Thứ Hai, 20 tháng 7, 2009

“Ngàn năm tình sử”: Khúc bi ca về Lý Thường Kiệt

Những ai đã từng đọc qua lịch sử, từng biết Thái úy Lý Thường Kiệt là hoạn quan nhưng mấy ai hiểu được nguyên nhân vì sao một người lỗi lạc như ông lại trở thành thái giám. Vở kịch Ngàn năm tình sử (tác giả kịch bản: Nguyễn Quang Lập, đạo diễn: NSƯT Thành Lộc) đã có một cái nhìn về cuộc đời của ông một cách lãng mạn và bi hùng.


 









 Lý Thường Kiệt theo Thái sư Lý Đạo Thành về kinh.

Ngay từ nhỏ, Lý Thường Kiệt đã bộc lộ tài năng xuất chúng. Tính tình Lý Thường Kiệt khí khái, đánh võ múa kiếm không ai bằng. Một mình ông dám tay đôi đánh lại tên gian thương Lý Sâm khi tên này đến làng ông giở thói ức hiếp dân lành.


 


Ông yêu nàng Thuận Khanh, hai người thề non hẹn biển nhưng người cậu đã khuyên ông nên thỏa chí tang bồng của nam nhi, đầu quân về triều đình hơn là cưới vợ. Lý Thường Kiệt theo Thái sư Lý Đạo Thành – người cha đỡ đầu của mình về triều, hẹn người yêu hai năm nữa sẽ trở về cưới.


 









 Lý Thường Kiệt và người yêu "thề non hẹn biển".

Ngày trở về thì Thuận Khanh đã bị tên gian thương Lý Sâm bắt mang về làm cung nữ cho nhà vua. Bao nhiêu uất ức, bao nhiêu nhớ nhung làm Lý Thường Kiệt trở nên u uẩn.


 


Để có cách gặp được nàng Thuận Khanh trong cung, ông chỉ còn cách duy nhất là chịu làm thái giám dưới sự đồng ý của Thái sư Lý Đạo Thành. Cũng bằng cách này, Lý Đạo Thành mới có thể tiến cử ông cho nhà vua nhanh nhất.


 


Một người tài năng xuất chúng, thông thái đĩnh đạc, trái tim yêu thương ngút ngàn như Lý Thường Kiệt phút chốc trở thành thái giám trong cung vua. Ông chôn giấu niềm đau với một niềm tin son sắt… Sau sự kiện cứu vua thoát khỏi bọn thích khách, ông được vua tin tưởng giao cho chức Thái úy.


 









 Lý Thường Kiệt trở thành thái giám trong nội cung.

Ở kề cận bên vua, Lý Thường Kiệt đau đáu một nỗi niềm nhớ thương về người vợ chưa cưới. Hàng đêm, ông ôm cây sáo hướng về hậu cung thổi những điệu da diết mà ông từng thổi cho Thuận Khanh nghe. Và một đêm mòn mỏi trong 24 năm mòn mỏi ngóng đợi, Thuận Khanh đã ứa lệ gọi tên ông. Vừa mới nhìn nhau thì triều đình có biến cố…


 


Khi tên tuổi của Thái úy Lý Thường Kiệt vang danh thì mâu thuẫn giữa ông và Thái sư Lý Đạo Thành càng dữ dội. Với quan niệm trung quân thủ cựu, khi vua mất, con trai vua với nguyên phi Ỷ Lan còn quá nhỏ, Lý Đạo Thành tôn hoàng hậu Thượng Dương lên ngôi nhiếp chính, trong khi Lý Thường Kiệt phò tá nguyên phi Ỷ Lan. Hai thầy trò trở thành đối đầu nhau.


 









 Khi hai quan niệm trung quân khác khác nhau, hai ông quan trụ cột trong triều đình trở thành đối đầu nhau.

Trong ngày triều đình “chia năm xẻ bảy”, quan quân trong triều một lòng ủng hộ Thái úy, xúi giục ông tạo phản giành quyền về tay mình. Nếu ông tạo phản trong tình thế đó, có lẽ cũng không có gì đáng trách, vì ông không chiếm đoạt ngôi cao mà chỉ muốn đưa người xứng đáng vào vai trò nhiếp chính.


 


Nhưng Lý Thường Kiệt không bao giờ có thể phản bội lại vị ân sư của mình, càng không để danh tiếng của ông bị người đời chê cười. Ông cam tâm nhận chức quan nhỏ ở vùng xa xôi theo sự điều động của Thái sư Lý Đạo Thành.


 


Và rồi triều đình vẫn rối loạn trong tay Thái hậu Thượng Dương, người dân nơi nơi thỉnh cầu Lý Thường Kiệt trở về dẹp loạn. Sự kiện Thái hậu Thượng Dương bị tên gian thương Lý Sâm lợi dụng tạo phản rước ngoại bang càng chứng tỏ quan niệm chọn người lên ngôi cao của Lý Thường Kiệt hợp với lẽ phải.


 


Người vợ chưa cưới của ông vẫn cứ quanh quẩn khi hậu cung có biến. Bà tin ông sẽ trở lại tìm bà. Và đúng như thế, sau nửa đời người chia cách, họ gặp lại nhau, tay trong tay, mắt ngấn lệ nhìn người bên kia đầu đã bạc. Khi biết ông trở thành thái giám vì mình, người đàn bà của ông đã sốc đến nỗi đi tu.


 









 Hai người yêu nhau gặp lại khi tóc đã bạc trắng. 

Họ lại gặp nhau khi đất nước tạm yên, mắt nhìn nhau mà muôn trùng cách biệt trong lớp áo nâu sồng. Chỉ còn lại chút nhớ nhớ, chút yêu yêu… để rồi hai người hai ngả nhưng tâm hồn họ đã hòa quyện vào nhau…


 


Trong Ngàn năm tình sử, khán giả sẽ có dịp gặp lại một NSƯT Thành Lộc thiên biến trong vai Thái úy Lý Thường Kiệt, Hữu Châu uy nghi trong vai Thái sư Lý Đạo Thành, Thanh Thủy kiêu sa trong nàng Thuận Khanh, Lê Khánh nền nã trong vai nguyên phi Ỷ Lan, Hoàng Trinh sang trọng trong vai hoàng hậu Thượng Dương cùng với NSƯT Mỹ Duyên, Tuấn Khôi, Đình Toàn, Đại Nghĩa… Hầu như tất cả dàn diễn viên hùng hậu của sân khấu Idecaf đều có mặt trong vở này.


 


Sau Bí mật Lệ Chi viên, Ngàn năm tình sử là vở kịch lịch sử tâm huyết tiếp theo của sân khấu Idecaf. Với sự dàn dựng công phu, chu đáo, Ngàn năm tình sử được đánh giá là vở đáng xem. Nói như một vị khách mời lớn tuổi sau khi xem buổi diễn chiêu đãi thì: “Nếu sân khấu nào cũng làm được như vở Ngàn năm tình sử thì lo gì không có khán giả”.


 


Ngàn năm tình sử sẽ được công diễn từ 20h thứ Bảy ngày 15/8 tại Nhà hát Bến Thành (6 Mạc Đĩnh Chi, quận 1, TP.HCM). Vở sẽ được biểu diễn liên tục 20 suất vào lúc 20h từ thứ Ba đến Chủ nhật hàng tuần.


 


Thanh Phúc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét