Thứ Tư, 7 tháng 5, 2014

Đẩy vốn rẻ ra thị trường: "Bài toán khó" của Thống đốc

Bốn lần họp Chính phủ thường kỳ, thì 3 lần Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình về việc giảm lãi suất, tạo điều kiện đẩy vốn ra thị trường để DN tiếp cận được vốn. Vậy nhưng tính đến ngày 22/4, tín dụng mới tăng được 0,62%, còn lãi suất thì có giảm, nhưng chỉ là kỳ ngắn hạn, không tác động nhiều đến DN.
Thực tế mà nói, trong 2 năm qua, ngành Ngân hàng đã rất nỗ lực trong việc giảm lãi suất và tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn. Song, vướng mắc lớn khiến yêu cầu của Thủ tướng khó thực hiện được đó chính là nợ xấu. Đó mới thực sự là rào cản của tín dụng và lãi suất. Nhưng với giải pháp xử lý nợ xấu an toàn thông qua VAMC và trích lập dự phòng của các ngân hàng thì cần phải có thời gian, trong khi tín dụng và lãi suất lại không thể chờ.
Nỗ lực của ngân hàng
Công bằng mà nói, sẽ rất sốt ruột nếu như tăng trưởng tín dụng cứ đì đẹt thế này, trong khi mỗi ngày lại nghe tin DN kia đóng cửa, DN này đang điêu đứng, nền kinh tế chững lại… vì thiếu vốn. Vậy nên, có thể hiểu sự khẩn trương của Thủ tướng khi kỳ họp Chính phủ nào cũng nhắc Thống đốc về việc tiếp cận vốn vay ngân hàng. "Tôi đã nói Thống đốc nhiều lần là phải rà soát, tạo mọi điều kiện để các DN tiếp cận được vốn. Còn nếu để cuối năm mới đẩy tiền ra rồi lại hút vào thì không còn ý nghĩa nhiều nữa", Thủ tướng nói.
Nhưng ở vị trí của Thống đốc thì không đơn giản chỉ nói là được. Bởi ngân hàng cũng là DN, nên phải yêu cầu, điều hành sao cho lãi suất có thể giảm, vốn có thể chảy ra nền kinh tế nhiều hơn mà ngân hàng vẫn bảo đảm hoạt động tốt là bài toán không đơn giản. Nếu dùng mệnh lệnh hành chính, có nghĩa là NHNN sẽ đánh mất đi tính thị trường trong điều hành và bản thân các NHTM cũng thấy "ấm ức".
Tuy nhiên, với cách điều hành ít mang tính hành chính nhất hiện nay, lãi suất đã giảm khá mạnh. So với cuối năm 2013, mặt bằng lãi suất huy động VND giảm 0,5 - 1,5%/năm, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm 1% so với cuối năm 2013. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Về phía ngân hàng, để giải phóng nguồn vốn "ứ đọng" trong hệ thống, nhiều ngân hàng đã đưa ra mức lãi suất cho vay khá thấp. Mức lãi suất thấp nhất hiện nay là 6,0%/năm đối với VND và 3,0%/năm đối với USD dành cho các DN hoạt động trong các lĩnh vực: nông nghiệp - nông thôn, kinh doanh hàng xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, DNNVV, ứng dụng công nghệ cao.
Tổng Giám đốc một NHTM còn cho biết có khách hàng chỉ phải vay với mức lãi suất 5%/năm…
NHNN sẽ triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để ngư dân vay vốn đóng mới tàu
Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) mới đây cũng tuyên bố, trong thời gian tới sẽ tập trung triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng trong lĩnh vực thủy sản. Điểm tập trung của nguồn vốn này là sẽ dành cho DN, ngư dân vay vốn phục vụ đóng mới tàu vỏ sắt, cải hoán nâng cấp tàu cũ để vươn khơi bám biển.
Gói tín dụng trên sẽ được áp mức lãi suất ưu đãi, thấp hơn hẳn mặt bằng chung của thị trường hiện nay, với 5%/năm, và đặc biệt là thời hạn cho vay tối đa có thể lên tới 10 năm. Cùng với đó, NHNN cũng xây dựng gói tín dụng quy mô tới 12.000 tỷ đồng phục vụ cho nhu cầu vay vốn tái canh cây cà phê tại Tây Nguyên…
Rõ ràng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, ngành Ngân hàng đang nỗ lực giúp DN bớt gánh nặng về vốn, chi phí cũng như mang lại nhiều tiện ích cho DN. Tuy nhiên, mình ngành Ngân hàng nỗ lực thì sẽ rất khó khăn.
Bên cạnh nỗ lực của từng ngân hàng, việc nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn là yếu tố quyết định hàng đầu. Bên cạnh đó, cũng rất cần sự tham gia và hỗ trợ của một số bộ, ngành khác, kể cả trong việc kích cầu đầu tư vào những công trình thiết yếu khác, qua đó làm tăng chi tiêu và nhu cầu sức mua của nền kinh tế, tạo ra vòng tuần hoàn tác động trở lại đến tăng trưởng kinh tế.
Cái khó là vốn dài hạn
Do vốn huy động kỳ dài hạn thường thỏa thuận ở mức cao nên ngân hàng cho vay cũng phải ở mức cao. Đến như những ngân hàng quốc doanh cho vay trung và dài hạn cũng phải 10%/năm trở lên, thì đương nhiên ngân hàng cổ phần phải cho vay cao hơn vì chi phí vốn đầu vào cao hơn. Đó là chưa tính đến việc có huy động được hay không để mà cho vay. Nhưng DN thì muốn vay trung và dài hạn, đặc biệt là DNNVV, vì họ cần đầu tư máy móc, thiết bị, nhà xưởng…
Một vấn đề nữa đó là tài sản thế chấp. Vì vay trung và dài hạn nên ngân hàng luôn đòi hỏi tài sản thế chấp phải là những tài sản có thể quản lý được, chứ không phải những thứ có thể bị "bốc hơi" bất cứ lúc nào. Do vậy, DN muốn tiếp cận vốn vay sẽ gặp nhiều khó khăn. Đó là chưa tính đến khoản nợ xấu, nợ quá hạn, nợ chưa đến kỳ trả của DN tại nhiều ngân hàng.
Thực ra, lãi suất cho vay có thể giảm thêm, DN có thể dễ hơn trong việc tiếp cận vốn vay trung và dài hạn, nếu như nợ xấu được giải quyết. Tuy nhiên, bài toán xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng lựa chọn theo giải pháp an toàn thông qua VAMC và trích lập dự phòng của các ngân hàng. Cách làm này sẽ mất nhiều thời gian, trong khi lãi suất lại cần giảm ngay vốn cần đẩy ra ngay để hỗ trợ DN. Đó chính là bài toán khó của Thống đốc, mà không phải dùng biện pháp hành chính là có thể giải quyết được.
Minh Huệ / Thơi báo Kinh doanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét