Thứ Tư, 29 tháng 7, 2009

Cách giải thiêng đáng sợ nhất là thổi phồng nhân vật lịch sử

- “Giải thiêng” hay không là cách dùng các chi tiết đời thường chứ không phải trốn tránh nó mới tránh được “giải thiêng”. Cách “giải thiêng” đáng sợ nhất là thổi phồng các nhân vật lịch sử, bất chấp sự thật lịch sử và nhân văn" - Nhà văn Nguyễn Quang Lập, tác giả kịch bản vở kịch "Ngàn năm tình sử" chia sẻ



Tôi tin tưởng khi giao kịch bản này cho Thành Lộc

 












Mô tả ảnh.



Nhà văn Nguyễn Quang Lập




 

Kịch bản này tôi làm theo đơn đặt hàng của nhà hát kịch IDECAF, người ta đã đầu tư cho tôi một khoản tiền để tôi viết. Trước đó tôi cũng đã được Hội Nghệ sĩ sân khấu đầu tư ba triệu đồng gọi là hỗ trợ sáng tác hàng năm cho hội viên. Ngoài ra tôi không biết kinh phí hỗ trợ của nhà nước ở đâu để mà xin.


Lý do nào khiến anh chọn Idecaf và êkíp của Thành Lộc để dựng vở diễn này?


Tôi rất muốn cộng tác với IDECAF từ lâu rồi nhưng chưa có cơ hội, sân khấu phía Nam tôi ưa thích nhất nhà hát kịch này. Đây là một nhà hát năng động, chí thú với nghề. Cả một tập thể say nghề, thật tuyệt vời. Khi xem vở kịch lịch sử Vụ án Lệ Chi viên của IDECAF tôi rất phấn khích và tin tưởng. Tôi gặp Thành Lộc và anh Tuấn giám đốc đề xuất đề cương Ngàn năm tình sử, rất may là được họ hào hứng đón nhận.


Sau khi công diễn vở "Ngàn năm tình sử", mức độ hài lòng của anh so với sự kỳ vọng ban đầu ?


Khi vở  ra mắt tôi không có mặt. Thành Lộc có gọi  điện cho tôi nhưng tôi không vào được vì lý do sức khỏe và quá kẹt việc. Nghe Thành Lộc kể và đặc biệt đọc báo chí tôi thật sự mừng rỡ. Chỉ một điều hơi lo lo là không biết vở nhạc kịch mới có bị vấn đề cổ sử đẩy ra không. Đọc báo dù thấy nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này, nhưng cơ bản lo lắng của tôi đã được giải tỏa.


Những người sáng tạo vở diễn gắn cho nó danh xưng “nhạc kịch”, giữa nội dung và hình thức có thống nhất không hay vẫn có độ vênh nào đó?


Vênh hay không là tùy vào xử lý của đạo diễn chứ không phải vì đó là nhạc kịch. Tôi chưa xem, nhưng tôi tin Thành Lộc, anh ấy có sở trường về nhạc kịch.


Nhiều người cho rằng, việc nhạc sĩ Đức Trí cho những ca khúc mới vào vở diễn làm mất đi không gian lịch sử của nó, bản thân anh nghĩ sao?


Không nên nghĩ hễ một vở cổ sử thì nói năng, đi lại, hát hò cũng phải cổ. Làm gì cũng được hết, miễn nó toát lên được thần và khí câu chuyện lịch sử mà anh muốn đưa đến cho mọi người là được. Việc đưa ca khúc mới vào đã gây xôn xao và không ít băn khoăn cho công chúng. Có lẽ đây là do thói quen thôi. Làm cho công chúng quen dần với cái mới đó là nhiệm vụ tất yếu của nghệ sĩ. Theo đó Thành Lộc đã hành động đúng, còn hiệu quả ra sao thì phải xem mới nói được.


Cách giải thiêng đáng sợ nhất là thổi phồng nhân vật lịch sử













Mô tả ảnh.
Bi kịch tình yêu của con người Lý Thường Kiệt được khai thác trong "Ngàn năm tình sử"

 

Lý do nào khiến cho anh chọn cách giải mã một nhân vật lịch sử lớn như Lý Thường Kiệt theo cách như vậy?


Rất nhiều lần tôi đã nói dưới gầm trời này không ai sinh ra đã là  thánh cả, bởi vì trước khi hóa thánh tất cả đều là người. Tôi trung thành với điều này. Tôi và Thành Lộc nhất quán nhau về quan điểm không “đúc tượng” cho thánh nhân. Dựng chân dung người với vẻ đẹp rất người của họ là cách hay nhất, hiệu quả nhất để thánh nhân tỏa sáng. Cố tình gọt giũa, che đậy, tô trát xanh đỏ tím vàng cho thánh nhân chẳng những không làm đẹp thêm mà còn làm hỏng chân dung của họ.


Trước nay, ở Việt Nam người ta thường ngại khai thác chuyện đời tư của những nhân vật lịch sử vì sợ sẽ “giải thiêng” họ. Với nhân vật Lý Thường Kiệt trong kịch bản của anh, có hay không sự tầm thường hóa khi khai thác bi kịch cá nhân như thế?


Tôi kiến giải chuyện hoạn quan của Lý Thường Kiệt rất nghiêm túc và sáng sủa, vì tình yêu mà ông dẫn đến bi kịch trên, có thể nói ông đã hy sinh bản thân mình vì tình yêu. Khi đó chân dung Lý Thường Kiệt thật tuyệt vời. Cho nên “giải thiêng” hay không là cách dùng các chi tiết đời thường chứ không phải trốn tránh nó mới tránh được “giải thiêng”. Cách “giải thiêng” đáng sợ nhất là thổi phồng các nhân vật lịch sử, bất chấp sự thật lịch sử và nhân văn.


Ngoài tư liệu lịch sử ghi lại chuyện Lý Thường Kiệt từng là thái giám, anh có căn cứ vào nguồn tư liệu nào khác không khi viết kịch bản này?


Rất nhiều tài liệu nói về vấn đề này, họ có nhiều cách kiến giải khác nhau. Chủ yếu tôi căn cứ vào cuốn Lý Thường Kiệt của giáo sư khả kính Hoàng Xuân Hãn.


Cách khai thác và giải quyết nhân vật như vậy, có giống với phim dã sử Trung Quốc không?


Tôi cũng không biết có giống hay không nữa. Nhưng giống hay không đâu có quan trọng, quan trọng là hiệu quả nghệ thuật và giá trị nhân văn của nó. Ở ta cũng vui lắm, hễ ai làm được cái gì mơi mới là lập tức có người nói cái này đã có ở Tàu, cái kia đã có ở Tây.



Thông điệp anh muốn gửi tới khán giả thông qua vở diễn này và anh mong đợi gì từ những khán giả (nhất là những khán giả trẻ) khi xem vở kịch lịch sử của anh?

Tôi chỉ muốn nói thế này thôi: Dù anh làm gì, nếu biết đội xã tắc lên đầu thì nhân dân sẽ  quý trọng anh, lịch sử sẽ ghi nhận. Ngược lại thì sẽ bị nhân dân và lịch sử lên án. Đối với tuổi trẻ tôi muốn giới thiệu một tấm gương cao cả của tình yêu, và nói với các bạn trẻ rằng bất kỳ việc gì trên đời nếu bạn biết mất thì bạn sẽ được. Chính vì thế tôi tin lớp trẻ sẽ thích vở diễn này.   


  • Tuấn Hải (thực hiện)



 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét