Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2014

'TQ điều nhiều tốp phi cơ ra giàn khoan'

Trung Quốc điều 'hàng chục tốp máy bay' đến khu vực giàn khoan HD-981 trên Biển Đông, theo truyền thông Việt Nam, trong lúc có tin diễn ra biểu tình chống Trung Quốc ở một số nơi tại Việt Nam.
Hôm 10/5/2014, tờ báo điện tử VnExpress của Việt Nam cho hay ngoài các phi cơ 'tuần tiễu', phía Trung Quốc tiếp tục điều 'tàu quân sự' ra khu vực giàn khoan được hạ đặt.
"Không chỉ điều hàng chục tốp máy bay tuần tiễu, Trung Quốc còn đưa 79 tàu, trong đó có tàu quân sự ra ngăn cản tàu chấp pháp của Việt Nam trong khu vực đặt giàn khoan trái phép," VnExpress.net nói.
Cùng ngày, tờ Quân đội Nhân dân Việt Nam dẫn lời lãnh đạo lực lượng Cảnh sát Biển Việt Namkhẳng định 'tình hình vẫn diễn biến phức tạp.'
"Tình hình trên biển xung quanh khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngày 9-5, Trung Quốc vẫn sử dụng tới 79 tàu thuộc 6 lực lượng hoạt động tại khu vực," Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam được tờ báo Quân đội dẫn lời nói.
              "Đặc biệt đáng chú ý là Trung Quốc sử dụng 3 tàu quân sự, trong đó có tàu hộ vệ tên lửa 534, hai tàu tuần tiễu tấn công nhanh 752 và 753. Cùng với đó là 39 tàu chấp pháp, gồm 36 tàu hải cảnh và 3 tàu hải tuần, còn lại là tàu vận tải, tàu dịch vụ dầu khí và tàu cá."
"Hành động của phía Trung Quốc rất chủ động, chuẩn bị phương án rất kỹ và luôn bố trí trên 70 tàu ở khu vực này," Tướng Đam nói thêm.
Trước đó, hôm 8/5, Trung Quốc đã mở họp báo về vụ căng thẳng giàn khoan và đưa ra cáo buộc nói các tàu của mình đã "bị các tàu Việt Nam đâm húc 171 lần trong 5 ngày."
Hôm thứ Năm, ông Dịch Tiên Lương, Vụ phó Vụ Biên giới Hải đảo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói:
"Chính tàu Việt Nam đã khiêu khích chuyện này. Chính tàu Việt Nam đã đâm vào tàu Trung Quốc".
Ông Dịch Tiên Lương còn nói trong vòng 5 ngày, Việt Nam đã điều '35 tàu, đâm cản tàu Trung Quốc 171 lần' và cáo buộc trong số tàu Việt Nam 'có tàu vũ trang', trong khi về phía Trung Quốc 'chỉ có tàu dân sự' hoặc 'tàu công vụ không vũ trang'.
'Giải tán, ngăn chặn'

Cuộc 'biểu tình chống TQ' sáng 10/5 ở Sài Gòn đã 'nhanh chóng giải tán'.
Hôm thứ Bảy, có tin diễn ra một số cuộc 'diễu hành, phản đối' Trung Quốc liên quan vụ giàn khoan HD-981 ở vài nơi tại Việt Nam, trong đó có Sài Gòn và Hà Nội.
Tuy nhiên, một blogger từ Sài Gòn phản ánh rằng kế hoạch dự kiến 'diễu hành' với khoảng một trăm người tham dự đến trước tòa lãnh sự Trung Quốc tại Sài Gòn để phản đối Bắc Kinh 'bành trướng' và 'xâm lược' đã bị nhà chức trách thu giữ 'khẩu hiệu', 'băng cờ' v.v... trước khi nhanh chóng diễn ra và 'giải tán' trước khu vực.
Trước đó, cũng có tin vào chiều ngày 9/5, có 'hàng chục người' tham gia phản đối và 'giăng biểu ngữ' trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội.

Trong đó, theo một số bloggers, một số người biểu tình khoác áo đồng phục với dòng chữ No-U, đã 'kêu gọi trả tự do' cho một số bloggers và nhà bất đồng như các ông luật sư Lê Quốc Quân, bà Bùi Minh Hằng và blogger Ba Sàm.
Mặc dù 'có sự xuất hiện đông đảo' của lực lượng an ninh, cuộc biểu tình này đã diễn ra 'khá thuận lợi', theo phản ánh trên mạng xã hội của một số người tham gia.
Sáng 9/5, cũng đã diễn ra một cuộc mít-tinh phản đối Trung Quốc của ngư dân Việt Nam ở huyện đảo Lý Sơn, thuộc tỉnh Quảng Ngãi, theo truyền thông trong nước.
Buổi mít-tinh phản đối việc Trung Quốc 'đưa giàn khoan xuống gần quần đảo Hoàng Sa' do Nghiệp đoàn nghề cá các xã An Hải và An Vĩnh chủ trì có sự tham gia của gần 800 đoàn viên, vẫn theo truyền thông trong nước.
Có tin, một số cuộc biểu tình, mít-tinh khác tại Việt Nam cũng đã được 'lên kế hoạch' vào ngày Chủ Nhật 11/5.
'Kêu gọi kiềm chế'

Biểu tình phản đối TQ' ở Hà Nội chiều 9/5 đã không bị 'can thiệp'.
Vu việc giàn khoan HD-981 của Trung Quốc được cho là đang làm nóng lên bầu không khí trong khu vực ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 24 của các quốc gia khu vực Đông Nam Á (Asean) sắp nhóm tại Myanmar.
Hôm 9/5, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc ông Ban Ki-moon đã đưa ra lời kêu gọi cả Việt Nam và Trung Quốc có các động thái 'kiềm chế tối đa' nhằm tránh căng thẳng trong khi tìm giải pháp cho vụ tranh chấp.
"Ông hối thúc các bên liên quan kiềm chế tối đa và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại và sự tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên Hiệp Quốc," ông Ban Ki-moon được hãng tin AFP hôm thứ Sáu dẫn lời nói.
Thông điệp của ông Ban được đưa ra giữa lúc tàu Trung Quốc và Việt Nam vẫn tiếp tục 'đối đầu' trên biển.

Đại diện Chi đội kiểm ngư 3 của Việt Nam, ông Vương Mạnh Hòa, hôm 9/5 được các báo trong nước dẫn lời cho biết có thêm 3 kiểm ngư viên bị thương trong các cuộc đụng độ với tàu Trung Quốc, nâng con số bị thương từ phía Việt Nam lên 9 người từ khi căng thẳng bắt đầu.
Vị trí đối đầu được tin là ở gần giàn khoan HD-981 của Trung Quốc, hiện đang được đặt ở phía nam đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa, cách đảo Lý Sơn 120 hải lý.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 9/5, ông Lê Khuân, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, cho biết một tàu cá của Quảng Ngãi đã bị hai tàu của Trung Quốc rượt đuổi và đâm trực diện, làm cho hư hỏng nặng khi đang khai thác hải sản gần Hoàng Sa hôm 7/5.
Về phía mình, như tin đã đưa, Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc của phía Việt Nam và nêu quan điểm cho rằng hoạt động của Trung Quốc tại vùng biển 'ngoài khơi Việt Nam' là "hoàn toàn hợp pháp lý và có cơ sở" vì đây là vùng biển "lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc".
"Trung Quốc sẵn sàng thảo luận với Việt Nam, nhưng điều kiện tiên quyết là Việt Nam phải chấm dứt quấy rối ngăn cản hoạt động của Trung Quốc và phải rút ngay tàu cùng người khỏi hiện trường," Vụ phó Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Dịch Tiên Lương nói hôm thứ Năm.

(Theo BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét