Đúng là “vụn”, vì mỗi mẩu truyện, hay ghi chép, tản mạn trong cuốn sách này đều rất ngắn, cũng chính vì thế, số tựa mục trong đó trở nên dày đặc. Tuy “vụn”, nhưng người đọc sẽ không muốn bỏ qua mẩu nào. Cái “ký ức vụn” của Nguyễn Quang Lập – có thể ví như một cuốn nhật ký cá nhân, viết về quá khứ từ hiện tại - sẽ neo lại trong trí nhớ với khá nhiều xúc cảm, vui buồn về một thời, về một con người, một sự việc, một hình ảnh... đôi khi rất cỏn con nhưng khá điển hình, đậm đặc chất bi - hài của cuộc sống thực.
Sách được chia làm năm phần: Những người bạn khó quên, Vui buồn một thuở, Người từng gặp, Thương nhớ mười ba và Bạn văn. Trừ Bạn văn (chiếm một nửa số trang sách) với những mẩu chuyện về các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ tên tuổi nhìn từ lăng kính của một “bạn văn – Nguyễn Quang Lập”, bốn phần trên phần lớn là bối cảnh cuộc sống của chính tác giả - khi thì là hiện tại với phố phường và những con người thành thị, khi là mảnh đất gốc gác miền Trung quê anh cách đây đã vài chục năm. Những con người thật, sự việc thật được kể lại như những giai thoại thú vị, độc đáo. Qua những câu chuyện tưởng như đùa, như để cười chơi hoặc giản dị kể chỉ để mà kể, lại thấm thía những nỗi đau, xót xa tình đời. Người ta sẽ không quên một thằng Dư có hai đầu gối lệt bệt cõng đứa em đã chết, hai con mắt một bên dầm dề nước mắt, một bên dầm dề máu (Thằng hai đầu gối). Hay thằng Hoàn sứt môi có tài thổi sáo, thích gọi rắn ra vì “nhớ mẹ”, vì người ta gọi mẹ nó là “con rắn độc”, để rồi chết vì rắn cắn (Thằng sứt môi). Những nhân vật như anh cu Cá, anh cu Đô, cô giáo Thi… mỗi người là một mảnh ghép trong quá khứ, kỷ niệm của tác giả với những câu chuyện làng chuyện xóm, chuyện đối nhân xử thế, đọc thì tủm tỉm cười, hinh hích cười, mà cảm động. Một góc riêng được tác giả nâng niu dành những tình cảm âu yếm nhớ nhung mà bùi ngùi, trăn trở là những gì thuộc về “hồn quê”, là bản sắc riêng của Quảng Bình và những vùng lân cận. Hồn quê không chỉ đẹp trong ký ức (Hồn quê đâu rồi, Tết miền thơ ấu), nó còn ẩn lặn trong tâm tính con người để dù có sống ở đâu, có thành đạt đến đâu, người con của quê vẫn không thay đổi, thẳng thắn, ngang bướng và cố chấp với “chất quê” của mình, cũng là bảo vệ mình trước những thói đời đen bạc (Thằng Tụy, Thằng cu Hó…).
Phần Bạn văn, tác giả viết về khá nhiều tên tuổi nổi tiếng, mà những “giai thoại” về họ cũng hấp dẫn không kém tài năng của họ. Từ Nhớ Trần Dần, Nhớ anh Hải Bằng, Nhớ Bùi Giáng, Nhớ Nguyễn Khải, đến Chuyện nhỏ hai người bạn, Cái miệng hình số tám, Chuyện ghi trên tàu, rồi Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Đăng Khoa, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Trọng Tạo, Hồng Ánh, Thanh Sơn... người là bạn, người là bậc đàn anh, người chỉ quen – biết... chân dung của mỗi bạn văn mà tác giả nhắc đến đều có những dấu ấn riêng, tài – tật, xấu – tốt, hay – dở, những chuyện thật tưởng như bịa, bịa tưởng như thật… với giọng văn vừa lém lỉnh, vừa dạn dĩ, vừa hài hước, tếu táo, thậm chí hơi “láo”, hơi quá đà tưng tửng chen lẫn những khúc trầm đột ngột, lặng lẽ. Qua những mẩu chuyện này, thấy những con - người - nghệ - sĩ được Nguyễn Quang Lập “xoi mói” ở nhiều góc độ, họ có thể gây ngạc nhiên bởi khác hình dung của mọi người, nhưng đó chính là “mặt thật”, “mặt đời” của họ, và cũng cái làm nên sức hấp dẫn của những người nổi tiếng. Phần nhiều bài viết trong Bạn văn đã được đăng trên mục Giai thoại làng văn nghệ của Thanh Niên Tuần San, là một mảng thu hút khá nhiều bạn đọc.
HẠ MINH
(*) Ký ức vụn – Nguyễn Quang Lập, Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành, giá bìa: 45.000 đồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét