Chủ Nhật, 5 tháng 7, 2009

Bạn văn 25+ Thư Trần Đăng Khoa


Mình về quê, đang ngồi uống cà phê ở vỉa hè thì có cú phôn, nói anh mới về Ba Đồn à? Mình hỏi ai đó, có tiếng cười khẽ rồi nói em là Hoàng Hiếu Nhân đây, mới ở Nga về. Thật bất ngờ.


Lâu nay anh em nhà văn gặp nhau, thỉnh thoảng hỏi nhau không biết thằng Hoàng Hiếu Nhân bây giờ làm gì nhỉ. Người nói nó buôn bán bên Nga trúng lắm, thành soái từ lâu, giàu có cự vạn, có quan tâm gì đến văn nghệ văn gừng nữa đâu. Người nói đâu có, nó đi làm cửu vạn cho các soái chứ soái cái gì, đói rách lầm than đến nỗi không mua được cái vé máy bay về quê.


Toàn nghe nói thôi chứ chẳng ai biết. Lại nghe đồn nó làm đầu gấu, đâm chém nhau tùm lum bên Nga, nghe mà thất kinh. Không ngờ nó về nhà, quê nó ở Quảng Hòa, đi đò qua Ba Đồn tìm mình  hai ba bận nhưng không gặp, nghe nó nói thật xúc động, ngồi yên không biết nói sao.


Bây giờ lớp trẻ hệ 8x, 9x hầu hết chẳng biết Hoàng Hiếu Nhân là ai, làm gì. Gõ google tìm Hoàng Hiếu Nhân toàn thấy ca sĩ Hoàng Hiếu, giám đốc Hoàng Nhân… tuyệt không có tên nó dù chỉ một lần. Thế mà cách đây  gần nửa thế kỉ tên tuổi nó nổi như cồn, không hề kém cạnh tên tuổi Trần Đăng Khoa.


 Những năm 1965-1970 sau khi thần đồng Trần Đăng Khoa xuất hiện, con gà tức nhau tiếng gáy, các địa phương đua nhau giới thiệu các thần đồng. Một loạt các nhà thơ tí hon ra đời, ngoài Trần Đăng Khoa còn có Cẩm Thơ, Hoàng Hiếu Nhân, Chu Hồng Quý, Nguyễn Hồng Kiên, Đoàn Mai Thanh… kẻ thần đồng người thần sắt vụn nhưng nhờ thế mà có một dòng văn học của thiếu nhi ra đời rất xôm trò.


Nổi lên và lưu vào trí nhớ nhiều thế hệ vẫn chỉ có Trần Đăng Khoa và Hoàng Hiếu Nhân. Khoa có hàng trăm bài, được các bác Xuân Diệu, Tố Hữu hậu thuẫn, cứ thế mà đi lên phơi phới. Nhân chỉ có vỏn vẹn 33 bài thơ, in thành tập Đi nữa chú ơi, chạy đi chạy lại động viên giúp đỡ cũng chỉ có mấy nhà thơ Hội văn nghệ Quảng Bình. Cơ khổ bác Xuân Hoàng mất ăn mất ngủ vì ông thần đồng Quảng Bình, cố vực lên cho bằng thần đồng Hải Dương nhưng vực mãi không được.


Nhân không để tâm sáng tác lắm, ép mãi cũng chỉ 33 bài thơ, nó học giỏi toán lý, thi một phát vào Bách Khoa Hà Nội. Mình gặp nó ở Bách Khoa, mời nó vào nhóm thơ Vòm Cửa Xanh của nhà trường, nó cười nhàn nhạt, không nói có chẳng nói không.


Thỉnh thoảng gặp nó khi ở nhà ăn khi ở phòng thí nghiệm, ôm vai hót cổ nói lâu nay có viết được cái gì không, nó vẫn cười nhàn nhạt, không nói có chẳng nói không. Mình nghĩ bụng thằng này coi như xong, vụt sáng chói vụt tắt ngúm, thật tiếc quá.


Từ đó cũng ít chơi bời với nó, mình tốt nghiệp đại học đi bộ đội, năm sau nó tốt nghiệp cũng đi bộ đội, anh em gặp nhau dọc đường xuống Hải Phòng, mình nói giờ vô lính rồi, điều kiện làm văn rất thuận lợi, mày cố mà làm lại  thơ đi, không phí. Nó nhăn răng cười, nói làm chơ làm chơ, vô lính không làm thơ còn làm cái chi.


Nhưng đợi mãi chẳng thấy thơ nó đâu, cũng chẳng biết nó ở đâu, năm 1983 mới gặp nó ở Huế mừng lắm, anh em chui vào quán uống rượu nói nói cười cười hỉ hả. Mình khoe nó mấy bài thơ vừa làm, nó cười cười, nói anh giỏi thiệt, đói vàng mắt còn làm được thơ. Mình đưa cho nó tập thơ thiếu nhi có in chùm ba bài của nó, nó cầm, uể oải lật mấy trang xem qua, rồi vứt sang bên, rời quán cũng quên không cầm theo.


Mình nói mày bỏ thơ thật à, nó cười nhạt, nói làm để làm gì. Xong câu đó nó ngồi yên, rất lâu sau thở hắt ra, nói em cưới vợ rồi. Mình về Phú Lộc thăm nó, vợ chồng mới cưới ở một nơi còn tệ hơn cái chuồng heo nhà nghèo, đến cái giường đơn mậu dịch cũng không có. Mình cưới vợ còn có tấm phản chị Dạ ( Lâm Thị Mỹ Dạ) cho làm cái giường cưới, nó cực hơn nhiều, vợ chồng kê gỗ mục củi khô lên làm giường cưới, thảm ơi là thảm.


 Hồi bé mình đọc văn cụ Nam Cao biết cụ nghèo khổ thương đứt ruột, giờ mới biết cụ còn sướng hơn nhiều một số nhà văn nhà thơ hiện thời, thằng Nhân là một ví dụ. Nói thật chị Dậu, anh Pha còn sướng hơn nó nhiều. Mình nhớ mãi hình ảnh nó mặc quần đùi ngồi xổm, hai đầu gối củ lạc kẹp tai, ngước mặt nhìn lên trời cao, đôi mắt tối mò vô vọng.


Một phần tư thế kỉ gặp lại nó, trông dáng dấp nó khá lên chút đỉnh nhưng đôi mắt chẳng sáng lên được bao nhiêu, vẫn cái cười nhàn nhạt, hỏi vợ con đâu nó gãi đầu thở hắt ra, nói họ bỏ em cả rồi.


Vợ nó bây giờ là hiệu trưởng cấp 3, nó về  chỉ nói nhẹ một câu em gửi đơn ra tòa lâu rồi. Hai đưa con gái của nó ở Hà Nội, học giỏi thuộc loại siêu, cả hai cũng tìm cách lánh mặt nó.


Nó ngồi yên, mặt buồn thăm thẳm, nói vợ con em bỏ em cũng phải thôi. Mười năm em đi Nga không gửi về cho vợ con được một xu, đến cái thư cũng không buồn gửi. Mình nói răng rứa, răng đến cái thư cũng không gửi, nó cười như khóc, nói tại em khổ quá, xấu hổ quá…


Chắc vợ con nó nghĩ đi nước ngoài không giàu cũng khá, trong khi vợ con đói rách lầm than nó không thèm đoái hoài ai không hận, lại nghe đồn nó sống với cô vợ Nga giàu lắm, càng hận.Ai biết nó nhiều khi không kiếm được cái bánh mì đen, chỉ mượn có 5 rúp thôi cũng không ai dám cho nó mượn.


Nó nghiến răng làm cửu vạn cho đám đàn em, học trò, những đứa ngày xứa ngưỡng mộ, tôn sùng nó, gom góp được ít rồi đi buôn, kiếm được món tiền kha khá. Đang hoan hỉ chuẩn bị đem tiền đi gửi về cho vợ thì một bọn đầu gấu cả Việt cả Nga bịt mặt chui vào nhà đánh cho một trận tơi bời, lấy đi hết sạch, không để lại cho nó một xu.


Nó lại bắt đầu từ con số âm, số âm chứ không phải số không, vì số tiền mất đi bao gồm cả tiền vốn bạn bè cho mượn. Lại làm cửu vạn, lại đứng chợ buôn vặt, được chút ít lại thuê xe buôn chuyến, kiếm được kha khá, chuẩn bị gửi về cho vợ con thì lại bị bọn đầu gấu bịt mặt xông vào đánh cho đến ngất, vất ra bãi tuyết. May có cô gái Nga phát hiện, nếu không nó đã chết vùi trong tuyết từ tám hoánh.


Nó chìa cái đầu cho mình xem, có hơn bốn chục vết sẹo nhỏ chằng chịt, thất kinh, rùng mình ớn lạnh . Nó bảo thằng Khoa ( Trần Đăng Khoa) viết về em sai, đầu gấu đánh em chứ đâu phải em làm đầu gấu.


 Bây giờ nó sống với cô gái Nga, được một đứa con trai nhỏ, ở yên thì không đến nỗi nào nhưng động đến việc chuyển nhà về quê thì bế tắc, tiền không có.


Anh em kéo nhau vào quán uống vài chai bia, mình nói bây giờ mày tiếp tục làm ăn hay bắt tay vào viết? Nó ngước lên nhìn mình cười buồn, nói viết cái gì? Mình nói viết tất cả những gì mày đã trải, tao nghĩ số phận mày cũng là số phận của thế hệ tụi mình. Mắt nó chợt sáng lên, nói ừ, đúng rồi, thế thì em viết.


Quá tam ba bận, chẳng biết lần này nó có chịu viết cho không.



Chiều nay bọ nhận được cú phôn của Trần Đăng Khoa, anh rất xúc động về bài viết của bọ về HHN, đồng thời anh email cho bọ cái thư thế này:


Gửi NQL một bài có nói về HHN, in trong CDVDT ( Chân dung và đối thoại), có lẽ nếu cần, ông trích một đoạn nói về bọn trẻ con ngày ấy, không cần đưa cả bài. Nhân có 7 bài thơ thôi, chứ không phải 33 bài. Cả bảy bài đó tôi đều thuộc: Nhưng đặc sắc nhất là 5 bài, tôi rất phục. Tôi cho đám trẻ con tài nhất là thằng này.( Mặt trời, Thằng Ních Xơn, Bọn trẻ xóm em, Quả địa cầu, Đánh Mỹ). Hôm nào thằng Nhân ra, ông nhắn nó đến tôi. Tôi rất muốn gặp nó. Nhân nó bỏ văn chương rất sớm, cứ như người không liên quan đến văn chương. Tôi rất lấy làm lạ. Tất nhiên không phải vì đói đâu. Có khi đói viết lại hay. Những tác giả lớn có ai sướng bao giờ đâu, giàu đến như Lep Tonxtoi cũng chết như một kẻ hành khất. Không ai sướng cả. Văn chương không đồng hành với sự may mắn, cái nay thì ong biết quá sâu sắc rồi. Thân. TĐK


 


NHỚ VỀ MỘT THUỞ


Phóng viên (PV) Tôi nhớ, nếu không nhầm, có một lần, trong quán nước bên đường, giữa đám bạn bè, hầu hết là các phóng viên báo chí, anh có nói đại ý : Trong thâm tâm, anh rất biết ơn Nhà xuất bản Kim Đồng. Nếu không có Nhà xuất bản Kim Đồng, chắc gì đã có thơ anh. Như thế nghĩa là thế nào ?


Trần Đăng Khoa (TĐK) Đó là sự thật. Ông thấy đấy, tôi là cậu bé nhà quê. Bố mẹ tôi cũng ở quê. Làng tôi rất nghèo, lại hẻo lánh. Nhập nhoạng tối, người ta đã lên giường rồi. ấy là một cách tiết kiệm dầu ; vì không lẽ ngồi mò trong bóng tối. Thắp đèn sợ tốn. Nhưng lên giường đâu có ngủ được ngay. Thế là mẹ tôi kể chuyện cổ tích, chuyện cô Kiều, chuyện Thạch Sanh, Lục Vân Tiên. Rồi mẹ tôi đọc cho tôi nghe những câu ca dao về những việc hàng ngày, những cái hàng ngày tôi vẫn gặp :


Cám ơn cái cối, cái chày


Nửa đêm gà gáy có mày, có tao


Cám ơn cái cọc cầu ao


Nửa đêm gà gáy có tao có mày... 


Tôi thấy thương mẹ quá, thương cả cái cối, cái chày nữa. Sau này, khi bà ngoại tôi mất, mẹ tôi xé tấm vải xô lớn ra hàng trăm mảnh nhỏ, đưa cho tôi : "Bà đi rồi. Con có thấy cây cối nó buồn không ? Con ra đeo tang cho chúng nó đi. Nếu không để tang cho chúng, chúng sẽ héo, sẽ lụi chết đấy". Thế là tôi lọ mọ đi đeo tang cho cái cối, cái chày, cái cọc cầu ao, rồi cây na, giàn trầu, cây mía, cây bưởi. Cả khu vườn nhà tôi trắng xoá một màu tang. Trong mắt tôi, những vật vô tri, vô giác ấy đã hoá những con người, có những nỗi vui buồn của con người. Sau này, khi anh chị tôi làm bố, làm mẹ, tôi mới hiểu bà mẹ tôi, khi bà cụ dặn anh chị : "Chúng mày phải dạy trẻ con nó yêu đồ vật, cây cỏ, chim muông. Một đứa trẻ bẻ cây mới trồng, bắn chết con chim đang bay, thì rồi sau này lớn lên nó cũng sẽ ác với con người đấy". Tôi đã thuộc làu truyện Kiều và hàng trăm câu ca dao, tục ngữ do mẹ tôi truyền dạy vào những đêm tối mò như thế. Nhưng tôi đâu dám nghĩ mình sẽ thành nhà thơ. Bởi làm thơ khó lắm. Đó là một việc cao siêu, không thể sàm sỡ được. Thế rồi tình cờ, tôi vớ được cuốn Tấm lòng chúng em, một tập thơ viết về Bác Hồ, do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành năm 1964. Lúc ấy, tôi thích lắm. Thích hơn nữa, dưới tên các tác giả là dòng chú thích 13 tuổi, 15 tuổi. Hoá ra đó là thơ của trẻ con. Tôi nghĩ, các bạn viết được, không khéo mình cũng viết được. Thế là tôi viết. Viết ào ào. Cú hích đầu tiên, đẩy tôi mạnh dạn đến với thơ là cuốn sách của Nhà xuất bản Kim Đồng. Không phải tôi là người đầu tiên cất lên tiếng gáy ò ó o... Trước tôi, các bạn nhỏ đó đã gáy rồi. Tôi gáy theo. Rồi nhiều em bé khác cũng lại gáy theo nữa. Thế là thành một dàn đồng ca tưng bừng, vui vẻ...


PV : Trong số các tác giả nhỏ tuổi thời ấy, dường như bây giờ, chỉ còn có anh đeo đẳng với Thơ. Họ đâu cả rồi ?


TĐK : Cẩm Thơ lấy chồng bên Pháp. Ông bạn tôi, nhà văn Nguyễn Chu Nhạc ở Đài Tiếng nói Việt Nam, vừa đi Pháp về, có gặp Cẩm Thơ. Cứ như lời Nguyễn Chu Nhạc thì Cẩm Thơ nói tiếng Pháp rất chuẩn, nghe còn xịn hơn cả mấy mợ Pháp chính hiệu. Trông nàng đẹp một cách quý phái. Rõ ràng là một mệnh phụ phu nhân. Tết vừa rồi, Cẩm Thơ về Việt Nam ăn Tết. Nửa đêm, nàng gọi điện cho tôi : "Này, tôi mò mãi mới ra số phôn của ông đấy". "Bà đang ở đâu vậy ?". "ở chỗ má. Ngày mai về Bắc Ninh. Mấy hôm nữa ra, ta gặp nhau nhé. Để tôi nhắn Chu Hồng Quý với Trương Nhuận nữa. Nhuận vẫn ở Nhà hát Tuổi trẻ hả ?". "Thế có cần kéo theo phiên dịch không ?". "Khỉ gió cái nhà lão này !" Đấy, Cẩm Thơ đấy ! Nguyễn Hồng Kiên làm nhà sử học. Các nhà sử học họ vốn im lặng, nghiêm túc, chứ đâu có tuếch toác như mình. Còn Hoàng Hiếu Nhân thì tôi chưa từng được chiêm ngưỡng. Trong số các tác giả nhỏ tuổi thời ấy, tôi rất quý Nhân. Nhân viết ít, chỉ vỏn vẹn chừng mươi bài, nhưng bài nào cũng hay, rất có nghề. Sau này, tôi được tin anh học Đại học Bách khoa, ra làm giảng viên khoa Toán, rồi tôi lại được tin anh đi xuất khẩu lao động ở Liên Xô. Hoàng Hiếu Nhân là đội trưởng đội xây dựng ở thành phố Môghiliôp. ở nước Nga, nghề xây dựng rất vất vả, phải làm ở ngoài trời, cả ở trên những độ cao, trong nắng gió và giá tuyết. Vùng Nhân ở lại là vùng bị nhiễm xạ, phải di chuyển. Tôi đã tìm gặp anh Đào Khải Hoàn, trưởng ban quản lý lao động, ở đại sứ quán ta tại Liên Xô, một người rất có trách nhiệm và có tình với anh chị em công nhân ta. Anh Hoàn hứa sẽ tạo mọi điều kiện để giúp Nhân. Tôi thư cho Nhân, nhưng anh không trả lời. Rồi tôi đáp tầu xuống Môghiliôp. Nhân đi vắng. Trước cửa phòng anh cắm phập một con dao chọc tiết lợn. Đấy là "lời" đe doạ của một tay đầu gấu nào đó. Sau này, Nhân lên Maxcơva, nhưng anh cũng không qua tôi, chỉ ghé vào Lôpnhia, một thành phố ngoại ô Maxcơva. Chị Phan Thị Duyên, đội trưởng công nhân dệt, nguyên là biên tập viên Nhà xuất bản Thuận Hoá nhắn lại : "Vừa rồi, Hoàng Hiếu Nhân gặp em. Nhân bảo : "Khoa qua miềng. Không biết hắn định đánh quả chi hề ? Miềng định ghé hắn, nhưng ngại quá. Gặp hắn bây chừ biết nói chuyện chi hề ? Bàn chuyện văn chương, thơ phú thì kỳ cục quá hề !".


PV : Còn những kỷ niệm của anh với các anh chị Nhà xuất bản Kim Đồng, anh có thể "bật mí" được không ?


TĐK : Nhiều. Kỷ niệm thì rất nhiều. Người đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng mà tôi được gặp là anh Định Hải. Rồi sau đó là chị Trần Thị Nhâm, anh Bùi Hồng và chị Trần Tuyết Minh. Các anh chị ấy đều đạp xe về nhà tôi, vượt một chặng đường 70 ki-lô-met. Lúc bấy giờ, đường 5 là đường chiến lược, Mỹ ném bom liên miên suốt ngày đêm. Chiến tranh ác liệt như vậy, nhưng nhà tôi rất đông khách. Ngày nào cũng nườm nượp khách. Có bác đáp tàu từ Lạng Sơn xuống. Có ông cụ đạp xe từ Nghệ An ra. Tôi nhớ có một bác tên là Trương Sầm Tham ở Nghệ An, cái tên nghe như tên một nhà thơ biên tái đời Đường. Bác ở nhà tôi một tuần, khi đi cứ đòi được thanh toán với gia đình bằng mấy cân tem gạo. Gia đình kiên quyết không nhận. Người nhà quê đâu có thiếu gạo. Vả lại, tem gạo, bố mẹ tôi chẳng biết đong ở đâu. Mà bác ấy thì lại cứ muốn phải thanh toán xong mới yên tâm đi. Khổ thế ! Nhùng nhằng mãi, cuối cùng, bác ấy kéo bố con tôi ra vườn để bác ấy dạy cho một bài... Thái cực quyền. Thế là cả hai đều thấy nhẹ nhõm và vui vẻ. Chỉ khổ nỗi là múa võ khó quá. Tôi cứ bò lồm cồm như cua. Còn bố tôi thì khua khoắng nguều ngoào như ông xẩm chợ bị mất gậy. Anh Định Hải ở nhà tôi cũng chừng nửa tháng. Khi đi, anh ấy cũng để tem gạo lại. Bố mẹ tôi không nhận, anh ấy ấn tiền vào tay bé Giang, cô em út của tôi. Không xong. Thế là anh ấy lấy xe đạp, thồ tôi lên thị trấn huyện Nam Sách. Bữa đó trời mưa. Anh vừa gò lưng đạp, vừa phì phò thở như kéo bễ. Lên huyện, anh đưa tôi vào mấy cửa hàng, để xem tôi thích cái gì, anh sẽ mua cho tôi cái đó. Nhưng tôi thì lại chẳng thích cái gì cả. Cuối cùng, anh đưa tôi vào hiệu sách, mua cho tôi ảnh Bác Hồ, ảnh Các Mác, Lênin, Stalin. Cả bức tranh Lênin chia tay với Stalin bên bến đò. Tất cả những bức tranh, ảnh này đều được dệt bằng lụa, nên rất đắt. Mẹ tôi cứ rên rẩm : "Mua nhiều thế này thì anh ấy hết mấy tháng lương rồi. Vợ con anh ấy biết ăn bằng gì. Nhà anh ấy chắc chẳng có khoai sắn...". Sau đó, anh Bùi Hồng về nhà tôi. ấy là khi tập Em kể chuyện này của tôi được in cùng Cẩm Thơ, Nguyễn Hồng Kiên. Bấy giờ, với các tác giả nhỏ tuổi, Nhà xuất bản Kim Đồng không trả nhuận bút bằng tiền. Sợ trả tiền, các em sẽ viết vì tiền, mất đi sự trong sáng. Nhà xuất bản biến tiền thành hiện vật. Anh Bùi Hồng mang về nhà tôi một cái đài Nhật, có cả giấy đăng ký sử dụng máy thu thanh nữa, giấy đề hẳn tên tôi. Sau đài là một dòng chữ khắc màu vàng : "Thân tặng em Trần Đăng Khoa - Nhà xuất bản Kim Đồng". Đó là một sự kiện lớn ở làng tôi, sau đó tin này lan truyền khắp huyện. Bấy giờ ở quê tôi, nhà nào giàu lắm mới có cái loa truyền thanh, chủ yếu để nghe tin tức và nghe báo động : "Đồng bào chú ý ! Đồng bào chú ý ! Hiện nay có một tốp máy bay địch đang bay vào không phận tỉnh ta. Các đơn vị phòng không, dân quân chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu...". Không gia đình nào có đài bán dẫn. Bởi thế, cái đài của Nhà xuất bản Kim Đồng cho tôi, quả là một món quà đặc biệt sang trọng. Chả thế, trong làng, thỉnh thoảng lại có anh đến mượn, để đeo đi... hỏi vợ. Còn khi tập Góc sân và khoảng trời của tôi do chị Trần Thị Nhâm biên tập ra đời, thì chị Trần Tuyết Minh (tên thật của nhà văn Trần Thiên Hương sau này) về nhà tôi. Chị về vào lúc nhập nhoạng tối. Chị xách theo 20 cuốn Góc sân.. và đằng sau xe đạp, chị thồ theo một cái chăn len bằng lông cừu của Mông Cổ. Cái chăn vừa dày, vừa nặng, chằng buộc rất cồng kềnh. Vượt qua một chặng đường 70 cây số bom đạn với đồ lề lỉnh kỉnh như thế, thật cảm động.


PV : Bây giờ, anh có còn làm thơ cho thiếu nhi nữa không ?


TĐK : Tôi không phải là nhà thơ viết cho thiếu nhi. Tôi chỉ viết cho tôi thôi. Ngày xưa thế. Bây giờ cũng thế. Thuở bé, tôi là cậu bé, nỗi vui buồn của tôi là nỗi vui buồn của cậu bé. Bây giờ, tôi là người lính rồi, đâu còn là cậu bé nữa. Có một nhà hiền triết bảo : "Chẳng ai có thể hai lần tắm cùng một dòng sông !". Tài đến như các nhà hiền triết còn chẳng tắm được, huống hồ tôi lại chẳng có phép màu gì. Làm sao có thể bơi ngược về cái dòng sông thơ ấu trong vắt với tấm thân kềnh càng và bộ mặt già nua cũ rích thế này ? Tôi chỉ xin bái vọng về Nhà xuất bản Kim Đồng. Chúc Nhà xuất bản luôn là bạn tâm giao của khách hàng mình, là các đấng con trẻ, mà ngày nay, chúng ta vẫn quen gọi là các ngài thượng đế !



Tháng 10.1997
HOÀNG XUÂN TUYỀN (ghi)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét