Thứ Ba, 14 tháng 7, 2009

Tôi sống bộc toạc, ruột để ngoài da


  1. 1.           Thắc mắc đầu tiên là cách xưng “bọ” và e-mail bilipmayo@gmail.com của anh nghe khá lạ tai. Anh có thể giải thích?


Quảng Bình nhiều nơi gọi bố bằng bọ- thực ra là biến âm của bố. Nhưng trong cách giao đãi suồng sã người ta vẫn dùng nó như đại từ nhân xưng khi thì ngôi 1 khi thì ngôi 2. Tôi thích xưng bọ cho nó vui thôi, cũng là cho đúng chất bọ. Còn bilipmayo là ghép tên gọi ở nhà của ba đứa con tôi- cu Bi, cu Líp, và bé May Ơ

  1. 2.           Một entry gần nhất trên blog của anh viết rất thâm thúy: “Chuyện xưa người nói xây nhà lầu cho văn nghệ không cần xây hố xí, cũng chỉ vì cái đố kị của mấy anh văn nghệ mà ra. Cái chuyện vui này có từ hơn nửa thế kỉ rồi mà y như chuyện của ngày hôm nay, bảo đảm sang thế kỉ 22 chuyện ấy vẫn còn như mới. Than ôi.”. nghĩa là anh bi quan về chuyện “con gà tức nhau tiếng gáy” trong giới văn nghệ không thể cải thiện được? ngay cả với những văn nghệ sĩ trẻ, những người mới nổi tiếng?


Tôi bi quan thật, cái sự đố kị ở nước ta nó lắm quá, ngày càng nhiều, ít có cơ giảm đi. Đố kị là bệnh tật của văn hóa làng mà, trong mỗi chúng ta đều có một anh nhà quê chính hiệu.

  1. 3.           Anh có chạnh lòng không khi có nhiều người chỉ biết tiếng blogger “Bọ Lập – quê choa” trên mạng hơn là hiểu biết về các tác phẩm văn học đã in của anh?


Hoàn toàn không. Vì sách tôi in đã hai chục năm rồi, nhiều người không biết là phải, nhất là hệ 8x, 9x thì hầu như không biết gì. Hồi tôi viết văn thì họ còn bé, văn tôi lại không được dạy trong nhà trường, thậm chí nhắc đến cũng không. Tuy nhiên tôi vẫn có niềm vui nho nhỏ: Những độc giả đã từng yêu mến văn tôi thì bây giò vẫn yêu mến, ít ai bỏ tôi đi.

  1. 4.           “Bọ Lập mới đây đổ đốn ra viết blog thế là thành blogger nổi tiếng. Mà blog của bọ toàn viết chuyện bậy thôi, bậy nhưng mà hay. Đọc blog bọ xong người ta thỉnh thoảng nhiễm mấy câu thổ ngữ của bọ khi nói chuyện: "Ừ đo, ừ đo..". Thế mới biết bọ kể chuyện duyên thế nào”. Anh nghĩ gì về ý kiến này? Trường hợp viết blog của anh có thể nói nôm na là “bỗng dưng nổi tiếng thêm một lần nữa”?


 Hi hi quả thế thật. Tôi khônghề nghĩ là mình lại nổi tiếng trong thế giới ảo. Tình cờ mà tôi biết blog là cái gì, cũng chỉ vì con gái tôi lập ra ép tôi viết thì tôi viết thôi. Dần dần tôi phát hiện ra lợi thế của blog, nó như phòng thí nghiệm văn  trước khi đem ra nó ra “đại trà”, ấy là lối khẩu văn mà tôi đã từng nói. Tôi viết blog không hề cố gì cả, viết như ngồi chiếu rượu bốc phét với bạn bè vậy thôi, cũng không quan tâm mình có nổi tiếng hay không- có ai ngồi chiếu rượu lại nghĩ nhờ thế mà mình nổi tiếng đâu. Tất cả dường như là sự tình cờ.

  1. 5.           Từ góc độ một người đi trước trong nghề văn, anh chú ý đến ai nhất trong thế hệ viết văn tuổi 20 hiện nay và tác phẩm của người đó, tại sao? Anh có đọc thể loại văn học mạng và có nhận xét gì về những “hiện tượng văn học mạng” thỉnh thoảng lại rộ lên trên mặt báo?”


Thực ra tôi chú ý nhiều hơn thế hệ 7x, ví dụ như Nguyễn Thị Ngọc Tư, Trang Hạ, Đỗ Hoàng Diệu, Ly Hoàng Ly…Còn hỏi tôi hệ 8x quả thật tôi hơi lúng túng. Có lẽ do tuổi tác nên tôi không chú ý đến họ nhiều lắm. Tuy nhiên cũng có thể kể đến Khánh Chi, Nguyễn Hoàng Thế Linh, Hàkin, Nguyễn Quỳnh Trang, Cao Việt Dũng, Đặng Chân Nhân, Dili, Đỗ Trí Vuông…Thật tình chưa một ai thật sự thuyết phục được tôi nhưng cả một thế hệ trẻ trung đó quả thật đã làm rúng động văn học nước nhà vốn dĩ lâu nay giống cái ao tĩnh lặng.

Có thể nói văn học mạng đã góp phần thúc đẩy văn học nước nhà phát triển đa dạng và sinh động. Nó gần như là gương mặt thật của văn học nước nhà.

  1. 6.           Nhà văn Bảo Ninh nói “chỉ ước ao chứ không bao giờ đạt nổi  khả năng  "khẩu văn " của Nguyễn Quang Lập. Viết được như thế thật sướng, nhưng muốn sướng được như vậy phải đổi cả một đời trần ai, nào ai dám đổi”. Anh nghĩ gì trước lời khen này? Và có thật sự là anh đã phải “đổi cả một đời trần ai”


Bạn bè khen nhau như vậy gọi là hết lòng, tôi cảm động nhiều hơn là sướng. Bởi vì đó chỉ là xác  nhận mồ hôi nước mắt của tôi mà thôi. Bảo Ninh nói chỉ ước ao chứ không bao giờ đạt nổi  khả năng " khẩu văn” của tôi thì tôi cũng có thể nói tôi chỉ ao ước mà chưa bao giờ đạt được lối văn như văn của “Nỗi buồn chiến tranh”, văn đó cũng phải đổi một đời trần ai mới có được. Ai cũng vậy thôi, nếu không dám đổi một đời trần ai thì khó nói đến văn tài, văn hay

  1. 7.           Cách đây không lâu, có bài báo đặt vấn đề: “Làm thế nào Việt Nam có Nobel văn chương: Trí tưởng tượng mang đôi cánh ướt”. Tác giả đề cập chuyện: “Văn hóa Việt Nam không khuyến khích thái độ cực đoan, mà luôn hướng đến sự dung hòa, giao thoa và cộng sinh giữa các chiều kích, các thế lực và các giá trị. Vì thế, nhà văn Việt Nam ít có những cảm xúc và suy nghĩ cực đoan làm động lực cho một trí tưởng tượng sáng tạo mãnh liệt, đi đến tận cùng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cá tính sáng tạo của nhà văn thường mờ nhạt”. Anh nghĩ sao về ý kiến này? Và giải Nobel có phải là một “ước vọng ngoài tầm với” của nhà văn VN?


Tôi hiểu ý “ ngôn ngoại” của người có nhận xét trên, còn cái ý cụ thể thì hình như không phải. Nhà văn Việt chẳng kém gì các nhà văn châu Á cả, đấy là nói tiềm năng. Nước Nhật nước Tàu có giải Nobel thì hà cớ gì nước Việt không có. Nhưng bây giờ nói chuyện Nobel đối với văn Việt thì giống chuyện đơm đó ngọn tre. Muốn có giải Nobel trước hết phải có tài tầm cỡ đó, sau đó họ phải chết sống vì văn và không hề hệ lụy bởi những gì ngoài văn cả. Điều thứ nhất thì có thể được nhưng điều thứ hai thì tuồng như là hoang đường.

  1. 8.           Từ thế hệ viết văn của anh trở về trước, anh đánh giá cao và quý mến đức độ, tài năng của nhà văn nào nhất, tại sao?


Nam Cao và Hàn Mạc Tử. Tài và đức của họ đủ cho tôi ngưỡng mộ.

  1. 9.           Người đọc biết nhiều về tài năng và tính cách của anh, nhưng anh có ngại cho họ biết là anh có những điểm yếu nào, từng gặp thất bại nào chưa?


Tôi sống bộc toạc, ruột để ngoài da, tính lại nóng nên không ít người ghét.Tôi khá cực đoan cả trong lối sống cả trong văn chương, vì thế thành cũng khá mà đổ bể cũng nhiều. Ngoài ra kiêu ngạo là bệnh tật của nhà văn, tôi cũng có, thậm chí rất nặng.

  1. 10.       Cuộc sống gia đình của anh ra sao? Anh có tự hào về những gì mình đã làm được cho người thân của mình? Anh có lo về quỹ thời gian và những dự định, trang viết còn dang dở của mình? Những điều anh muốn nói thêm để bạn đọc hiểu hơn về anh?


Tôi có một gia đình bình thường, nhìn lên chẳng bằng ai, ngó xuống còn hơn ối người, thế là được rồi. Mong muốn thì vô cùng, biết nói làm sao. Điều tôi mong cho tôi hiện giờ là sức khỏe, mong sao trời thương cho đủ sức khỏe để viết nốt những gì mình có thể viết được. Nói thật tôi không sợ không đủ tài, tài mình chỉ có chừng đó thôi, cố thêm cũng chẳng được, tạm gọi là đủ, chỉ sợ không đủ sức khỏe. Giá như hồi trẻ tôi biết được điều này thì hay biết bao nhiêu.

Bá Nha thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét