- Sau buổi diễn phúc khảo, IDECAF đã diễn ra mắt vở nhạc kịch Ngàn năm tình sử dành cho báo giới. Lạc quan là cảm nhận ban đầu, nhưng không phải là không có băn khoăn.
Kịch bản lạ
Dù là điện ảnh hay kịch nghệ, muốn có tác phẩm hay, trước hết phải có kịch bản tốt. Điều này luôn đúng và trong trường hợp Ngàn năm tình sử, có thể nói IDECAF đã may mắn khi mua được kịch bản tốt. Tốt từ phía chuyên môn và từ chính cách tiếp cận vấn đề của tác giả.
Cần nhắc lại rằng, về chuyên môn, kịch bản Ngàn năm tình sử được nhà văn Nguyễn Quang Lập viết nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, và đoạt giải B (không có giải A) của Hội Nghệ sĩ sân khấu năm 2008.
Một miếng xử lý lạ của đạo diễn kiêm diễn viên Thành Lộc trong vở. Ảnh: V.T |
Mặt khác, lâu nay phần lớn các tác giả khi viết về đề tài lịch sử thường bám sát vào chính sử. Cách làm này đảm bảo tính chân thực của vở diễn, nhưng thường lại dẫn đến sự đơn điệu, nếu không muốn nói là nhàm chán khi người xem "biết trước" diễn biến lẫn kết cục của câu chuyện. Hay nói cách khác, khán giả được xem chính sử bằng kịch.
Hơn thế, khi khai thác các nhân vật lịch sử, vì dựa vào chính sử mà khoảng trống đời tư của các nhân vật ít được đề cập. Hoặc giả nếu có thì cũng theo hướng "không đụng chạm" đến thần tượng.
Tác giả kịch bản - nhà văn Nguyễn Quang Lập, đã phá cách khi tiếp cận nhân vật chính của câu chuyện là Thái úy Lý Thường Kiệt theo cách hoàn toàn khác. Ông không "đóng đinh" nhân vật của mình theo cách thông thường, mà chọn lát cắt từ một chi tiết rất nhỏ: Lý Thường Kiệt là hoạn quan.
Sử sách chỉ ghi ngắn gọn như thế, nhưng Nguyễn Quang Lập đã thi triển đường dây kịch bản chính từ chi tiết nhỏ này để tái tạo cuộc đời lớn lao của danh tướng Lý Thường Kiệt thông qua bi kịch tình yêu của chính ông.
Bi kịch tình yêu từ một lát cắt cuộc đời Lý Thường Kiệt |
Từ thời thanh niên, Lý Thường Kiệt (NSƯT Thành Lộc đóng) đem lòng yêu cô gái cùng quê là Thuận Khanh (Thanh Thủy). Hai người thề sống chết có nhau, nhưng khi Lý Thường Kiệt đầu quân cho triều đình thì cũng là lúc Thuận Khanh bị tiến cung làm cung nữ. Mong tìm cơ hội gặp lại Thuận Khanh, Lý Thường Kiệt chấp nhận trở thành hoạn quan để được vào cung cấm. Tại đây, 24 năm, đêm đêm ông ngồi thổi sáo ngoài hậu cung với hy vọng người yêu sẽ nhận ra mình.
Ngàn năm tình sử sẽ được công diễn từ ngày 15/8 tại Nhà hát Bến Thành, TP.HCM với 20 suất liên tục vào lúc 20 giờ từ thứ Ba đến Chủ Nhật hàng tuần. Dự kiến, Ngàn năm tình sử sẽ tham gia Hội diễn sân khấu kịch toàn quốc vào cuối năm nay và tham dự vào các hoạt động văn hóa nghệ thuật trong dịp đại lễ mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội vào năm 2010. |
Vậy mà khi nhà vua băng hà, hai người đoàn tụ thì cũng là lúc họ bất lực trước tình yêu. Trong khi xã tắc lâm nguy sau khi vua băng hà, Thái sư Lý Đạo Thành (Hữu Châu) ủng hộ hoàng hậu Thượng Dương (Hoàng Trinh), còn Lý Thường Kiệt phò Ỷ Lan (Lê Khánh), nên cuộc đối đầu tranh giành quyền lực giữa các phe phái diễn ra khốc liệt. Với tấm lòng kiên trung và sáng suốt, đặt lợi ích của xã tắc lên trên tất cả, Lý Thường Kiệt đã chèo lái góp phần lớn vào việc ổn định giang sơn, gấm vóc.
Đây là kịch bản tốt, có chiều sâu, cách khai thác mới nên cho chúng ta cái nhìn hoàn toàn khác chân dung một vị tướng đã đi vào lịch sử.
Dàn dựng quy mô, nhưng...
Từ kịch bản kịch nói, đạo diễn Thành Lộc đã chuyển thể Ngàn năm tình sử thành vở nhạc kịch với phần âm nhạc của nhạc sĩ Đức Trí. Điều này có lý do của nó: Thứ nhất, đây vốn là phong cách và là thế mạnh của sân khấu kịch IDECAF. Và sau nữa, với vở diễn có nội dung trầm và nặng, đậm chất bi thương thì loại hình nhạc kịch với ưu thế đường dây câu chuyện được gắn kết thông qua âm nhạc và vũ đạo sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn, dễ dàng tiếp cận công chúng hơn. Đặc biệt là với khán giả TP.HCM và khu vực phía Nam.
Huy động cả Nhà hát múa rối nụ cười cùng dàn diễn viên cứng thuộc hàng "sao", Ngàn năm tình sử cho thấy tâm huyết của đội ngũ làm nghề. Người xem có thể thấy một Hữu Châu trong vai Lý Đạo Thành uy nghi quắc thước nhưng lại có nhiều trăn trở, đắn đo. Một Hoàng Trinh thể hiện hoàng hậu Thượng Dương độc ác, xảo quyệt nhưng vẫn không thoát khỏi những suy nghĩ nhỏ mọn của đàn bà... Với các màn múa hát tập thể quy mô, cùng diễn xuất khá nhuần nhuyễn của các diễn viên, vở diễn khá lôi cuốn người xem.
Có lúc, vai thứ chính Lý Đạo Thành gây ấn tượng hơn vai chính Lý Thường Kiệt. |
Một kịch bản có chiều sâu như Ngàn năm tình sử với nhiều trạng thái tình cảm trong những quan hệ đa tầng, tuyến: vua - tôi; thầy - trò; cha - con; địch - ta..., đất diễn của nhân vật là mênh mông. Đạo diễn và diễn viên có cơ hội để khai thác, phô diễn tâm lý và hành động nhân vật một cách sâu rộng.
Tuy nhiên, có cảm giác chính những màn múa xen kẽ, những ca khúc mang tính chương hồi được phối và "đặt" có những khi không đúng chỗ và không khớp khiến vở diễn có tiết tấu dài, diễn tiến tâm lý bị ngắt quãng. Có lẽ vì thế mà người xem thấy nhân vật thứ chính Lý Đạo Thành còn gây ấn tượng mạnh hơn vai chính Lý Thường Kiệt.
Loại hình nhạc kịch có thể vừa đẩy chất bi, vừa đẩy chất hùng, nhưng với Ngàn năm tình sử thì khá tiếc khi đậm chất bi mà thiếu chất hùng. Việc mang những bài hát mới vào vở diễn lịch sử ít nhiều sẽ gây nên những tranh luận trái chiều về tính hiệu quả nghệ thuật của nó. Xác định thể tài là một công đoạn. Nhưng thi triển thể tài đó lại là công đoạn khác.
Tựu trung, Ngàn năm tình sử là vở diễn mang tính cách tân cao, khai mở một hướng đi mới cho nền kịch sân khấu Việt Nam vốn dĩ đang phát triển khó khăn trong thời buổi kinh tế thị trường.
Nhật Linh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét