Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2014

Giới hạn của quyền lực


               * Ls. NGUYỄN TIẾN TÀI
Vụ việc Công an quận Bình Thạnh (TPHCM) khám xét, thu giữ nhiều ngoại tệ và niêm phong 559 lượng vàng miếng SJC tại tiệm vàng Hoàng Mai gây ngỡ ngàng mới đây lại gợi lên một vấn đề tưởng đã ngã ngũ: giới hạn của quyền lực.
Theo phản ánh trên các báo, có thể tóm tắt vụ việc như sau: khoảng 13 giờ ngày 24-4, trinh sát Đội CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Công an quận Bình Thạnh phát hiện một thanh niên vào tiệm vàng Hoàng Mai trên đường Bùi Hữu Nghĩa, phường 2, quận Bình Thạnh bán 100 đô la Mỹ với giá hơn 2,1 triệu đồng nên ập vào lập biên bản. Ngay sau đó, phía công an đã công bố quyết định và thực hiện khám xét hành chính nơi kinh doanh của tiệm vàng này. Trong quá trình khám xét diễn ra đến 21 giờ, công an đã phát hiện, tạm giữ đưa đi 1.164 đô la Mỹ, 2.300 baht, đồng thời niêm phong 559 lượng vàng miếng SJC (sau đó số vàng này đã được tháo gỡ niêm phong và trả lại cho chủ nhà).
Vụ việc trên gợi nhớ đến một vụ việc tương tự xảy ra cách đây 13 năm. Đó là vào ngày 20-2-2001, cửa hàng số 8 Huỳnh Thúc Kháng, quận 1, TPHCM bán một máy ảnh cũ giá 250.000 đồng cho một khách hàng nhưng không xuất hóa đơn. Vị khách này yêu cầu “mang về nhà hỏi ý kiến gia đình, nếu mua thì ra lấy hóa đơn, còn không sẽ mang trả lại”. Hai hôm sau, hơn chục cảnh sát kinh tế quận 1 bất ngờ ập đến lập biên bản về việc bán hàng không xuất hóa đơn, đồng thời tiến hành khám xét toàn bộ cửa hàng. Việc kiểm tra diễn ra từ 10 giờ đến 18giờ với kết cục hàng loạt sổ sách cùng nhiều hàng hóa gồm 53 máy ảnh, 47 camera và 3 máy trộn kỹ xảo, trị giá hàng trăm triệu đồng bị thu giữ đưa đi. Nhờ có giấy tờ hợp pháp và kiên trì khiếu kiện, chủ cửa hàng sau đó đã được trả lại hàng hóa. Nghe nói nhiều cán bộ công an sau vụ ấy đã bị kỷ luật chuyển công tác khác.
Bài học về vụ khám xét cửa hàng số 8 Huỳnh Thúc Kháng thiết nghĩ vẫn còn nóng hổi. Trong một thể chể văn minh, quyền lực bao giờ cũng phải bị giới hạn và giới hạn rõ nhất là không được xâm phạm tới quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Pháp luật sẽ quy định “lằn ranh đỏ” và chính quyền chỉ được sử dụng quyền lực trong phạm vi và theo cách thức đã được pháp luật quy định. Trong cả hai vụ việc nói trên, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đã quy định rất rõ: việc khám xét hành chính chỉ và chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng ở nơi đó có cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Đây chính là “lằn ranh đỏ” mà cơ quan khám xét không thể được phép vượt qua cho dù có thể họ có những ý định tốt đẹp rằng chúng tôi muốn giăng bắt hốt trọn một mẻ lưới thật to đối với kẻ vi phạm pháp luật.
Điều này cũng tương tự như trong một vụ án hình sự, chỉ khi xác định có đầy đủ dấu hiệu phạm tội cơ quan chức năng mới được quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Bởi vì nếu làm ngược đi, tức là vượt qua “lằn ranh đỏ” thì hành vi ấy có thể sẽ gây ra oan sai, từ đó tác động tiêu cực đến hàng loạt quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hàm oan. Đáng tiếc là hơn 10 năm đã trôi qua kể từ vụ cửa hàng số 8 Huỳnh Thúc Kháng nay lại tiếp tục tái diễn một vụ khám xét tương tự. Trong đó, có cảm giác dường như cơ quan khám xét vẫn lúng túng về “lằn ranh đỏ” khi thực hành quyền lực của mình. Trung tá Đặng Ngọc Vinh, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an quận Bình Thạnh, giải thích về lý do khám xét: “Lúc lập biên bản quả tang... bà Mai kiên quyết không thừa nhận, do đó chúng tôi phải xin lệnh khám xét hành chính từ chủ tịch UBND quận Bình Thạnh để thu thập bằng chứng liên quan tới hành vi vi phạm, đấu tranh, xử lý” (Tuổi Trẻ, 27-4-2014). Nếu đúng như giải thích trên thì rõ ràng việc khám xét hoàn toàn mang tính chủ quan, thay vì chỉ được thực hiện khi có căn cứ cho rằng nơi đó có cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Việc thu thập và sử dụng chứng cứ về hành vi vi phạm trong cả hai vụ việc cũng cho thấy có điều gì đó chưa được minh bạch và theo một cách thức luật định. Trong vụ số 8 Huỳnh Thúc Kháng, chủ cửa hàng bị khám xét cho biết trong qua trình khám xét họ có đề nghị được đối chất với người mua chiếc máy ảnh để làm rõ về việc không xuất hóa đơn nhưng đã bị cán bộ công an “đập bàn” không cho. Còn trong vụ tiệm vàng Hoàng Mai, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, chủ tiệm vàng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu vàng Hoàng Mai, quyết liệt phản đối vì cho rằng mình bị “gài bẫy” khi bị buộc ký vào một biên bản vi phạm, trong đó không có thông tin gì về người thanh niên bán đô la. Người thanh niên này là ai? Tại sao chỉ có chủ tiệm vàng bị lập biên bản trong khi theo quy định cả người mua lẫn người bán ngoại tệ trái phép đều phải bị xử lý vi phạm hành chính? Giả sử nếu đúng là người thanh niên được đưa vào để tạo chứng cứ thì liệu có được phép và chứng cứ đó có giá trị pháp lý hay không? Rất tiếc, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện hành chưa quy định rõ về vấn đề này.
Phải chăng đây là một “kẽ hở” của luật pháp? Tuy nhiên, nếu xét về mặt đạo đức nghề nghiệp cũng như dựa trên nguyên tắc “công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép” thì với những “làn ranh đỏ” ấy cũng đủ để khẳng định việc tạo chứng cứ để xử phạt là hành vi không thể chấp nhận và được phép. Bản thân người được đưa đi “cài” tạo chứng cứ trong một số trường hợp cũng phải bị xử lý vi phạm và do vậy việc tạo chứng cứ đó chính là một hành vi vi phạm pháp luật.

NTT /TBktsg

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét