TRỊNH QUỐC DŨNG
Mặc dù đã đọc hầu hết những truyện ngắn, những ghi chép của Nguyễn Quang Lập trong trang nhà blog Yahoo 360 hay Yahoo Plus nhưng tôi vẫn không bị thuyết phục bằng khi được đọc lại toàn bộ những câu chuyện nói trên trong tập sách mới nhất của anh: Ký ức vụn. Cái tựa đề tập sách đã khiến người đọc tò mò. Tại sao lại là Ký ức vụn? Có phải đây là những cảm tưởng, những suy nghĩ vụn vặn của nhà văn hay không? Điều đó khiến chúng ta phải cầm lấy cuốn sách và bắt đầu đọc nó. Càng đọc càng hứng thú, càng đọc càng say sưa.
Có lẽ phải nói ngay rằng, đây là một cuốn sách không phải để đọc nhanh, đọc vội vàng mà là cuốn sách của sự hồi tưởng, chiêm nghiệm. Cách hành văn hóm hỉnh, không cầu kỳ, dùng rất nhiều khẩu ngữ đời thường, nhiều khi tếu táo, bỗ bã ấy (mà tác giả gọi là khẩu văn) có thể khiến cho những người thích đọc văn bóng bẩy, ngôn từ chỉnh chu, mượt mà phải nhíu mày, nhăn mặt. Không sao cả, đó là sở thích của cá nhân từng người, bởi ai cũng đều có quan niệm sống, quan niệm văn chương của riêng mình.
Đúng như tên gọi ban đầu, tập sách là một chuỗi những ký ức, những câu chuyện buồn vui của tác giả từ thuở thơ ấu đến khi mái đầu đã chớm bạc. Gọi là những câu chuyện hay ký ức của tác giả cũng đúng, mà của chúng ta cũng không sai, vì rằng mỗi câu chuyện kể đều có hình ảnh của mỗi người trong đó.
Tập sách bắt đầu bằng những câu chuyện kể về những người bạn khó quên của nhà văn. Đó là những con người có những số phận thật đặc biệt. Khi thì bạn ăn ruồi, lúc là anh cu Đô, anh cu Cá, người bạn hai đầu gối, rồi thằng sứt môi, thằng Thanh, con Hà, thằng Á, chị Du,… Phải là đặc biệt thì mới khó quên với nhà văn chứ. Tuy nhiên, nếu chỉ giản đơn như vậy thì tại sao Nguyễn Quang Lập lại không viết những ký ức về những người bạn sống trong những gia đình giàu có hay khá giả, có của ăn của để (dù rất ít) thời đó?. Tôi không tin trong thời thơ ấu của mình, Nguyễn Quang Lập lại không chơi (hoặc thân) với một vài người bạn như thế. Nhưng những con người ấy, đại diện cho sự sung túc, sự hạnh phúc (vốn đã ít ỏi trong xã hội), phải chăng không thể đại diện cho một tầng lớp nhân dân lao động, tầng lớp cần lao rất cần có một tiếng nói, một sự sẻ chia với cảnh đời cơ cực của họ. Ta bắt gặp sự không lành lặn, sự bất hạnh của người bạn khi thì sứt môi, lúc thì khuyết tật, nỗi đau thương vô hạn khi mất đi người bạn thân của tác giả, rồi những chuyện kể tưởng như hài hước, bông lơn nhưng thực ra lại là những nỗi buồn, sự khổ đau khó thể khỏa lấp về những cảnh đời, thân phận của những kiếp người xung quanh mỗi chúng ta. Khi đọc những truyện ngắn “Thằng bé hai đầu gối”, “Ký ức năm hào”, “Thằng sứt môi”,… lòng ta thắt lại, quặn đau, những giọt nước mắt rơm rớm trên khóe mắt và bất chợt rơi trên những trang sách…
Nhiều khi tôi tự hỏi, tại sao cuộc đời lại luôn đem đến bất hạnh cho nhiều người đến thế? Nói theo triết lý nhà Phật, thì phải chăng kiếp trước những người này đã ăn ở không có đức độ nên kiếp này phải chịu quả báo. Hay là do “số Trời” đã định sẵn, kiểu như “Con vua thì lại làm vua/Con sãi ở chùa lại quét lá đa”, con người ta không thể thay đổi được. Lý giải như vậy e có vẻ khiên cưỡng, không hợp lý cho lắm. Theo tôi, số phận họ bất hạnh, họ tàn tật ngay từ lúc sinh ra đã đành, nhưng điều quan trọng hơn đó là trách nhiệm của xã hội, thái độ của những người xung quanh đối với họ. Rất cần một sự sẻ chia, một sự cảm thông, giúp đỡ cho họ, những con người vốn đã không may mắn ngay từ lúc lọt lòng. Ở khía cạnh này, Ký ức vụn đã làm được điều đó, bằng cách thức tỉnh lương tri người đọc hướng về những cảnh đời như vậy.
Những nhân vật của trong truyện của Nguyễn Quang Lập đều có một cá tính đặc biệt, không thể lẫn vào đâu được. Đó là cái tài của anh, và cũng là cái duyên của anh khi viết truyện ngắn. Những đoạn anh miêu tả về sự cố chấp đến cực đoan anh cu Luật, sự trung thực đến đáng thương của anh Thu, sự giả dối đến mức trơ trẽn của thằng Tụy, thằng cu Hó, thói đạo đức giả của thằng Thanh,… người đọc luôn bị cuốn theo những chi tiết do nhà văn đã sắp đặt một cách khéo léo, để đi từ sự ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, và đến khi kết thúc truyện, ta chỉ còn cách vỗ đùi và kêu to lên một tiếng: “Viết hay đ. chịu được”. Nhưng để có được những trang viết như vậy, mấy ai biết được những sáng tạo trong cực nhọc, cô đơn của nhà văn. Họ luôn phải đắm mình trong nhân vật, trong những tình huống mà họ đã quan sát, đã ghi nhận được ở ngoài thực tế để tái hiện lại một cách sáng tạo trên những trang sách nóng hổi nhằm gửi tới người đọc những thông điệp mang ý nghĩa nhân sinh hoặc những cảnh báo cho tương lai. Thế mà có khi những thông điệp ấy nhận được chỉ là những mối quan tâm rất nhỏ, sự thờ ơ của mọi người, thậm chí là chỉ trích, lăng mạ và xa lánh người viết. Đó chính là cái khắc nghiệt của nghề viết, cái nghề mà không phải ai cũng đủ tài năng, đam mê và lòng dũng cảm để đi theo nó đến trọn đời. Nó là một cái nghiệp, một cái nợ trần ai cứ bám lấy, cứ đeo đẳng lấy nhà văn, khiến họ không tài nào dứt ra được.
Bằng giọng văn hóm hỉnh, hài hước, tác giả cũng phê phán những thói hư tật xấu, sự giả dối đang trở thành những quốc nạn, một thứ “giặc nội xâm” của xã hội ta. Những nhân vật như: Tinh Túy, thằng cu Hó, Bê cờ lê mê tê, thằng Thanh, ông đề cương là đại diện cho những thói xấu xa này. Thói chuộng hư danh tức thời theo kiểu hotboy, chạy theo thành tích theo kiểu hô khẩu hiệu sáo rộng trong truyện “Anh cu Đô” của những năm trước đổi mới vẫn còn là những bài học nóng hổi trong thời điểm hiện nay, thời kỳ mà chúng ta đã và đang hội nhập ngày càng sâu với thế giới. Rồi thói bảo thủ, duy ý chí một thời, cục bộ địa phương, thói ghen ghét, đố kỵ đã khiến chúng ta phải trả giá rất đắt cho những sai lầm của mình.
Đồng thời, anh cũng có những cảnh báo về sự đô thị hóa một cách mạnh mẽ, sẽ phá vỡ cái cân bằng vốn có của làng quê Việt. Nó sẽ bóp méo, và giết chết văn hóa làng xã, vốn là cội rễ của văn hóa Việt. “Cái đình làng vắng tanh, lạnh ngắt, bốn bức tường ngồi đình quét vôi trắng xóa, viết ngoệch ngoạc dăm bảy câu khẩu hiệu...Cây đa đầu làng đứng lặng câm giữa hoang vắng, nó đã quá già, lơ thơ vài chiếc lá vàng trên những cành khô. Ngày xưa nơi đây những trưa mùa hạ đầy trẻ con chơi, người làm đồng về dừng chân nghỉ ngơi, đứng ngồi chuyện trò rôm rả, bây giờ không một bóng người... Ba cái giếng làng cũng thế, nơi trai gái tụ họp hẹn hò những đêm trăng, nơi những buổi chiều trẻ con quây quần tắm táp, bây giờ chẳng ai vãng lai. Nền giếng lở lói, nước giếng vàng khè, có lẽ nước nhiễm bẩn không ai dám dùng nữa... Vẫn rất nhiều người giàu sang phú quí, nhưng hồn vía của làng thì đã mất rồi, mất từ lâu lắm rồi.“. Sự phát triển không bền vững này có thể thấy được qua sự tàn phá môi trường sinh thái mà con người đã và đang phải gánh chịu hậu quả. Nhưng cái nguy hiểm hơn, đó chính là mất đi bản sắc văn hóa (khái niệm văn hóa ở đây được hiểu là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội - Trần Ngọc Thêm). Khi đã mất đi bản sắc văn hóa thì tất yếu sẽ bị xâm lăng văn hóa (chữ của tác giả Kim Dung). Vậy nên, có người đã nói: Kinh tế như cái bánh xe, còn văn hóa như cái phanh (cái thắng) của xã hội loài người. Nếu không có cái phanh ấy thì không thể neo giữ được hình hài một dân tộc, một quốc gia, không kìm hãm được sự “hiếu thắng“ của cái bánh xe kinh tế và đương nhiên sẽ bị lao xuống vực thẳm trên chặng đường phát triển ngày nay. “Ôi không còn vỉa hè, danh sĩ nước Nam ta biết ẩn nấp vào đâu…“, câu cảm thán ấy cũng chính là thông điệp mà “Ký ức vụn“ muốn gửi đến người đọc.
Những ghi chép, những tâm sự về những thăng trầm của cuộc đời, cả những vất vả, trăn trở về nghề viết cũng được anh chia sẻ một cách trung thực trong cuốn sách. Đối với anh: “Văn nghệ văn gừng nhiều khi chán lắm, chỉ được cái thương nhau, đôi khi chửi nhau như chó mèo tóm lại vẫn yêu thương nhau bền bỉ nhất. Mặc kệ quan hay dân, mặc kệ cái thời cục bộ địa phương huynh đệ tương tàn, mặc kệ người trời Tây kẻ nước Nam, anh em văn nghệ lúc nào cũng có thể ngồi cùng mâm, nằm cùng chiếu. Chiếu hải ngoại, chiếu nội địa cũng là chiếu Việt cả mà thôi.“. Vì thế mà khi anh viết về nỗi cô đơn của Trần Dần, sự uyên bác của Hoàng Phủ Ngọc Tường, những tháng năm khốn khó của Phùng Quán, sự khôn khéo, thông minh của Nguyễn Khải, cái say của Nguyễn Trọng Tạo, sự ngây thơ của Tuyết Nga, tài diễn thuyết của Trần Đăng Khoa,... hay những người bạn thân thiết: Nguyễn Thanh Sơn, Hồng Ánh, Phạm Ngọc Tiến, Quốc Trọng, Thanh Vân, Nguyễn Việt Hà,... ta đều thấy niềm yêu thương chân thành hết mực đối với họ, những người đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc đời anh.
Tôi quí trọng Nguyễn Quang Lập ở chỗ anh viết rất thật về những suy nghĩ, thái độ của mình đối với hiện thực khách quan. Đó là cái Chân trong văn chương và cũng là cái Tâm của người cầm bút. Những đoạn tự sự về thời thơ ấu, về trung thu đầu tiên của một cậu bé bốn tuổi, những trò chơi, trò nghịch ngợm của trẻ con, kỷ niệm về cô giáo dạy văn, những cái Tết ở miền quê nghèo, về con chó Giôn,... sao mà đáng yêu, dễ thương đến thế. Chắc ai trong số chúng ta cũng đã từng có những hình ảnh, những kỷ niệm như thế trong đời. Thế nên, đến khi đọc lại những trang sách đó, ký ức của một thuở ấu thơ lại ùa về, nó tràn vào trong mỗi tế bào của cơ thể chúng ta, khiến cho ta phải rưng rưng xúc động khi nhớ về nó. Đó có lẽ là những khoảng thời gian đáng quí nhất của mỗi con người. Đâu đó trong tập sách, ta cũng bắt gặp những suy nghĩ, những hành động xấu xa, ghê tởm. Đó chính là hai khía cạnh, hai mặt luôn tồn tại trong một con người: mặt tốt và mặt xấu, mảng tối và mảng sáng. Nhân vô thập toàn. Không ai có thể sống như một vị thánh mà không có những tật xấu, thậm chí rất xấu. Ngược lại, cũng không ai hoàn toàn xấu cả, mà trong cái xấu đó sẽ có mầm mống của cái Thiện, cái cần được khơi gợi và vươn tới. Nhiệm vụ cao cả của văn chương chính là ở chỗ đánh thức cái Thiện, sự sẻ chia, lòng độ lượng, cảm thương đồng loại trong mỗi con người.
Một nhà văn nào đó đã nói: “Trong mỗi con người Việt đều hàm chứa một cái quê. Quê là cội nguồn. Cái quê này chỉ chờ có dịp là thể hiện…”. Tôi nghĩ câu nói này rất đúng với trường hợp Nguyễn Quang Lập. Cái chất quê Quảng Bình, khúc ruột miền Trung với đất đai khô cằn, thời tiết khắc nghiệt nhưng người dân chân thật, tình cảm, đôn hậu ấy, đã thấm sâu vào máu thịt, vào tâm hồn anh. Nó ám ảnh suốt một đời văn của Nguyễn Quang Lập, khiến anh nuối tiếc, day dứt không nguôi khi hàng ngày không được thấy, không còn cảm nhận ra nó nữa. Cái chất quê đó, như anh đã tự hào “có đổ ra cả tấn vàng ròng ra cũng không mua được”, chính là hồn vía của một nền văn hóa, nền văn hóa đã hình thành và trầm tích trong cả ngàn năm của một dân tộc, vốn đã chịu đựng quá nhiều đau thương và mất mát trong suốt chặng đường lịch sử của mình.
Tôi vẫn tin rằng nhà văn là người khổ hạnh, theo nghĩa là người khổ đau khi sáng tạo ra những tác phấm và hạnh phúc khi thấy nó, những đứa con tinh thần của mình, được đông đảo bạn bè đồng nghiệp và độc giả gần xa đón nhận. Với ý nghĩa như vậy, Nguyễn Quang Lập cũng là một người khổ hạnh với tập sách Ký ức vụn.
Berlin, những ngày hè năm 2009
T.Q. D
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét