NSƯT Thành Lộc trong vai Lý Thường Kiệt |
PN - Trên cái nền đau thương của một câu chuyện tình, lại biểu hiện được sự bi hùng khốc liệt của một triều đại, của thời cuộc. Trên nền lạc quan của vở, người xem rung động, mến phục nỗi đau bi tráng hơn là sự bi ai.
Tối 16/7, vở lịch sử Ngàn năm tình sử (NNTS) của SK Idecaf đã ra mắt tại Nhà hát Bến Thành. Giới truyền thông đã biết rằng, đây là vở chứa chất nhiều tâm huyết của NSƯT Thành Lộc và hy vọng sẽ là điểm nhấn đặc biệt trong cuộc đời nghệ thuật của anh. Ngay phần mở màn đã hiện lên một không gian thoáng rộng, với những biểu tượng của con dân Lạc Việt đầy khí phách. Câu chuyện mở đầu đưa người xem trở về một thế giới hồn nhiên của đôi trai gái hẹn hò trên cánh đồng. Sự cuốn hút ở đây chưa hẳn từ câu chuyện tình thơ mộng, mà chính là nét diễn nhuần nhuyễn của NSƯT Thành Lộc và Thanh Thủy. Nét diễn đầy xuân sắc của hai NS gạo cội này đã cho người xem thấy được sự bền lâu của tài năng. Âm nhạc của Đức Trí với giai điệu sáo trúc êm đềm, âm vang làn điệu của một kinh kỳ đẫm chất Bắc, nhưng lại bảng lảng ngẫu hứng sâu lắng của mảnh đất tài tử phương Nam, vừa lạ, vừa quen. Lực lượng dân làng trong vở đã đóng vai trò của một dàn đồng ca để tạo một khuynh hướng nhạc kịch tồn tại suốt vở, làm nên sự chuyển động của thời cuộc lẫn số phận của nhân vật.
Vở diễn đi vào một vấn đề rất tinh tế của lịch sử: làm thế nào để khán giả hiểu được những ẩn khuất phía sau dũng tướng Lý Thường Kiệt (LTK). Từ câu chuyện về một đôi trai gái (Thanh Thủy - Thành Lộc) yêu nhau thắm thiết, nhưng người con gái xinh đẹp đó đã lọt vào tầm ngắm của một tên gian thương (Đại Nghĩa). Và chính y đã đẩy nàng vào cung cấm. Chàng trai dẫu có tài hơn người, nhưng cũng vì tình mà tự đẩy mình thành hoạn quan, mong sao được gặp lại người yêu. Câu chuyện như vậy ắt hẳn sẽ rơi vào lâm ly bi ai, nếu vở diễn sa đà vào chuyện tình ái. Cái giỏi của đạo diễn, diễn viên Thành Lộc ở đây chính là: trên cái nền đau thương của một câu chuyện tình lại biểu hiện được sự bi hùng khốc liệt của một triều đại, của thời cuộc. Trên nền lạc quan của vở, người xem rung động, mến phục nỗi đau bi tráng hơn là sự bi ai.
Xung đột được đẩy lên khi Thái sư (Hữu Châu) đã nhất quyết khẳng định LTK là "Người có trí lớn, có tài năng mà ta muốn tiến cử lên làm vua". Ông đã nói với con trai (Đức Thịnh): "Xã tắc có an khang thì cơ nghiệp cha con ta mới thịnh vượng". Đây là một màn rất hay và hào sảng, cả về kịch bản lẫn diễn xuất của diễn viên. Chính vai trò của anh hùng gắn với thời đại mà sự hy sinh của LTK đang đơn thuần chỉ vì tình yêu, được nâng lên thành nghĩa cử cao đẹp. Nhân vật hoạn quan lập tức biến mất. Đó cũng chính là chìa khóa hay và khó nhất mà vở kịch NNTS đã mở được.
NSƯT Thành Lộc (vai Lý Thường Kiệt) và NS Thanh Thủy (vai Thuận Khanh)
Phần hai của vở là thời kỳ LTK vào kinh và trở thành hoạn quan. Vở diễn đã tránh được lối mòn là không rơi vào sự pha trò bằng những thói rởm đời của giới hoạn quan, thay vào đó là bật mở những bi kịch khốc liệt trong triều nội. Tiết tấu kịch khá nhanh, những xung đột cao nhất được tung ra: đó là sự thù hằn ghen tuông của hoàng hậu Thượng Dương (Hoàng Trinh) với Nguyên phi Ỷ Lan (Lê Khánh); thân phận hẩm hiu của những nàng cung nữ, trong đó có Thuận Khanh (Thanh Thủy) - người yêu của LTK; sự nhũng nhiễu của những kẻ lũng đoạn triều đình và nỗi đau của một dũng tướng đã trở thành quan thái giám. Và trên hết chính là sự mù quáng của quan thái sư đối với hoàng hậu Thượng Dương, đã không còn tin dùng LTK. Vở diễn đạt được hiệu quả khi diễn tả góc khuất trong tâm hồn LTK bằng tiếng sáo mà chàng cố gửi theo gió vào cung cấm cho Thuận Khanh. Nỗi buồn và sự tuyệt vọng của Thuận Khanh qua diễn xuất của Thanh Thủy đã thật sự tạo ra những rung cảm.
Bi kịch triều đình được đẩy lên cao trào qua hành động có tính quyết định của hoàng
|
hậu Thượng Dương. Nhưng có lẽ, do chất giọng và những biểu cảm trên gương mặt nên Hoàng Trinh chưa tạo ra được cái uy, sự ngoắt ngoéo của một nhân vật đầy hiểm lực, kể cả cảnh bà bị cùng đường, rơi vào cái chết tàn bạo nhất. Xem Trinh diễn, ta vẫn thấy một Hoàng Trinh của những nàng công chúa trong câu chuyện Ngày xửa, ngày xưa quen thuộc. Vì nhân vật Thượng Dương còn đơn điệu, không khí u ám của triều đình chưa được đẩy lên đúng độ căng cần thiết. Vì thế, khi Hữu Châu đóng rất hay vai ông thái sư già mù quáng, ra sức bảo vệ quyền lợi và sự an nguy của hoàng hậu thì càng thấy rõ độ chênh.
Sự tinh tế trong diễn xuất của Thành Lộc trong vai quan thái úy LTK chính là dù ở thân phận thái giám nhưng vẫn phải toát lên nghĩa khí của một người đàn ông mạnh mẽ. Dáng người bé nhỏ là một lợi thế khi anh diễn giai đoạn thanh xuân của nhân vật, nhưng lại là một hạn chế khi diễn tả sự oai phong, thần thái của một dũng tướng. Ngoài việc tạo dựng hình ảnh dũng tướng thông minh, uy dũng, Thành Lộc còn rất giỏi khi khai thác độ tinh tế ẩn khuất bên trong nhân vật. Chẳng hạn, quan thái úy bị bà Thượng Dương bắt gặp quả tang khi lo lắng cho số phận của Thuận Khanh, hạ một câu giễu cợt: "Tưởng hạ thần không có sắc dục", thì Thành Lộc, bằng một nét diễn vụng dại đã khiến người xem thấy được nỗi chua xót ngậm ngùi, đắng cay của thân phận. Một màn diễn tài hoa của kịch sĩ Thành Lộc.
Lực diễn của Thành Lộc rất mạnh. Nhưng cũng chính những khoảnh khắc ấy thì một Thành Lộc diễn viên lại lấn át một Thành Lộc đạo diễn: màn gặp lại Thuận Khanh sau mấy chục năm; hay khi LTK đã già, quay về gặp lại người thầy của mình, khán giả đang xúc động theo tâm lý nhân vật đúng vào điểm diễn cảm xúc nhất, thì bỗng nhiên các nhân vật già nua ấy lại... cất lời hát những tình khúc đời mới. Điều này đã tạo nên sự chỏi về nhãn quan và cảm xúc. Ai đời nhân vật già lụm khụm tưởng đã hết hơi, bỗng nhiên lại bừng tỉnh hát rổn rảng như thanh niên! Phần sáng tạo này bộc lộ "cá tính" rất chủ quan của đạo diễn. Cảnh không cần thiết là cảnh LTK gặp Thuận Khanh ở chùa, khiến hình ảnh vị tướng LTK yếu đuối quá. Giá mà đạo diễn Thành Lộc biết tiết chế chính vai diễn của mình, thì đây là một vở diễn hay toàn diện.
Việt Nga
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét