỏ nhau bằng cách nào, anh ấy li dị chị à?
Chị Gái buồn bã, lắc đầu:
-    Con người ta khi muốn hướng thiện, muốn vươn lên thì rất khó, có khi phấn đấu cả đời vẫn chưa tới đích. Còn đã lỡ sa chân rồi, không khéo giữ, chỉ trong nháy mắt sẽ rơi xuống vực thẳm. Trường hợp của anh Khải là vậy. bao lần cơ quan đoàn thể kiểm điểm xây dựng, chẳng những anh không hồi tâm, mà còn từ lỗi lầm này đẩy đến lỗi lầm khác. Cuối cùng từ một Đảng viên từng gan lì trong những năm chiến tranh gian khổ khốc liệt, để trở thành một kẻ đớn hèn, chối bỏ quê hương… chui rút, chạy trốn ra nước ngoài nương  náu…
-    Còn cháu bé em đã gặp chị bế hồi giỗ bà?
Khuôn mặt chị Gái sáng lên:
-     À, cháu là Huệ Liên, năm nay ngoài ba mươi rồi. nếu chịu lấy chồng như người ta, thì bây giờ đã con bế con bồng.
Tôi nói với chị mà như nói với chính mình:
-     Nhanh, thời gian nhanh thật. Rồi bây giờ cháu làm gì hở chị?
-     Ôi, những năm tuổi thơ sống với mẹ quá khổ, nên lớn lên cháu chăm học lắm. Tốt nghiệp Đại học kinh tế, ra trừơng vừa làm việc ở một công ty trên thành phố, vừa học Cao học. Giờ cháu đang đi nghiên cứu sinh Tiến sĩ ở Bỉ mới hơn một năm.
Tôi không giấu được niềm vui:
-     Bây giờ chị Gái của em là người hạnh phúc nhất rồi.
Đang vui, chị Gái chợt ngưng cười:
-     Chị sống bằng niềm tin và súc lực của chính mình. Chị thường dạy cháu Liên như vậy.
       Nhìn chị Gái, đắn đo một lúc, tôi hỏi:
-     Còn chuyện này, em muốn chị trả lời thật nhé: Anh hàng xóm ngày xưa… yêu chị, bây giờ ra sao, gia thất có đề huề?
       Chị Gái nhíu mày như suy nghĩ sau câu hỏi của tôi. Chợt chị cười, nụ cười buồn hơn nước mắt:
-     À, em muốn hỏi anh Thiện, người chạy sang băng giúp vết thương cho em dạo ấy?
       Tôi gật đầu, chị nói tiếp:
-     Lúc đó anh Thiện học ngoài thị xã, cũng về quê nghỉ hè như em. Rồi đang học năm nhất Đại học Nông Nghiệp tại Cần Thơ, nghe tin chị sắp lấy chồng, anh vội về. Hôm đó chị mượn cớ đi xay lúa, anh Thiện bơi xuồng đưa chị ra vàm, trông  anh buồn đến thẩn thờ. Sự bất lực của hai đứa, cứ kéo dài bằng thời gian im lặng. Cuối cùng như tìm ra lối thóat, anh bảo: " Để anh đưa ba má sang nhà thưa chú thiếm Út, tụi mình cưới nhau em nha!”. Nhưng Vĩnh biết rồi đó, một lời hứa của chú thiếm Út với người khác, là đời chị xem như ván đã đóng thuyền.
         Chị về quê chồng được vài tháng, lại hay tin: anh Thiện "bỏ Đời theo Đạo”. Anh đã xuất gia. Giờ anh là một Đại Đức, nghe đâu đang trụ ở ngôi chùa nào đó ngoài Vũng Tàu….
        Chị Gái vẫn cười. Nhìn nụ cười của chị, tôi thấy tím cả tim gan. Tôi hiểu, trong lòng chị - những tình cảm ngọt ngào ngày xưa chưa thể mất, nhưng trứơc mắt:  Đạo – Đời, đã hai lối rẽ.
        Tôi sợ càng đào sâu quá khứ, càng chất thêm nỗi buồn trong lòng chị Gái, nên trở lại hiện tại, tôi hỏi:
-     Chị Gái à, rồi từ một tuổi trẻ đau khổ là vậy, chị phải bắt đầu như thế nào để ngày nay ngồi đỉnh đạc trên chiếc ghế Giám Đốc?
-    Chà, lại giở ngón nghề ra với chị phải không?
        Chị Gái đứng dậy, cười giòn:
-    Này, em hãy gọi điện về báo cho cô và gia đình yên tâm, rồi đèo chị ra chợ mua thức ăn, không khéo chợ tan đó. Còn chuyện ấy, nhất định chị sẽ trả lời Vĩnh sau bữa cơm, với tư cách người được phỏng vấn. Thôi, đi em.
      Chị Gái cầm chìa khóa xe. Tôi bước theo chị giữa hàng trăm chiếc máy khâu đang thao tác. Tiếng máy khâu, tiếng dập khuy, tiếng máy cắt … tạo thành một hợp âm rất vui tai. Giống như ngày nào dưới cơn mưa tháng sáu mát trời mát đất - thằng bé thành phố trắng trẻo ốm yếu - là tôi, xách thùng lon ton chạy theo chị đi rẫy bắt còng, bắt ốc
PNH

 
-------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét