Cái tên nhà văn - nhà biên kịch Nguyễn Quang Lập, hay blog "nguyenquanglap52" bắt đầu nổi như cồn khoảng 5 năm trở lại đây. Đặc biệt cuốn sách "Ký ức vụn" ra mắt cách đây hai tháng, tập hợp từ những entry trên blog của ông, được viết với lối khẩu văn, hóm hỉnh, thông minh, đã được bạn đọc và giới văn chương hoan hỉ đón nhận. "Bọ" Lập tâm sự, ông có được như ngày hôm nay, lại bắt đầu từ một... tai nạn.
Thưa nhà văn Nguyễn Quang Lập, 2 tháng kể từ khi "Ký ức vụn" ra đời, tình hình vẫn "êm" chứ?
Hầu như cho đến thời điểm này, tôi không gặp bất cứ một phản ứng nào từ phía những nhân vật tôi nhắc tới trong cuốn sách. Xưa, khi viết blog, ở một vài entry, tôi gặp sự phản ứng của một số nhà văn, nhưng mọi chuyện sau đó được giải quyết ổn thoả, anh em lại vui vẻ với nhau... Tôi không hề có ý định bôi nhọ ai mà chỉ muốn chân dung của họ rõ hơn, thật hơn thôi.
Vì ông chọn cách viết hài hước để khiến những nhân vật, nếu có bị ông "chê", cũng dễ chấp nhận?
Thực ra tôi viết chân dung không phải để khen, cũng chẳng để chê, mà để người ta hình dung ra con người thật, con người đời thường của những nhà văn đó. Tôi không dùng văn của mình để chê bai hay tâng bốc một ai đó. Tôi muốn đưa đến cho công chúng những gì chân thật nhất về con người đó, nhà văn đó, nghệ sỹ đó...
Có những tên nhân vật có tên như nhạc sỹ Tinh Tuý hay chị MYZ, chắc hẳn không phải là tên thật, ông sợ sự phản ứng?
Trong những trường hợp này, nếu họ không hiểu được ý đồ của tôi thì sẽ có có cảm giác bị xúc phạm, nên tôi muốn tránh những phiền hà không cần thiết, và cũng là để tránh cho họ phải đổi mặt với dư luận... Một phần vì văn hoá đọc hiện nay cũng không tốt lắm. Đôi khi vì sự nhầm lẫn giữa chân dung văn học với chân dung ngoài đời mà người ta lại suy ra điều này điều khác, sẽ làm phiền cho các bạn văn của tôi ngoài đời.
Có ý kiến cho rằng, Nguyễn Quang Lập khôn ngoan khi vẽ chân dung bạn văn của mình với cách gọi là "thằng", là một cách "làm sang" cho mình? Ông nghĩ sao khi nhiều người thường cách vẽ chân dung của bạn mình là để vẽ chân dung của bản thân mình?
Ở đây là những bạn văn, chứ không phải bạn đời, những người bạn thân và cũng có thể là không thân. Tôi vẽ lên chân dung của những người làm văn nghệ mà tôi từng quen biết. Thực ra tôi muốn sử dụng lối khẩu văn, lối văn suồng sã, thì cách xưng hô là "thằng" hay "con" sẽ phù hợp hơn. Thiếu gì cách làm sang mà lại chọn cái cách làm sang rất là con nít như thế.
Tôi ghét nhất là việc vẽ lại chân dung của mình, tôn mình lên bằng cách dựng chân dung người khác như nhiều người vẫn làm để bơm thổi mình. Tôi không hề có ý định vẽ tôi khi làm chân dung người khác. Mọi người đọc thì sẽ hiểu rõ.
Đọc "Ký ức vụn", trong nhiều chuyện Nguyễn Quang Lập hay dùng từ "kinh", "thất kinh", nhưng rõ ràng, một số chuyện ở đây, với cách dùng từ của nhà văn, cũng khiến người đọc thấy... kinh!
Ý chị định nói đến những từ "tục"? Tục, nếu dùng đúng chỗ, sẽ được thanh hoá, làm câu văn của mình sáng lên, sinh động lên, gần gũi với cuộc sống; còn nếu dùng không đúng chỗ sẽ dẫn đến thô bỉ, lố bịch. Dùng từ tục như con dao hai lưỡi và bản thân tôi không phải lúc nào cũng dùng thành công. Tôi dùng từ tục khi không có từ thanh nào để thay thế, và khi đó có đánh chết tôi vẫn cứ dùng. Đọc lại, nhiều câu tôi dùng không phải lúc nào cũng đắc địa, nhưng có nhiều câu tôi dùng tốt. Tôi không phải dùng để... văng tục. Nếu muốn dùng tục thì phải biết ghê răng với từ tục, biết nhạy cảm với từ tục thì mới dùng nó chính xác được.
Tự mình trao giải phê bình cho... sách của mình, nhà văn có ý định gì?
Thực ra tôi muốn thăm dò phản ứng của bạn đọc đối với những bài phê bình. Tôi muốn trưng cầu ý kiến bạn đọc và thực ra đó là giải của bạn đọc. Căn cứ vào phiếu bầu của bạn đọc thì tôi trao giải chứ không phải là giải của cá nhân tôi, và đây cũng chỉ là cuộc chơi cho vui, và cũng là để khuyến khích hoạt động phê bình vì hiện nay phê bình sách không được nhiều nhà văn, bạn đọc hưởng ứng.
Nhưng tôi có cảm giác, ở blog "Bọ Lập", ông chỉ post những bài phê bình mang tính chất có lợi cho tác phẩm?
Có lẽ đây là lỗi của tôi khi post được khoảng 6 bài rồi về quê có việc. có những bài có ý chê tôi đọc được ở blog khác, chứ không phải trên báo, sau đó tìm lại để post tiếp nhưng không thấy. Nhưng giờ tôi đã tìm thấy và post lên rồi. Giải thưởng này chỉ dành cho những bài phê bình đã in trên báo. Cũng có ý kiến chê, nhưng không nhiều, chủ yếu là khen.
Nguyễn Quang Lập tỏ ra thẳng thắn khi vẽ nên chân dung người khác, nhưng cảm giác của nhà văn thế nào khi cũng có người... vẽ chân dung của mình?
Cần phải phân biệt rõ: nếu họ mắng mình một cách vô lý, thì mình bực; nhưng khi người ta đưa những tật xấu của mình chỉ để trêu đùa, không ảnh hưởng gì đến nhân cách của mình, làm cho chân dung của mình sinh động hơn thậm chí còn làm cho mình hoàn thiện hơn, thì có gì phải tức.
"Ký ức vụn" của Nguyễn Quang Lập liệu có đúng 100% hay nhà văn còn sử dụng sự hư cấu?
Gần như 100% là thật. Tất nhiên khi sáng tác, tôi sắp đặt lại các chi tiết, đôi khi một chi tiết tôi bẻ ra thành hai ba chi tiết, một khoảng thời gian tôi bẻ thành 2 khoảng thời gian... để làm cho câu chuyện sinh động. Các chi tiết trong câu chuyện thì hoàn toàn có thật. Nếu bịa thì không nên viết dạng hồi ức vì bịa đặt là hoàn toàn kiêng kị đối với thể loại này.
Nhiều người hơi bất ngờ khi vào blog của một nhà văn thuộc thế hệ 5X nhưng cách sử dụng ngôn ngữ lại rất "Xì tin"?
Tính tôi rất vui vẻ, lại hay thích bắt chước, nhại giọng người khác... Học trò của tôi, toàn 8x và 9x cách nói rất trẻ trung, sinh động, đâm ra mình cũng ảnh hưởng... Nên cứ thế mình dùng thôi... Nhiều comment nói tôi - một ông già, mà còn viết "he he", "hi hi"..., thực ra đây không phải là từ "độc quyền" của trẻ con mà bất kể ai dùng đúng lúc cũng thấy vui như thường chứ tôi không định "cưa sừng làm nghé"...
5 lần bị tai nạn của Nguyễn Quang Lập được nhà văn nhìn với thái độ rất lạc quan khi ông cho rằng mình được nhiều hơn sau mỗi lần tai nạn, vậy lần bị tai nạn gần đây nhất đem lại cho ông những gì?
Đó là tôi bắt đầu viết blog và trở nên nổi tiếng hơn. Thời gian trẻ trung, khoẻ mạnh lại ít viết, chủ yếu đi uống rượu và... tán gái. Trong thời gian tôi bị tai nạn ở nhà thì khối lượng công việc tôi làm lớn gấp 5 lần từ khi tôi biết viết cho đến trước khi bị tai nạn, vì ở nhà chả biết làm gì cả, lại được bồi bổ nhiều, tỉnh táo hơn nhiều, ít rượu chè lại hơn... Thời gian đó, buồn, trống vắng, vợ con đi vắng suốt, nhiều khi thấy cô độc nên tôi bắt đầu thích viết blog. Mỗi lần vào blog là thấy lao xao các comment nên tôi tthấy bớt cô độc, các commnet khen ngợi đã kích thích mình làm việc nhiều hơn.
Những câu chuyện trong sách, khiến người đọc, trong một thời gian cụ thể, ở một hoàn cảnh cụ thể, dễ liên tưởng mình có một phần hình ảnh trong đó?
Đúng là như vậy. Văn học bao giờ cũng khơi gợi, cũng là chìa khoá mở cửa ký ức cho nhiều người.
Xin cảm ơn nhà văn!
Lê Huệ thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét