(TuanVietNam) - Có điểm chung nào ở vở kịch 400 triệu Ngàn năm tình sử và bộ phim 40 tỷ Thái sư Trần Thủ Độ? Câu trả lời là: Những câu chuyện lịch sử ở đây đã sinh động hơn, "con người" hơn, không còn bị ấn định là những trang giấy cũ, bị đóng cứng trong khung như hiện tượng vẫn tồn tại bấy lâu.
Tác phẩm nghệ thuật không phải là minh hoạ lịch sử
Cùng là những tác phẩm nghệ thuật hướng đến Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, cả vở kịch Ngàn năm tình sử (đã công diễn) và bộ phim Thái sư Trần Thủ Độ (đang chạy đua với tiến độ trên trường quay) đều đã tạo nên dư luận xôn xao những ngày qua
Ngàn năm tinh sử (kịch bản: Nguyễn Quang Lập, đạo diễn: NSƯT Thành Lộc) gây ấn tượng bắt đầu từ con số đầu tư 400 triệu tự huy động dành cho một vở kịch, gấp nhiều lần con số thông thường ở sân khấu ta. Sau nửa năm nghiên cứu, dàn dựng, "anh cả" của sân khấu phía nam là sân khấu IDECAF của "ông bầu" Huỳnh Anh Tuấn - đã cho ra mắt vở kịch và chắn chắn sẽ không làm khán giả thất vọng.
Không phải không còn nhiều điều để bàn luận, mổ xẻ về vở kịch, nhưng một điều đã thấy rõ ở Ngàn năm tình sử, đó là một món ăn "lạ" trong một câu chuyện tưởng như đã quá cũ về danh tướng lịch sử Lý Thường Kiệt.
Cái "lạ" đầu tiên là sân khấu phía nam nói chung và cả sân khấu IDECAF nói riêng vốn quen đem đến khán giả những vở hài kịch, mang yếu tố đương đại, gần gũi với đời thường hơn là những vở chính kịch hay kịch lịch sử.
Và tâm thế "lệ cổ" không chi phối những người quyết định dựng vở kịch này, vì thế họ đã xác định làm một vở kịch lịch sử có thể hút đông đảo khán giả, không đi vào lối mòn, chuyển tải được những giá trị sống từ xưa vẫn còn nhiều ý nghĩa cho ngày nay và cũng phải làm sao để vượt qua được sự "soi xét" gắt gao từ cơ quan xét duyệt...
Nhưng "lạ" hơn, có lẽ chính là hình ảnh Lý Thường Kiệt đã hiện diễn qua vở kịch. Đó không chỉ là một anh hùng lẫy lừng với nhiều chiến công hiển hách, người viết lên bản "tuyên ngôn độc lập" Nam quốc sơn hà hùng tráng mà còn là một "con người" bình dị với bao nỗi niềm mà có lẽ, đến cả ngàn năm sau mới được hậu thế thấu tỏ và sẻ chia...
Lý Thường Kiệt “gội rửa” nợ trần - một trong những cảnh đầy sáng tạo của vở "Ngàn năm tình sử" (Ảnh: VNN)
Ít tài liệu được công bố rộng rãi về nhân vật Lý Thường Kiệt (1019–1105) cho biết ông tự nguyện trở thành một hoạn quan (thái giám) để có thể vào cung cấm, để được thấy người mình yêu và yêu mình (Thuận Khanh, nhà vua) đồng thời cũng để có cơ hội giúp dân, giúp nước nhiều hơn; còn vở kịch Ngàn năm tình sử (được diễn đến hàng ngàn khán giả từ 15/8/2009) đã không ngại ngần đề cập đến điều ấy.
Vở kịch lịch sử nghiêm túc được dàn dựng với phong cách giải trí nhạc kịch, có cả ca khúc đang được gọi là "ăn khách" trong giới trẻ, có sự dồn nén qua nhiều tình tiết để làm bật lên những nội dung sâu sắc về bi kịch trong tình yêu riêng và nỗi niềm chung của danh tướng đẹp trai Lý Thường Kiệt.
Khi đọc kịch bản được giải trong đợt vận động sáng tác về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội của Nguyễn Quang Lập, NSƯT Thành Lộc đã hiểu rằng đây sẽ là một vở kịch hay, xúc động nếu được đưa lên sàn diễn và đã quyết tâm dựng bằng được.
Anh nói: “Chúng ta - những người sống ở thế hệ sau có mấy ai chịu quan tâm đến đời sống tình cảm, niềm vui, nỗi buồn, hay những nỗi niềm chôn giấu trong tâm can của bậc tiền nhân đã hy sinh cho nước non, cho con cháu ngàn đời; và hình như chúng ta đã tước đi cái quyền làm người bình thường với những hỷ nộ ái ố thường tình của những anh hùng khi thần thánh hoá họ”.
Dàn diễn viên hùng hậu của IDECAF đã được huy động cho vở kịch này, trong đó Thành Lộc đảm nhận vai Lý Thường Kiệt từ năm 18 đến năm 45 tuổi, Hữu châu vai Lý Đạo Thành, Thanh Thủy vai Thuận Khanh... Vở diễn được đầu tư kỹ càng vì thì sân khấu đã được dựng lên một cách trang trọng (với nghệ thuật sắp đặt để tạo dựng không khí và chỉ dành số chỗ ngồi nhất định, dễ theo dõi nhất đối với tất cả khán giả, tại Nhà hát Bến Thành).
Và thật bất ngờ, không chỉ có sân khấu IDECAF của TPHCM mà cả Nhà hát Kịch Hà Nội cũng đang dựng vở này để cho ra mắt vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.
Đích đến là sự sẻ chia
Một con người bình thường hay một danh tướng với đời sống phong phú, đa chiều nhiều mặt sẽ đều là những chất liệu quý giá để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật. Vở kịch đêm đến sự chân thực, gần gũi, sinh động đến đâu sẽ chinh phục khán giả tới đó.
Với khán giả hôm nay, khi luồng thông tin đã mở rộng hơn, chắc chắn họ không chấp nhận cách dựng nhân vật kiểu "tạc tượng" hay cách biến một con người với cuộc sống riêng, nỗi niềm riêng, có hay - có dở, có thành - có bại, trở thành "thần thánh" và ra sức đóng khung, che chắn...
Điều này không chỉ có Ngàn năm tinh sử hướng đến mà với "độ mở" của tư duy, rất mừng khi đã bước đầu có những cuốn sách, tác phẩm văn học có hư cấu, những bộ phim không phải là phim tài liệu được phép, cho dù chạm vào những lãnh địa mà đã từng có nơi có lúc được coi là "vùng cấm" (cho dù mức độ "được chấp nhận" đến đâu lại là vấn đề khác...).
Bộ phim lịch sử Thái sư Trần Thủ Độ vừa khởi quay, tuy chưa tốn nhiều thước phim nhưng đã tốn nhiều giấy mực của báo chí thời gian qua là một ví dụ như thế. Sự ồn ào bắt đầu khi Á hậu Dương Trương Thiên Lý, người được chọn đóng vai nữ chính nguyên phi Trần Thị Dung, xin chấm dứt tham gia phim với lý do "kế hoạch làm việc của hai bên không thống nhất".
Thiên Lý với tạo hình cho vai Trần Thị Dung (Ảnh: Dương Quốc Đinh)
Lý do sâu xa cho việc nửa đường đứt gánh sau đó đã được Thiên Lý thổ lộ là vì không chấp nhận những cảnh "nóng", mát mẻ mà cô "phải" đóng trong phim! Cho dù như Thiên Lý nói: "Bằng tất cả khả năng của mình, tôi hy vọng sẽ góp phần làm nên một bộ phim không chỉ để giải trí đơn thuần mà còn là một nghĩa cử của thế hệ trẻ muốn tôn vinh công đức của bậc tiền nhân" thì đến nay cô gái đang học tại Mỹ, tức đang tiếp cận với văn hóa phương Tây này vẫn đành lòng làm nguyên phi... hụt.
"Khi quan điểm về nghệ thuật bất đồng, tôi gần như suy sụp và quyết định chọn giải pháp rút lui. Tôi không muốn hình ảnh một Trần Thị Dung nổi danh trong lịch sử dân tộc được dựng lên sai lệch. Những người làm phim có thể sợ phim nhàm chán khi làm theo lối chính luận nên luôn muốn đưa những cảnh “tươi mát”, gợi cảm vào... Nếu Trần Thủ Độ là một bộ phim truyền hình bình thường, tôi miễn ý kiến, nhưng là phim lịch sử, kể về một nhân vật có thật, được nhân dân tôn kính thì phải thật tôn trọng, vì vậy xin đừng làm lệch lịch sử", Thiên Lý nói.
Cho dù sau đó đoàn làm phim, nhiều diễn viên trong phim đã lên tiếng, đại loại là "những cảnh trong phim không "nóng", thậm chí phim không có cảnh "nóng" như Thiên Lý nhìn nhận và đôi ba lý do khác mới khiến Thiên Lý "hết duyên" với Thái sư Trần Thủ Độ!" thì vấn đề khác đáng để tránh cãi ở đây có lẽ còn là: Phim dựa trên câu chuyện lịch sử thì có quyền hư cấu, mở rộng và sáng tạo đến mức độ nào và thế nào thì được coi là "sai lệch lịch sử"?
Khi viết kịch bản 30 tập phim Thái sư Trần Thủ độ (tên gốc là Trần Thủ Độ và người tình), nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn không có ý định minh họa theo sách giáo khoa hay những tài liệu lịch sử. Đạo diễn trẻ Đào Duy Phúc cũng không muốn dựng một bộ phim khô cứng, mang tính tư liệu với quá nhiều điều đã được số đông biết tới. Đây là tác phẩm nghệ thuật độc lập (có chăng là có sự đầu tư của Nhà nước).
Việc rập khuôn nhân vật theo nguyên mẫu lịch sử chắc chắn không phải và không nên là công việc mà các tác phẩm nghệ thuật nên làm. Ngay cả tác phẩm luôn cần đảm bảo sự thật và mang yếu tố hiện thực khách quan như hồi ký, ghi chép chẳng hạn thì khi khai thác lịch sử hay nhân vật cũng cần lật cả hai mặt trái phái, có góc nhìn diện đa chiều, chứ không phải chỉ có bôi đen hoặc tô hồng.
Riêng với Thái sư Trần Thủ Độ (1194-1264), thực tế con người này trong lịch sử cũng được coi là một nhân vật "đa diện", đó vừa là đại thần mẫu thế ưu thời, tuy không có học vấn nhưng tài hơn người, biết chu toàn việc lớn nhưng cũng là người có lý lịch cuộc đời phong phú, luôn đứng giữa nhiều mối quan hệ giằng xé, với nhiều nỗi niềm riêng.
Việc sử dụng tính hưu cấu, tưởng tượng, trên nguyên tắc đảm bảo tính logic, không bóp méo tính chân thực của lịch sử, cũng là để khắc họa chân dung những nhân vật có nhiều dấu ấn trong lịch sử, dưới góc độ sáng tạo nghệ thuật , trở nên sống động mà thôi.
Ở đây, người nghệ sĩ mong muốn được thoả sức dùng nhiều ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau để đạt được một điều là chia sẻ nhiều nhất với người xem, để cùng người xem suy ngẫm về những giá trị nhân văn qua câu chuyện tình yêu, chuyện đời sống lắm oai hùng nhưng cũng nhiều trái ngang và bi kịch của các anh hùng dân tộc. Như thế thì tại sao lại không được?
Đến sân khấu còn chia ra chính kịch, hài kịch, nhạc kịch... Sách thì chia ra các loại tiểu thuyết, hồi ký, sử ký, giáo khoa... Còn phim cũng được phân chia thành các thể loại như phim tài liệu, tư liệu, phim truyện, thậm chí phim giả tưởng, viễn thưởng... thì không có lý gì phim hay truyện cứ phải nhất nhất tuân theo khuôn mẫu cứng nhắc ở đời!
Bùi Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét