Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

Vụ giàn khoan: Trung Quốc thực hiện kế sách “tằm ăn lá”?

“Nếu kẻ địch kia như bão như lửa thì ta dễ chống đối, nhưng như tằm ăn lá thì ta phải có phương sách đối phó thích hợp”. Câu nói của Trần Hưng Đạo cách đây khoảng 700 năm đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị.
Trao đổi với PV Dân trí, Đại tá Nguyễn Hữu Tài (85 tuổi) - nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 209, đại đoàn 312, nguyên Cục phó Cục Quân huấn Bộ Quốc phòng trong chiến dịch Điện Biên Phủ - bày tỏ nỗi bất bình trước hành động Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 tại vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam. 
             - PV: Là người lính đã từng tham gia các cuộc chiến tranh, đặc biệt là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, ông nói gì về hành động Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương - 981 vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam?
Đại tá Nguyễn Hữu Tài
            - Đại tá Nguyễn Hữu Tài: Mong muốn của Bác Hồ cũng như mong muốn, nguyện vọng của mọi người dân Việt Nam là đất nước được độc lập, tự do. Nhưng “người hàng xóm” Trung Quốc lại có ý đồ muốn Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào họ. Họ có ý đồ xâm chiếm biển Đông, và “vẽ” chủ quyền của họ ở biển Đông theo trí tưởng tượng của chính họ. Cho nên mới có cái “đường lưỡi bò”, “đường chín đoạn”. 
              Việc đưa giàn khoan Hải Dương - 981 vào vùng biển của ta cũng nằm trong một ý đồ lâu dài độc chiếm biển Đông của Trung Quốc. Họ muốn xâm chiếm các tài nguyên trên mặt nước cũng như bên dưới biển Đông, nhất là khu vực thềm lục địa Việt Nam. Hành động này của Trung Quốc đã gây nên một nỗi căm phẫn, chứ không phải bức xúc nữa, đối với tất cả người Việt Nam, nhất là những người đã từng đổ xương máu, đã từng chiến đấu để giành được độc lập như ngày hôm nay.
               Tôi cho rằng Trung Quốc đang làm ngược lại những điều họ nói. Bây giờ “16 chữ vàng” (Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai) và “4 tốt” (Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt) có còn không?
              - Đây không phải là hành động đầu tiên bộc lộ ý đồ xâm chiếm biển Đông của Trung Quốc. Ông đánh giá như thế nào về bước đi lần này của Trung Quốc?
              - Họ gây áp lực với ta nhiều lần từ trước tới nay, như cắt cáp, xua đuổi ngư dân ta khai thác đánh bắt cá… Những hành động đó cho thấy Trung Quốc là một nước lớn nhưng xử sự không “lớn”.
Đấy là cái kiểu lấn dần của Trung Quốc, mà như xưa Trần Hưng Đạo từng nói: “Nếu kẻ địch kia như bão như lửa thì ta dễ chống đối, nhưng như tằm ăn lá thì ta phải có phương sách đối phó thích hợp”. Câu nói của Trần Hưng Đạo cách đây khoảng 700 năm đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị. Ta phải dùng những biện pháp khôn khéo, kiên quyết, đúng đắn, nhận được sự thống nhất, đồng tình ở trong nước và sự ủng hộ của quốc tế.
               Ngay xưa vua Trần chống quân Nguyên Mông thì chỉ có ta với quân Nguyên Mông thôi. Thời đại bây giờ không phải như thế, thế giới phẳng rồi, bên cạnh ta còn nhiều bạn bè quốc tế, các nước anh em ASEAN. Ta phải làm mọi cách để buộc Trung Quốc phải từ bỏ dã tâm lấn chiếm biển Đông.
           - Hành động của Trung Quốc hiện nay có thể khẳng định là xâm lược lãnh thổ Việt Nam. Nhìn từ chiến dịch Điện Biên Phủ, ông thấy việc đối phó ngày nay khó khăn như thế nào?
          - Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, khó khăn về mặt thực tế rất nhiều, bởi chỉ có con người mà phải hành quân - làm đường - kéo pháo - trận địa. Sức người có hạn mà khối lượng lao động thì vô cùng; lại là lao động dưới bom đạn kẻ thù.
            Tuy nhiên, khó khăn mỗi thời một khác. Trước kia ta có thể đồng lòng xung phong, xông vào trận địa, quyết tâm đánh bại kẻ thù. Còn bây giờ là thời bình, Trung Quốc có những hành động khiêu khích ta, nhưng ta không thể dùng vũ lực để đánh đuổi. Trong nước thì phải đoàn kết, thống nhất để cùng một ý chí chống lại những hành động xâm lấn của Trung Quốc, bên ngoài thì phải tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, tạo ra một áp lực về mặt ngoại giao, về mặt chính trị, dư luận để Trung Quốc phải từ bỏ những hành động gây hấn khiêu khích.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Dương (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét