Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Đông Á Thái Bình Dương Daniel Russel có cuộc họp báo chiều nay (8/5) tại Hà Nội, đề cập vụ TQ đưa giàn khoan HD981 vào vùng đặc quyền kinh tế VN ở Biển Đông.
Mở đầu cuộc họp báo, ông cho hay mục tiêu chuyến thăm Hà Nội nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện VN-Hoa Kỳ và tăng cường các cơ chế đối thoại cũng như hợp tác giữa hai nước. Hôm qua, ông đã dành cả ngày tham gia Đối thoại Hoa Kỳ-VN vùng châu Á-TBD. Ông nhấn mạnh tăng cường quan đối tác giữa VN-Hoa Kỳ là một phần trong kế hoạch "can dự rộng hơn" của Hoa Kỳ ở khu vực châu Á.Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Đông Á Thái Bình Dương Daniel Russel |
"Chúng tôi rất quan tâm đến châu Á-TBD vì có gắn trực tiếp với lợi ích kinh tế, an ninh lâu dài của Hoa Kỳ. Đó là lý do tại sao chúng tôi đang làm việc thúc đẩy các mối quan hệ song phương mạnh mẽ hơn, hỗ trợ các thể chế ở khu vực như hội nghị cấp cao ASEAN, APEC. Đây cũng là khu vực chúng tôi chú trọng quan hệ giữa người dân và giao lưu văn hóa" - trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ nhấn mạnh.
Ông cho hay, trong các cuộc gặp với quan chức VN, ông đã giới thiệu chính sách của Hoa Kỳ ở khu vực và cung cấp thông tin thêm về chuyến thăm gần đây của Tổng thống Obama đến Đông Nam Á và Đông Bắc Á.
"Chuyến thăm khẳng định lại sự can dự tiếp diễn và mạnh mẽ của Hoa Kỳ ở khu vực và ở Việt Nam. Vì thế ở Hà Nội, các cuộc thảo luận của tôi tập trung vào Đông Nam Á và châu Á nói chung, làm thế nào để VN và Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác để thúc đẩy hòa bình, ổn định, phát triển và hợp tác kinh tế".
Ông cũng cho hay, "không có gì ngạc nhiên, chúng tôi cũng thảo luận tình hình ở Biển Đông. Phía VN đã tóm tắt cho tôi về tình hình liên quan đến giàn khoan của TQ ở quần đảo Hoàng Sa mà hôm qua cũng đã trình bày với báo chí các bạn. Tôi đã giải thích quan điểm và góc nhìn của Hoa Kỳ về các vấn đề Biển Đông cũng như sự việc cụ thể liên quan đến giàn khoan. Tôi xin nói luôn là người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm qua đã phát ra lời tuyên bố về quan điểm của Hoa Kỳ. Quan điểm của chúng tôi đã được thể hiện khá rõ ràng".
VTV: Xin ông cho biết quan điểm và phản ứng của Bộ Ngoại giao Mỹ về việc TQ đưa giàn khoan HD981 ra đặt tại khu vực biển của VN?Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra tuyên bố chính thức và có thẩm quyền thể hiện quan điểm của chúng tôi. Tôi mời bạn tham khảo tuyên bố đó.
Điểm mà tôi nhấn mạnh trong các cuộc thảo luận với các nhà chức trách VN là Mỹ có quan điểm mạnh mẽ rằng các lời tuyên bố chủ quyền cạnh tranh với nhau về các khu vực tranh chấp, bao gồm cả Hoàng Sa, phải được xử lý một cách hòa bình, bằng ngoại giao và phải tuân thủ theo luật quốc tế.
Và tôi nêu rõ cam kết của Mỹ với các nguyên tắc về tự do hàng hải, không cản trở các hoạt động thương mại hợp pháp, cũng như tầm quan trọng rõ ràng đối với việc các nước tuyên bố chủ quyền cần phải kiềm chế.
Nền kinh tế toàn cầu và nền kinh tế khu vực rất quan trọng, rất mong manh tới mức khó có thể chấp nhận khả năng một cuộc khủng hoảng leo thang thành xung đột. Vì vậy quan điểm của chúng tôi là tất cả các nước trong khu vực cần kiềm chế tránh các hành động đơn phương có thể phá hoại hòa bình và có thể làm tăng căng thẳng.
DPA: Nếu VN sử dụng vũ lực để đối phó với TQ, liệu Mỹ có ủng hộ VN?
Có một truyền thống lâu dài và nổi bật trong ngoại giao là luôn suy nghĩ hai lần trước khi trả lời những câu hỏi "nếu".
Tôi muốn nhắc lại quan điểm mạnh mẽ của Mỹ là các bên trong khu vực cần kiềm chế, tạo dựng lòng tin, tận dụng tất cả các biện pháp ngoại giao và các kênh chính trị để giảm thiểu căng thẳng, quản lý các tranh chấp để cuối cùng là giải quyết các vấn đề lãnh thổ.
Quan điểm lâu dài của Mỹ là nếu các kênh ngoại giao không đem lại kết quả, thì các bên có quyền vận dụng các cơ chế quốc tế hợp pháp. Vì vậy, đối với vấn đề này và vụ việc cụ thể vừa xảy ra, thông điệp đơn giản của tôi là tầm quan trọng của việc kiềm chế, đối thoại và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Thanh Niên: Trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ về vụ giàn khoan 981 có nhận định đây là vùng biển đang tranh chấp, trong khi thực tế TQ đang đặt giàn khoan này sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN được luật pháp quốc tế thừa nhận là thuộc chủ quyền và quyền tài phán của VN. Dường như TQ đã thành công trong việc khiến quốc tế hiểu lầm rằng đang có tranh chấp ở khu vực này?
Hoa Kỳ không đưa ra quan điểm về các lý lẽ tương đối của các quốc gia tranh chấp ở Biển Đông. Công bằng mà nói cả hai bên VN và TQ đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Có sự tranh chấp, nhưng Mỹ không có tư cách nói lập trường của bên nào mạnh hơn. Nhưng Mỹ và cộng đồng quốc tế có quyền kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp này một cách hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Reuters: Ông có cho biết đã hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, vậy phía VN có đặt vấn đề muốn có sự ủng hộ của Mỹ trong vụ việc này không? Mỹ đang có tàu nào gần khu vực này không, và có ý định đưa tàu đến gần khu vực này không?
Các quan chức VN mà tôi trao đổi đều nhận thức rõ quan điểm của Mỹ, thừa nhận và chấp nhận, tôi tin là thế, rằng Mỹ sẽ không đưa ra lập trường về các lý lẽ tương đối của các bên tranh chấp về tuyên bố chủ quyền của mình.
Trong các cuộc gặp của tôi không có bất cứ đề xuất nào từ phía VN về vai trò của quân đội Mỹ. Nếu có, tôi cũng nhấn mạnh lại quan điểm mà người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra là các bên phải giải quyết hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Lao Động: Ông nói các bên ở Biển Đông phải kiềm chế không sử dụng vũ lực, nhất là trong tình hình căng thẳng hiện nay. Nhưng những gì chúng tôi thấy trên màn hình hôm qua tại buổi họp báo của Bộ Ngoại giao VN là các tàu TQ hung hăng đâm vào tàu VN. Vậy ông bình luận gì?
Mỹ rất quan ngại về bất cứ hành vi nguy hiểm nào trên biển, và chúng tôi phản đối bất cứ động thái hăm dọa nào của các tàu, đặc biệt là ở những vùng biển đang tranh chấp.
Đó là lý do chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh thông điệp phải sử dụng các biện pháp hòa bình, các kênh ngoại giao và cả các phương tiện truyền thông, cũng như mỗi bên cần cẩn trọng, kiềm chế.
Ông Daniel Russel dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ thăm Hà Nội gặp các quan chức cấp cao của Chính phủ, dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ tại Đối thoại Hoa Kỳ - Việt Nam vùng châu Á - TBD. Chuyến thăm diễn ra trong hai ngày 7-8/5. Trước khi đến Hà Nội, khi ở thăm Hồng Kông, ông Daniel Russel nói với báo chí rằng Mỹ đang theo dõi các diễn biến ở Biển Đông và thúc giục các bên thận trọng. Liền trong 2 ngày qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã có những phát ngôn chính thức lên án mạnh mẽ hành động của Trung Quốc. Phát ngôn viên Jen Psaki trong cuộc họp báo thường kỳ tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington cho rằng, việc tàu TQ cố tình đâm vào các tàu của VN là một cách hành xử nguy hiểm và mang tính hăm dọa. |
Một số diễn biến chính vụ giàn khoan HD 981 của TQ xâm phạm vùng biển chủ quyền của VN: · 5h22’ ngày 1/5, cơ quan chức năng VN phát hiện giàn khoan nước sâu Hai Yang Shi You 981 (VN thường gọi là HD981) và 3 tàu dịch vụ dầu khí của phía TQ di chuyển từ tây bắc đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN) xuống phía nam. · 16h ngày 2/5, giàn khoan HD981 được thả trôi tại tọa độ 15029’58’’ vĩ bắc - 111012’06’’ kinh đông, phía nam đảo Tri Tôn, sâu vào trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển VN 130 hải lý. TQ hạ đặt giàn khoan này để tiến hành khoan thăm dò thềm lục địa của VN và huy động nhiều tàu bảo vệ đi cùng. · Hiện nay, số lượng tàu của TQ bảo vệ giàn khoan đã tăng lên hơn 60 chiếc. · 7/5: TQ huy động, lúc cao nhất 80 tàu các loại, trong đó có 7 tàu quân sự gồm tàu hộ vệ tên lửa 534 và tàu tuần tiễu tên lửa tấn công nhanh số hiệu 753; cùng 33 tàu hải cảnh, hải giám, ngư chính và các tàu vận tải, tàu cá. Ngoài ra hàng ngày còn có hàng chục tốp máy bay hoạt động trên khu vực. Một nhóm tàu cá vũ trang và tàu quân sự từng vào cách đảo Lý Sơn 50-60 hải lý. · 8h10 ngày 3/5, tại tọa độ 15031’ N-111002’E (cách giàn khoan HD981 khoảng 10 hải lý), tàu hải cảnh 44044 của TQ chủ động đâm thẳng vào mạn phải tàu CSB4033, làm tàu 4033 bị rách mạn phải chiều dài 3m, rộng 1m, làm hư hỏng máy phải và các trang thiết bị khác. · 8h30 ngày 4/5: Tàu hải cảnh 44103 chủ động đâm thẳng vào mạn trái tàu CSB2012; do tàu 2012 đã tăng tốc vòng tránh, nên vết đâm chỉ bị ở chính góc đuôi tàu mạn phải diện tích khoảng 1m2. · Tàu TQ còn chủ động đâm va, phun nước vào hàng chục tàu Kiểm ngư và các tàu thực thi pháp luật khác của Việt Nam. Hậu quả làm hư hỏng các trang thiết bị trên tàu và làm bị thương cho một số thủy thủ Việt Nam. · Lúc 12h ngày 7/5, tàu hải cảnh 3411 tiếp tục đâm vào tàu CSB8003. TQ sử dụng đồng thời máy bay số hiệu 8321 bay trên không phận tàu CSB8003 để uy hiếp các tàu VN. Các tàu TQ được trang bị vũ khí đều mở bạt che súng, pháo để sẵn sàng sử dụng bất cứ lúc nào. · Trong khi các tàu Kiểm ngư của VN (KN 761, 762, 763, 764, 765, 628, 629; 766, 767, 768, 769, 770) tiến hành tuyên truyền, ngăn cản, xua đuổi hành vi vi phạm chủ quyền thì TQ vẫn tiếp tục có nhiều hành động vi phạm, đồng thời tăng cường lực lượng xuống bảo vệ nhằm hạ đặt giàn khoan để khoan thăm dò. · Từ ngày 2-7/5, TQ thường xuyên sử dụng từ 2-3 tàu kèm 1 tàu VN để ngăn cản, đâm húc và phun nước áp lực cao làm hư hại 8 tàu Kiểm ngư VN. |
Linh Thư - Chung Hoàng/VnN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét