Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2009

Khoe còm he he

Từ Ngày bọ mở blog có rất nhiều cái còm hay, nhiều còm viết kì khu như một bài phê bình thực thụ, đó là những cái còm của Lê Mai, Stranger, Sao Hồng, Gocomay, Nguyễn Lâm Cúc, Tú Trinh, Đông A...Nhưng chưa có cái còm nào lại viết hẳn một cái truyện, truyện hay hẳn hoi, để còm cho Quê choa chí dị 1- phần 2 như cái còm của Người làng cốm. Bọ rất mừng và cảm động, vội vàng post lên đây khoe với bà con


9250a62641bb66c7ba4de382be155d7a


Người làng Cốm


NÓI LÁO MÀ CHƠI


pusonglin[1]


 Bồ Tùng Linh


Tiên sinh Bồ Tùng Linh đang ngồi bên cốc bia hơi óng ánh vàng như mật ong trong quán Âm Hồ (Không phải là quán bia hơi Vân Hồ, nơi trao giải phê bình “K‎y‎ Ức Vụn”) thì tên tiểu đồng hớt hải chạy vào:


– Dạ, thưa thầy,…thưa thầy,…


– Có việc gì con hãy bình tĩnh nói ta nghe!- Bồ tiên sinh nhẹ nhàng nói.


– Dạ, thưa thầy, ở nước Annam trên dương thế có một tên văn nô vừa mới tung ra 2 kỳ thiên truyện “Quê choa chí dị”!


– Sao lại gọi người ta là văn nô?


– Dạ, con đâu có dám mà chính gã ta khoe mình là văn nô, lại còn khoe là đồng liêu với tên sử gia Dương Trung Quốc nào đó. Hiện gã đang mở một chiếu rượu lớn và bọn người biết đọc trên trần xúm đông xúm đỏ trên cái chiếu rượu đó.


– Chúng tụ tập cùng nhau say sưa nhậu nhẹt à?


– Dạ, không phải! Chiếu rượu đây là cái blog “Quê choa” trên mạng của Nguyễn Quang Lập, tên đầy đủ của gã văn nô đó. Gã còn được cư dân mạng gọi nôm na thân thiết là bọ Lập. Trang blog này chuyên đăng tải các bài gã viết và các bài thấy trên mạng mà gã cần chuyển tải cho nhiều người được đọc vì hàng ngày, có tới dăm bảy nghìn kẻ vào thăm blog của gã; và hàng trăm kẻ đọc xong đã viết bình luận phản hồi mà bọn chúng gọi là “còm” rất nhiệt tình trong khi chủ nhân nhiều trang blog khác mơ được dăm ba cái còm cũng không có nổi.


– Không biết văn vẻ “Quê choa” ra sao mà lắm người đọc và bình luận thế? Mà sao cái nước Annam ngày nay nảy nòi ra nhiều Kim Thánh Thán làm vậy!


– Dạ, gã nhà văn bọ này có nhiều bạn đọc không chỉ vì văn tài mà còn vì tấm lòng của gã. Ý con nói là, gã trân trọng từng lời còm của bạn đọc và bỏ ra cả chục tiếng đồng hồ mỗi ngày để recòm tức là trả lời từng cái còm một. Gã nói, mỗi cái còm hay của bạn đọc là một niềm hạnh phúc đối với gã!


– Đúng là một nhà văn có cả tài có cả tâm đấy! Thế con có biết “Quê choa chí dị” viết về cái gì không?


– Dạ! thưa thầy, con không biết ạ, vì con đâu có biết đọc biết viết cái chữ của bọn người trần mắt thịt !- Tên tiểu đồng gãi đầu bẽn lẽn đứng yên một lát rồi laị mạnh dạn nói tiếp- Nhưng con nghĩ, gã bọ này viết “Quê choa chí dị” ắt hẳn là bắt chước theo “Liêu trai chí dị” của thầy rồi. Con sợ gã lại đạo văn của thầy.


– Sao con lại nghĩ thế?


– Dạ thưa, ở cái nước An nam của gã văn nô ấy mấy năm nay nạn đạo văn nghệ phát triển mạnh như nấm độc mọc sau mưa phùn: Bọn nhạc sĩ đạo nhạc, bọn hoạ sĩ đạo tranh, bọn nhiếp ảnh đạo ảnh, bọn văn sĩ đạo văn; gần đây bọn dịch thuật cũng đạo thơ của người làm thơ của mình luôn. Con e rằng gã văn nô Nguyễn Quang Lập cũng một phường trộm cắp văn chương nghệ thuật ấy. Cả một đời thầy chịu đói khổ, vắt óc hoà máu mới có được bộ kỳ thư “Liêu trai chí dị” 431 thiên mà nay bị nó trộm cắp thì đáng giận lắm!


– Con không nên vội nói như thế.- Bồ Tiên sinh vẫn khoan dung nói- Tốt nhất, con hãy lên ngay trần thế nước Annam xem có cách gì đem về cho thầy hai kỳ “Quê choa chí dị” để thầy đọc rồi hãy hay!


Chú tiểu đồng gãi gãi đầu như mở khóa bộ óc rồi nhoẻn cười rất tươi:


– Dạ, thưa thầy, con có cách rồi! Con sẽ thuê người ta copy rồi in ra một bản đem về cho thầy đọc!


Nói rồi, không đợi phép của thầy, thằng bé con con thoắt biến đi ngay. Và đúng lúc vại bia của Bồ tiên sinh vừa cạn, thì chú bé đã trở về kính cẩn dâng lên trước mặt thầy một tập giấy A4. Bồ tiên sinh xốc lại gọng kính, mở cuộn giấy ra chăm chú đọc ngay. Xong, ngài mỉm cười, nhìn chú tiểu đồng:


– Con nghi oan cho người ta rồi! Hầu hết các truyện ta viết trong “Liêu trai chí dị” nói về thần tiên ma quái, hồ li lang sói, hổ báo khỉ vượn, voi rắn độc trùng cho tới cây cỏ hoa lá, khói mây gạch đá v.v. nhưng không chỉ vậy, xuyên suốt các tác phẩm là những câu chuyện về người và việc trong cuộc sống hiện thực. Tất cả những đề tài trên đã được ta xử lý khéo léo, ít nhiều ngầm ý chỉ trích nền chính trị tàn bạo của triều đình Mãn Thanh đương thời, phê phán thói hư tật xấu của bọn nho sỹ, thể hiện những tư tưởng dân chủ trong vấn đề hôn nhân và tình yêu. Còn “Quê choa chí dị” của Nguyễn Quang Lập viết về những chuyện kỳ dị ở miền đất quê hương ông ta, chả dính dáng gì đến văn vẻ cũng như cốt truyện của ta hết.


Nghe thầy nói, chú tiểu đồng thành khẩn nhận lỗi ngay:


– Thế mà con cứ nghĩ xấu cho Nguyễn Quang Lập. Để rồi, con sẽ tìm cách báo mộng xin lỗi ông ta. Dạ, thưa thầy, thế ông ta viết có hay không ạ?


Bồ tiên sinh gật đầu:


– Hay lắm và cũng lạ lắm, con ạ! Văn ông ta cứ như lời nói trong miệng chảy ra rót vào mắt vào tai người đọc một cách rất tự nhiên. Mà chuyện ông ta kể cũng rất quái dị nhưng cũng rất đời thường. Chẳng hạn nói con chôông là giống ma l., muốn chôông bò ra cho bắt thì vuốt chim thật thẳng rồi nhét vô hang, dập thật mạnh vào, một lúc chôông sướng củ tỉ, bò ra liền. Ta đã sống tạm trên trần thế 71 năm nhưng chưa bao giờ được nghe chuyện đó. Hay là chuyện từ ngọn cây trâm bầu trước mặt một đống đen thui to bằng cái rổ rơi xuống cái xoạp, tiếng rơi như đống áo quần ướt rơi trên cát khiến hai đứa trẻ sợ toát mồ hôi, lạnh cột sống tưởng có con ma to lắm đang hiện hình. Nhưng khi đi về phía cây trâm bầu, nơi có đống đen thui rơi xuống thì chẳng thấy ma đâu mà chỉ có vệt hằn cái lưng và hai cái cùi chỏ tay…Kỳ 2 có chuyện cũng ghê ghê: anh cu Thái, bí thư chi đoàn đang đuổi bắt kẻ rình trộm mình thì bỗng kêu lên ối á rồi ngã lăn quay ra, ôm hạ bộ quằn quại, nói có đứa bóp dái anh, cấp cứu cấp cứu như bị ma làm. Lại có chuyện này mới thật lý thú: Chuyện đồng chí Mao Trạch Đông ở cố quốc Trung Hoa vĩ đại của chúng ta vì hoạt động trong lòng địch nên đã phải lấy rất chi là nhiều vợ để che mắt quân thù khiến ai nấy đều khen người Tàu ta mưu lược. Đại để là thế, con ạ!


– Dạ, thưa thầy, nếu đúng thế thì đọc “Quê choa chí dị” vừa sờ sợ vừa buồn cười chứ không hoàn toàn kinh hãi mất hồn như đọc “Liêu trai chí dị” của thầy với những cuộc ái ân, giao hợp dị kỳ giữa người nam và nữ là hồ ly tinh hoặc quỷ quái nguyên là thú vật như chồn, cáo, sói…, kể cả côn trùng.


– Con hiểu đúng lắm!- Bồ tiên sinh ban lời khen ngợi cho chú tiểu đồng rồi trầm ngâm giây lát- Mà kể cũng lạ! Thời ta sống tạm trên trần cách đây đã ba thế kỷ, khoa học chưa phát triển, con người còn sống mông muội nhiều chuyện ma quỷ đã đành. Lại thêm ở đời bấy giờ nhiều người rất thích nghe chuyện láo, chuyện ma qủy vì chuyện đời thực… chán quá! Chính vì thế, đầu tập “Liêu trai chí dị” của ta, Vương Ngư Dương đã đề bài thơ nổi tiếng mà một danh sĩ nước Annam tên là Tản Đà cũng đã dịch tuyệt hay:


“Nói láo mà chơi nghe láo chơi


Giàn dưa lún phún hạt mưa rơi


Chuyện đời chán hẳn, không thèm nhắc


Thơ thẩn nghe ma đọc mấy lời”


Còn bây giờ trần gian là thế kỷ 21, khoa học kỹ thuật phát triển nhanh như ánh sáng, cuộc sống của loài người đầy văn minh hiện đại mà sao vẫn còn lắm chuyện ma quái và người đời vẫn rất thích nghe các chuyện đó? Chả nhẽ chuyện đời thực ở trên ấy hiện tình cũng …chán quá hay sao?


Nghe thầy hỏi, chú tiểu đồng lễ phép thưa:


– Dạ, thưa thầy, con được thầy hay cho phép lên trần thế chơi, con thấy trên ấy cũng nhiều chuyện nhiễu nhương lắm. Không nói về nước Mỹ siêu cường hay nước Trung Hoa đông dân nhất địa cầu, cố quốc của chúng ta mà chỉ nói riêng cái nước Annam nhỏ bé của nhà văn bọ Lập đã có không biết cơ man nào là chuyện đáng chán. Thầy chẳng cần đi thực tế, cũng chẳng cần đọc báo chí hay nghe đài, xem tivi mà chỉ cần lướt qua mấy mấy cái tiêu đề trên blog “Quê choa” mới đây cũng đủ thấy cái sự đời chán ngán đó, ví dụ như: Không thể hiểu nổi, tàu thì lạ sự hèn hạ thì quen, Nghĩ về sự đồng thuận, ai ăn ai lăn vào bếp, Đặt mồi lửa dưới đống củi nỏ…


Chú bé định thao thao một lô tiêu đề nữa thì Bồ Tiên Sinh ra hiệu ngừng lại:


– Thôi, để hôm nào đẹp trời, con đưa ta lên trên đó thăm thú một lần xem sao. Còn bây giờ, đọc xong hai kỳ “Quê choa chí dị” ta tự nhiên thấy nhớ bút nghiên quá. Ta cũng muốn viết ngay vài dòng bình luận phản hồi cùng Nguyễn Quang Lập lắm nhưng tiếc là ở Cõi Âm chẳng có một chiếc máy vi tính nào. Người trần mới chỉ đua nhau đốt mã tải xuống đây đủ mọi thứ vàng bạc châu báu, nội tệ, ngoại tệ, đầu máy, ti vi, xe máy, nhà lầu, xe hơi thậm chí cả người hầu kẻ hạ mắt phượng mày ngài đẹp hơn cả hoa hậu…Trần sao âm vậy mà sao chưa một ai đốt máy vi tính cho người âm? Chả lẽ bọn hàng mã chưa sản xuất nổi loại hàng này hay sao?


– Dạ thưa thầy, không phải thế ạ. Theo con biết thì trên dương thế hơn 6 tỉ người mới có khoảng 1,6 tỉ người có khả năng tiếp cận Internet trong số đó có một thực tế cay đắng là chưa tới một nửa có thu nhập đủ hấp dẫn các nhà quảng cáo. Ở một số nước, người dân còn bị cấm đoán, chẳng biết mặt mũi cái máy vi tính nó ra sao. Ngay ở nước Annam mà con vừa lên chơi, hầu hết trong số trên tám mươi triệu dân vẫn còn lạ lẫm với Internet lắm!


Bồ Tiên sinh khẽ thở dài:


– Thế thì thầy muốn có một cái máy tính để online cũng khó thay!


Chú tiểu đồng lại gãi đầu ngẫm nghĩ và chưa đầy một phút trên môi chú đã nở nụ cười phấn khởi:


– Dạ, thưa thầy, không khó lắm đâu ạ! Ở cố quốc Trung Hoa chúng ta hiện giờ không cấm Internet. Thầy có thể báo mộng cho ai đó trong số các hậu duệ của thầy đốt mã cho thầy một cái máy tính, thế là có ngay ạ!


Bồ Tiên vui sướng nhìn vẻ mặt rạng ngời của chú tiểu đồng, khen ngợi:


– Con thật thông minh dĩnh ngộ! Ngay đêm nay ta sẽ báo mộng cho một đứa chắt chít của ta đang sống ở cố hương Sơn Đông. Có được máy tính, ta sẽ còm ngay với Nguyễn Quang Lập. Còn bây giờ ta về nhà thôi chứ con!


Dứt lời, tiên sinh đứng dậy ngay và khoan thai cất bước. Chú tiểu đồng vội nâng cái túi của thầy theo sau. Men bia hơi quán Âm Hồ hòa với men văn “Quê choa chí dị” khiến tâm hồn tác giả “Liêu trai chí dị” lâng lâng như bước trên những con sóng êm ả. Bồ Tiên sinh cất tiếng ngâm nga:


“Nói láo mà chơi, nghe láo chơi…”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét