Thứ Hai, 20 tháng 7, 2009

Anh hùng cũng có niềm riêng

images298086_q8b[1]


Sau gần một năm triển khai ý tưởng, năm tháng dàn dựng, một trong những vở diễn được chờ đợi nhất năm 2009 - vở kịch lịch sử Ngàn năm tình sử (tác giả: Nguyễn Quang Lập, đạo diễn: NSƯT Thành Lộc) đã chính thức được trình làng.Tối 17-7, ở suất diễn chiêu đãi đầu tiên, Ngàn năm tình sử đã nhận được những tràng pháo tay vang dội.



Khi lịch sử chỉ là cái cớ


Ngàn năm tình sử được mở đầu và kết thúc bằng một tiếng sáo. Tiếng sáo được nâng lên bởi một dàn đồng ca dẫn chuyện với lời hát: "Anh hùng cũng như bao người, cũng biết yêu thương, cũng biết đau buồn. Và đau hơn thế...". Ðây chính là cái tứ xuyên suốt vở diễn làm nên một câu chuyện khác về một nhân vật đã đi vào lịch sử: danh tướng Lý Thường Kiệt.


Xưa nay Lý Thường Kiệt được biết đến như một vị anh hùng dân tộc kiệt xuất, một nhà quân sự tài ba, một con người hiến dâng cả tâm hồn sức lực cho sự nghiệp bảo vệ độc lập của Tổ quốc ở buổi đầu thời tự chủ. Bài thơ Nam quốc sơn hà đã được đưa vào sách giáo khoa, được bao nhiêu thế hệ người Việt thuộc nằm lòng. Tuy nhiên, có một đặc điểm mà ít người biết: ông là một hoạn quan. Lịch sử cũng chỉ chép ngắn gọn: ông tự hoạn để theo phò vua.


tinhsu3 Nhưng dưới góc nhìn của nhà văn Nguyễn Quang Lập và NSƯT Thành Lộc, mọi chuyện có thể không ngắn gọn và đơn giản như vậy, có thể đó là một bi kịch con người, rằng dường như hậu thế đã tước đi cái quyền làm người bình thường với những hỉ nộ ái ố thường tình của những anh hùng khi thần thánh hóa họ. Nguyễn Quang Lập và Thành Lộc gặp nhau ở điểm này rồi "bạo gan" lý giải lại một câu chuyện nhạy cảm thành một câu chuyện lãng mạn.


Ở đó, Lý Thường Kiệt (NSƯT Thành Lộc) thuở thiếu thời yêu một cô gái xinh đẹp cùng quê tên Thuận Khanh (Thanh Thủy). Hai người thề non hẹn biển nhưng chưa đến được với nhau thì Lý Thường Kiệt phải lên đường đăng lính, hẹn ngày cơ nghiệp tựu thành sẽ về cưới Thuận Khanh. Nhưng rồi biến cố xảy ra, Thuận Khanh bị tiến cung làm cung nữ. Không còn cách nào khác, ông buộc phải trở thành thái giám để được vào cung cấm, đêm đêm ngồi ở hòn giả sơn ngóng về cung Thúy Hoa có nàng Thuận Khanh mà thổi sáo. Nhưng 24 năm sau, họ mới tương phùng và lại đối đầu với một bi kịch khác...


untitledLàm cho câu chuyện lãng mạn này trở nên hợp lý là một điều không dễ. Và làm cho một câu chuyện hợp lý nhưng nhạy cảm được chấp nhận lại càng khó hơn nhiều lần. Xem xong Ngàn năm tình sử, có ý kiến cho rằng hình tượng Lý Thường Kiệt khiến họ bị hẫng. Ông thiếu tính quyết đoán của một vị anh hùng phá Tống bình Chiêm. Trong ông có quá nhiều nỗi thương nhớ, phân vân giữa lúc dầu sôi lửa bỏng, giữa lúc cần "quay ngựa" để bằng yên thiên hạ.


Tuy nhiên, ở một thái độ khác, nhiều khán giả lại thích cái cách mà Lý Thường Kiệt "người" hơn, "đời" hơn như vậy. Ông là một anh hùng - điều ấy ai cũng biết. Nhưng trước khi và trong khi là một anh hùng, ông còn là một con người. Và "con người ta ai cũng có tấc niềm riêng" (lời kịch).


Lý Thường Kiệt hát nhạc... Phương Vy










Ngàn năm tình sử sẽ được công diễn từ 15-8 tại nhà hát Bến Thành, Q.1, TP.HCM. Vở được Idecaf đầu tư đến 400 triệu đồng (cao nhất trong các vở kịch người lớn của sân khấu này).



Vở có sự góp mặt của hầu hết diễn viên chủ lực của Idecaf với diễn xuất khá đồng đều: NSƯT Thành Lộc, Hữu Châu, Thanh Thủy, Hoàng Trinh, Đại Nghĩa, Đình Toàn, Lê Khánh... Được đưa ra sân khấu lớn nhưng mỗi suất chỉ bán 500 vé để đảm bảo không gian ấm cúng của một vở kịch.



Ngàn năm tình sử không phải là một vở nhạc kịch đúng nghĩa. Ở đây âm nhạc đóng vai trò như một trong những chiêu, trò, cùng với ca múa, trang phục cách điệu, hiệu ứng ánh sáng, thiết kế sân khấu...mà đạo diễn sử dụng như những hình thức để làm bật lên nội dung muốn truyền đạt. Âm nhạc trong vở được nhạc sĩ Ðức Trí thực hiện bằng các ca khúc cũ và mới, các đoạn nhạc có lời và không lời được sáng tác cho từng phân đoạn kịch với sự pha trộn của nhạc ngũ cung và nhạc hiện đại.


Không ít người giật mình khi nghe Lý Thường Kiệt hát Nắng có còn xuân mà ca sĩ Quang Linh đã từng biểu diễn hay bài hit Có một chút trong album mới của ca sĩ Phương Vy. Rồi sau đó lại "về" cung Chính Dương nghe Thượng Dương hoàng hậu (Hoàng Trinh) hát quan họ hay một điệu ca trù...


Sự pha trộn âm nhạc này đã gây ra ít nhiều tranh cãi. Có ý kiến cho rằng đưa nhạc hiện đại vào làm phá hỏng không khí tôn nghiêm cần có của kịch lịch sử, làm thấp đi nhân dáng của một vị anh hùng. Ngược lại, Minh Thu - một khán giả trẻ - sau khi xem lại nhận xét: "Không ngờ Có một chút của Phương Vy đưa vào đây lại hợp quá!". Bởi vì "...ta tìm những khoảng trống/ Giữa đất trời mênh mông..." (lời ca khúc) hoàn toàn có thể là tâm trạng của bậc tiền nhân cách đây 1.000 năm, không ai "cấm" cả!


tinhsu5 NSƯT Thành Lộc từng bày tỏ: "Lịch sử chỉ là cái cớ để tôi làm vở này. Tôi không tiếp tục công việc "đúc tượng" một anh hùng mà mọi người đã biết. Nghệ thuật có quyền nói lên những suy tưởng riêng". Còn đối với nhà văn Nguyễn Quang Lập thì việc "nói lại" này không nhằm "lật đổ thần tượng" mà để đi đến một cái nhìn khác. Trong cái nhìn đó có hình ảnh một ông già râu tóc bạc phơ vì nắng gió của chiến tranh, của những đợt sóng thù trong giặc ngoài đang đứng dưới dòng nước như gột rửa những gánh nặng thế sự, những trọng trách của một thái úy Lý Thường Kiệt để trở lại là một Ngô Tuấn bình thường như bao người.


tinhsu4


Và điều mà hội đồng duyệt vở cũng như khán giả tâm đắc là: dù là Lý Thường Kiệt hay Ngô Tuấn, dù có yêu, có đau thì tình yêu lớn nhất trong cuộc đời con người này vẫn là tình yêu dành trọn cho non sông xã tắc. Tinh thần "đội xã tắc lên đầu" ấy đã được nhắc nhớ thật xúc động trong một vở kịch hấp dẫn và đáng xem.


Hoàng Anh


tinhsu9


( Theo Tuổi trẻ online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét