(Tạp văn chọn lọc của Nguyễn Quang Lập. NXB Hội Nhà văn - TT Đông Tây.2009)
Nguyễn Quang Lập lâu nay “quậy” như cồn ở mảng kịch bản điện ảnh, sân khấu, phim truyền hình. Văn xuôi, thứ đã mang lại “tên tuổi” cho anh, lại rất hiếm hoi. Thốt nhiên lại thấy dân mạng phát rồ vì những entry trên blog của anh, bảo thú vị lắm. Vẫn biết Nguyễn Quang Lập viết khoái củ tỷ rồi, nhưng những người điềm đạm vẫn bảo nhau “văn chương mạng đáng ngờ, phải ra thành sách mới thì mới có hiệu quả thực sự”. Ký ức vụn chọn lọc trên “đống” entry ấy, tất nhiên phải loại bỏ những động chạm “hồn nhiên quá”.
“Ký ức” thì có chỗ nhớ chỗ quên, và nhớ quên thì rất chi vô trách nhiệm. “Vụn” nữa thì càng “vô tư đi”. Nhưng đọc kỹ, thấy những gì Lập nhớ, kể lại lại cho hình dung ra một cái gì đó khá hoàn chỉnh.
Nguyễn Quang Lập chia sách thành 5 phần, “ký ức” chạy gần gần với dòng thời gian. “Những người bạn ở quê” rặt kẻ khó hồi nhỏ, trong đó “Ký ức năm hào” đọc muốn khóc. “Buồn vui một thuở” là lúc lớn hơn một chút, bắt đầu có bóng dáng sex, “chủ thể” sẽ xuất hiện thường xuyên hơn trong văn xuôi anh sau này. “Thương nhớ vỉa hè” tiếc cái chỗ “để danh sĩ nước Nam ẩn nấp” ở Thủ đô rất hay, nhưng rõ là không nhiều cái “rưng rưng” Lập đổ ra bằng khi nhớ quê. Bốn phần đầu thật tinh chất, thứ tinh chất của chú bé Quảng Bình xa quê, trong veo, tinh quái, dị bọ.
Phần cuối, “Bạn văn” làm người đọc chú ý nhiều nhất, vì có những tên tuổi gặp hàng ngày. Viết về họ rất khó, dù là “ca ngợi” hay dựng kiểu hài hước. Tưng tưng, nhơn nhơn, tràn ngập khẩu ngữ, tiếng quê, lúc thành thật ứa nứơc mắt, lúc điêu không thể tưởng, thanh đấy mà tục ngay, Lập biến chuyện lớn thành nhỏ (về Nguyễn Khải), nhỏ thành lớn (Nhà văn thèm con trai), “hô biến” những ranh giới nguy hiểm. Đang tý tởn bịa (?) chuyện, anh “đá mé” hoặc chốt hạ những câu kinh người: “Mình hỏi bác sản xuất được tổng cộng mấy trăm cái đề cương rồi. Anh cười khì khì, nói tao đi sai đường, đáng lẽ phải bỏ văn làm quan từ lâu rồi mới phải. Bạn tao làm quan, chúng nó chuyên sản xuất để cương thôi nhé, thế mà thằng nào thằng nào thằng nấy phất kinh hồn” (trang 271). Nhiều đoạn, nhiều chân dung làm ta hình dung làm “thuyết thoại nhân” trên blog quá dễ, như chú quỷ con vừa hồn nhiên dễ thương vừa quá là nhả. Đủ bản lĩnh chơi như thế không phải dễ, cho nên Ký ức vụn không đơn thuần là ký ức mà còn là câu phê bình, luận giải. Nó cũng làm người đời lưu ý đến văn mạng hơn.
Hoàng Định
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét