Không ít tác phẩm sân khấu từ cải lương, chèo, tuồng đã khắc họa thật tinh tế nhân vật dũng tướng Lý Thường Kiệt, thế nhưng trong vở nhạc kịch Ngàn năm tình sử với bản dựng của NSƯT Thành Lộc thì nhân vật Lý Thường Kiệt được thể hiện bằng nét độc đáo riêng
Không phụ lòng mong đợi của khán giả, vở nhạc kịch khai thác đề tài lịch sử đầu tiên của sân khấu TPHCM mang tên Ngàn năm tình sử đã ra mắt khán giả, trong suất diễn vào tối 17-7, tại Nhà hát Bến Thành – một tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá là dấu son thứ hai về kịch lịch sử, sau Bí mật vườn Lệ Chi của NSƯT Thành Lộc và Sân khấu Kịch IDECAF.
Thi ca hóa nhân vật
Cảnh trí và trang phục vở diễn thật nền nã và nên thơ, nhờ thế những nhân vật trong lịch sử bước ra nhẹ nhàng, giàu cảm xúc. Lãng mạn thay với cảnh làng quê thanh bình, yên ả, chàng trai Ngô Tuấn – Lý Thường Kiệt tựa lưng người yêu Thuận Khanh thổi sáo, mơ ước đến ngày hôn lễ. Rồi cũng cảnh làng quê đó nhưng không gian nhuốm màu chia ly khi nàng Thuận Khanh bị tên gian thương họ Lý sàm tấu với hoàng hậu, đưa vợ sắp cưới của Ngô Tuấn vào cung hầu hạ nhà vua.
Mười ngày phép sau đợt thao binh do Thái sư Lý Đạo Thành thưởng công cho Lý Thường Kiệt đã trở nên u ám. Trở về doanh trại chàng bị trừng phạt, nhưng đòn roi không đau bằng trái tim chàng tan nát vì tình yêu. Để gặp được Thuận Khanh trong nội cung, chàng phải đồng ý làm hoạn quan.
Không ngăn được tình yêu của chàng trai trẻ giỏi việc mưu binh, Lý Đạo Thành chấp thuận để Lý Thường Kiệt tự hoạn, vì ông tin rằng chỉ bằng cách này chàng dũng tướng mới nhanh chóng tiếp cận nhà vua, đồng thời thỏa nguyện ước được gặp Thuận Khanh trong nội cung.
Cuộc trùng phùng sau 24 năm chia lìa đằng đẵng giữa Thuận Khanh (Thanh Thủy) và Lý Thường Kiệt (Thành Lộc). Ảnh: T.Quyên
Vậy mà tiếng sáo với khúc Lương châu du dương, lãng mạn đêm đêm chàng thái giám họ Lý vẫn thổi, mãi đến 24 năm sau khi tóc đã ngả màu thời gian, tiếng sáo ấy mới lọt vào cung cấm. Khi tìm được tông tích người yêu thì triều đình gặp biến, lúc này Lý Thường Kiệt đã được nhà vua tin trọng khi ông ngăn chặn được âm mưu sát hại nhà vua.
Chức thái úy của ông được nhà vua ban tặng sau đó đã giúp triều đình bình ổn việc binh, giữ yên xã tắc. Vua đột ngột qua đời, Lý Đạo Thành muốn đưa hoàng hậu Thượng Dương lên ngôi nhiếp chính, trong khi quần thần muốn Lý Thường Kiệt quay ngựa về triều, phò Nguyên Phi Ỷ Lan buông rèm nhiếp chính.
Hai quan điểm trái ngược khiến tình thầy trò Lý Đạo Thành và Lý Thường Kiệt sứt mẻ. Cảnh Lý Thường Kiệt quỳ dưới mưa rước thầy về lại triều đình, cùng ba quân đánh đuổi quân Tống thật xúc động. Chất thi ca hào hùng trong từng lời thoại không chỉ toát lên vẻ đẹp của những bậc tiền nhân mà còn gửi đến người xem hôm nay lời khuyên răn hữu ích: Sống có trước, có sau, biết dẹp bỏ tình riêng để lo cho đại sự.
Dàn diễn viên thượng thặng
Con đường đi đến thành công bao giờ cũng gian nan, với Ngàn năm tình sử, ê kíp thực hiện đã dốc hết sinh lực, sau những cuộc tranh luận nghiêm túc, để hoàn chỉnh vở diễn từ khâu kịch bản đến tạo hình tượng cho các nhân vật.
Chọn cách lý giải về số phận bi kịch của anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt trước những thành tựu đạt được của ông về binh quyền cũng như những uẩn khúc đời riêng, thành công của NSƯT Thành Lộc là ở chỗ biết biến hóa những trang bản thảo mà nếu tóm tắt nội dung thì không nhiều tình tiết như Bí mật vườn Lệ Chi, trở thành câu chuyện kể nhẹ nhàng đi vào lòng người.
Thành công hơn khi hầu hết các diễn viên xuất hiện đều có vai trò, có trách nhiệm và đều khắc họa được tính cách nhân vật. Ưu thế dàn dựng mang tính thị phạm lâu nay của NSƯT Thành Lộc đã giúp anh đạt được sự chuẩn mực trong dàn dựng tổng thể và không có một diễn viên nào đi lạc đội hình. Họ hòa quyện nhau đến từng chi tiết.
Sẽ khập khiễng nếu so sánh vai Lý Đạo Thành của Hữu Châu không bằng vai Nguyễn Trãi trong Bí mật vườn Lệ Chi, từng được công chúng yêu thích. Bởi, tính cách của Lý Đạo Thành được anh thể hiện đa chiều hơn với những suy tính chiến lược và cả chất sĩ của người hào kiệt.
Thanh Thủy thể hiện vai Thuận Khanh thật chân thành. Nét diễn của chị và Thành Lộc trong những vai đặc tả tình yêu lứa đôi lúc nào cũng đẹp. Mối tình Lý Thường Kiệt và Thuận Khanh trong Ngàn năm tình sử một lần nữa khẳng định đẳng cấp diễn những vai bi kịch trong tình yêu của Thành Lộc, Thanh Thủy lên hàng thượng thặng.
Sự cố gắng của Hoàng Trinh với vai diễn hư cấu trong vở – hoàng hậu Thượng Dương là một điểm son trong hành trang của cô. Lớp diễn hay nhất là lúc Hoàng Trinh chọn cái chết bằng ly rượu độc tự dành cho mình, cho đám cung nhân và cả tên thương gian họ Lý đã hại cuộc đời nhân vật. Đại Nghĩa cũng rất thành công khi thể hiện nhân vật thương gian họ Lý.
Khi âm nhạc lên tiếng Không gian vở Ngàn năm tình sử trở nên lung linh, huyền ảo và da diết; cảm xúc vở diễn quyện vào từng nhịp tim người xem là có phần đóng góp không nhỏ của âm nhạc. Nhạc sĩ Đức Trí đã sáng tác nên những giai điệu lột tả tinh tế cả chất trầm hùng và ai oán. Phần nhạc mô tả sự hống hách, kiêu căng của thương gian họ Lý, kẻ câu kết với Thượng Dương hoàng hậu bán đứng giang san, cũng như đặc tả tâm trạng bi ai, hối hận của người phụ nữ vì tranh quyền, đoạt lợi - hoàng hậu Thượng Dương - để rồi khi âm mưu bại lộ phải hoảng loạn, sợ hãi đều được thể hiện rất ấn tượng. Nhưng kiêu hãnh nhất vẫn là những khúc bi thương mang giai điệu hào hùng, ẩn chứa nỗi niềm của người dũng tướng trước mối tình thật đẹp chính là những bài hát viết cho Lý Thường Kiệt và Thuận Khanh. “Sao đời ta cứ rắc rối, sao người cứ nơi đâu! Sao tìm mãi chẳng thấy. Ôi tình quá mong manh... bơ vơ mãi bơ vơ” (Có một chút gì). Tiết tấu bài hát lúc dồn dập lúc chậm rãi như rót vào tim người xem cảm xúc mãnh liệt của một mối tình đi vào huyền thoại. |
Thanh Hiệp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét