Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2014

Nghĩ về 'CÁI SỰ CHÁN' HÀ NỘI !


Hôm nay đi lên cầu Long Biên bắt gặp vài cái "khóa tình yêu", chỉ lạ ở chỗ, những người yêu nhau đó họ chọn chỗ để khóa đúng cái chỗ thẳng đuột vô duyên của cầu.
Mẹ mình là con gái Hà Nội, nhưng được phân công sang dạy học ở Đông Anh, vùng ngoại thành. Tiếng là ngoại thành, đường chim bay cách nhà ở quận Hai Bà Trưng (hồi đó gọi là khu) chỉ 9 cây số. Và như thế là có chú bé cũng theo mẹ tuần hai lần đi qua cầu Long Biên, đi sang Gia Lâm để qua tiếp một con đò nữa, đò Đông Trù để sang bên kia sông Đuống vào sáng sớm thứ Hai; và đi ngược lại vào chiều thứ Bảy.
Từ lúc còn rất nhỏ phải ngồi vào cái ghế mây bố buộc sau xe cho mẹ, đến khi lớn lớn hơn ngồi buông hai chân sang hai bên sau poócbaga, đến bảy năm qua cầu Long Biên, vì thế, mình luôn luôn tự coi đó là "cây cầu "của tôi"". Mình đã quen nhìn đến mức hoa mắt những cái lan can rất mỹ thuật sắt hình số tám, đã quen nhìn lên trên những thanh giằng cầu đầy những đinh tán rivê - hồi đó cây cầu được sơn một màu tối sẫm gần như đen.
Thỉnh thoảng có một chiếc ô tô bị chết máy ở trên cầu, mẹ nhấc xe đạp lên vỉa dành cho người đi bộ, còn chú bé con lúc này đã lớn hơn, bám sau poócbaga và lóc nhóc theo sau. Những cái khe giữa các tấm bê tông làm chú bé sợ rơi dép xuống sông, mà dưới sông kia, là nước sông Hồng mùa lũ đỏ quạch cuồn cuộn chảy. Những cái khe đó thực là một ấn tượng không bao giờ có thể phai mờ, rằng rất có thể chúng ta sẽ tuột tay rơi mất một cái gì đó quý giá mà không bao giờ có thể lấy lại được.
Hà Nội, Cầu Long Biên, thủ đô, khóa tình yêu, Chương Dương, Thăng Long
Cách đây 7, 8 năm cầu Long Biên vẫn còn được sơn, tuy không thường xuyên lắm.
Sáng thứ Hai sớm tinh mơ, màn sương lành lạnh của mùa thu quấn lấy những thanh giằng to tướng trên cầu và bầu trời phía Gia Lâm cứ hồng hồng cùng mặt trời. Chú bé cứ ngó ngó ra bên cạnh lưng của mẹ để nhòm ra phía trước, có rất nhiều tấm lưng mặc áo xanh công nhân, áo xanh bộ đội, và những cái áo sơ mi xanh trứng sáo, cả áo của mẹ cũng màu đó... Bên kia cầu là những người cũng lũ lượt đi từ nhiều vùng quê quanh Hà Nội lên đi làm. Nếu như bây giờ cái nhịp điệu đó là xe máy lũ lượt sáng chiều, thì hồi đó là xe đạp đầu tuần cuối tuần.
Bộ giàn thép của cầu Long Biên đang nhấp nhô duyên dàng, cùng những lan can hình số tám uyển chuyển bỗng được thay thế bằng một đoạn thẳng đuột, vô duyên ở gần phía Gia Lâm. Người lớn kể đó là một đoạn bị đánh bay mất bằng bom Mỹ. Tại sao với cái năng lực phi thường "cong mềm mại" mà không phục hồi lại cái đoạn cầu hai ba trăm mét như nguyên trạng của nó nhỉ? Và nếu đã không phục hồi được nó như nguyên trạng, thì hà cớ gì phải cố giữ nó, một cây cầu tuổi tác, già nua, lại là "dấu tích của chủ nghĩa thực dân"?
Hà Nội, Cầu Long Biên, thủ đô, khóa tình yêu, Chương Dương, Thăng Long
"Cong mềm mại": để ý hàng lan can hình số 8 rất đẹp
Bố mình kể, khi còn là sinh viên kiến trúc đã có những ông thày được đào tạo từ thời Pháp thuộc, say mê giảng về kết cấu cây cầu, một trong những đỉnh cao của sự thiết kế kỹ lưỡng, ở vào cái thời sắt thép hiếm hoi, công nghệ hàn chưa có, người ta thiết kế một cái dàn thép với một cái hình thù không giống ai mà sau này có thể coi đó là kiệt tác về nghệ thuật. Đó cũng là sự cầu kỳ đến mức kiêu kỳ của người Pháp, coi như cả thế giới không ai dám cầu kỳ đến như thế.
Hôm nay lên thăm cây cầu, vẫn như mọi khi thỉnh thoảng lên thăm người bạn cũ già nua, vì hôm qua xem trên Facebook một người bạn chia sẻ những bức ảnh chụp trên đó. Thấy là lạ, ngỡ ngàng, vì đằng sau cô bạn là những thanh giằng làm nền, đang rỉ sét. Đúng là lâu nay, cầu không được bảo dưỡng, sơn lại nữa, trong khi chỉ vài năm trước đây nó vẫn được sơn lại thường kỳ bằng một màu ghi xám, khoảng hai mét phía dưới là màu trắng.
Hà Nội, Cầu Long Biên, thủ đô, khóa tình yêu, Chương Dương, Thăng Long
Dạo này có rất nhiều bạn trẻ đưa nhau lên đó chụp ảnh, những thanh rỉ vàng kia thật là một cái phông lý tưởng. Nhưng nó cũng nói lên một điều, "người ta" đang chán nó. "Người ta" là những người đang phải chịu trách nhiệm với Hà Nội, với đất nước, chứ Hà Nội và cư dân Hà Nội, chẳng bao giờ chán những cái gì đã thuộc về Hà Nội cả.
Nghĩ về cái sự "chán" Hà Nội, thì nhiều lý do lắm. Chúng ta cứ thử hỏi, trong số các bạn trẻ đang chụp ảnh trên cầu kia, có bao nhiêu bạn biết được, rằng khi xây cây cầu, người Pháp dùng công nghệ của thế kỷ 19, đã phải cắm một cái ống sắt thật là to xuống sông Hồng, rồi hút nước ra, cho công nhân vào xây trụ cầu bằng đá.
Ngày xưa, người Việt Nam ta oán thán về việc này, lên án rằng thực dân Pháp muốn làm cái cầu để chở sản vật của đất nước thuộc địa về nước mẹ tận châu Âu, nên mới phải đầu tư làm cầu. Những tai nạn lao động tràn nước vào ống thép chết bao nhiêu công nhân đang xây trụ cầu, cũng đã là cái cớ để lên án chế độ thực dân. Ấy thế mà chúng vẫn phải dùng cây cầu cho đến tận năm 1985 có thêm cái cầu Chương Dương và mãi đến sau này sân bay Nội Bài phát huy tác dụng thì cầu Thăng Long mới đỡ phí.
Hôm nay đi lên cầu Long Biên bắt gặp vài cái "khóa tình yêu", chỉ lạ ở chỗ, những người yêu nhau đó họ chọn chỗ để khóa đúng cái chỗ thẳng đuột vô duyên của cầu. Người trẻ bây giờ lạ thế, chọn chỗ thề bồi, sao không chọn chỗ đẹp hơn, sao không ra khóa cái khóa ở chỗ lan can hình số tám đẹp tuyệt vời mà chọn chỗ vô duyên nhất của cây cầu?
(Còn tiếp- Bài 2: Chúng ta chưa bao giờ hiểu Hà Nội)
Người Lang Thang Cuối Cùng/TVN
-------
*Tiêu đề của toàn bộ bài viết là Cây cầu "của tôi". Ảnh trong bài do tác giả chụp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét